CNTT không phải là lợi thế
“Cách mạng có nghĩa là thay đổi một cách toàn diện” TS. Nguyễn Ái Việt, nguyên viện trưởng Viện Công nghệ Thông tin, ĐHQG Hà Nội, người phát biểu đề dẫn mở đầu bài nói của mình tại buổi tọa đàm: “Công nghệ thông tin Việt Nam có thể làm gì trong cách mạng công nghiệp 4.0?”, do Tia Sáng phối hợp với Văn phòng Các chương trình KH&CN Quốc gia tổ chức gần đây. Nhận định đó của ông giống như một lời cảnh báo hơn là định nghĩa. Bất kể còn tranh cãi về sự trưởng thành đến độ tinh vi và phức tạp của công nghệ phần cứng, phần mềm kết hợp với trí tuệ nhân tạo và học máy có thể hình thành một cuộc cách mạng công nghiệp mới hay không nhưng các nhà kinh tế và công nghệ trên thế giới đều đồng tình rằng điều này sẽ tạo ra “những điều chưa từng có” ảnh hưởng sâu rộng tới kinh tế, xã hội. Nó “không chỉ thay đổi cách chúng ta làm mà thay đổi chính bản thân chúng ta”, như phát biểu của Klaus Swachb trong hội nghị thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới mà ông sáng lập.
Nếu xảy ra, cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ không chỉ giới hạn trong câu chuyện chúng ta có thể tạo ra công nghệ tân tiến gì mà phải thấy đó là sự thay đổi từ phương thức sản xuất (chẳng hạn từ dây chuyền sản xuất hàng loạt một số ít chủng loại mẫu mã cố định sang sản xuất bằng máy in 3D vừa tạo ra số lượng lớn vừa tùy biến sản phẩm theo nhu cầu riêng của mỗi cá nhân) và thay đổi cấu trúc ngành công nghiệp (có những ngành không đòi hỏi nhiều kĩ năng sẽ biến mất, chẳng hạn như gia công dệt may). “Các dây chuyền lắp ráp điện tử cho Canon hay Samsung sẽ khó có thể cạnh tranh, những người làm ở đó có thể thất nghiệp” – TS. Nguyễn Ái Việt đưa ra ví dụ minh họa cho quan điểm các quốc gia không thể giữ cách làm cũ, nếu không muốn “thua nặng nề” khi cách mạng xảy đến. Ông so sánh Việt Nam “đang ở cửa dưới”, giống như một đội tuyển “bị ép sân” trong một trận bóng đá mà “nếu không ghi bàn thì chỉ có vỡ trận”.
CNTT không phải là thế mạnh, nếu không nói là thế yếu của Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp tới đây. Theo TS. Nguyễn Ái Việt, bức tranh về nội lực của Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ thông tin không ấn tượng như con số về doanh thu và đóng góp vào ngân sách mà nó đưa ra. Cả ngành công nghiệp phần cứng và phần mềm của Việt Nam đều chỉ đang làm thuê ngoài (outsourcing) với kĩ năng rất đơn giản, giá trị gia tăng thấp. Ngành công nghiệp phần cứng mặc dù xuất siêu nhưng đóng góp thực vào GDP không đáng kể, dây chuyền thuộc dạng high volume – low mix (sản xuất với số lượng lớn nhưng sản phẩm ít đa dạng) và nhân lực chỉ dừng lại ở mức độ “thợ sửa chữa”. Có nguy cơ cả máy móc lẫn người thợ đều trở thành “phế thải” khi ngành công nghiệp in 3D lên ngôi. Các kĩ sư phần mềm cũng không khá hơn, phần lớn thiếu kiến thức cơ bản và không đáp ứng nhu cầu công việc, số lượng chuyên gia lại càng ít ỏi. Dịch vụ viễn thông, được cho là nội lực lớn nhất với các công ty Việt Nam chiếm hơn 90% thị trường nội địa nhưng lại “mong manh” trước sự thâm nhập của các doanh nghiệp nước ngoài vì họ chưa thực sự quan tâm đến việc phát triển kĩ năng chăm sóc khách hàng, đa dạng hóa dịch vụ và đầu tư cho nghiên cứu phát triển.
CNTT chỉ đóng vai trò phụ trợ, vấn đề cốt lõi là sử dụng dữ liệu
Theo ông Trần Lương Sơn, người sáng lập Vietsoftware, Việt Nam không nên rơi vào hội chứng “made in Vietnam”, cảm thấy “mặc cảm, tự ti” nếu không đóng góp công nghệ nền tảng của CMCN 4.0 mà nên định vị mình là quốc gia biết “hưởng thụ thích đáng”, nghĩa là biết làm chủ những thành quả công nghệ tân tiến của thế giới nhằm tạo ra các sản phẩm mới, dịch vụ mới phục vụ xã hội và tăng năng suất lao động trên mọi lĩnh vực.
Trên thực tế, mặc dù là một trong những động lực tạo nên cuộc cách mạng nhưng vai trò của CNTT chỉ mang tính hỗ trợ, tạo điều kiện, thậm chí, như TS. Việt nói, có vai trò “thậm chí không bằng cuộc cách mạng cũ” vì các sản phẩm CNTT sẽ trở nên rất rẻ và dễ tiếp cận. Những tổ chức, tập đoàn công nghệ thành công trỗi dậy trên thế giới trong mười năm trở lại đây như Google, Facebook, Amazon không bắt đầu từ việc phát triển một công nghệ thông tin tối tân nhất mà xuất phát từ việc phục vụ một nhu cầu của đời sống sao cho nhanh hơn, rẻ hơn, tốt hơn.
Trong bối cảnh đó, giải pháp cho Việt Nam hiện nay không thể chỉ đơn thuần tập trung đầu tư cho CNTT hay tăng chỉ tiêu đào tạo lập trình viên bởi “trong cuộc cách mạng này thì lập trình viên cũng mất việc như chơi” – TS. Nguyễn Ái Việt nói. Điều quan trọng hơn, theo ý kiến đa số các chuyên gia tại tọa đàm, là Việt Nam cần chuẩn bị về cơ sở vật chất và nhân lực để có thể làm chủ và đưa các thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 vào trong nước. Để làm được điều đó, cần chú trọng đến tri thức mở.
Hãy hình dung với một kho dữ liệu gồm tất cả các nghiên cứu, tư liệu (tranh ảnh, bản đồ, số liệu…) trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn từ lịch sử, dân tộc học, khảo cổ học, của Việt Nam được công bố ở trên mạng, cho phép tất cả mọi người đều được phép truy cập, sử dụng lại và góp ý. Điều này đặc biệt quan trọng với giới khoa học, giúp các nhà khoa học định vị được các công trình nghiên cứu không chỉ trong cộng đồng những người cùng ngành mà còn khác ngành; đặc biệt với kho dữ liệu thô lớn họ có thể dễ dàng tìm kiếm, truy vấn, đưa ra những phát hiện mới, và không rơi vào tình cảnh “khảo tả”, “thấy cái cây mô tả cái rừng” như TS Trần Trọng Dương, Viện NC Hán Nôm, nhiều lần nhận định. Những nhà quản lý có thể theo dõi hiệu quả hoạt động của những cơ sở nghiên cứu, cùng những gợi ý về chính sách. Các doanh nghiệp có thể xây dựng các ứng dụng dựa trên những dữ liệu này, chẳng hạn tạo ra một chatbot (một phần mềm trí tuệ nhân tạo có thể đối thoại trò chuyện với con người) hỏi đáp về các thông tin du lịch Việt Nam hoặc tạo ra ứng dụng thực tế tăng cường, cho phép người sử dụng điện thoại hướng về một di tích là có thể thấy những thông tin về địa danh và gợi ý những địa điểm liên quan… Dữ liệu sinh ra từ những sản phẩm của nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp sẽ tiếp tục bổ sung cho kho dữ liệu ban đầu, tạo ra các ứng dụng mới hoặc những quyết định mới, tốt hơn và nhanh hơn. Hãy tưởng tượng, trong tương lai, nếu kho dữ liệu của Việt Nam có thể tương thích, liên kết với các nước khác nữa…
Từ tri thức mở…
Tri thức mở (open knowledge), cũng giống như nhiều phong trào mở khác, nói đến những tài nguyên cho phép mọi người có thể sử dụng, tái sử dụng, đóng góp một cách tự do mà không bị những rào cản không mong muốn về pháp lý, xã hội hay công nghệ giới hạn. Từ khi có internet, tri thức mở đã tạo ra những ảnh hưởng tích cực (chẳng hạn như Wikipedia) nhưng với sự phát triển của học máy, trí tuệ nhân tạo và internet của vạn vật, nó mới thực sự tạo ra những thay đổi lớn trong xã hội, chia sẻ và kết nối thông tin sâu rộng hơn giữa con người, tạo ra những giá trị mới. Phong trào này đòi hỏi Việt Nam phải xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu lớn về mọi lĩnh vực thiết thân đến đời sống (khoa học, y tế, giáo dục, môi trường, giao thông) và tạo ra cơ chế để cộng đồng có thể tiếp cận, sử dụng và đóng góp một cách thỏa đáng.
Hệ tri thức Việt số hóa là nỗ lực đầu tiên của Việt Nam trong việc hiện thực hóa tri thức mở. Dự án này có tham vọng tập hợp các tri thức trong toàn dân theo nguyên tắc của dữ liệu mở, cho phép cộng đồng có thể vừa khai thác, vừa đóng góp vào đó. Trước mắt, các tri thức sẵn có bao gồm các văn bản pháp luật, thông tin có thể công bố công khai của các cơ quan nhà nước; các đề tài, dự án, công bố, sáng chế KH&CN; các tài liệu giáo dục. Tuy nhiên, việc tập hợp và công bố các dữ liệu trên không phải là chuyện đơn giản. Có những nơi không muốn công khai dữ liệu, chẳng hạn, công trình bách khoa toàn thư vừa được khởi động đầu năm nay có 37 quyển dự kiến sẽ được xuất bản điện tử vấp phải sự phản đối của hơn một nửa số người biên soạn. Theo họ, hơn 30 quyển liên quan đến lĩnh vực KHXH&NV không thể công bố vì “nhạy cảm chính trị” hoặc “cần giữ bản quyền cho tri thức Việt”.
Ông Lê Trung Nghĩa, cố vấn Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Quốc gia về Công nghệ mở chia sẻ trong buổi tọa đàm rằng, hai tổ chức Land Portal (Cổng đất đai) của Phần Lan và Mekong Region Land Governance (Điều hành Đất đai Khu vực sông Mekong), ở Lào do Đức và Thụy Sĩ tài trợ khuyến nghị Việt Nam nên xây dựng và mở các dữ liệu về sở hữu đất đai, về khí tượng thủy văn... để họ có thể phân tích dữ liệu giúp Việt Nam đưa ra các giải pháp về môi trường và góp phần xử lý công bằng tài nguyên đất đai. Tuy nhiên, các chuyên gia phía Việt Nam cho rằng điều đó là rất khó vì dữ liệu tản mát hoặc không thể công bố. Theo các chuyên gia tại buổi tọa đàm, thuyết phục hay kêu gọi các cơ quan nhà nước công khai dữ liệu là chưa đủ và không mấy hiệu quả. Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý tốt hơn cho việc công khai thông tin, trong đó quy định rõ và cụ thể những thông tin nào phải mở cho công chúng, mở theo cách nào, những thông tin nào là bí mật, thời gian giải mật là bao nhiêu năm... Luật tiếp cận thông tin được thông qua vào đầu năm 2017 là khởi đầu của việc “tạo sức ép” cho các cơ quan chia sẻ các dữ liệu của mình.
Tri thức mở còn đòi hỏi các kho dữ liệu của cơ quan, tổ chức, khu vực này phải có khả năng tương thích, liên kết, chia sẻ với các kho dữ liệu của cơ quan, tổ chức, khu vực khác. Muốn vậy, yếu tố quan trọng nhất là “chuẩn mở”, theo ý kiến của ông Lê Trung Nghĩa. Theo đó, nhà nước phải xây dựng các tiêu chuẩn yêu cầu doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức tuân thủ từ bước xây dựng kho dữ liệu cho đến các ứng dụng khai thác dữ liệu. Nếu không, những viễn cảnh về thành phố thông minh, nông nghiệp thông minh, bệnh án điện tử, giao thông thông minh...sẽ không thể thực hiện được. Lấy ví dụ, hiện nay hệ thống chính phủ điện tử của Việt Nam của 63 tỉnh thành và của TW đều được xây dựng dựa trên nguồn đóng, “mỗi nơi một kiểu”, không tương thích với nhau. Điều này không chỉ khiến số tiền đầu tư ban đầu “cao ngất trời”1 mà còn gây nhiều khó khăn, tốn kém khi muốn quản lý dữ liệu hoặc làm việc liên tỉnh sau này. Tuy nhiên, “chuẩn mở” mới chỉ là câu chuyện về kĩ thuật, quan trọng là làm sao để xóa bỏ “tâm lý cục bộ địa phương hoặc lợi ích nhóm”, theo GS.TS Phạm Thế Long, Học viện Kỹ thuật quân sự. Ông nhận thấy có những dữ liệu mà “nơi nào cũng muốn giữ”, chẳng hạn như dữ liệu căn cước của công dân, rất cần lưu thông giữa các tổ chức để mọi người có thể đăng ký các thủ tục cá nhân dễ dàng thì cả Bộ Nội vụ lẫn Bộ Công an đều không muốn chia sẻ, liên kết với nhau và với nơi khác.
Việc yêu cầu các cơ quan nhà nước tham gia vào công cuộc “tri thức mở” mới chỉ là bước đầu tiên, quan trọng là huy động được khối tư nhân tham gia xây dựng, duy trì hệ thống lưu trữ và khai thác các dữ liệu này. Đây là một quá trình lâu dài cần có sự định hướng của Nhà nước giúp họ tự điều chỉnh mô hình hoạt động của mình, thích nghi với các nguyên tắc của dữ liệu mở.
