Với bề dày truyền thống gần 60 năm xây dựng và phát triển, Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I ngày nay đang vươn lên phát triển mạnh mẽ, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ I của Đảng bộ nhà trường, có đóng góp xứng đáng vào công tác xây dựng lực lượng Công an nhân dân, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng vào bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Đạt được những kết quả đó là sự nỗ lực của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, giáo viên, công nhân viên và học viên toàn trường, thể hiện tinh thần đoàn kết, nỗ lực phấn đấu vươn lên trong sự nghiệp “trồng người” cao quý mà Đảng, Nhà nước và ngành Công an đã tin tưởng giao phó. Phát huy truyền thống vẻ vang của nhà trường, Đảng uỷ, Ban Giám hiệu Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I hiện nay luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị trong nhà trường quyết liệt triển khai các biện pháp theo lộ trình cụ thể nhằm thực hiện thành công mục tiêu “xây dựng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại” vào năm 2030. Đặc biệt, nhà trường đã ban hành Kế hoạch số 2116/KH-T09-P1, ngày 26/10/2021 về nghiên cứu, xây dựng “Đề án phát triển Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”.
Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, Cấp uỷ, lãnh đạo và toàn thể giáo viên khoa Luật luôn xác định rõ chức trách, nhiệm vụ cụ thể của đơn vị và từng cá nhân, luôn đoàn kết, thống nhất xây dựng đơn vị phát triển vững mạnh toàn diện, kết quả thể hiện trên một số nội dung cụ thể sau:
Thứ nhất, về công tác xây dựng đội ngũ giáo viên. Cấp uỷ, lãnh đạo khoa Luật luôn xác định “cán bộ là gốc của mọi công việc”, có ảnh hưởng trực tiếp và quyết định đến tất cả các mặt công tác nói chung, đến chất lượng dạy học các môn pháp luật nói riêng, do đó luôn quan tâm, chăm lo xây dựng, phát triển đội ngũ giáo viên đáp ứng các yêu cầu công tác giảng dạy đặt ra. Với gần 30 giáo viên, trong đó 100% có trình độ sau đại học, 100% có chức danh giáo viên chính trở lên, đây là đội ngũ giáo viên có năng lực, trình độ và phương pháp sư phạm chuyên sâu, luôn đoàn kết, thống nhất xây dựng tập thể khoa Luật phát triển, đáp ứng yêu cầu đào tạo đặt ra trong tình hình mới.
Đồng chí Đại tá, PGS.TS Lê Hoài Nam, Hiệu trưởng nhà trường chụp ảnh lưu niệm với tập thể giáo viên khoa Luật
Thứ hai, về công tác xây dựng chương trình môn học, giáo trình, tài liệu dạy học. Để phục vụ công tác giảng dạy, khoa Luật đã chủ động triển khai xây dựng và đề xuất ban hành 12 chương trình môn học pháp luật dùng cho đào tạo trình độ trung cấp Cảnh sát nhân dân, với tổng số 52 bài học, 465 tiết. Nội dung các chương trình được xây dựng trên cơ sở đảm bảo sự liên thông giữa các trình độ đào tạo theo phân định kiến thức của Bộ Công an, đồng thời đảm bảo phù hợp với đặc thù của từng chuyên ngành đào tạo, đáp ứng yêu cầu đào tạo lực lượng Cảnh sát nhân dân đạt trình độ trung cấp, có khả năng “hiểu và vận dụng được kiến thức cơ bản về pháp luật” vào thực tiễn công tác, chiến đấu theo chuẩn đầu ra pháp luật đã xác định. Bên cạnh đó, khoa Luật đã chủ trì biên soạn hệ thống các giáo trình, tài liệu dạy học đảm bảo các môn học đều có giáo trình và có ít nhất 02 tài liệu dạy học phục vụ học tập và nghiên cứu.
Thứ ba, công tác giảng dạy. Công tác giảng dạy đảm bảo đúng nội dung, chương trình, kế hoạch và tiến độ dạy học đối với các lớp, các hệ học. Đội ngũ giáo viên giảng dạy luôn tích cực, chủ động đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, chủ động áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ vào quá trình dạy học, đồng thời gắn lý luận với thực tiễn, quan tâm chú trọng đến hoạt động giải quyết tình huống pháp luật xảy ra trong thực tiễn, qua đó góp phần nâng cao chất lượng dạy học.
Thứ tư, công tác nghiên cứu khoa học: Hàng năm, đội ngũ giáo viên khoa Luật đều có hàng chục bài viết được đăng trên các tạp chí khoa học và kỷ yếu Hội thảo khoa học các cấp. Đồng thời, giáo viên khoa Luật luôn tích cực, chủ động tham gia nghiên cứu đề tài khoa học, chuyên đề lý luận các cấp, các đề tài, chuyên đề lý luận đều đảm bảo chất lượng và hoàn thành đúng tiến độ đề ra. Bên cạnh đó, khoa Luật cũng luôn chủ động, tích cực trong việc đăng ký và triển khai nghiên cứu hoàn thành các sáng kiến, cải tiến, công trình, phần việc theo kế hoạch và tiến độ đã được duyệt; triển khai đăng ký và hoàn thành xuất sắc các cuộc toạ đàm, hội thảo khoa học cấp trường về các vấn đề liên quan đến lĩnh vực pháp luật và giảng dạy pháp luật.
Thứ năm,, hoạt động dạy giỏi. Do có nhận thức đúng đắn, cùng với việc lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của cấp ủy và sự cố gắng, chuẩn bị chu đáo của giáo viên, trong những năm qua, đội ngũ giáo viên khoa Luật luôn tích cực tham gia dạy giỏi các cấp độ và đạt thành tích cao, được các cấp biểu dương, khen thưởng. Chỉ tính riêng trong năm học 2020 – 2021, có 10 đồng chí tham gia dạy giỏi cấp trường, trong đó có 05 đồng chí tham gia Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp trường, kết quả có 03 đồng chí đạt giải Nhất, 02 đồng chí đạt giải Nhì, tập thể khoa Luật đạt giải Nhì. Thông qua dạy giỏi, đội ngũ giáo viên Khoa Luật ngày càng vững vàng về chuyên môn, nghiệp vụ, luôn chủ động, linh hoạt trong nghiên cứu ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật, đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, qua đó góp phần nâng cao chất lượng dạy học tại nhà trường.
Đồng chí Thượng tá, TS Vũ Thị Nga, Trưởng Khoa Luật chụp ảnh lưu niệm với đội ngũ giáo viên khoa Luật tham gia Hội thi Giáo viên dạy giỏi cấp trường năm học 2020 - 2021
Thứ sáu, tham gia các hoạt động phong trào: Bên cạnh công tác chuyên môn, đội ngũ giáo viên khoa Luật cũng luôn tích cực trong tham gia các hoạt động phong trào và đạt nhiều thành tích cao, như: Tham gia các phong trào thể dục, thể thao do nhà trường và Đoàn thanh niên phát động; tham gia hoạt động hiến máu; tích cực hưởng ứng và tham gia cuộc thi viết tìm hiểu pháp luật; tìm hiểu truyền thống lực lượng Công an nhân dân, lực lượng An ninh nhân dân, lực lượng Cảnh sát nhân dân; tham gia cuộc thi Đại sứ văn hoá đọc; thi tìm hiểu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội VII của Đảng bộ Công an Trung ương... trong đó nhiều đồng chí đã đạt giải Nhất, Nhì, Ba các cấp...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện các mặt công tác chuyên môn của khoa Luật vẫn còn một số hạn chế nhất định, như: Việc nghiên cứu ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ vào công tác giảng dạy chưa thật sự hiệu quả, chưa theo kịp với sự phát triển của cuộc cách mạng 4.0; đội ngũ giáo viên được quan tâm xây dựng và phát triển toàn diện, tuy nhiên chưa đảm bảo tính kế cận (hiện tuổi đời của giáo viên khoa Luật đều từ trên 30 tuổi); mối quan hệ phối hợp với Công an các đơn vị, địa phương còn hạn chế, đơn vị chưa triển khai xây dựng quy chế phối hợp, kết nghĩa với các đơn vị thực tiễn nhằm nâng cao tính hiệu quả của quan hệ phối hợp, qua đó góp phần gắn lý luận với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo trong tình hình mới…
Để góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng phát triển khoa Luật đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, quyết tâm xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, trở thành đơn vị tiêu biểu trong thực hiện công tác chuyên môn và các phong trào thi đua, thời gian tới cấp uỷ, lãnh đạo khoa Luật và toàn thể đội ngũ giáo viên khoa Luật quan tâm triển khai thực hiện một số biện pháp cụ thể như sau:
Một là, tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành tập trung thống nhất của Đảng uỷ, Ban Giám hiệu nhà trường đối với công tác giáo dục đào tạo. Đặc biệt, quan tâm tổ chức quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc đường lối, chủ trương của Đảng, trọng tâm là Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng để làm cơ sở tiếp tục đổi mới toàn diện các mặt công tác chuyên môn của đơn vị. Qua đó, góp phần nâng cao bản lĩnh chính trị, sức chiến đấu của mỗi giáo viên khoa Luật, làm cơ sở để lan toả đến mỗi học viên nhà trường qua từng bài giảng. Đây là điều kiện quan trọng để xây dựng lực lượng Công an nhân dân “cách mạng”.
Hai là, tiếp tục củng cố và phát huy vai trò của Cấp uỷ, lãnh đạo đơn vị trong công tác xây dựng chi bộ, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Phấn đấu lập thành tích xuất sắc chào mừng 80 năm thành lập nước (năm 2025) và 100 năm thành lập Đảng (năm 2030). Đồng thời, chăm lo giáo dục chính trị tư tưởng; chủ động thực hiện các biện pháp nâng cao khả năng “miễn dịch”, phòng, chống “suy thoái”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ giáo viên; quan tâm giáo dục nâng cao nhận thức cho đội ngũ giáo viên về đối tượng và đối tác theo đúng tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”.
Tập thể giáo viên khoa Luật đoàn kết, thống nhất góp phần xây dựng đơn vị vững mạnh, toàn diện
Ba là, chủ động nghiên cứu, đề xuất đổi mới nội dung, phương pháp dạy học các môn pháp luật một cách hợp lý, hiệu quả. Đây là nội dung quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đào tạo. Nội dung, phương pháp giảng dạy phải đảm bảo tính cập nhật, tính thực tiễn, tính hiện đại, đặt trong bối cảnh tác động của cuộc cách mạng 4.0 và những tác động ảnh hưởng của hội nhập quốc tế; quan tâm khai thác và ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin vào quá trình giảng dạy và xây dựng hồ sơ, giáo án điện tử. Bên cạnh đó, cần tiếp tục quan tâm đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, góp phần xây dựng, hoàn thiện hệ thống lý luận khoa học pháp lý và khoa học chuyên ngành có liên quan, trong đó chú trọng đến những vấn đề trọng tâm trong chiến lược xây dựng và phát triển nhà trường.
Bốn là, quan tâm đào tạo, phát triển đội ngũ giáo viên theo hướng chuyên sâu, từng bước hình thành các chuyên gia trong từng lĩnh vực pháp lý cụ thể, giáo viên có kiến thức lý luận chuyên sâu, kinh nghiệm thực tiễn phong phú, đáp ứng yêu cầu đào tạo đặt ra trong tình hình mới. Phấn đấu đến năm 2025 khoa Luật có 100% giáo viên đạt chức danh Giáo viên cao cấp; có 06 giáo viên đạt trình độ Tiến sĩ; 100% giáo viên được công nhận Báo cáo viên pháp luật Trung ương, có thể đảm nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật được giao. Để đảm bảo tính kế cận của đội ngũ giáo viên, các cấp lãnh đạo cần có giải pháp bổ sung hợp lý đội ngũ giáo viên trẻ giảng dạy pháp luật trong thời gian tới.
Năm là, tăng cường mối quan hệ phối hợp với Công an các đơn vị, địa phương, qua đó gắn lý luận với thực tiễn trong quá trình dạy học. Tiếp tục quan tâm cử giáo viên đi thực tế tại Công an các đơn vị, địa phương và Viện kiểm sát, Toà án các cấp, đồng thời mời báo cáo viên là cán bộ thực tiễn tham gia báo cáo các chuyên đề thực tiễn; mời cán bộ thực tiễn tham gia hội đồng thẩm định, nghiệm thu các giáo trình pháp luật… Từ nay đến năm 2025, khoa Luật sẽ nghiên cứu, báo cáo đề xuất thực hiện kết nghĩa với ít nhất 01 đơn vị thực tiễn, đồng thời tiếp tục củng cố, tăng cường mối quan hệ với các đơn vị thực tiễn khác, quá đó đáp ứng yêu cầu công tác đặt ra./.
Bài: Khoa Luật
Biên tập: Loan Trần, Phòng HCTH