Dự luật Căn cước công dân được bố cục 5 chương 36 điều. Đa số các đại biểu Quốc hội đều tán thành với việc ban hành Luật Căn cước công dân tại buổi thảo luận tổ, sáng 9-6. Qua phân tích các đại biểu cho thấy, với yêu cầu phải hiện đại hóa giấy tờ về căn cước công dân, ứng dụng thành tựu khoa học, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, phù hợp với xu hướng của các nước trên thế giới, trong khi đó, kỹ thuật, công nghệ cấp, quản lý chứng minh nhân dân còn lạc hậu, không đáp ứng được yêu cầu ngày càng tăng của nhân dân. Việc sử dụng thẻ căn cước công dân theo công nghệ tiên tiến vừa bảo đảm bền, đẹp, chống làm giả, vừa có khả năng tích hợp nhiều thông tin cần thiết để góp phần đơn giản hóa giấy tờ cho công dân, từng bước thực hiện Chính phủ điện tử. Tuy nhiên, còn một số vấn đề cần bổ sung để hoàn thiện hơn.
Theo đại biểu Nguyễn Đức Chung (Hà Nội), dự án luật chưa quy định đầy đủ các nội dung liên quan đến công tác cấp và quản lý căn cước công dân. Cần xây dựng thêm một chương riêng quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, dữ liệu căn cước công dân. Trong đó, quy định cụ thể về nội dung, trình tự, quy trình, thẩm quyền quản lý, sử dụng và khai thác thông tin cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, dữ liệu căn cước công dân. Về thẻ căn cước công dân, đại biểu Nguyễn Đức Chung cho rằng, Bộ luật Hình sự đã quy định người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm đối với tội phạm nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Nhưng nếu Luật Căn cước công dân quy định 15 tuổi trở lên mới in ảnh, vân tay và đặc điểm nhận dạng thì công tác điều tra tội phạm sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi những người từ đủ 14 tuổi đến đủ 15 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Đại biểu đề nghị, cần điều chỉnh lại độ tuổi in ảnh, vân tay và ghi đặc điểm nhân dạng vào thẻ căn cước công dân cho phù hợp với tình hình thực tế và đặc điểm sinh học của con người.
Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Kim Tuyến (Hà Nội) và một số đại biểu cho rằng, ngoài những đặc điểm nhân dạng như màu da, khuôn mặt, nốt ruồi..., thẻ căn cước công dân phải bổ sung thêm thông tin về nhóm máu. Các đại biểu giải thích, đặc điểm nhận dạng khác có thể thay đổi bằng công nghệ, nhưng riêng nhóm máu, công nghệ cao siêu đến mấy cũng không thể thay đổi được. Do vậy, dự án luật cần bổ sung thông tin về nhóm máu trong đặc điểm nhận dạng của thẻ căn cước công dân. Xung quanh quy định về cơ sở dữ liệu căn cước công dân, đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng) đề nghị, dự án Luật cần có quy định về sự kết nối giữa cơ sở dữ liệu căn cước công dân do Bộ Công an quản lý với cơ sở dữ liệu về hộ tịch do Bộ Tư pháp quản lý để tránh trùng lặp, chồng chéo, gây phiền hà cho người dân. Bên cạnh đó, thông tin cơ bản về công dân cần phải được quản lý thống nhất từ khi sinh ra đến khi chết trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tuy nhiên, yêu cầu này vẫn chưa được thể hiện một cách rõ ràng trong dự án luật, đề nghị cần nghiên cứu kỹ hơn nữa vấn đề này.
Những tính năng vượt trội
Thẻ căn cước công dân (thay thế chứng minh nhân dân) là giấy tờ tùy thân có giá trị chứng nhận căn cước của công dân Việt Nam, do cơ quan có thẩm quyền cấp từ cơ sở dữ liệu căn cước công dân. Dự thảo Luật quy định, nội dung thẻ căn cước công dân phản ánh thông tin cơ bản về công dân, phục vụ cho việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của công dân nhưng vẫn bảo đảm giữ bí mật đời tư cá nhân. Đa số các đại biểu đồng tình với việc tiện lợi khi sử dụng thẻ căn cước công dân. Vì rằng, trên thẻ có thông tin về nơi thường trú của công dân. Sau khi hoàn thành cơ sở hạ tầng và tích hợp đầy đủ dữ liệu về công dân sẽ bỏ sổ hộ khẩu. Trên thẻ căn cước công dân cũng có thông tin về họ và tên khai sinh, họ và tên gọi khác, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, dân tộc. Các thông tin này được tích hợp từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nên công dân có thể sử dụng thẻ căn cước công dân để chứng minh các thông tin này trong việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của công dân mà không cần phải sử dụng một số giấy tờ khác của công dân. Mặt khác, trên thẻ căn cước công dân có số định danh cá nhân của mỗi người, giúp cho công dân thuận tiện khi giải quyết các thủ tục hành chính, thực hiện các giao dịch dân sự, giúp cơ quan, tổ chức kiểm tra, khai thác các thông tin về công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Khoản 2 Điều 18 dự thảo Luật quy định, trên thẻ căn cước công dân có bộ phận điện tử để lưu trữ, khai thác thông tin về công dân. Quy định này làm cơ sở tích hợp các thông tin cần thiết trên thẻ căn cước công dân để phát triển thành thẻ công dân điện tử. Về số thẻ căn cước công dân, nếu như trước đây, số chứng minh nhân dân sẽ thay đổi khi công dân thay đổi nơi thường trú từ tỉnh này sang tỉnh khác nên rất khó quản lý và có thể lặp lại ở người khác, thì nay dự thảo Luật quy định theo hướng số định danh cá nhân được sử dụng làm số thẻ căn cước công dân. Trường hợp đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân thì số thẻ Căn cước công dân vẫn giữ đúng theo số định danh cá nhân đã cấp. Đồng thời, dự thảo Luật quy định rõ: Số định danh cá nhân là mã số công dân gồm 12 số tự nhiên, được xác lập từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an quản lý thống nhất trên toàn quốc; được cấp cho mỗi công dân Việt Nam và không lặp lại ở người khác, dùng để xác định dữ liệu cụ thể của một người trong cơ sở dữ liệu.
Về hạn sử dụng của thẻ căn cước công dân, một số đại biểu phân tích, hiện quy định hạn sử dụng của giấy tờ về căn cước công dân là 15 năm, kể từ ngày cấp. Thực tế cho thấy, quy định này chưa phù hợp với công dân ở các độ tuổi khác nhau do ở mỗi độ tuổi thì mức độ thay đổi về đặc điểm nhân dạng là khác nhau, do vậy, quy định như dự thảo luật là phù hợp. Dự thảo Luật quy định theo hướng: Đối với thẻ của người dưới 15 tuổi thì hạn sử dụng là từ khi cấp đến khi người đó đủ 14 tuổi, đối với thẻ của người từ 15 tuổi đến dưới 25 tuổi thì hạn sử dụng là 10 năm, kể từ ngày cấp. Đối với thẻ của người từ đủ 25 tuổi đến dưới 70 tuổi thì hạn sử dụng là 15 năm, kể từ ngày cấp. Riêng đối với người từ 70 tuổi trở lên thì không xác định hạn sử dụng của thẻ. Về người được cấp thẻ căn cước công dân, một bước tiến quan trọng của dự thảo luật là cấp thẻ căn cước công dân cho công dân dưới 15 tuổi, ngay từ khi làm thủ tục khai sinh để bảo đảm quyền công dân theo Hiến pháp năm 2013.
Biên tập: Mai Loan - Trung tâm TTKH&TLGK Trích nguồn: Báo CAND online