TS. Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục CNTT, Bộ GD&ĐT, từng được biết đến là tác giả của phần mềm soạn thảo văn bản thương mại hóa đầu tiên của Việt Nam – Bked, cho rằng nhà nước không thể định hướng khối tư nhân theo kiểu cũ, can thiệp sâu vào công nghệ hoặc thị trường. Chẳng hạn như việc đặt ra chỉ tiêu phải có bao nhiêu điện thoại bàn, máy tính cá nhân/đầu người giống như chiến lược phát triển công nghệ thông tin ra đời năm 2005 là vô nghĩa (vì công nghệ luôn đi nhanh hơn quyết định của nhà quản lý, kết cục là điện thoại thông minh – một thiết bị kết hợp giữa điện thoại và máy tính ra đời và sự phổ biến của nó nằm ngoài dự tính của những người ra chính sách). Hay việc “bảo bọc” các doanh nghiệp nhà nước, ví dụ như vào năm 2015, Bộ Thông tin và Truyền thông chậm cấp phép 4G là để chờ một số nơi “thu hồi vốn 3G” đã kìm kẹp sức đổi mới sáng tạo và khả năng cạnh tranh của khối doanh nghiệp Việt Nam. Các chuyên gia cho rằng, hiện nay, Việt Nam cần có những hoạt động thúc đẩy thị trường tự do, cạnh tranh bình đẳng và xây dựng những chính sách về sở hữu, sử dụng và khai thác dữ liệu.
… Đến vốn sáng tạo
Để tận dụng và phát huy kho tri thức mở, ông Lê Trung Nghĩa cho rằng, cần phải thay đổi cách thức giáo dục để tạo ra những thế hệ có tư duy khoa học mở, sáng tạo mở. Trước sự thay đổi chóng mặt của công nghệ số, ngành nghề nào cũng đứng trước nguy cơ bị thay thế, vì vậy nhu cầu nhân lực trong tương lai đòi hỏi người làm việc phải đa dạng cả về kĩ năng và kiến thức. Lấy ví dụ về ngành lập trình, TS. Nguyễn Ái Việt cho biết, một lập trình viên trong tương lai sẽ phải biết cách tích hợp nhiều công nghệ, xây dựng hệ thống lớn với nhiều tương tác hơn. Sự phát triển của công nghệ số đã đạt đến mức cho phép sự đan xen, kết nối công nghệ của nhiều lĩnh vực khác nhau (chẳng hạn như chỉnh sửa gene là sự kết hợp giữa CNTT và y sinh) đòi hỏi người lập trình còn phải có kiến thức khoa học cơ bản vững chắc về vật lý, sinh học... Ngoài ra, TS Trần Lương Sơn cho rằng, dựa trên định vị mình là một quốc gia “thụ hưởng” công nghệ, Việt Nam cần xác định phân khúc đào tạo nhân lực biết cách đóng gói công nghệ, tạo ra sản phẩm và nhân lực tham gia nghiên cứu công nghệ mới với thế giới, đặc biệt là những công nghệ liên quan đến an ninh, chủ quyền của đất nước.
Tuy nhiên, TS. Nguyễn Ái Việt e ngại rằng, khái niệm cách mạng công nghiệp 4.0 được đưa ra chỉ như một phong trào và nhà nước không theo đuổi đến cùng, dẫn tới thiếu đầu tư lâu dài cho hệ thống cơ sở hạ tầng và nghiên cứu phát triển, giáo dục đào tạo để cho phép có sự thu thập, trao đổi và xử lý dữ liệu thuận tiện trên phạm vi cả nước. Nhìn ở một khía cạnh lạc quan, tận dụng được đặc điểm kết nối và chia sẻ của cuộc cách mạng 4.0 có thể tạo ra sự thay đổi rất tích cực mà cụ thể là giúp san bằng khoảng cách số giữa thành thị và nông thôn, vùng sâu vùng xa (vì họ đều có thể tiếp cận với tri thức mở) và thúc đẩy sự chia sẻ tri thức, tạo ra những nhóm tổ chức xã hội có khả năng tạo ra những đổi mới sáng tạo, thay đổi xã hội chứ không phải là những “trí thức bị cô lập trong tháp ngà”. Khi đó, Việt Nam mới có nội lực thật sự trong cuộc cách mạng này: “Tính sáng tạo mới là lợi thế, mới là vốn chứ không phải là CNTT” – TS. Nguyễn Ái Việt khẳng định.
--------
1 Đáng lẽ, nếu có chuẩn mở thì chỉ cần đầu tư một lần: sử dụng tài nguyên của một mô hình, một nơi để nhân rộng sang nhiều mô hình, nhiều nơi khác nhau còn hiện nay là đầu tư gấp nhiều chục lần.
Nguồn: Tạp chí Tia Sáng - Bộ Khoa học và Công nghệ
Trích nguồn: Nguyễn Cường T2