Thứ Sáu, 4/4/2025
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Xây dựng và phát triển văn hóa đọc tại Nhà trường

Chương trình tặng sách, tặng quà cho các trường học trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn nhằm khuyến khích phát triển văn hóa đọc.

Xây dựng và phát triển văn hóa đọc trong đội ngũ cán bộ, giáo viên và học viên Trường Cao đẳng CSND I có vai trò quan trọng, là cơ sở, động lực góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo và rèn luyện phẩm chất, năng lực của người cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân cách mạng hiện nay.

Trung tâm Lưu trữ và Thư viện là đơn vị thường trực đã tham mưu cho Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường tăng cường các hoạt động tuyên truyền về sách, vai trò, ý nghĩa của việc đọc sách, văn hóa đọc và phát triển văn hóa đọc như viết bài giới thiệu sách, bài đưa tin về các hoạt động liên quan đến phát triển văn hóa đọc trên website, mạng LAN Nhà trường. Trung tâm Lưu trữ và Thư viện đã chủ động ứng dụng các nghiệp vụ thư viện hiện đại vào tổ chức và quản lý kho tài liệu theo hướng chuẩn hóa và hiện đại hóa phù hợp với xu thế chung của ngành Thư viện Việt Nam và thế giới.

Đến nay, Trường Cao đẳng CSND I đã xây dựng hơn 20 tủ sách, mỗi Khoa, Phòng, Trung tâm đều chủ động xây dựng ít nhất 01 tủ sách của đơn vị để chủ động phục vụ  tài liệu cho cán bộ, giáo viên theo đúng chuyên môn, nghiệp vụ. Riêng Trung tâm Lưu trữ và Thư viện đang quản lý 02 tủ sách, 02 phòng đọc, hơn 12.500 đầu sách với tổng số hơn 272.400 cuốn, đã số hóa hơn 245.000 trang tài liệu để kịp thời đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu, giải trí của cán bộ, học viên toàn trường. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác Thư viện như: Khai thác và sử dụng hệ thống Thư viện điện tử; xây dựng cơ sở dữ liệu số, các bộ sưu tập số phục vụ cho công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học của Nhà trường; có 02 sáng kiến “Xây dựng phần mềm quản lý sách phục vụ công tác thống kê, lưu trữ của Trung tâm Lưu trữ và Thư viện”, “Xây dựng phần mềm tra cứu tài liệu” đem lại hiệu quả ứng dụng cao.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Thư viện nhà trường vẫn còn có một số tồn tại, hạn chế như: Hệ thống Thư viện điện tử hiện đang sử dụng phần mềm Ilib 5.0, được đầu tư từ năm 2015 nay đã lạc hậu nên chất lượng phục vụ bạn đọc chưa cao. Mối quan hệ giữa Thư viện nhà trường với các đơn vị trong và ngoài trường còn hạn chế trong việc trao đổi thông tin, tài liệu.

“Sách cho đi – Tri thức mang về” hoạt động được đông đảo Cán bộ, giáo viên , học viên quan tâm tham gia.

Trước thực trạng trên, để phát triển văn hóa đọc của Trường Cao đẳng CSND I trong thời gian tới, Trung tâm Lưu trữ và Thư viện đề xuất một số giải pháp cụ thể như sau: Nâng cao nhận thức cho cán bộ chiến sĩ về vai trò của sách và văn hóa đọc thông qua việc quán triệt, triển khai các văn bản, quy định liên quan, thông qua việc tuyên truyền, tổ chức các hoạt động thúc đẩy phát triển văn hóa đọc. Tổ chức tuyên truyền về vai trò của sách và văn hóa đọc bằng nhiều hình thức như: trên các phương tiện đại chúng, website, báo, tạp chí…Thường xuyên tổ chức các hoạt động để thu hút cán bộ chiến sĩ đến thư viện, phòng đọc như: tổ chức trưng bày, triển lãm giới thiệu sách; tổ chức hội nghị, hội thảo, triển lãm, giao lưu, tọa đàm, thuyết trình liên quan đến công tác thư viện và văn hóa đọc. Thường xuyên tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam 21/4, Ngày Sách và bản quyền thế giới 23/4…Tăng cường công tác nghiên cứu khoa học góp phần thúc đẩy phong trào đọc sách và phát triển văn hóa đọc.

Tăng cường hợp tác liên thư viện với các thư viện trong nước, giữa các thư viện trong CAND để bổ sung nguồn tài nguyên thông tin, cơ sở dữ liệu thư viện, tài liệu giáo dục mở, tài liệu nội sinh, đảm bảo kết nối, dùng chung nguồn học liệu. Tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa các đơn vị chức năng, các tổ chức quần chúng để huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị trong việc đẩy mạnh phong trào đọc sách. Nhà trường đã nghiên cứu, quán triệt, ban hành quy chế, chính sách cụ thể, thiết thực để phát triển văn hóa đọc cho học viên: Quy định thời gian học viên lên thư viện, thời gian mượn, trả tài liệu, số lượng tài liệu được mượn,… Đầu khóa học, các học viên được tập huấn, trang bị những kiến thức cơ bản về khai thác, sử dụng thông tin, tài liệu tại Trung tâm Lưu trữ và Thư viện, cách khai thác và sử dụng thông tin để đảm bảo chế độ tài liệu mật theo đúng quy định của Nhà trường, Ngành và của Nhà nước.

Mỗi cuốn sách là kết tinh từ tri thức và cuộc sống, đọc sách không chỉ là một sở thích mà còn là con đường ngắn nhất để tiếp cận với nền văn minh nhân loại. Phát triển văn hóa đọc, khuyến khích đưa phong trào đọc sách trở thành thói quen, nét đẹp văn hóa trong toàn thể cán bộ, giáo viên, học viên nhà trường sẽ góp phần đổi mới công tác giáo dục đào tạo, đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

Bài: Bùi Ánh Tuyết - Trung tâm Lưu trữ và Thư viện

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi