Nhà trường đã ban hành Kế hoạch số 1806/KH-T09-P3 ngày 15/9/2023 về việc tổ chức tập huấn cập nhật kiến thức về các nội dung trong Đề án số 06, nhằm trang bị kiến thức cho giáo viên, học viên nhà trường hiểu rõ về nội dung tinh thần của Đề án 06, đồng thời tăng cường nguồn nhân lực phục vụ phát triển Đề án 06; đảm bảo kỹ năng cần thiết trong công tác Công an, nhất là những nội dung trong chương trình bồi dưỡng, tập huấn đáp ứng kiến thức cơ bản về việc khai thác, ứng dụng, phát triển dữ liệu quốc gia về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ Chuyển đổi số quốc gia. Để đảm bảo tổ chức thực hiện tốt các nội dung cho lớp tập huấn, trong thời gian từ ngày 03/10/2023 đến ngày 28/12/2023 Nhà trường đã tổ chức, bố trí 02 lớp tập huấn cho cán bộ, giáo viên và học viên trong đó lớp tập huấn số 01gồm 981 học viên khóa K58S, lớp tập huấn số 02 gồm 35 giáo viên các khoa liên quan gồm: Khoa Nghiệp vụ cơ bản; Ngoại ngữ - Tin học; Quản lý hành chính về trật tự xã hội; Cảnh sát giao thông.
Tập huấn cho cán bộ, giáo viên các khoa trong Nhà trường.
Tập huấn cho học viên Khóa K58S.
Nhà trường giao phòng Quản lý đào tạo tạo là đơn vị thường trực tham mưu xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch, lịch trình bồi dưỡng; phối hợp với khoa Quản lý hành chính về trật tự xã hội, khoa Cảnh sát giao thông chọn cử giáo viên có nhiều kinh nghiệm trong số các giáo viên đã được bồi dưỡng do Cục Đào tạo tổ chức theo Đề án số 06, để lên lớp tập huấn cho lớp bồi dưỡng đảm bảo theo Kế hoạch, đồng thời đôn đốc giáo viên tham gia tập huấn đầy đủ đối với những giáo viên còn lại chưa được bồi dưỡng; khoa Nghiệp vụ cơ bản, khoa Ngoại ngữ - Tin học đôn đốc giáo viên tham gia tập huấn đầy đủ theo đúng danh sách đã đăng ký.
Đồng chí Thượng tá Bùi Văn Vĩ, Phó Trưởng khoa Quản lý hành chính về trật tự xã hội báo cáo các nội dung có trong Đề án do Khoa phụ trách tập huấn.
Đồng chí Trung tá Nguyễn Ngọc Huynh, Phó Trưởng khoa Cảnh sát giao thông báo cáo các nội dung có trong Đề án do Khoa phụ trách tập huấn.
Sau thời gian tập huấn với 07 ngày thực học, học viên 02 lớp tập huấn đã được các báo cáo viên là lãnh đạo và giáo viên Cao cấp của khoa Quản lý hành chính về trật tự xã hội; khoa Cảnh sát giao thông trực tiếp trao đổi, truyền đạt các nội dung trong Đề án, gồm 06 chuyên đề với 05 nhóm lợi ích cụ thể:
Một là, nhóm tiện ích phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến: Đề án đề ra mục tiêu cung cấp các dịch vụ công trực tuyến thiết yếu (tối thiểu 25 dịch vụ thiết yếu thuộc lĩnh vực cư trú, hộ tịch, bảo hiểm xã hội, giáo dục, y tế, đất đai, lao động,…) để người dân, doanh nghiệp trên cơ sở sử dụng xác thực, chia sẻ bằng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Hai là, nhóm tiện ích phục vụ phát triển kinh tế, xã hội: Nghiên cứu, triển khai việc ứng dụng các tính năng của chip điện tử trên thẻ Căn cước công dân (CCCD) đối với các lĩnh vực tài chính, ngân hàng và một số lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội khác. Tích hợp, phát triển ứng dụng trên nền tảng hệ thống định danh và xác thực điện tử với các ứng dụng cốt lõi như: Ví điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, chứng khoán, điện, nước… lên ứng dụng VNEID, mã QR của thẻ CCCD gắn chíp điện tử. Phát triển, hoàn thiện và triển khai hiệu quả ứng dụng di động công dân số từ VNEID trên cơ sở mở rộng tích hợp các thông tin, dịch vụ y tế, bảo hiểm, giấy phép lái xe, ngân hàng, thanh toán điện tử, ứng cứu khẩn cấp, phản ánh hiện trường, tố giác tội phạm…
Ba là, nhóm tiện ích phục vụ công dân số: Hiện nay, công dân có rất nhiều loại giấy tờ khác nhau, như CCCD, thẻ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe, các loại bằng cấp, chứng chỉ… Nhằm tạo điều kiện cho công dân, Đề án đặt ra mục tiêu xác thực 100% các thông tin thiết yếu, quan trọng trên ứng dụng VNEID hoặc qua thẻ CCCD gắn chip điện tử như: Thông tin tiêm chủng, xét nghiệm, giấy phép lái xe, đăng ký xe… từng bước thay thế các giấy tờ của công dân trong một số giao dịch theo quy định của pháp luật. Cung cấp các dịch vụ công, dịch vụ thương mại phục vụ tiện ích số của công dân trên ứng dụng VNEID như: Dịch vụ cư trú, CCCD, thương mại điện tử, thanh toán điện tử và các dịch vụ khác.
Bốn là, hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư: Triển khai hiệu quả việc kết nối, chia sẻ giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu quốc gia khác, cơ sở dữ liệu chuyên ngành đã có như: Cơ sở dữ liệu giáo dục, cơ sở dữ liệu doanh nghiệp, cơ sở dữ liệu thuế… đảm bảo giải quyết các thủ tục phục vụ công dân chính xác và thuận lợi.
Năm là, phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp: Trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các thông tin đã được tích hợp, sử dụng ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tổng hợp, phân tích, dự báo các thông tin để phục vụ việc điều hành Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hoạch định chính sách kinh tế, xã hội.
Khi triển khai thực hiện Đề án 06, người dân và doanh nghiệp sẽ được hưởng rất nhiều lợi ích. Đặc biệt, khi hệ thống định danh và xác thực điện tử được đưa vào sử dụng sẽ là nền tảng để phát triển hệ sinh thái số trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến gắn kết với Chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh bảo đảm thông tin, dữ liệu điện tử chỉ cần cung cấp, số hóa một lần.
Với tinh thần chính của Đề án 06 là vì lợi ích quốc gia, dân tộc và quyền lợi của người dân, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm. Thông qua đợt tập huấn, giúp học viên có nhận thức đầy đủ hơn, cũng như hiểu rõ về nội dung tinh thần của Đề án 06, đồng thời có thể thực hiện được một số nhiệm vụ cơ bản trong công tác Công an phục vụ nhiệm vụ Chuyển đổi số quốc gia. Kết thúc khóa tập huấn 100% học viên tham gia viết bài thu hoạch và có kết quả đạt yêu cầu.
Bài: Phòng Quản lý đào tạo
Biên tập: Bích Vân - Phòng HCTH