Từ những buổi làm việc xuyên đêm
“Làm hết việc chứ không hết giờ”, “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, “thực hiện nhiệm vụ kép”, “người dân còn đến, còn làm việc”, “biến thách thức thành hành động”..., hàng loạt khẩu hiệu như thế đã ra đời cùng “chiến dịch” đặc biệt ấy. Nó đã trở thành động lực, mục tiêu để mỗi cán bộ, chiến sĩ công an vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ. Thế nên, gần 2 năm qua, ở bất kỳ một địa bàn, khu dân cư đặt điểm cấp căn cước công dân lưu động, người dân đều thấy ánh đèn sáng xuyên đêm với hình ảnh người cán bộ công an cặm cụi làm việc, từ lấy dấu vân tay, thu thập dữ liệu của từng công dân cho đến nhập liệu máy tính...
Chưa bao giờ, lực lượng Công an mà chủ công là lực lượng Quản lý hành chính về trật tự xã hội cùng lúc thực hiện nhiệm vụ kép như thế. Họ vừa tham gia cùng các lực lượng khác phòng, chống đại dịch COVID-19, vừa đảm bảo công tác chuyên môn thường ngày, lại cùng lúc triển khai công việc của dự án.
Điểm cấp căn cước lưu động đặt tại một nhà văn hóa thôn ở huyện Đông Anh, Hà Nội, 22 giờ, người dân vẫn tập trung chờ đến lượt làm thủ tục. Máy lấy vân tay, máy chụp ảnh hoạt động hết công suất. Tổ làm căn cước lưu động tại đây gồm 2 cán bộ trẻ của Đội Cảnh sát hình sự, Công an huyện Đông Anh được huy động, hỗ trợ Đội Quản lý hành chính về trật tự xã hội. Đêm khuya dần, ngay đến người dân ngồi chờ một lúc cũng cảm thấy mệt mỏi, sốt ruột nhưng những cán bộ công an trẻ vẫn có thái độ làm việc tích cực, thi thoảng tếu táo vài câu để tạo không khí vui vẻ cho bà con.
Ở một địa điểm khác, Phòng Quản lý hành chính về trật tự xã hội của Công an TP Hà Nội cũng cử một tổ lưu động về làm căn cước có gắn chip cho kịp tiến độ. Các thành viên trong tổ chủ yếu là cán bộ nữ trẻ, có người phải gửi con nhỏ cho ông bà, miết mải hết ngày này qua ngày khác từ 6 giờ sáng và lúc trở về có khi đã là 4 giờ sáng của ngày mới.
Ở nơi xa xôi huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, đường từ trung tâm xã đến bản làng phải gọi là một hành trình. Có tới khoảng 80% đồng bào dân tộc Mông sinh sống ở vùng núi cao. Thượng tá Cao Văn Toản, Trưởng Công an huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang cho biết, ngoài việc tăng cường lực lượng, bố trí cán bộ, chiến sĩ, chia tổ, phân ca làm thủ tục cho công dân 24/24 giờ, Công an huyện phải khắc phục khó khăn, bố trí các tổ lưu động luân phiên đến từng thôn, xóm, trường học để thu thập thông tin, cấp căn cước công dân. Đến nay đã có trên 49.000 người được cấp thẻ căn cước.
Trò chuyện với nhiều cán bộ công an trực tiếp tham gia “chiến dịch” cấp căn cước công dân có gắn chip tại địa bàn, họ tâm sự, thời gian triển khai thực hiện 2 dự án lớn được coi như một sự thử thách quyết tâm, bản lĩnh và tinh thần làm việc của cán bộ, chiến sĩ. Nhiều người phải gác việc nhà, hi sinh thời gian nghỉ ngơi quý giá, dành trọn thời gian cho công việc để quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ.
Năm qua, hình ảnh cán bộ, chiến sĩ mang theo máy móc, thiết bị đến với người dân ở bản làng xa xôi, vào tận nhà người già neo đơn, bệnh nặng, trực tiếp làm căn cước có gắn chip; hình ảnh anh công an bế em bé ngủ ngon trong vòng tay để mẹ làm căn cước, hay hình ảnh người chiến sĩ áo xanh cõng cụ già đến nơi làm thủ tục... đã lay động trái tim người dân.
...đến dấu mốc lịch sử
Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Dự án Sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân là một trong 6 cơ sở dữ liệu được ưu tiên triển khai, góp phần xây dựng chính phủ số, xã hội số. Dự án triển khai với nhiều hạng mục, huy động lực lượng Công an trên toàn quốc mà nòng cốt là lực lượng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội.
Ngày 22-6-2021 là dấu mốc lịch sử của chiến dịch thần tốc, quyết liệt và hiệu quả khi Bộ Công an công bố vận hành chính thức hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống Sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân từ ngày 1-7-2021. 17 trường thông tin của gần 100 triệu công dân Việt Nam được số hóa, bổ sung, cập nhật thường xuyên từ cơ sở bởi hàng vạn cán bộ cảnh sát khu vực, công an xã trên toàn quốc. Từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đã cấp mã số định danh cá nhân cho 100% công dân trên toàn quốc (đối với người chưa được cấp thẻ căn cước công dân thì đã thông báo bằng văn bản đến công dân có kèm theo mã QR). Đây là kết quả từ sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Bộ Công an cho đến quyết tâm, nỗ lực của từng cán bộ, chiến sĩ ở cơ sở khi trọng trách đặt lên vai.
Để có được thành quả đó, hàng chục nghìn cán bộ, chiến sĩ đã vượt qua nhiều khó khăn: Một khối lượng công việc vô cùng lớn nhưng quân số làm việc không đổi, lại cần đẩy nhanh tiến độ trong tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, bão lũ, địa bàn vùng sâu vùng xa, thiếu cơ sở vật chất, đường truyền... Đó là chưa kể đến các thế lực chống đối, đưa ra các luận điệu xuyên tạc nhằm cản trở quá trình thực hiện dự án. Việc triển khai xây dựng 2 dự án đặt ra nhiều yêu cầu khắt khe về kĩ thuật cũng như an toàn bảo mật thông tin với sức ép hoàn thành tiến độ. Mục tiêu đặt ra là phải hoàn thành 2 dự án trước ngày 1-7-2021, khi Luật Cư trú có hiệu lực.
Gần 2 năm qua, hàng chục ngàn cán bộ, chiến sĩ được huy động thu thập, cập nhật thông tin cư dân. Gần 45.000 cán bộ, chiến sĩ địa bàn bố trí tại 100% các xã (trung bình mỗi xã 5 đồng chí) làm nhiệm vụ thu thập và cập nhật thông tin, đảm bảo dữ liệu dân cư “đúng, đủ, sạch, sống”.
Thượng tá Vũ Văn Tấn, Giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư (Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an) cho biết, khi Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Hệ thống Sản xuất, cấp, quản lý căn cước công dân đưa vào hoạt động sẽ giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính. Nhiều thủ tục hành chính được cắt giảm, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, tiết kiệm ngân sách... Bộ Công an đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng kịch bản kết nối, khai thác dịch vụ xác thực công dân để phục vụ hàng trăm dịch vụ công ở các cấp độ tỉnh, huyện và cấp xã...
Đến nay, toàn quốc đã thu thập, rà soát, làm sạch dữ liệu trên hệ thống và củng cố hồ sơ, sổ sách, tàng thư cấp số hơn 98,5 triệu/102 triệu số định danh; cung cấp dữ liệu và thực hiện thu thập bổ sung thông tin sinh trắc học của hơn 60 triệu người phục vụ cho công tác cấp căn cước công dân gắn chip, đã in và trả cho người dân trên 55 triệu thẻ căn cước gắn chip. Những tấm thẻ căn cước mới đã được tích hợp nhiều thông tin như: Thông tin cá nhân, bảo hiểm y tế, giấy phép lái xe... Đặc biệt, Bộ Công an đã kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư với Cơ sở dữ liệu về tiêm chủng, xét nghiệm, quản lý người nhiễm COVID-19 để triển khai thống nhất việc ứng dụng mã QR trên thẻ căn cước, phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Nhớ lại, khoảng thời gian lực lượng Công an toàn quốc căng mình thu thập dữ liệu cũng là lúc dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Đâu đâu cũng thấy người dân lo lắng, nói chuyện về F0, “phong tỏa”, “cách ly”, “giãn cách”... Không ít cán bộ, chiến sĩ làm căn cước công dân đã bị “dính F0”. Thế nhưng, vừa cố gắng đảm bảo an toàn phòng dịch, vừa nỗ lực hoàn thành mục tiêu đề ra, người ta vẫn thấy những “chiến sĩ áo xanh” năng nổ nhiệt tình, không quản ngại khó khăn vác máy đi bộ xuống khu dân cư ở vùng sâu, vùng xa. Vẫn thấy những chiếc xe buýt chở khách biến thành xe “đặc chủng” di chuyển đến khu dân cư ở thành phố làm thủ tục cấp căn cước công dân. Những nhóm Zalo, mạng xã hội được tận dụng tối đa để tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và thông báo quy trình, thời gian, địa điểm, tạo thuận lợi cho bà con đi làm căn cước...
Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư đã được kết nối đường truyền đến tận cấp xã. Những tấm thẻ căn cước mới đã đến tay người dân và được sử dụng hiệu quả. Chiến dịch đặc biệt đã được lực lượng Công an triển khai thực hiện thành công, đưa chủ trương thành hiện thực, góp phần vào tiến trình xây dựng Việt Nam thành quốc gia số trong tương lai.
Nguồn: Báo CAND