Việc xử lý các cá nhân, tổ chức đăng tải thông tin xuyên tạc, sai sự thật trên các trang thông tin điện tử gây hoang mang trong dư luận, gây thiệt hại về kinh tế, tổn hại danh dự, nhân phẩm của cá nhân, tổ chức khác được nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) quan tâm. ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) đặt câu hỏi: “Hành vi đăng tải những thông tin xuyên tạc, sai sự thật phổ biến trên mạng xã hội; nguy hiểm hơn là những trang facebook giả mạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, ảnh hưởng, gây nhiều hệ luỵ cho chế độ mà nhiều nước cũng đang tìm cách ngăn chặn. Đâu là giải pháp cho Việt Nam?”.
ĐBQH Nguyễn Tạo (Lâm Đồng), Trần Công Thuật (Quảng Bình) lo ngại môi trường mạng xã hội nhiều vấn đề gây bức xúc dư luận, đặc biệt phát tán nhiều thông tin xấu, phản cảm, đồi truỵ, thiếu văn hoá, gây thù hằn, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc… khiến người dùng rơi vào thế “mê hồn trận”, xấu nhiều hơn tốt; thường xuyên đối mặt với nguy cơ bị kẻ xấu tấn công; đồng thời đề nghị Bộ TT&TT có những giải pháp để giải quyết triệt để.
|
ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương
|
Mạng xã hội như "con đường" có người tốt, kẻ xấu
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, nước ta hiện có khoảng 45 triệu người có tài khoản facebook; là một trong 10 nước sử dụng tài khoản youtube nhiều nhất thế giới… Nhìn chung, mạng xã hội là sân chơi vô cùng hữu ích, làm thay đổi tận gốc cung cách truyền thông và giáo dục, học tập truyền thống. Sự phát triển, thu hút của mạng xã hội là tất yếu, chúng ta cần tận dụng ưu điểm của mạng xã hội để phục vụ cho cuộc sống của người dân và sự phát triển của đất nước.
Tuy nhiên mạng xã hội như 1 “con đường” đi, trên “con đường” đó cũng có người tốt, kẻ xấu. Người tốt sử dụng mạng xã hội để đem điều tốt đến cho cộng đồng, xã hội; còn người xấu dùng mạng xã hội để làm điều ác. Tin tức lan truyền trên mạng xã hội với tốc độ chóng mặt, do đó tin tốt gây hiệu ứng tích cực, còn tin xấu thì gây hậu quả khôn lường. “Ở nước ta, các thế lực thù địch, đối tượng cơ hội chính trị đang triệt để sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền chống Đảng và Nhà nước, thông tin sai sự thật hoặc thật giả lẫn lộn để gây hoang mang cho người dân, tạo bất an cho xã hội…”– Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhận định.
Theo Bộ trưởng, mạng xã hội hiện nay được cung cấp bởi hai nguồn: Một là từ các cơ quan báo chí chính thống và hai là truyền thông xã hội do tổ chức, cá nhân không phải cơ quan báo chí đăng tải. Đối với các thông tin xấu, chủ yếu là từ nguồn truyền thông xã hội do tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam.
“Vấn đề đặt ra ở đây là gì? Chúng ta có đủ luật pháp để điều chỉnh hành vi của người dùng tại Việt Nam nhưng “con đường” lại được điều chỉnh bởi luật lệ nước ngoài. Nên hành vi của người dùng nước ngoài vào Việt Nam không kiểm soát được” – Bộ trưởng Bộ TT&TT phân tích, nhưng khẳng định gần đây Bộ đã có Thông tư 38 ngày 26-12-2016 yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp chi tiết về việc cung cấp thông tin công cộng qua biên giới. Và bước đầu đã có cơ sở pháp lý để yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp thông tin qua biên giới phải có trách nhiệm phối hợp, gỡ bỏ thông tin vi phạm theo quy định của pháp luật Việt Nam.
|
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn trả lời chất vấn
|
Thông tin báo chí chính thống cần chính xác, kịp thời
Bàn về giải pháp truyền thông, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho rằng, để đối phó với thông tin xấu trên mạng xã hội thì cần thiết có tính chính xác, kịp thời của thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bởi khi thông tin trên báo chí chính thống không đầy đủ hoặc chậm thì người dân sẽ tìm đọc trên mạng xã hội.
