Thứ Tư, 20/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Vai trò của văn hóa đọc với công tác nghiên cứu khoa học của Trường Cao đẳng CSND I

Trong những năm gần đây, trước sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của các phương tiện thông tin đại chúng và công nghệ thông tin hiện đại, đặc biệt là công nghệ mạng, văn hóa đọc vẫn có vị trí quan trọng trong đời sống của mỗi con người. Đọc sách vẫn là hình thức thông dụng để con người khai thác, tiếp nhận thông tin và tri thức. Đọc sách làm cho các cá nhân trong xã hội trở thành những công dân có sức mạnh tinh thần, giải phóng khỏi những hạn chế về mặt xã hội, pháp lý và tâm lý cá nhân, đồng thời việc đọc cũng giúp con người đến gần nhau hơn. 

Văn hoá đọc, với tư cách là văn hoá hành vi của mỗi cá nhân, biểu hiện ở khả năng lựa chọn sách, kỹ năng đọc và lĩnh hội tri thức, cũng như thái độ ứng xử với sách báo, thể hiện rõ đặc điểm tâm lý và nhân cách của mỗi cá nhân, được hình thành từ tuổi ấu thơ và phát triển trong suốt cuộc đời mỗi con người. Trên thế giới, người ta khẳng định văn hoá đọc có liên quan mật thiết đến sự phát triển năng lực nhận thức, bản lĩnh học tập và làm việc của mỗi cá nhân. Khảo sát khu vực châu Phi vào tháng 3/2000 cho thấy tình trạng thiếu văn hóa đọc là một trong những rào cản quan trọng trong quá trình phát triển kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin và khả năng giao tiếp của phụ nữ châu Phi . Nhận thức tầm quan trọng của văn hoá đọc trong quá trình hội nhập xã hội hiện đại, nhiều nước đã đề cao và xây dựng chiến lược phát triển văn hoá đọc quốc gia nhằm nâng cao việc đọc trong cộng đồng, như Hà Lan xây dựng chiến lược có tên là Stiching Lezen đã ra đời năm 1998 sau khi số liệu hơn một nửa số người lớn Hà Lan hiếm khi đọc sách báo được công bố từ cuộc khảo sát quốc gia của Liên đoàn Quốc tế các cơ quan và hiệp hội thư viện (IFLA) tại Amsterdam. Chiến lược này nhấn mạnh những lợi ích của việc đọc đối với phát triển đời sống văn minh và tinh thần của con người trong xã hội. Theo họ, việc đọc làm cho cuộc sống chất lượng hơn.

Việc đọc đáp ứng nhu cầu hiểu biết, khám phá thế giới, cung cấp con đường tiếp cận các nền văn hóa, đó là nền tảng cho sự tìm tòi, nghiên cứu và phát triển các tri thức khoa học của loài người. Thông qua việc đọc để người đọc học tập, gợi mở cho sự phát triển toàn diện nhân cách, tình cảm, tri thức của loài người, đồng thời tạo ra sự hiểu biết, đoàn kết giữa các dân tộc.

Đối với mỗi công dân, thông qua văn hóa đọc, tùy thuộc vào trình độ dân trí, nghề nghiệp và điều kiện sống, có thể tiếp cận được với thông tin, tri thức phù hợp và hữu ích đối với cuộc sống của mình. Văn hóa đọc giúp cho mỗi cá nhân có cuộc sống trí tuệ hơn, đẹp đẽ, ý nghĩa, hạnh phúc và hài hòa hơn.

Theo số liệu từ Chỉ số Văn hoá Thế giới (World Culture Score Index). Nhiều quốc gia trên thế giới đã có chính sách khuyến khích người dân đọc sách, nhờ đó, người dân dành nhiều thời gian để đọc sách như: Ấn độ: 10 giờ 42 phút/tuần; Thái Lan: 9 giờ 24 phút/tuần; Trung Quốc: 8 giờ/tuần; Pháp, Thụy Điển và đa số các nước châu Âu đều dành trên 6 giờ mỗi tuần để đọc sách. Một quốc gia tương đồng với Việt Nam là Philipines đã chọn tuần cuối tháng 11 hàng năm là Tuần lễ sách quốc gia, ngày thứ ba thuộc tuần thứ ba tháng 7 là Ngày Sách trẻ em quốc gia. Ở các trường học của nước này thường xuyên tổ chức hội chợ sách, cuộc thi săn sách, thiết kế sách, trò chơi về sách để kích thích trẻ em đọc sách. Nhờ đó, thời gian đọc sách của mỗi người đã tăng lên 7 giờ 36 phút mỗi tuần. Chính vì vậy, phát triển văn hóa đọc luôn là một vấn đề mang ý nghĩa chiến lược của mọi quốc gia nói chung và của Việt Nam nói riêng trong việc nâng cao dân trí, phát triển bền vững nguồn nhân lực để góp phần xây dựng đất nước. 

Để hưởng ứng “Ngày Sách thế giới” của UNESCO, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày “21/4” hàng năm là Ngày Sách Việt Nam nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc phát triển kiến thức, kỹ năng và phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người. Phát triển phong trào đọc sách và xây dựng văn hóa đọc chính là hoạt động thiết thực thúc đẩy phong trào nghiên cứu khoa học, hoạt động nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ vào các lĩnh vực lao động, sản xuất, điều này càng có ý nghĩa khi thế giới đang bước vào cuộc các mạng công nghiệp lần thứ 4 (cách mạng 4.0).

Nhận thức được việc đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới toàn diện giáo dục đào của các cơ sở giáo dục đào tạo trong và ngoài lực lượng CAND nói chung, Trường Cao đẳng CSND I nói riêng để đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Bên cạnh mục tiêu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác giáo dục, đào tạo được giao, công tác nghiên cứu khoa học luôn được Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường đặc biệt quan tâm. Những năm gần đây, hoạt động nghiên cứu khoa học của đội ngũ cán bộ, giảng viên và học viên đạt được nhiều kết quả, đóng góp đáng kể vào thành tích chung của Nhà trường.

 

Đồng chí Trung tá, TS Phạm Tuấn Hiệp - Phó Hiệu trưởng, thay mặt Đảng ủy,
Ban Giám hiệu 
Nhà trường phát biểu tại buổi gặp mặt cán bộ, giảng viên Nhà trường chào mừng ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5/2017.

Là đơn vị thực hiện chức năng đào tạo trình độ cao đẳng và trung cấp Cảnh sát nhân dân; chủ trì hoặc phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện các nhiệm vụ khoa học về lý luận nghiệp vụ Cảnh sát và những lĩnh vực khác có liên quan đến bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm theo quy định, Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I đã tổ chức, triển khai thực hiện và nghiệm thu hàng trăm giáo trình, tài liệu dạy học, chuyên đề, sách chuyên khảo; nghiệm thu 11 đề tài KH&CN cấp Bộ, 49 đề tài KH&CN cấp Cơ sở; tổ chức nhiều cuộc thi học sinh giỏi, thi viết chuyên đề nghiên cứu khoa học của học viên đạt kết quả cao. Kết quả hoạt động nghiên cứu khoa học của Nhà trường không chỉ góp phần hoàn thiện lý luận về công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội mà còn góp phần nâng cao chất lượng công tác đào tạo, quản lý và nâng cao chất lượng học tập của học viên. Để có được kết quả trên, cán bộ, giảng viên đã hết sức nỗ lực, phấn đấu tìm đọc, nghiên cứu các nguồn tài liệu để bổ sung kiến thức và hoàn thiện nhiệm vụ công tác khoa học của mình.

Trong thời gian tới, để tiếp tục phát huy vai trò của đọc sách và xây dựng văn hóa đọc, góp phần thúc đẩy và nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học của cán bộ, giảng viên và học viên Nhà trường cần tập trung thực hiện một số nội dung sau:

Một là: Tăng cường thực hiện công tác tuyên truyền về lợi ích của việc đọc và xây dựng văn hóa đọc đối với cán bộ, giảng viên và học viên của Nhà trường. Nâng cao nhận thức hướng tới việc tự giác thực hiện của cá nhân. Muốn vậy, phải đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền như: Tuyên truyền thông qua các bài viết, văn bản chỉ đạo của các cấp lãnh đạo, đơn vị chức năng; tổ chức các phong trào, các buổi tuyên truyền, giới thiệu sách, ngày hội đọc sách trong Nhà trường; thực hiện giới thiệu các tác phẩm tiêu biểu, sách mới trên mạng thông tin nội bộ của Nhà trường, đáp ứng kịp thời nhu cầu tìm kiếm, cập nhật thông tin và nhu cầu tìm đọc của cán bộ, giảng viên và học viên. Giảng viên các khoa, bộ môn trong quá trình giảng dạy cần giới thiệu, tuyên truyền để học viên biết và tìm đọc tài liệu phục vụ học tập và nghiên cứu.


Đồng chí Thượng tướng, GS, TS. Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an thăm quan gian trưng bày sách của Trung tâm Lưu trữ và Thư viện Trường Cao đẳng CSND I tại Triển lãm sách, phát động phong trào “Đọc và học tập suốt đời theo tấm gương Bác Hồ vĩ đại” năm 2018

Hai là: Nhà trường cần có cơ chế, tạo thuận lợi tối đa cho việc tiếp cận, học tập, nghiên cứu, khai thác tài liệu của cán bộ, giảng viên và học viên. Với đặc thù các tài liệu nghiên cứu, học tập đa số đều nằm trong danh mục bảo vệ bí mật nhà nước, việc nghiên cứu, khai thác phải tuân thủ các quy định về bảo vệ tài liệu mật của ngành, do đó việc khai thác tài liệu, đặc biệt là tài liệu nghiệp vụ phục vụ nghiên cứu khoa học có lúc còn hạn chế. Do vậy, Lãnh đạo Nhà trường cần có sự quan tâm, chỉ đạo để tạo ra cơ chế thuận lợi cho việc nghiên cứu, học tập của cán bộ, giảng viên và học viên. Trung tâm Lưu trữ và Thư viện bên cạnh việc thực hiện tốt quy trình mượn, trả tài liệu cần tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, giảng viên và học viên Nhà trường khai thác tài liệu phục vụ công tác học tập, nghiên cứu.

Ba là: Cần có sự định hướng, tạo ra môi trường nghiên cứu khoa học, từ đó thúc đẩy nhu cầu đọc sách trong Nhà trường:

Đối với cán bộ, giảng viên: các đơn vị cần quan tâm, động viên, tạo mọi điều kiện thuận lợi để cán bộ, giảng viên trong đơn vị yên tâm, tích cực, chủ động tham gia và hoàn thành tốt các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học được giao, đồng thời hoàn thiện các tiêu chí chức danh của cá nhân. Coi đây là điều kiện quan trọng để không ngừng trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng tốt yêu cầu công tác giáo dục đào tạo của Nhà trường và hoàn thiện tiêu chuẩn chức danh của mỗi cá nhân.


Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I nghiệm thu Thư viện điện tử đáp ứng nhu cầu
 học tập, nghiên cứu của cán bộ, giảng viên và học viên

Đối với học viên: Tổ chức phong trào nghiên cứu khoa học của học viên, các cuộc thi học sinh giỏi theo hướng thực chất, gắn với yêu cầu công tác đào tạo. Giảng viên trong quá trình giảng dạy cần chủ động định hướng, tăng cường giao nhiệm vụ để học viên tự nghiên cứu tài liệu ngoài giờ, đồng thời đổi mới phương pháp giảng dạy để học viên tích cực, chủ động thực hiện nhiệm vụ học tập.

Bốn là: Cần đa dạng hóa các hình thức đọc sách, nghiên cứu tài liệu.

Trong thời đại cách mạng 4.0 tác động đến tất cả các mặt của đời sống xã hội, việc đọc không chỉ gói gọn đối với sách in thông thường mà cần đa dạng hóa các hình thức đọc gồm sách in, sách điện tử, hình ảnh, phim tài liệu… Do đó, cần nâng cấp, hiện đại hóa Thư viện điện tử của Nhà trường. Nghiên cứu để tích hợp thư viện điện tử với mạng nội bộ của Nhà trường để mọi cán bộ, giảng viên đều có thể khai thác một cách thuận lợi.


Trường Cao đẳng CSND I tổ chức tổng kết và trao giải Cuộc thi viết chuyên đề
nghiên cứu khoa học của học viên hệ Cao đẳng năm học 2017 - 2018

Xây dựng văn hóa đọc trong cán bộ, giảng viên và học viên Trường Cao đẳng CSND I là hoạt động thiết thực, có ý nghĩa to lớn góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học của Nhà trường trong thời gian tới.

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Công an, 2015, Quyết định số Quyết định số 6494/QĐ-BCA của Bộ trưởng Bộ Công an quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Trường Cao đẳng CSND I, Hà Nội.

2. Vũ Thị Thu Hà, 2013, Văn hoá đọc ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và phát triển, Tạp chí Thư viện Việt Nam, Hà Nội.

3. Nguyễn Hữu Viêm, 2009, Văn hoá đọc và phát triển văn hoá đọc ở Việt Nam, Tạp chí Thư viện Việt Nam, Hà Nội.

PHÒNG QUẢN LÝ NCKH

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi