Vừa qua, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội đã tổ chức hội thảo về Luật căn cước công dân để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp Quốc hội tháng 10. Đây là vấn đề được dư luận rất quan tâm, bởi trước đó đã có nhiều ý kiến liên quan đến số định danh cá nhân, Chứng minh nhân dân (CMND) 9 số, CMND 12 số và dự án Luật căn cước công dân.
Theo Thiếu tướng Trần Văn Vệ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội, Bộ Công an cho biết, sau khi Quốc hội thảo luận về dự án Luật căn cước công dân tại kỳ họp đầu năm, Ban soạn thảo của Bộ Công an đã phối hợp với Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội tiếp thu các ý kiến, giải trình những thắc mắc của đại biểu Quốc hội để tiếp tục phối hợp hoàn thiện dự án Luật Căn cước công dân. Nếu dự thảo Luật Căn cước công dân được Quốc hội thông qua thì sẽ tồn tại cùng lúc ba loại giấy: CMND 9 số, CMND 12 số và Căn cước công dân.
Nếu được Quốc hội thông qua, người dân sẽ sử dụng ba CMND cùng lúc.
Thiếu tướng Trần Văn Vệ lý giải, về việc cùng lúc tồn tại ba loại giấy vì CMND 9 số đang có hiệu lực 15 năm từ ngày cấp, hiệu lực kể cả khi Luật Căn cước công dân ra đời vì luật có điều khoản chuyển tiếp vẫn công nhận giá trị sử dụng đến khi hết hạn mới phải đổi sang thẻ căn cước theo quy định của luật. Trong khi đó, CMND 12 số đảm bảo cấp cho mỗi công dân một mã số duy nhất, không trùng lặp. Còn Căn cước công dân thực chất là CMND 12 số, chỉ thay chữ CMND bằng chữ Căn cước công dân. Vậy nên khi người dân sử dụng Căn cước công dân sẽ thuận lợi hơn. Bởi Căn cước công dân khi được cấp sẽ liên quan đến số định danh cá nhân của công dân.
Riêng mẫu Căn cước công dân cấp cho người dưới 14 tuổi sẽ có mẫu khác của người đã thành niên. Cụ thể, Căn cước công dân của người dưới 14 tuổi phải có tên cha, mẹ hoặc người giám hộ.
Biên tập: Mai Loan – Trung tâm TTKH&TLGK
Trích nguồn: Báo CAND online