Thứ Tư, 20/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Trao đổi về sử dụng tình huống nghiệp vụ trong giảng dạy chuyên ngành bảo vệ mục tiêu

Để đổi mới phương pháp giảng dạy, nhiều phương pháp giảng dạy tích cực đã được nghiên cứu và đưa vào áp dụng trong thực tiễn tại các trường trong hệ thống giáo dục. Sử dụng tình huống trong giảng dạy hay nói cách khác là “phương pháp tình huống” là một trong những phương pháp dạy học tích cực đang được hệ thống nhà trường ở các bậc học áp dụng một cách có hiệu quả trong quá trình tổ chức dạy học. Đối với Trường Cao đẳng CSND I, việc sử dụng tình huống trong giảng dạy, đặc biệt là sử dụng tình huống nghiệp vụ trong giảng dạy chuyên ngành từ lâu đã được Nhà trường áp dụng. Tại đây, theo thời gian phương pháp này ngày càng khẳng định được vị trí, cũng như chứng minh được tính hiệu quả trong hoạt động giảng dạy.

Để hiểu rõ hơn về phương pháp sử dụng tình huống nghiệp vụ trong giảng dạy chuyên ngành, có một số thuật ngữ đưa ra cần phải làm rõ như:

Thứ nhấtthuật ngữ “tình huống”: Hiện nay có khá nhiều quan điểm khác nhau về thuật ngữ “tình huống”. Trong Đại từ điển tiếng Việt “tình huống là hoàn cảnh diễn biến thường bất lợi, cần đối phó”. Theo Từ điển tiếng Việt online “tình huống là toàn bộ những sự việc xảy ra tại một nơi, trong một thời gian, buộc người ta phải suy nghĩ, hành động, đối phó, chịu đựng...”. Tác giả Nguyễn Hữu Lam trong cuốn Phương pháp nghiên cứu tình huống: “tình huống là mô tả một trường hợp có thật thường bao gồm một quyết định, thách thức, cơ hội, hay vấn đề mà một hay nhiều người trong tổ chức phải đối phó. Tình huống yêu cầu người đọc phải từng bước nhập vai người ra quyết định cụ thể”. Như vậy, có thể thấy rằng, thuật ngữ “tình huống” dù được quan niệm theo cách nào thì trong nội hàm của nó cũng đều chứa đựng một “tình trạng/ trạng thái” cần đưa ra quyết định để giải quyết các vấn đề. Và nó có thể ba gồm cả việc đánh giá, xem xét đến các chính sách, công việc thực tiễn hoặc khuyến nghị.

Đối với hoạt động giảng dạy, tình huống phục vụ nghiên cứu, giảng dạy thường được biên soạn dựa trên những thông tin, dữ kiện có thật trong cuộc sống ở quá khứ hoặc hiện tại. Tình huống đó thường có ba đặc tính gồm: Tính thực tế (dựa trên những vấn đề có thực, phức tạp), tính quan trọng (dựa vào những dữ liệu phản ánh nhiều quan điểm khác nhau, quá trình phân tích gồm nhiều bước, phải vận dụng chất xám ở cường độ cao) và tính công khai.

Như vậy, có thể hiểu tình huống trong giảng dạy chính là những sự kiện mang tính điển hình trong thực tế, được biên soạn một cách khoa học, sống động, kích thích người học nghiên cứu, vận dụng tri thức vào giải quyết. Một tình huống tốt cần phải đảm bảo tiêu chí về cả nội dung lẫn hình thức, cụ thể:

Về nội dung: Tình huống phải là một sự kiện điển hình, có thật, đặt ra vấn đề cần giải quyết; tình huống xảy ra gần với thời điểm giảng dạy, mang tính giáo dục và có sự liên hệ mật thiết với những nội dung lý thuyết của bài học...

Về hình thức: Tình huống phải được thiết kế đầy đủ, súc tích, tạo ra sự lôi cuốn, thúc ép người học tìm cách giải quyết...

Hình ảnh một số tình huống có thể đưa vào thảo luận, giải quyết:



 

 

 Thứ hai, thuật ngữ “nghiệp vụ”: Nghiệp vụ, theo cách hiểu thông thường chính là các kỹ năng, trình độ chuyên môn nhất định để thực hiện những công việc được giao. Nghiệp vụ còn được hiểu theo nghĩa là cách thức thực hiện, tiến hành một công việc có tính chuyên môn nhất định theo kỹ năng và trình độ được học của chủ thể.

Từ những nhận thức về các thuật ngữ trên, có thể hiểu “tình huống nghiệp vụ” chính là những sự việc thuộc lĩnh vực chuyên môn nhất định, xảy ra tại một nơi, trong một thời gian, đòi hỏi chủ thể phải vận dụng các kỹ năng, nghiệp vụ chuyên môn để giải quyết. Sử dụng tình huống nghiệp vụ trong giảng dạy chuyên ngành chính là việc giáo viên hướng dẫn, tổ chức cho học viên vận dụng những kiến thức thuộc lĩnh vực chuyên môn để xử lý, giải quyết các tình huống nghiệp vụ, qua đó giúp học viên tiếp cận tri thức một cách chủ động, từng bước hình thành những kỹ năng giải quyết vấn đề xảy ra khi thực hiện nhiệm vụ.

Cùng với các đơn vị giảng dạy trong Nhà trường, Khoa Cảnh sát bảo vệ và Hỗ trợ tư pháp đã luôn quan tâm đổi mới phương pháp giảng dạy, trong đó sử dụng tình huống nghiệp vụ trong giảng dạy chuyên ngành Bảo vệ mục tiêu được Cấp ủy, lãnh đạo Khoa coi như một bước đột phá quan trọng. Bản chất của phương pháp này là việc giáo viên lựa chọn các tình huống điển hình mà Cảnh sát Bảo vệ mục tiêu đã từng gặp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ để hướng dẫn, tổ chức cho học viên nghiên cứu, thảo luận và tìm cách giải quyết một cách hiệu quả, đúng quy định. Qua đó giúp học viên nắm rõ kiến thức bài học, đồng thời dần hình thành và rèn luyện kỹ năng, bản lĩnh nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn công tác bảo vệ mục tiêu.

Hiện nay, một trong các chức năng chính của Khoa Cảnh sát bảo vệ và Hỗ trợ tư pháp là tổ chức giảng dạy chuyên ngành cho học viên chuyên ngành Bảo vệ mục tiêu. Những học viên này sau khi ra trường sẽ thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho các mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao, khoa học – kỹ thuật, văn hóa, xã hội; các chuyến hàng đặc biệt; tham gia bảo vệ các sự kiện, lễ hội, hội nghị, mít tinh và các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, các đoàn khách quốc tế đến thăm. Với tính chất mục tiêu đa dạng về lĩnh vực (chính trị, kinh tế, ngoại giao, khoa học – kỹ thuật, văn hóa xã hội); địa bàn (thành phố, thị xã, nông thôn; đồng bằng, miền núi, vùng sâu vùng xa); tính chất mục tiêu (cố định, di động)… nên trong quá trình vũ trang bảo vệ mục tiêu, Cảnh sát bảo vệ mục tiêu thường xuyên đối mặt và phải xử lý linh hoạt, an toàn với các tình huống phức tạp có thể xảy ra tại mục tiêu bảo vệ.

Đặc điểm đó càng đòi hỏi đội ngũ giáo viên Khoa Cảnh sát bảo vệ và Hỗ trợ tư pháp phải không ngừng tìm tòi, đổi mới, sáng tạo, vận dụng linh hoạt các phương pháp tiến bộ vào hoạt động giảng dạy. Riêng đối với việc sử dụng tình huống nghiệp vụ trong giảng dạy, Cấp ủy, lãnh đạo Khoa luôn nhận thức rõ hiệu quả của phương pháp này, từ đó thống nhất áp dụng rộng rãi trong hoạt động giảng dạy ở hầu hết các môn học nghiệp vụ bảo vệ mục tiêu. Điều đó được thể hiện bằng việc tất cả giáo viên của Khoa đã sử dụng các tình huống nghiệp vụ xảy ra trong thực tiễn như: biểu tình, kích động, tập trung đông người bất hợp pháp tại mục tiêu bảo vệ… để áp dụng vào quá trình giảng dạy. Quá trình đó thường được thực hiện theo 6 bước sau:

- Bước 1: Xác định nội dung kiến thức cần truyền đạt.

- Bước 2: Lựa chọn tình huống và xây dựng câu hỏi thảo luận.

- Bước 3: Phổ biến tình huống và gợi ý hướng giải quyết.

- Bước 4: Phân công nhóm học viên giải quyết tình huống.

- Bước 5: Tổ chức cho học viên thảo luận và và báo cáo kết quả.

- Bước 6: Tổng kết, nhận xét, đánh giá và rút ra những kết luận có liên quan đến nội dung lý thuyết của bài học.

Tất cả các bước trên đều được giáo viên thế hiện từ khâu chuẩn bị hồ sơ bài giảng, giáo án cho tới quá trình tổ chức giảng dạy trên lớp học hoặc ngoài thao trường.

Đặc biệt, để đáp ứng yêu cầu của phương pháp sử dụng tình huống trong giảng dạy, năm 2016 tập thể Khoa đã biên soạn được cuốn tài liệu tham khảo về một số tình huống nghiệp vụ bảo vệ mục tiêu. Đây là cuốn tài liệu đặc biệt quan trọng, không chỉ giúp giáo viên chủ động lựa chọn, sử dụng những tình huống nghiệp vụ phù hợp trong giảng dạy chuyên ngành, mà còn giúp học viên có điều kiện nghiên cứu những sự việc và cách xử lý đã diễn ra trong thực tiễn công tác của lực lượng Cảnh sát Bảo vệ mục tiêu.

Thực tế, quá trình sử dụng tình huống nghiệp vụ trong giảng dạy chuyên ngành Bảo vệ mục tiêu của Khoa Cảnh sát bảo vệ và Hỗ trợ tư pháp những năm qua đã cho thấy nhiều ưu điểm như: Học viên đã tích cực, chủ động tham gia vào quá trình học nhiều hơn; học viên đã cảm thấy hứng thú hơn; thông qua giải quyết các tình huống nghiệp vụ đã giúp học viên hiểu rõ hơn về bài học, nắm được thực tiễn công tác, đồng thời rèn luyện cho học viên năng lực tư duy, khả năng giải quyết vấn đề, khả năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn công tác; chuyển từ lối học nặng về lý thuyết sang tư duy sáng tạo, vận dụng kiến thức.

Tuy nhiên, quá trình sử dụng tình huống nghiệp vụ trong giảng dạy chuyên ngành Bảo vệ mục tiêu cũng xuất hiện một số khó khăn như:

Thứ nhất: Hầu hết giáo viên của Khoa đều được tuyển chọn từ nguồn là sinh viên tốt nghiệp các trường trong Công an, Quân đội nhân dân và đơn vị thực tiễn chiến đấu nên có những hạn chế nhất định trong việc tiếp cận các phương pháp sư phạm.

Thứ hai: Phương pháp sử dụng tình huống nghiệp vụ trong giảng dạy chuyên ngành Bảo vệ mục tiêu đòi hỏi Khoa xây dựng hệ thống tình huống nghiệp vụ đa dạng, gắn với thực tiễn hoạt động bảo vệ mục tiêu, đồng thời có sự liên kết chặt chẽ với lý luận của từng bài học. Đây là một công việc tương đối khó khăn, đòi hỏi sự nỗ lực cao của tập thể giáo viên của toàn đơn vị.

Thứ ba: Phương pháp này đòi hỏi thực hiện những kỹ năng khá phức tạp trong giảng dạy, như cách tổ chức lớp học, bố trí thời lượng, đặt câu hỏi, tổ chức và khuyến khích người học tranh luận, dẫn dắt mạch thảo luận, nhận xét, phản biện. Đây thật sự là những thách thức lớn đối với giáo viên trong quá trình sử dụng tình huống nghiệp vụ để giảng dạy.

Thứ tư: Phương pháp sử dụng tình huống nghiệp vụ trong giảng dạy chuyên ngành Bảo vệ mục tiêu đòi hỏi học viên phải đầu tư nhiều thời gian đọc tài liệu, nghiên cứu lý thuyết, xử lý thông tin nên học viên sẽ vất vả, tốn thời gian hơn gấp nhiều lần so với phương pháp học truyền thống.

Thực tế quá trình áp dụng phương pháp sử dụng tình huống nghiệp vụ trong giảng dạy chuyên ngành Bảo vệ mục tiêu những năm qua đã chứng minh được tính hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng công tác đào tạo của Nhà trường. Tuy nhiên, để phương pháp này phát huy hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới, theo tôi cần thực hiện một số giải pháp như sau:

Một là, về phía Trường Cao đẳng CSND I: Cần phối hợp với Cục Đào tạo tăng cường tổ chức hội thảo và mở các lớp bồi dưỡng về phương pháp giảng dạy tích cực, trong đó chú trọng đến phương pháp tình huống, qua đó giúp giáo viên hiểu rõ và vận dụng thành thạo phương pháp này trong hoạt động giảng dạy.

Hai là, về phía Khoa Cảnh sát bảo vệ và Hỗ trợ tư pháp: Cần tích cực liên hệ với các đơn vị đang trực tiếp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ mục tiêu để thu thập, biên soạn đầy đủ hệ thống tình huống nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu hoạt động giảng dạy. Tình huống nghiệp vụ phải đảm bảo các yêu cầu sau:

- Tình huống xây dựng phải phù hợp và phục vụ cho việc thực hiện mục đích, nội dung của bài học.

- Nội dung tình huống phải đảm bảo tính chính xác, tính khoa học, tính thực tiễn, bám sát kiến thức nghiệp vụ của chuyên ngành Bảo vệ mục tiêu.

- Tình huống phải có tính thực tế, phải gắn với những vụ việc liên quan đến nghiệp vụ bảo vệ mục tiêu, giúp người học có thể liên hệ với bài học một cách dễ dàng.

- Giữa tình huống thực tế và lý luận phải có sự liên kết với nhau, để giải quyết tình huống đòi hỏi phải vận dụng những kiến thức lý luận, đồng thời quá trình xử lý tình huống cũng giúp cho việc khái quát, làm rõ lý luận lý luận về nghiệp vụ bảo vệ mục tiêu.

- Tình huống phải được biên tập hấp dẫn; khơi dậy sự hứng thú, khả năng khám phá, tự nghiên cứu của học viên.

- Tình huống phải mang tính khả thi, bảo đảm những điều kiện cần và đủ để đưa đến giải pháp hợp lí, dễ chấp nhận.

- Tình huống phải phù hợp đối tượng học viên, không quá đơn giản hay quá phức tạp; phải chứa đựng phương hướng giải quyết vấn đề, thu hẹp phạm vi tìm phương án giải quyết vấn đề đặt ra trong tình huống, có định hướng rõ ràng, nhằm đúng bản chất của vấn đề, không được chung chung, mơ hồ và có thể gây cho người học hiểu nhầm sang nghĩa khác.

Ba là, về phía giáo viên: Nhân tố quyết định đến hiệu quả sử dụng tình huống nghiệp vụ trong giảng dạy chuyên ngành Bảo vệ mục tiêu chính là đội ngũ giáo viên của Khoa. Vì thế đội ngũ giáo viên cần thường xuyên tìm tòi, nghiên cứu hiểu rõ bản chất cũng vận dụng một cách linh hoạt, phù hợp phương pháp tình huống trong quá trình giảng dạy chuyên ngành, qua đó phát huy tính tích cực của học viên, tạo ra sự hấp dẫn trong từng tiết học. Ở mỗi bài giảng, giáo viên phải có sự đầu tư nghiêm túc, chuẩn bị một cách kỹ lưỡng, công phu, từ việc lựa chọn tình huống nghiệp vụ cho tới các bước triển khai.

Bốn là, về phía học viên: Sử dụng tình huống trong giảng dạy đòi hỏi phải có sự chủ động từ phía học viên, học viên cần làm việc một cách nghiêm túc từ khâu chuẩn bị tài liệu, nghiên cứu trước những nội dung lý thuyết liên quan. Trên lớp, học viên cần tích cực phối hợp, tương tác giữa học viên với nhau và giữa học viên với giáo viên để tiết học trở nên sôi động và hấp dẫn.

Trung tá Nguyễn Văn Tĩnh - Phó Trưởng Khoa CSBV và HTTP

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi