Với lịch sử 55 năm xây dựng và phát triển, Trường Cao đẳng CSND I đã đào tạo, cung cấp cho Công an các đơn vị địa phương hàng chục vạn cán bộ, chiến sỹ có chất lượng cao, đủ khả năng đáp ứng yêu cầu công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, đảm bảo trật tự an toàn xã hội; nhiều đồng chí đã trở thành những tấm gương tiêu biểu, điển hình trong lực lượng Công an nhân dân.
Trong những năm qua, quán triệt các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng ủy Công an Trung ương, Lãnh đạo Bộ Công an; Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề, nhiều chủ trương, kế hoạch nhằm đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, đổi mới phương pháp đào tạo. Các đơn vị tham mưu, các khoa đã tích cực, chủ động ban hành các văn bản, quy định, hướng dẫn tập trung vào việc tăng cường đổi mới nội dung, phương pháp dạy học. Đã tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng các chức danh cho giảng viên; phối hợp với các đơn vị mở các lớp tập huấn nghiệp vụ; cử giảng viên học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, qua đó góp phần nâng cao chất lượng công tác giáo dục và đào tạo trong nhà trường nói riêng và lực lượng Công an nhân dân nói chung.
Chi bộ Khoa Cảnh sát hình sự nhiệm kỳ 2020-2025
Khoa Cảnh sát hình sự là một trong những Khoa then chốt trong trong công tác đào tạo nói chung và đào tạo lực lượng Cảnh sát hình sự nói riêng. Hiện nay, Khoa có 14 giáo viên trong đó: Trình độ tiến sĩ 02 đồng chí; thạc sĩ 09 đồng chí; cử nhân 03 đồng chí; giảng viên cao cấp Cao đẳng 04 đồng chí, giáo viên cao cấp trung cấp là 02 đồng chí; giảng viên chính cao đẳng 02 đồng chí; giáo viên chính trung cấp 03 đồng chí; giáo viên trung cấp 02 đồng chí và 01 đồng chí chưa có chức danh giáo viên … nhìn chung, đội ngũ giáo viên Khoa Cảnh sát hình sự đều có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ chuyên môn và kiến thức thực tế, tích cực, chủ động, cầu thị trong công tác, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Trước yêu cầu xây dựng lực lượng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại thì công tác giáo dục, đào tạo trong nhà trường nói chung và của Khoa Cảnh sát hình sự nói riêng cần phải bám sát vào yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập quốc tế, sự phát triển của công nghệ thông tin, sự phát triển và thay đổi tinh vi về phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm hình sự…
Thời gian tới, để xây dựng đội ngũ giảng viên Khoa Cảnh sát hình sự đáp ứng yêu cầu công tác đào tạo lực lượng Cảnh sát hình sự chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, Khoa Cảnh sát hình sự cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, tiếp tục làm tốt công tác chính trị tư tưởng cho đội ngũ giảng viên trong đơn vị.
Lãnh đạo Khoa cần thường xuyên giáo dục chính trị, tư tưởng; kịp thời động viên đội ngũ giảng viên yên tâm, phấn khởi công tác, nhận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Thường xuyên quán triệt và tổ chức thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị, hướng dẫn của cấp trên, hướng đến mục tiêu xây dựng đội ngũ giảng viên Khoa Cảnh sát Hình sự có bản lĩnh chính trị vững vàng, chấp hành nghiêm chỉnh chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của lực lượng CAND; tuân thủ các quy trình, quy định về chuyên môn, nghiệp vụ và quy tắc ứng xử; không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng, tác phong, lối sống khoa học, lành mạnh; tâm huyết với nghề, có ý thức giữ gìn danh dự của nhà giáo, có lòng nhân ái, bao dung, độ lượng, ứng xử với học viên, đồng nghiệp hòa nhã, hòa đồng, có tinh thần bảo vệ lẽ phải, công bằng trước lợi ích của học viên, của đồng nghiệp, đồng chí, đồng đội.
Trường Cao đẳng CSND I tổ chức hội thảo tài liệu dạy học do Khoa Cảnh sát hình sự biên soạn
Hai là, đề xuất Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường trong việc tiếp tục kiện toàn, xây dựng đội ngũ giảng viên, tập trung đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên Khoa Cảnh sát hình sự.
Hàng năm, trên cơ sở tiến hành rà soát đội ngũ giảng viên, Khoa Cảnh sát hình sự xây dựng kế hoạch, lộ trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, tham mưu cho Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường cử giảng viên tham gia các lớp đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tham gia học thạc sỹ, nghiên cứu sinh tại các học viện trong CAND; cử giảng viên tham gia bồi dưỡng nâng cao bản lĩnh chính trị, hoàn chỉnh trình độ cao cấp lý luận chính trị; cử giảng viên tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm theo các cấp trình độ dành cho giảng viên; bồi dưỡng nâng cao trình độ, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong việc biên soạn hồ sơ, giáo án điện tử, sử dụng thành thạo các phần mềm, bảng tương tác điện tử…
Đồng chí Đại tá, PGS, TS Lê Hoài Nam - Bí thứ đảng uỷ, Hiệu trưởng Nhà trường tặng giấy khen các giáo viên đạt giải nhất cá nhân Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp trường năm học 2020-2021.
Ba là, tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp dạy học; gắn lý luận với thực tiễn trong quá trình đào tạo.
Đổi mới nội dung, phương pháp dạy học không phải là thay đổi các nội dung, phương pháp dạy học đã có mà cần phát huy các yếu tố tích cực của phương pháp dạy học đó; vận dụng các phương pháp dạy học hiện đại kết hợp với việc sử dụng thành tựu của khoa học công nghệ để chuyển từ học tập thụ động sang học tập tích cực, biến quá trình dạy học thành quá trình tự học của học viên. Đặc biệt là kịp thời cập nhật tình hình, xu hướng của tội phạm hình sự, các phương thức, thủ đoạn hoạt động nhất là những thủ đoạn mới, tinh vi, kín đáo; tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm có tổ chức đường dây… Cần phải bám sát vào tình hình phát triển của tội phạm để cụ thể hóa thành các mục tiêu trong quá trình đào tạo; xây dựng chuẩn đầu ra cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn đòi hỏi; đặc biệt trong chiến lược đào tạo cần tính toán đầy đủ và toàn diện để trang bị cho học viên những kiến thức, năng lực, kỹ năng, bản lĩnh và yếu tố tâm lý để tham gia hội nhập; chú trọng rèn luyện các kỹ năng thực hành cho học viên phù hợp với thực tế chiến đấu của lực lượng Cảnh sát hình sự; tăng cường nghiên cứu và sử dụng các tình huống nghiệp vụ trong quá trình giảng dạy; rèn luyện khả năng vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết các vấn đề thực tiễn, đặc biệt là các kỹ năng nhận diện vấn đề, kỹ năng phân tích, xử lý tình huống; kỹ năng tổng hợp và phối hợp lực lượng trong quá trình công tác.
Đồng chí Thượng tá, TS Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục đào tạo tặng giấy khen của Hiệu trưởng Nhà trường cho các tập thể đạt giải Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp trường năm học 2020-2021
Bốn là, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, thực tế, luân chuyển đối với giảng viên.
Trên cơ sở Thông tư 50/2016/TT-BCA ngày 14/12/2016 của Bộ Trưởng Bộ Công an quy định về tiêu chuẩn, thẩm quyền, quy trình bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm các chức danh giảng dạy ở học viện, đại học, các trường Công an nhân dân; Thông tư số 04/2009/TT-BCA(X11) ngày 20/01/2009, Thông tư 44/2014/TT-BCA ngày 07/10/2014 của Bộ Công an quy định về công tác thực tế, luân chuyển của giảng viên, giáo viên Công an, cấp ủy, lãnh đạo Khoa Cảnh sát hình sự cần chỉ đạo, hướng dẫn giảng viên đơn vị bám sát tiêu chuẩn, tiêu chí các chức danh giảng dạy để chủ động đăng ký thực hiện chỉ tiêu công tác năm học một cách cụ thể, chi tiết. Từ đó, Khoa tiến hành tập hợp xây dựng Kế hoạch công tác năm của đơn vị, trong đó nêu rõ các mặt công tác đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, thực tế đối với giảng viên của đơn vị phục vụ quản lý, theo dõi, thường xuyên động viên, đôn đốc tiến độ cũng như tạo điều kiện thuận lợi để từng giảng viên thực hiện chỉ tiêu cá nhân.
Năm là, làm tốt công tác đánh giá cán bộ, thi đua khen thưởng. Từ đó có cơ chế chính sách sử dụng giảng viên hài hòa, huy động sức mạnh tổng hợp của đội ngũ giảng viên trong công tác.
Cấp ủy, lãnh đạo đơn vị cần: Nâng cao nhận thức về vai trò của khâu đánh giá trong công tác cán bộ; xây dựng tiêu chí đánh giá cụ thể đối với đội ngũ giảng viên của đơn vị; tôn trọng sự thật, không cảm tính, không định kiến, không phiến diện khi nhận định, đánh giá cán bộ.
Sáu là, xây dựng và phát triển mối quan hệ phối hợp với Công an các đơn vị, địa phương
Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ quyền hạn, Khoa Cảnh sát hình sự cần tiếp tục duy trì, mở rộng và phát triển mối quan hệ phối hợp với một số đơn vị thuộc Cục Cảnh sát hình sự và Công an thành phố Hà nội, Công an một số tỉnh lân cận thông qua các hoạt động như giao lưu, kết nghĩa, trao đổi thông tin, tọa đàm, mời lãnh đạo Công an các đơn vị, địa phương về báo cáo tình hình thực tế cho các lớp học tại trường... Khoa sẽ hỗ trợ địa phương những vấn đề về mặt lý luận như: hướng dẫn, tập huấn các mặt công tác mà cán bộ địa phương còn hạn chế. Cấp ủy, lãnh đạo Khoa tranh thủ sự ủng hộ của lãnh đạo các đơn vị, địa phương để cử các giảng viên, giáo viên tham gia đầy đủ các Hội nghị (hội nghị sơ - tổng kết, hội nghị chuyên đề…), hội thảo, tập huấn của Công an các đơn vị, địa phương về các vấn đề có liên quan đến công tác giảng dạy của các giảng viên, giáo viên. Quá trình đó chính là cơ hội để giảng viên của Khoa nói riêng củng cố vững chắc hơn về mặt lý luận, thường xuyên cọ xát với thực tiễn, tiếp cận những vấn đề mới nảy sinh trong thực tiễn để cập nhật, thu nhận và bổ sung vào kiến thức chuyên môn của giảng viên, giáo viên. Đồng thời, tạo nên sự gắn kết giữa Khoa với Công an các đơn vị, địa phương nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác luân chuyển, thực tế.
Thượng tá, TS Nguyễn Chí Thành - Trưởng Khoa Cảnh sát hình sự