Bộ trưởng khẳng định, đối với các trường hợp vi phạm mà xác định được nhân thân của người vi phạm thì áp dụng các quy định của pháp luật hiện hành để xử lý. Trong năm 2015, Bộ TT&TT đã xử phạt hành chính 11 trường hợp, 2016 xử phạt 4 trường hợp. Tính từ đầu năm 2017 đến nay đã xử phạt 10 trường hợp.
Đối với các trường hợp không xác định được nhân thân, thời gian gần đây khi có Thông tư 38, Bộ TT&TT đã có cơ sở pháp lý yêu cầu các doanh nghiệp (Google, Youtube, Facebook…) tuân thủ các quy định pháp luật Việt Nam, gỡ bỏ thông tin sai phạm. Phía Google đồng ý yêu cầu thiết lập cơ chế riêng để gỡ bỏ số lượng lớn các video clip vi phạm trên Youtube.
“Thời gian vừa qua Bộ TT&TT đã gửi yêu cầu đề nghị ngăn chặn, gỡ bỏ hơn 2.200 clip xấu, độc chủ yếu nói xấu, bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước.. Đến 12-4-2017 đã ngăn chặn, gỡ bỏ 1.299 video clip trên Youtube, trong đó có việc phối hợp xử lý kênh phản động có hơn 500 clip như vậy… Trong tháng tới, Bộ TT&TT sẽ làm việc tiếp với Facebook đề nghị gỡ bỏ các trang mạo danh các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Giám đốc điều hành nội dung của Facebook đã đồng ý đến Việt Nam làm việc về vấn đề này vào cuối tháng 4” – Bộ trưởng Trương Minh Tuấn thông tin thêm.
|
Toàn cảnh phiên chất vấn
|
Cần thiết có mạng xã hội do doanh nghiệp Việt Nam thành lập
Bộ TT&TT cũng đã thành lập tổ xử lý thông tin vi phạm trên mạng bao gồm nhiều cơ quan như Bộ Công an để phối hợp, xử lý thông tin vi phạm một cách nhanh chóng, hiệu quả nhất, từ việc phát hiện sát vi phạm cũng như thực hiện các biện pháp hành chính ngăn chặn kỹ thuật…
Về giải pháp kỹ thuật, Bộ đã nắm bắt các doanh nghiệp trong nước cho tổ chức, cá nhân nước ngoài thuê chỗ lưu trữ thông tin (máy chủ), trong đó chủ yếu cho Google và Facebook thuê. Điển hình VNPT cho Google thuê 608 máy chủ, cho Facebook 120 máy chủ; Viettel cho Google 334 máy chủ, cho Facebook thuê 96 máy chủ… “Đặc biệt là các đơn vị này đều cho thuê miễn phí hoặc phí bao gồm trong gói cước. Tới đây Bộ sẽ có giải pháp then chốt về mặt kỹ thuật yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài phải tuân thủ pháp luật Việt Nam”.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng đưa ra giải pháp thúc đẩy phát triển mạng xã hội của Việt Nam do người Việt Nam xây dựng. “Đây là giải pháp dài hạn, chúng ta phải có những mạng xã hội tương đương, có khả năng thay thế, cạnh tranh với Facebook do doanh nghiệp Việt Nam thành lập”. Cùng với đó là thiết lập với các đầu mối dịch vụ, doanh nghiệp nước ngoài; đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế…
Trích nguồn: Báo CAND
Biên tập: Hoàng Linh