Khác với sự bận rộn của một nhà nông truyền thống, sáng đầu tuần, anh Nguyễn Đức Huy (36 tuổi, ngụ phường 9, TP Đà Lạt) vẫn rủng rỉnh thời gian ngồi thưởng thức cà phê để trao đổi “nghiệp vụ” làm nông thời công nghệ 4.0 với các đồng nghiệp.
Thong dong như vậy nhưng không có nghĩa người sáng lập ra HTX Rau thủy canh Việt này buông lỏng quản lý, giám sát, ngược lại, anh đang nắm rất rõ quy trình chăm sóc, tưới tiêu, sinh trưởng của từng loại cây trồng trên các nông trại trong và ngoài tỉnh. Cây trồng sắp bị bệnh gì, loại dịch bệnh nào sẽ xuất hiện trong thời gian sắp tới anh Huy biết rất rõ chỉ bằng một cái click chuột trên máy tính xách tay hoặc cú bấm trên điện thoại di động thông minh.
Đó chính là nhờ vào bộ “VietPorics Control System – Hệ thống kiểm soát VietPorics” do anh nhiều năm nghiên cứu, thiết lập dựa trên cơ sở thu thập dữ liệu sinh trưởng, phát triển và các yếu tố môi trường tác động tới các loại cây trồng.
Tốt nghiệp Kỹ sư Công nghệ sinh học Trường Đại học Đà Lạt, anh Huy dành một năm ở nhà tiếp tục ôn luyện tiếng Anh để thi cao học tại Đại học Khoa học Tự nhiên TP Hồ Chí Minh. Năm 2010, anh bảo vệ thành công đề tài Cao học chuyên đề Sinh lý thực vật. Đây là cơ sở vững chắc để anh tự tin bắt tay vào nghiên cứu trên các loại cây trồng nhằm tối ưu hóa các quy trình sản xuất dựa trên nền tảng của việc ứng dụng khoa học công nghệ. Trở về quê nhà Đà Lạt, anh bắt tay vào công việc của một nhà nông thực sự. Công nghệ tự động là mục tiêu hàng đầu đối với anh trong sản xuất nông nghiệp.
|
Anh Nguyễn Đức Huy quản lý giám sát cây trồng tại các nông trại qua điện thoại.
|
Sau nhiều năm làm nông, anh đã thu thập được các dữ liệu vô sinh và hữu sinh trên từng loại cây trồng. “Điều kiện để đi đến thành công của sản xuất rau sạch là phải đưa ra một quy trình kỹ thuật chăm sóc chính xác cho từng loại rau. Dứt khoát phải được thực hiện tự động bằng công nghệ chứ không phải sức người”, Huy nói. Đó cũng là lý do anh bắt tay nghiên cứu, thiết lập nên bộ “VietPorics Control System – Hệ thống kiểm soát VietPorics”.
Hệ thống được lắp đặt cùng một lập trình chứa các thông số nguồn vô sinh và hữu sinh trên cây trồng, được cài đặt sẵn trong chiếc điện thoại thông minh và máy tính xách tay. Nguyên lý hoạt động của hệ thống kiểm soát là các cục thu thập dữ liệu được lắp đặt tại vị trí có những loại rau khác nhau trong vườn. Chúng sẽ tự động nhận dữ liệu truyền về bộ điều khiển. Bộ điều khiển này sẽ truyền tất cả các dữ liệu đã thu thập được trên vườn về thiết bị được kết nối với máy tính, điện thoại thông minh qua sóng wifi.
Trên máy tính và điện thoại của Nguyễn Đức Huy, các thông số kỹ thuật để chăm sóc cho từng loại cây trồng đã được lập trình sẵn. Khi các dữ liệu được thu thập trên vườn tải về sẽ tự động đối chiếu với thông số kỹ thuật trên máy tính và điện thoại, từ đó cho ra kết quả chăm sóc cho vườn rau đã chính xác hay chưa.
Ưu điểm vượt trội của việc ứng dụng công nghệ này là mọi thứ đều “chạy” theo một chương trình cài đặt, từ thiết lập lượng chất dinh dưỡng cần dùng cho cây, độ pH, hoặc nếu độ ẩm trong đất vượt quá mức thì hệ thống sẽ tự động cảnh báo nguy cơ bị nấm bệnh, từ đó người chăm sóc sẽ điều chỉnh phun loại thuốc bảo vệ thực vật nào.
“Với hệ thống tưới nhỏ giọt hoặc trồng thủy canh, kết hợp bón chất dinh dưỡng theo công nghệ Israel, khi cây trồng thiếu ẩm, hệ thống sẽ tự động bật, không cần con người ấn định giờ bật máy hay lượng nước tưới, ngay cả khi đang ngủ”, anh Huy cho biết. Chúng tôi được anh Huy mở điện thoại cho xem các biểu đồ hiển thị nhiệt độ, lượng tưới nước - hòa tan phân, độ ẩm của đất, độ phân giải của giá thể…
Mọi thông tin trên vườn đều được cập nhập đến từng giây. Với chiếc điện thoại và toàn bộ thông số kỹ thuật của vườn rau trên tay, nếu muốn điều chỉnh bất kỳ thông số nào, như tăng hoặc giảm lượng nước tưới, chất dinh dưỡng... anh cho biết chỉ cần một cái bấm nút lập tức các lệnh điều khiển được tự động vận hành hệ thống nhịp nhàng trong vườn.
“Từ khi xây dựng thành công hệ thống kiểm soát trên vườn, tôi thường làm việc trực tuyến hơn là phải trực tiếp ra vườn”, anh Huy chia sẻ. Do vận hành sản xuất bằng hệ thống tự động chăm sóc cây trồng với độ chính xác về kỹ thuật gần như tuyệt đối, các nông trại của HTX Rau thủy canh Việt phát triển rất tốt. Các mối nguy hại về hóa học, vật lý, sinh học... đều được hệ thống cài đặt trong vườn tự động kiểm soát chặt chẽ.
Hiện nông dân Nguyễn Đức Huy đang liên kết hợp tác với hàng chục hộ dân không chỉ trên địa bàn Lâm Đồng mà cả một số tỉnh trong khu vực. Diện tích canh tác do anh làm chủ đã được mở rộng lên tới trên 20ha với hàng chục sản phẩm chủ lực như cà chua, xà lách các loại, súp lơ, dưa lưới, bắp cải...
Tất cả những người liên kết hợp tác đều được anh Huy đào tạo, hỗ trợ chuyển giao công nghệ sản xuất nông nghiệp tự động với bộ “VietPorics Control System – Hệ thống kiểm soát VietPorics”, hoàn toàn miễn phí. Hiện mỗi ngày, anh Huy cung cấp cho các thị trường lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng hàng tấn rau, củ, quả với giá ổn định quanh năm.
Trích nguồn: Báo CAND