Sản phẩm khoa học được nghiên cứu, ứng dụng trong thực tiễn không chỉ có giá trị đối với một lĩnh vực, một đề tài cụ thể mà cao hơn còn mang ý nghĩa quốc gia, sự khẳng định của thương hiệu Việt trên trường quốc tế và khu vực, về hình ảnh của con người Việt Nam trong bối cảnh phát triển mới của thế giới.
Bởi lẽ đó, khi đại dịch COVID-19 càn quét, dù đẩy mạnh hệ thống nhập khẩu sản phẩm từ nước ngoài như vaccine phòng ngừa, kit test phát hiện virus SARS-CoV-2 thì Nhà nước ta vẫn chú trọng thúc đẩy sản phẩm sản xuất từ trong nước. Trước loại virus mới gây hiểm họa toàn cầu, việc có sản phẩm khoa học mang tên “made in Việt Nam” không chỉ là sản phẩm có công dụng thuần túy mà nó còn là niềm tự hào dân tộc, sự kiêu hãnh, vinh dự của người Việt. Chúng ta mong muốn thúc đẩy khoa học công nghệ nước nhà phát triển, có vị thế trước hết ở khu vực thì đây chính là cơ hội để khoa học tìm được tiếng nói và khẳng định tiếng nói đó.
Hồi tháng 2-2020, tức ngay giai đoạn khởi đầu của đại dịch COVID-19, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) giao Học viện Quân y làm đơn vị chủ trì công trình “Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và real-time RT-PCR phát hiện chủng virus Corona mới 2019 (2019-nCoV)” với 17 thành viên tham gia. Trong đó, PGS.TS Hồ Anh Sơn, Học viện Quân y là chủ nhiệm đề tài, bên cạnh đó là các thành viên của Học viện cùng 4 thành viên của Công ty CP Công nghệ Việt Á. Đây là nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia được cấp tổng kinh phí 18,98 tỷ đồng, được chi toàn bộ từ ngân sách sự nghiệp khoa học.
Ngày 5-3-2020, Bộ KH&CN tổ chức họp báo giới thiệu về bộ kit test COVID-19 của người Việt, với tư cách là một đề tài nghiên cứu trọng điểm cấp Nhà nước do chính Bộ KH&CN phê duyệt, cấp vốn. Đến ngày 4-12-2020, Bộ Y tế quyết định cấp phép lưu hành 5 năm đối với bộ sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2 của Công ty CP Công nghệ Việt Á. Sản phẩm được khẳng định là kết quả của khoa học, công nghệ Việt.
Trả lời phỏng vấn báo chí vào tháng 3-2021, Trung tướng, GS.TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y cho biết, thời điểm Việt Nam xuất hiện những ca bệnh nhiễm virus Corona (nCoV) đầu tiên thì số lượng bộ kit xét nghiệm ở nước ta rất hạn chế, phải dựa hoàn toàn vào sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Trong bối cảnh cấp bách ấy, ngày 30-1-2020, Bộ KH&CN tổ chức cuộc họp ứng phó với dịch bệnh này và triển khai một số nhiệm vụ khoa học cấp thiết; trong đó, giao Học viện Quân y thực hiện đề tài đột xuất.
“Bằng bản lĩnh, trí tuệ và quyết tâm của người “chiến sĩ áo trắng”, các nhóm nghiên cứu của Học viện đã chạy đua với thời gian, làm việc không kể ngày đêm để nghiên cứu, chế tạo thành công bộ kit xét nghiệm với nhiều ưu điểm nổi trội, được Hội đồng Khoa học đánh giá cao, Bộ Y tế cấp phép lưu hành ngày 4-3-2020. Trên thực tế, bộ kit đã chứng minh là công cụ hiệu quả, phục vụ việc xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 ở nước ta thời gian qua” - GS.TS Đỗ Quyết khẳng định.
Sự vào cuộc của Học viện Quân y trong cuộc chiến phòng, chống COVID-19 không chỉ là sự vào cuộc của một đơn vị học viện, một ngành, một lĩnh vực mà cao hơn, đó là sự vào cuộc đại diện cho khoa học đất nước trong bối cảnh cả thế giới gồng mình chống dịch bệnh mà nhiệm vụ tiên phong là tìm kiếm vaccine và kit xét nghiệm, phát hiện virus.
Nhưng. Có lẽ chúng ta cảm thấy ái ngại, trăn trở cũng chính vì chữ “nhưng” này. Là đề tài nghiên cứu cấp quốc gia, nhiều nhân sự của Công ty Việt Á cũng có nhiệm vụ nghiên cứu này tại giai đoạn nghiên cứu ở quy mô phòng thí nghiệm. Sau đó, được chuyển giao để sản xuất quy mô lớn tại cơ sở sản xuất tại Công ty Việt Á. Vậy nhưng, công ty đã lợi dụng để thu lợi bất chính số tiền hàng nghìn tỷ đồng. Trái với hình dung của người dân về quy mô nghiên cứu, sản xuất xứng tầm thì ngược lại, với phòng sản xuất rộng khoảng 10m2, máy móc lèo tèo gồm vài chiếc tủ cấp đông và vài chiếc máy tách chiết, mỗi ngày 10 nhân viên của Công ty Việt Á không hiểu bằng cách nào pha chế được 30.000 bộ kit xét nghiệm COVID-19 để cung cấp ra thị trường?
Và sự thật được làm rõ.Theo Tổng cục Hải quan, Phan Quốc Việt là Giám đốc điều hành Công ty CP Công nghệ Việt Á có 5 chi nhánh và đứng tên giám đốc trên 11 công ty. Từ tháng 9 đến tháng 12-2021, mặt hàng thành phẩm là que thử test nhanh xét nghiệm định tính kháng nguyên virus SARS-CoV-2 chủng loại Novel Coronavirus 2019-nCoV Antigen test (Colloidal Gold), mới 100% được công ty nhập khẩu từ Trung Quốc là 3 triệu test, giá khai báo 0,955 USD/test (khoảng 21.560 đồng/test), với tổng trị giá là 64,68 tỉ đồng... Như vậy, Công ty Việt Á đã nhập kit test từ Trung Quốc với giá chỉ hơn 21 nghìn đồng rồi dán bao bì, nhãn hiệu Việt Á để tung ra thị trường, bán chênh gấp nhiều lần. Và, sự thực trong 17 thành viên nghiên cứu của đề tài khoa học quốc gia, người ta vỡ lẽ vì sao lại có tới 4 người của Việt Á vốn chỉ “dân làm ăn”, không liên quan gì khoa học, công nghệ.
Tại kỳ họp thứ 12, Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Học viện Quân y các nhiệm kỳ 2015-2020, 2020-2025. Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy: Ban Thường vụ Đảng ủy Học viện Quân y đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc của cấp ủy; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để một số cán bộ, lãnh đạo Học viện vi phạm nghiêm trọng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng trong quá trình đề xuất, tổ chức thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ cấp quốc gia nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm xét nghiệm COVID-19 phục vụ công tác phòng, chống dịch và việc mua sắm vật tư, kit xét nghiệm từ Công ty CP Công nghệ Việt Á. Các cá nhân chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao cũng đã được nêu ra.
“Những vi phạm nêu trên đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí lớn ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng và Học viện Quân y, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật” - kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu.
Với những gì đã diễn ra, rõ ràng sự mất mát trong vụ việc này không chỉ là số tiền Nhà nước bỏ ra cho nghiên cứu khoa học, không chỉ là số tiền mà các bên kê khống để trục lợi. Sự mất mát lớn hơn chính là niềm tin vào khoa học, niềm tin của người dân và của cơ quan nhà nước khi kỳ vọng, trông đợi vào sản phẩm mang tên khoa học của đất nước được xướng tên, sử dụng trong cơn bão đại dịch COVID-19. Và, sự kỳ vọng, trông đợi lớn bao nhiêu thì nay, đối nghịch lại chính là thất vọng.
Chúng ta hiểu rằng, những gian lận trong khoa học công nghệ không phải bây giờ mới có và cũng không phải chỉ riêng một đơn vị nào. Thực sự, với truyền thống đào tạo và nghiên cứu khoa học như Học viện Quân y, danh tiếng của Học viện không chỉ trong ngành, trong nước mà còn có ảnh hưởng nhất định ở tầm khu vực, quốc tế. Thật đáng tiếc khi sự việc được phanh phui cũng trong tháng 3, tháng mà Học viện kỷ niệm ngày truyền thống (10-3-1949).
Tôi vẫn nhớ ý GS.TS Đỗ Quyết nói năm trước rằng “Học viện cũng luôn có đội ngũ cán bộ làm khoa học đủ tâm, tầm, trí, sẵn sàng phục vụ, cống hiến, góp phần tạo nên thương hiệu “Học viện Quân y”. Vậy mà nay xảy ra điều đó, sai phạm đã được cơ quan chức trách chỉ rõ và những cá nhân liên quan phải chịu trách nhiệm với các hình thức xử lý tương ứng.Nhưng, điều quan trọng nhất chính là sự cảnh tỉnh.
Niềm tin đã lung lay, hụt hẫng nhưng có mất đi hay không phụ thuộc sự nhìn nhận thực tế để cải sửa, để khắc phục và sự cảnh tỉnh đó không chỉ với một cá nhân, một đơn vị mà là sự cảnh tỉnh chung cho cách làm khoa học, nghiên cứu ở nước ta. Đất nước muốn vươn tầm, muốn “sánh vai cường quốc năm châu” thì đòn bẩy là ở khoa học, đào tạo, lẽ nào lại gian dối khoa học vì các động cơ khác nhau. Đó cũng chính là mục đích mà Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII hướng đến, lấy xử lý nghiêm để răn đe, phòng ngừa chung, để gột rửa những góc khuất, vết nhám, để những cái tên như Học viện Quân y cùng những cái tên khác vốn có truyền thống, danh tiếng về đào tạo, nghiên cứu khoa học công nghệ nước nhà lấy lại niềm tin nơi đã trao gửi, giữ và phát huy tốt hơn truyền thống, hình ảnh của chính mình trong hiện tại và tương lai.
Nguồn: Báo CAND