Thứ Tư, 20/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Văn hóa đọc của người Việt xưa và nay

Trong xã hội Việt xưa, ở những gia đình giàu có luôn có một phòng đọc sách. Đây không chỉ là nơi làm việc, học tập mà còn là nơi giải trí của cả gia đình. Đặc biệt trong các gia đình trí thức, nho giáo, sách là tài sản vô cùng quý giá. Như Lê Quý Đôn đã từng nói:

“Dẫu có bạc vàng trăm vạn lạng
Chẳng bằng kinh sử một vài pho”

Việc đọc sách được người xưa, nhất là những bậc hiền nhân quân tử rất chú trọng và tỉ mỉ, thậm chí họ coi đây như một nghi lễ thiêng liêng... Trước khi đọc sách, họ phải tắm rửa sạch sẽ, quần áo, đầu tóc chỉnh tề, tinh thần phải sảng khoái, minh mẫn... bởi vì họ cho rằng sách là do những bậc Thánh Hiền viết lên, là những người học rộng hiểu nhiều, mà đã là sách thánh hiền thì luôn chứa những nguồn tri thức rất quý giá, mọi nội dung trong cuốn sách đều đúng, đều cặn kẽ chín chắn. Từng từ, từng câu trong cuốn sách đã được chọn lọc, nghiền ngẫm: “Muốn viết một chữ, trong bụng phải có một tấn chữ, muốn nói một từ, trong đầu phải có một ngàn từ” (Lỗ Tấn).

Trong xã hội xưa, số lượng sách rất ít, một phần do công nghệ sao in chưa phát triển, thậm chí chưa có nên ai có sách thường có một thái độ trân quý sách rất cao. Họ quan niệm một tuần viết được một câu, ba năm viết được một bài và bài đó sâu sắc đến nỗi ngẫm ngợi cả đời không hết. Người viết sách đã kỹ càng như thế thì người đọc sách phải kỹ càng tương ứng thì cuốn sách mới có giá trị thực sự. Đọc sách phải đọc kỹ từng câu, từng chữ, ngẫm nghĩ cho kỳ hết sau đó mới chuyển sang câu tiếp theo. Còn nếu câu nào, đoạn nào chưa hiểu được ngay thì ghi nhớ lại, để suy nghĩ nghiền ngẫm sau. Và cũng do đọc kỹ mà ngày xưa tuy ít sách nhưng các bậc nho sĩ có một trình độ kiến thức sâu rộng, uyên thâm.

Theo một thống kê mới đây cho thấy Việt Nam chúng ta lại có văn hóa đọc nghèo nàn hơn rất nhiều so với thế giới. Trong khi ở các nước như Pháp, Nhật trung bình mỗi người đọc 20 cuốn sách/năm; Singapo là 14 cuốn sách/năm... thì ở nước ta mỗi năm mỗi người chỉ đọc trung bình 04 cuốn/năm.

Ngày nay với sự bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ thông tin đã tác động không nhỏ tới giới trẻ. Chúng ta đều biết trước khi có các phương tiện nghe nhìn, sách là con đường ngắn nhất để con người tiếp cận thông tin, văn hóa, tri thức. Đọc sách là một trong những cách thức giúp con người thư giãn, tích lũy kiến thức, tăng cường khả năng tư duy. Thế nhưng giới trẻ ngày nay không còn say mê, với văn hóa đọc sách giấy bằng đọc trên mạng internet. Nhiều bạn trẻ vẫn tự hào mình đã đọc sách này, sách kia, bằng này cuốn sách... nhưng khi hỏi đến nội dung cuốn sách, thông điệp của cuốn sách... thì lại rất mơ hồ. Thậm chí các bạn ngày nay còn đọc sách chỉ theo một xu hướng của thị trường văn hóa, theo phong trào chứ không theo cảm nhận và sở thích của bản thân. Đã có một thời “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” trở thành cuốn sách bán chạy nhất trên các hiệu sách, gần như bạn sinh viên nào cũng có cho mình một cuốn “gối đầu giường” nhưng liệu có bao nhiêu bạn đã đọc được hết cuốn sách đó? Và thậm chí đã đọc được hết cuốn sách đó thì bao nhiêu phần trăm trong các bạn hiểu được thông điệp từ cuốn sách đó?

Chúng ta không phủ nhận vai trò to lớn của công nghệ trong việc truyền bá kiến thức tới con người và có tác động to lớn làm thay đổi xã hội chúng ta. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của công nghệ cũng có những mặt trái không thể xem nhẹ trong văn hóa đọc của người Việt, đặc biệt là những người Việt trẻ. Ngày nay, thay vì đến thư viện, đến hiệu sách thì các bạn trẻ lại đi cà phê, quán bar, vũ trường... Sự phát triển của “văn hóa nghe nhìn” đang có xu hướng thay thế cho văn hóa đọc. Và các bạn trẻ ngày nay chỉ đọc sách, báo theo kiểu “điểm tin”, giật tít làm mất đi cái hay của cuốn sách và sai đi thông điệp mà cuốn sách muốn mang lại cho bạn đọc. Xu hướng thích những thông tin trên báo, tạp chí, báo điện tử cũng làm cho các bạn trẻ bị nhiễu tin. Nguồn thông tin từ báo chí, mạng internet... rất phong phú và đa dạng, đa chiều nhưng đây lại là những nguồn thông tin chưa được kiểm chứng. Thậm chí, ngày hôm nay đưa tin lên nhưng ngày mai có thể gỡ tin, đính chính... đặc biệt là thông tin trên mạng internet… Việc dễ dàng cho phát hành một cuốn sách hoặc dễ dàng tiếp nhận 1 cuốn sách theo trào lưu mà không quan tâm đến ảnh hưởng của nó làm cho một bộ phận độc giả, đặc biệt là những độc giả tâm huyết, thật sự yêu sách và yêu văn hóa đọc của dân tộc cảm thấy hoang mang cho ngành xuất bản của nước ta.

Khác với những năm trước, thị trường sách của nước ta hiện nay rất phong phú, đa dạng cả về nội dung và hình thức đáp ứng ngày càng cao nhu cầu học tập, nghiên cứu tìm hiểu, giải trí của con người. Điều quan trọng chính là thái độ, là cách ứng xử của chúng ta với tri thức sách vở. Phải biết đọc sách sao cho hợp lý và bổ ích. Đọc sao cho hợp với quy luật tiếp cận tri thức, bởi lẽ tri thức được coi như là tiêu chuẩn đánh giá mọi giá trị xã hội. Chính vì thế, việc đọc sách cần phải được coi trọng, vì sách giúp con người nâng cao trí thức, tích lũy kinh nghiệm để vận dụng vào cuộc sống như Maxime Gorki nói: “Sách vở biến chúng ta thành con người hạnh phúc”.  Mong rằng trong điều kiện xã hội thông tin thuận lợi như thế này giới trẻ Việt sẽ không chỉ lưu giữ được một nền văn hóa đọc của dân tộc mà còn có thể vận dụng nó vào thực tế cuộc sống để từ nguồn tri thức này sẽ tạo ra những nguồn tri thức mới có ích hơn cho bản thân, cho xã hội và cho cả Đất nước.

                                                                                                Bài viết: Trần Thị Loan (T2)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi