Thứ Tư, 20/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Trung tâm Dạy nghề và đào tào lái xe dấu ấn 25 năm xây dựng và phát triển

Trung tâm Dạy nghề và Đào tạo lái xe - Trường Cao đẳng CSND I  (Trung tâm) hiện nay được sáp nhập từ  03 Trung tâm dạy nghề và đào tạo lái xe của 3 Trường (Trường Cao đẳng CSND I; Trường Trung cấp Cảnh sát Vũ trang và Trường Trung cấp CSND VI). Trụ sở chính: Trường Cao đẳng CSND I, Thủy Xuân Tiên, Chương Mỹ, Hà Nội. Văn phòng đại diện: Số 207 Khuất Duy Tiến, Hà Nội.


Tập thể Trung tâm Dạy nghề và đào tạo lái xe hiện nay

Nhiệm vụ, quyền hạn của Trung tâm: Tổ chức đào tạo lái xe cơ giới đường bộ đáp ứng yêu cầu của chương trình đào tạo lái xe cho các đối tượng trong và ngoài lực lượng Công an theo quy định của pháp luật; Phối hợp với Cục Cảnh sát Giao thông; Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Tổng cục Đường bộ Việt Nam; Sở Giao thông vận tải thành phố Hà Nội tổ chức sát hạch, cấp giấy phép lái xe cho học viên theo quy định; Phối hợp với các cơ quan chức năng của Nhà nước và Bộ Công an tổ chức đào tạo, bổ túc, bồi dưỡng nghề ngắn hạn cho chiến sỹ Công an xuất ngũ, các đối tượng khác trong và ngoài lực lượng Công an theo quy định; Tổ chức các dịch vụ gắn với quá trình đào tạo nghề và đào tạo lái xe của Trung tâm theo quy định của pháp luật; Thực hiện các nhiệm vụ khác theo chức năng của Trung tâm do Hiệu trưởng giao.

Ngày 11/12/1995, Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) ký Quyết định số 972/QĐ-BNVthành lập Trung tâm dạy nghề và đào tạo lái xe của Trường Trung học CSND I. Trung tâm trực thuộc Ban Giám hiệu, có nhiệm vụ đào tạo nghề cho các đối tượng có đủ tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Công an, bao gồm: đào tạo lái xe, sử dụng máy vi tính và huấn luyện các lớp bảo vệ chuyên trách các cơ quan, xí nghiệp, đào tạo các lớp vệ sĩ theo yêu cầu của các doanh nghiệp.

          Sự ra đời của Trung tâm dạy nghề và đào tạo lái xe đã đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội, tăng nguồn thu nhập cho Nhà trường để nâng cao đời sống vật chất cho cán bộ, giáo viên, học viên của Trường.

          Khi mới thành lập, Đồng chí Nguyễn Đình Nam - Phó Trưởng Khoa CSGT được giao phụ trách Trung tâm. Năm 1999, đồng chí Nguyễn Đình Nam được Bộ Công an bổ nhiệm giữ chức vụ Giám đốc Trung tâm. Năm 2002, sau khi đồng chí Nguyễn Đình Nam nghỉ hưu, Bộ Công an bổ nhiệm bổ nhiệm đồng chí Phạm Huy Chính giữ chức vụ Giám đốc Trung tâm. Năm 2009, đồng chí Nguyễn Đức Ngọc, Phó Giám đốc Trung tâm được giao phụ trách Trung tâm và đến năm 2011, đồng chí Nguyễn Đức Ngọc được bổ nhiệm giữ chức vụ Giám đốc Trung tâm. Năm 2016, Bộ Công an bổ nhiệm bổ nhiệm đồng chí Đại tá Nguyễn Ngọc Bảo giữ chức vụ Giám đốc Trung tâm. Tháng 6/2020, Bộ trưởng Bộ Công an ký Quyết định bổ nhiệm đồng chí Đại tá Trương Thanh Tùng giữ chức vụ Giám đốc Trung tâm.

Những ngày đầu mới thành lập, Trung tâm phải đối mặt với rất nhiều khó khăn như: Trụ sở làm việc phải đi thuê, sự thiếu thốn về nhân sự, về đội ngũ thầy dạy có tay nghề cao, về trang thiết bị và phương tiện phục vụ công tác đào tạo, giảng dạy và nhiều khó khăn, thử thách khác của một cơ sở đào tạo thời kỳ đầu… Tuy nhiên, được sự quan tâm sâu sắc, sự chỉ đạo sát sao của Đảng uỷ, Ban Giám hiệu Nhà trường, sự giúp đỡ của các đơn vị trong và ngoài Trường cùng sự cố gắng, nỗ lực phấn đấu bền bỉ của tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên Trung tâm, trải qua 25 năm xây dựng và phát triển, Trung tâm dạy nghề và đào tạo lái xe đã ngày càng khẳng định được vị thế của một thương hiệu đào tạo uy tín. Công tác chuyên môn không ngừng được củng cố, hoàn thiện, có quy trình, quy chế đầy đủ; Công tác tổ chức, điều hành ngày càng đi vào nền nếp, có kỷ luật, kỷ cương bởi vậy ngày càng phát huy hiệu quả cao. Nhận thức, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, giáo viên, người lao động của Trung tâm không ngừng được nâng lên, từ đó là tiền đề giúp đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị cũng như nhiệm vụ kinh tế của một đơn vị tự chủ.

Với đội ngũ cán bộ Trung tâm hiện nay bao gồm 7 đồng chí trong biên chế và gần 200 lao động hợp đồng các loại, những năm qua Trung tâm đã không ngừng chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng và tuyển dụng nhằm phát triển cả về chất lượng và số lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên. Ban lãnh đạo Trung tâm xác định chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên là yếu tố then chốt trong khẳng định thương hiệu, nâng cao uy tín đào tạo nên đã rất chú trọng đến lĩnh vực này, từ khâu tuyển dụng đến bồi dưỡng, đào tạo chuyên môn cũng như đạo đức thầy dạy. Trung tâm thường xuyên tổ chức các đợt tập huấn tay nghề cộng với việc bồi dưỡng rèn luyện nâng cao ý thức đạo đức nghề nghiệp cho các giáo viên giữa các khoá đào tạo; Tổ chức các lớp bổ túc chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm cho giáo viên Trung tâm. Bên cạnh đó, Trung tâm không ngừng triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, tạo điều kiện để cán bộ, giáo viên giao lưu học hỏi kinh nghiệm trong việc áp dụng những phương pháp giảng dạy mới giữa các giáo viên trong Trung tâm và các trung tâm bạn, phát huy tính sáng tạo trong việc áp dụng khoa học công nghệ thông tin, sử dụng phương tiện học cụ giảng dạy. Công tác tuyển dụng giáo viên, ngoài các tiêu chuẩn theo qui định của Nhà nước, của ngành Công an, Trung tâm còn đặc biệt chú trọng đến chất lượng chuyên môn, kinh nghiệm thực tế trong nghề nghiệp. Giáo viên dạy lái xe sau khi được tuyển dụng phải có thời gian được đào tạo và được đào tạo về cơ bản và khả năng sư phạm rồi mới đứng lớp. Từ việc thực hiện những biện pháp đó, đội ngũ giáo viên ngày càng phát triển về cả số lượng và chất lượng, đáp ứng tốt yêu cầu giảng dạy đặt ra trong giai đoạn trước mắt cũng như tương lai.

Song song với đầu tư cho nhân tố con người, việc phát triển cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy cho đồng bộ và hiện đại cũng được Trung tâm đặc biệt chú trọng. Không chỉ xây dựng số phòng học ngày càng tăng, Trung tâm còn liên tục tiến hành cải tạo xưởng thực tập bảo dưỡng, sửa chữa ô tô; mua sắm các trang thiết bị dạy học; đầu tư thêm xe dạy lái các hạng với tổng vốn đầu tư khoảng 10 tỷ đồng, nâng tổng số phương tiện của Trung tâm lên 175 xe ô tô, trong đó hạng B có 153 xe, hạng C có 18 xe, hạng D, E có 04 xe; ký hợp đồng sử dụng sân tập tại Hoà Lạc - Thạch Thất - Hà Nội và sân tại Sóc Sơn - Hà Nội đáp ứng lộ trình đổi mới dạy và học theo quy định của Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải. Nhằm không ngừng phát huy ứng dụng công nghệ thông tin vào quy trình đào tạo, đảm bảo hiện đại, Trung tâm đã đầu tư mua sắm nhiều đồ dùng phương tiện dạy học như: các thiết bị tin học để áp dụng hiệu quả công nghệ thông tin (100% các môn học lý thuyết được giảng dạy bằng giáo án điện tử), trang thiết bị đồng bộ các mô hình học cụ, máy móc cho xưởng thực hành. Đặc biệt, từ tháng 01/2013 theo qui định của Bộ Giao thông Vận tải, Trung tâm đã chủ động báo cáo Ban Giám hiệu để đầu tư mua một số xe có số tự động để phục vụ công tác đào tạo theo yêu cầu.


Phòng học Luật trên máy tính


Khu học cấu tạo xe ô tô

Trải qua 25 năm xây dựng và trưởng thành, Trung tâm đã đào tạo được hàng chục nghìn lái xe ô tô các hạng, đáp ứng yêu cầu công tác của ngành Công an và nhu cầu của người dân. Và với nguồn nhân sự và cơ sở vật chất hiện có, Trung tâm tự tin thể bảo đảm đào tạo 1000 học viên/năm trong giai đoạn hiện nay và có thể từng bước nâng lên trong giai đoạn phát triển mới.


Hệ thống xe ô tô tập lái

Nhìn lại 1/4 thế kỷ xây dựng và phát triển, bên cạnh những thuận lợi cơ bản như thường xuyên được sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám hiệu, sự giúp đỡ của Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và nỗ lực, khắc phục khó khăn của cán bộ, chiến sỹ...

Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay có rất nhiều khó khăn ảnh hưởng đến hoạt động của Trung tâm. Cụ thể như chỉ tiêu tuyển sinh vào các Trường Công an nhân dân thấp; có rất nhiều Trung tâm dạy nghề và đào tạo lái xe được thành lập và hoạt động trên địa bàn; hơn nữa thực hiện Thông tư số 38/2019/TT-BGTVT ngày 08/10/2019 về Sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT ngày 15/4/2017 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ có rất nhiều điểm mới như tăng số lượng câu hỏi lý thuyết thi sát hạch; thi sát hạch trên mô hình; áp dụng công nghệ nhận dạng học viên để theo dõi quá trình học Lý thuyết…. Điều đó sẽ làm giảm số lượng học viên đăng ký học lái xe vì chỉ có những học viên thực sự có nhu cầu mới tham gia học, thi sát hạch.

Hơn nữa hiện nay Trung tâm chưa có sân tập lái riêng (đang phải hợp đồng thuê sân) nên việc chủ động kế hoạch đào tạo bị ảnh hưởng, cũng như doanh thu bị giảm.

Một số phương tiện ô tô của Trung tâm có niên hạn sử dụng trên 15 năm không đáp ứng tiêu chuẩn, yêu cầu công tác giảng dạy, huấn luyện.

Nhận thức được yêu cầu và nhiệm vụ trong tình hình mới; Để khắc phục những khó khăn trên đây và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về chất lượng trong đào tạo lái xe, Trung tâm đề xuất một số giải pháp cụ thể công tác đào tạo hiện nay như sau:

Một là, tranh thủ sự ủng hộ của Đảng ủy, Ban giám hiệu Nhà trường đề xuất xây dựng sân tập lái xe ô tô các hạng tại Nhà trường. Báo cáo Đảng ủy, Ban giám hiệu chuẩn bị cơ sở vật chất (sân thi sát hạch lắp đường ống cảm ứng, xe mô tô A1 lắp chip điện tử, phòng thi Luật, phòng điều hành thi thực hành…) để báo cáo UBND thành phố Hà Nội; Sở giao thông vận tải TP Hà Nội cho phép đào tạo, sát hạch lái xe mô tô hạng A1 hệ dân sự cho nhân dân có nhu cầu.

Hai là, mở rộng thị trường tuyển sinh, đào tạo lái xe ô tô hạng B2, C trong lực lượng CAND đến tất cả các Trại giam thuộc Cục Cảnh sát Quản lý trại giam, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng - Bộ Công an trong cả nước và cho cán bộ, chiến sĩ Công an các tỉnh. Đối với đào tạo lái xe ô tô các hạng hệ dân sự cần mở rộng thị trường đến các tỉnh, thành lân cận.

Ba là, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ dạy học cho đội ngũ giáo viên của Trung tâm. Tiếp tục chuẩn hóa điều kiện giáo viên dạy lái xe theo quy định tại Nghị định số 65/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 và Nghị định 138/2018/NĐ-CP ngày 8/10/2018 của Chính phủ về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô cũng như tiêu chuẩn giáo viên dạy lái theo quy định  của Thông tư 79/TT-BCA.

Chú trọng công tác tập huấn, bồi dưỡng, cấp chứng chỉ đối với giáo viên dạy lái; bố trí những giáo viên có trình độ, kinh nghiệm và uy tín dạy môn đạo đức cho người lái xe. Giáo viên khi lên lớp có giáo án, giáo trình giảng dạy theo đúng kế hoạch đào tạo của một khóa học, các môn học được chú trọng tập trung dạy đủ số tiết, nhất là môn pháp luật giao thông đường bộ, đạo đức người lái xe và thực hành lái xe. Thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát đối với công tác giảng dạy của giáo viên ngoài thao trường, bãi tập.

Bốn là, tập trung nguồn lực tiếp tục tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới phương tiện; nâng cao chất lượng sân tập lái, trang thiết bị đồ dùng phục vụ công tác đào tạo. Đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập để nâng cao chất lượng đào tạo lái xe; sử dụng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông và ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý đào tạo để nhận dạng và đảm bảo theo dõi thời gian học lý thuyết môn học pháp luật giao thông đường bộ đối với học viên học lái xe ô tô theo lộ trình của Tổng cục đường bộ Việt Nam.

Mua sắm thêm phương tiện, các trang thiết bị phục vụ công tác đào tạo lái xe theo quy định mới của Thông tư 38/2019/TT-BGTVT như: thiết bị mô phỏng, thiết bị nhận dạng khuôn mặt, vân tay…

Năm là, đảm bảo thời gian học các môn theo qui định, đúng chương trình, kế hoạch học tập; cụ thể hoá các văn bản, qui chế, ban hành các qui định cụ thể làm cơ sở cho cán bộ quản lý và học sinh thực hiện, đưa các hoạt động dạy học, rèn luyện đi vào nền nếp.

Tăng cường công tác kiểm tra định kỳ và kiểm tra đột xuất để đánh giá việc chấp hành của cán bộ giáo viên, học sinh. Kiên quyết ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực, các tệ nạn xã hội, xử lý nghiêm các cán bộ, học sinh cố tình vi phạm.

Tổ chức tốt phong trào thi đua xây dựng phòng học mẫu, khen thưởng cán bộ, học sinh xuất sắc. Đưa vào thực hiện việc dạy học theo hình thức xen môn học, ngoài giờ, ngày nghỉ cho những học sinh do điều kiện cá nhân không theo đủ giờ học của chương trình môn học trong giờ hành chính.

Sáu là, tuyển sinh, đào tạo và phối hợp với Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội tổ chức sát hạch cấp chứng chỉ nhân viên dịch vụ bảo vệ (Vệ sĩ). Từ đó nâng cao doanh thu cho Trung tâm góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, giáo viên Nhà trường.

Với truyền thống 25 năm xây dựng và phát triển, với thương hiệu và bề dày thành tích đã có, nhất là sự quan tâm sâu sắc, sự chỉ đạo sát sao của Đảng uỷ và Ban Giám hiệu nhà trường, sự phối hợp, giúp đỡ của các đơn vị trong và ngoài Trường, tin tưởng rằng, Trung tâm Dạy nghề và đào tạo lái xe - Trường Cao đẳng CSND I sẽ tiếp tục có sự trưởng thành và phát triển hơn nữa, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao và kỳ vọng của Nhà trường cũng như xã hội.   

Đại tá Trương Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm DN&ĐTLX

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi