Đào tạo và nghiên cứu khoa học là hai hoạt động có mối quan hệ hữu cơ, hai nhiệm vụ cơ bản chiến lược của nhà trường. Nghiên cứu khoa học tạo cơ sở, điều kiện, tiền đề nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ giảng dạy ở trên lớp. Ngược lại, công tác giảng dạy phản ánh kết quả của hoạt động nghiên cứu khoa học. Do vậy, có thể khẳng định, cùng với hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học là thước đo năng lực chuyên môn của giáo viên.
Trong suốt chặng đường lịch sử 30 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển, khoa Cảnh sát cơ động, đặc nhiệm hiện nay đã trở thành đơn vị giảng dạy, nghiên cứu hàng đầu về lĩnh vực Cảnh sát cơ động, Cảnh sát đặc nhiệm. Cùng với những thành tích đã đạt được trong công tác giáo dục - đào tạo, lãnh đạo Khoa qua các thời kì luôn xác định công tác nghiên cứu khoa học là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Khoa Cảnh sát cơ động, đặc nhiệm đã ghi dấu nhiều bước tiến quan trọng trong công tác nghiên cứu khoa học và luôn khẳng định được vai trò là đơn vị có nhiều công trình nghiên cứu khoa học mang tính ứng dụng cao trong thực tế. Hoạt động nghiên cứu khoa học của Khoa đã được Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường, lãnh đạo Khoa triển khai thực hiện dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng như: nghiên cứu nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp, viết tài liệu tham khảo hoặc các bài báo đăng trên tạp chí khoa học chuyên ngành, kỷ yếu hội thảo...
Giáo viên Khoa Cảnh sát cơ động, đặc nhiệm tăng cường công tác nghiên cứu khoa học
Tổng kết 10 năm về việc thực hiện các nội dung Thông tư 57/TT-BCA(X11) về việc quy định chế độ làm việc của các chức danh giảng dạy, huấn luyện trong các học viện, trường Công an nhân dân, đặc biệt là trên lĩnh vực nghiên cứu khoa học, khoa Cảnh sát cơ động đặc nhiệm đã đạt được một số thành tích sau:
- Về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt thực hiện các quy định về nghiên cứu khoa học: Lãnh đạo Khoa Cảnh sát cơ động, đặc nhiệm đã thường xuyên quán triệt các văn bản hướng dẫn của cấp trên về công tác nghiên cứu khoa học, tổ chức chỉ đạo cho giáo viên trong khoa tham gia nghiên cứu ở nhiều lĩnh vực và cấp độ khác nhau. Trong đó xác định cụ thể nội dung, lĩnh vực cần tập trung là lĩnh vực nghiệp vụ Cảnh sát cơ động, Cảnh sát đặc nhiệm, vận dụng các biện pháp công tác công an vào trong thực tiễn chiến đấu của lực lượng Cảnh sát cơ động, đồng thời nghiên cứu, xây dựng các luận cứ khoa học, đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đào tạo học viên chuyên ngành Cảnh sát cơ động, Cảnh sát đặc nhiệm.
- Về xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên nghiên cứu khoa học
Lãnh đạo khoa Cảnh sát cơ động, đặc nhiệm luôn xác định đội ngũ giáo viên là nhân tố quan trọng hàng đầu trong công tác nghiên cứu khoa học. Trong những năm qua, lãnh đạo khoa đã quan tâm, tạo điều kiện cho giáo viên đi học tập, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nhằm đáp ứng yêu cầu về phẩm chất chính trị, năng lực chuyên môn, trình độ ngoại ngữ đạt tiêu chuẩn theo quy định của ngành Công an. Tính đến nay đội ngũ giáo viên trong khoa đã được tăng cường cả về số lượng lẫn chất lượng đáp ứng yêu cầu đào tạo của nhà trường. Hiện nay, khoa Cảnh sát cơ động, đặc nhiệm có 29 đồng chí giáo viên. Trong đó, có 03 đồng chí là giáo viên cấp cao và 25 đồng chí là giáo viên chính trung cấp chuyên nghiệp, 01 đồng chí là giáo viên. Về trình độ, có 01 đồng chí có học vị tiến sĩ, 03 đồng chí đang là nghiên cứu sinh, 22 đồng chí có trình độ thạc sỹ, 02 đồng chí đang học cao học và 02 đồng chí có trình độ cử nhân. Đánh giá đội ngũ giáo viên trong khoa cho thấy đây là những cán bộ có năng lực, trình độ, có khả năng chủ trì thực hiện và hoàn thành tốt các đề tài khoa học khi được giao và có nhiều đóng góp tích cực cho công tác xây dựng và phát triển lý luận tại nhà trường.
- Về số lượng, chất lượng và nội dung sản phẩm nghiên cứu khoa học
+ Về biên soạn và chỉnh lý giáo trình, tài liệu tham khảo: Đây là nội dung được Khoa Cảnh sát cơ động, đặc nhiệm đặc biệt chú trọng. Trên cơ sở những kết quả thu được từ hoạt động nghiên cứu khoa học, tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm khoa học nhằm tổng kết lý luận và thực tiễn, đã giúp cho khoa Cảnh sát cơ động, đặc nhiệm rà soát, xây dựng giáo trình mới, chỉnh lý, bổ sung cập nhật nhiều nội dung khi có thay đổi mới vào hệ thống giáo trình và tài liệu tham khảo. Công tác này luôn được đặt vào vị trí trọng tâm của hoạt động nghiên cứu khoa học nhằm đáp ứng đầy đủ nhu cầu về sách dùng cho học tập chính khóa và tham khảo tài liệu của học viên chuyên ngành. Từ năm 2011 đến nay, Khoa Cảnh sát cơ động, đặc nhiệm đã biên soạn mới 21 giáo trình (năm 2012 nghiệm thu 09 giáo trình, năm 2018 nghiệm thu 12 giáo trình) và 05 tập bài giảng. Hiện tại, Khoa Cảnh sát cơ động đặc nhiệm đã tích cực biên soạn và hội thảo thêm 03 giáo trình mới thuộc kiến thức ngành, trong năm học 2021-2022 sẽ đề xuất nghiệm thu đối với 03 giáo trình này. Khoa đã tổ chức cho giáo viên xây dựng 07 tài liệu dạy học, có 35% giáo viên trong khoa tham gia xây dựng tài liệu dạy học, tài liệu tham khảo, sách chuyên khảo đều được nghiệm thu và được đánh giá cao.
+ Về nghiên cứu đề tài khoa học: Các giáo viên trong Khoa thường xuyên tìm tòi nghiên cứu các nội dung chuyên ngành Cảnh sát cơ động, Cảnh sát đặc nhiệm để tổng kết thực tiễn và bổ sung vào lý luận phục vụ cho công tác giảng dạy. Từ năm 2011 đến nay, khoa Cảnh sát cơ động đã chủ trì 11 đề tài khoa học cấp cơ sở, có 70% đồng chí giáo viên trong khoa tham gia nghiên cứu đề tài khoa học các cấp. Đặc biệt, khoa Cảnh sát cơ động, đặc nhiệm tổ chức nghiên cứu thành công 03 sáng kiến khoa học (Hệ thống bia di động vận hành trên đường ray bằng nguồn điện một chiều; Hệ thống báo bia kết quả tự động; Hệ thống báo lỗi khi tháo gỡ vật cản nổ), đã đăng kí bản quyền sáng chế, được lãnh đạo Bộ Công an và các đơn vị nghiệp vụ đánh giá cao về chất lượng và khả năng ứng dụng thực tiễn.
Cùng với các hoạt động nói trên, lãnh đạo Khoa Cảnh sát cơ động, đặc nhiệm còn thường xuyên chủ động mời các chuyên gia được đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực Cảnh sát cơ động, Cảnh sát đặc nhiệm, có nhiều kinh nghiệm hoạt động thực tiễn ở các đơn vị, địa phương về trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, những vấn đề về lý luận và thực tiễn với giáo viên trong khoa. Qua đó nâng cao hiệu quả nghiên cứu và giảng dạy, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.
+ Về viết báo khoa học, tham luận tại các hội nghị khoa học: Từ năm 2011 đến nay, toàn bộ giáo viên trong khoa đều tích cực nghiên cứu và viết những bài báo khoa học, tham luận trong các hội nghị khoa học. Khoa Cảnh sát cơ động, đặc nhiệm có 78 bài báo khoa học được đăng trên các tạp chí uy tín trong và ngoài ngành Công an. Mỗi đồng chí trong khoa đã tham gia viết từ 03-05 bài báo khoa học, đặc biệt có đồng chí có 10 bài báo khoa học được đăng trên các tạp chí trong ngành Công an.
Có thể khẳng định rằng, khoa Cảnh sát cơ động, đặc nhiệm đang có đội ngũ giáo viên có năng lực, trình độ hoàn toàn đáp ứng được các yêu cầu về nghiên cứu khoa học trong nhà trường. Tuy nhiên, cùng với nhiều thành tích đã đạt được, trong thời gian vừa qua, hoạt động nghiên cứu khoa học của khoa Cảnh sát cơ động, đặc nhiệm vẫn còn tồn tại, hạn chế nhất định:
- Số giáo viên trẻ đông, chưa có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động nghiên cứu khoa học, phải kiêm nhiệm khá nhiều công việc (vừa tham gia duyệt giảng lại vừa tập trung cho việc biên soạn giáo án, bài giảng, tích lũy kinh nghiệm sư phạm, học tập nâng cao trình độ). Một bộ phận giáo viên còn có tâm lý e ngại, thiếu nhiệt huyết đối với nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, chưa thực sự phát huy được tính năng động, chủ động và mạnh dạn đề xuất đăng ký chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học trên nhiều lĩnh vực mới để nghiên cứu; vẫn còn những giáo viên chỉ làm để lấy thành tích, đạt chỉ tiêu đăng ký dẫn đến chất lượng đề tài chưa cao; số đề tài nghiên cứu khoa học mặc dù đã được tăng lên trong những năm vừa qua nhưng vẫn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng hiện có của đơn vị.
- Một số ít đề tài do không nghiên cứu, rà soát kỹ ngay từ khâu thẩm định, tuyển chọn, xin ý kiến chuyên gia nên tính khả thi trong thực tế không cao dẫn đến tình trạng đã được duyệt nhưng không thực hiện được hoặc xin đổi tên đề tài, nội dung nghiên cứu dẫn đến nhiều trường hợp phải xin gia hạn kéo dài thời gian hoàn thành đề tài, ảnh hưởng đến chi tiêu chung của đơn vị. Trong một số trường hợp, những định hướng về nội dung cho các nhiệm vụ nghiên cứu chưa thực sự khoa học. Hiện nay, việc xét duyệt đề cương cũng như nội dung của đề tài nghiên cứu mặc dù đã được thông qua Hội đồng khoa học nhiều lần nhưng vẫn chủ yếu phụ thuộc vào ý thức chủ quan của người đăng ký mà chưa thực hiện theo hướng nghiên cứu để lựa chọn địa bàn thực hiện, do vậy, nội dung nghiên cứu nhiều khi không xuất phát từ nhu cầu thực tế của chuyên ngành đào tạo hay của nhu cầu thực tế công tác đảm bảo an ninh trật tự theo chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Công an nhân dân theo từng địa bàn công tác.
- Ngoài ra, do áp lực phải thực hiện nên việc nghiên cứu ít nhiều mang tính hình thức, dựa trên kết quả những công trình đã “có sẵn” nhằm giảm thiểu thời gian, chi phí thực hiện, dẫn tới nhiều công trình sau khi nghiệm thu hiệu quả thực tế chưa cao.
Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trên là do nhận thức của một số đồng chí giáo viên trong khoa về công tác nghiên cứu khoa học còn chưa đầy đủ, còn tư tưởng bình quân chủ nghĩa, chưa tích cực, chủ động trong việc tìm tòi, nghiên cứu nâng cao trình độ chuyên môn và hiệu quả công tác. Ngoài ra, do số lượng các nhiệm vụ khoa học hàng năm do Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an phê duyệt cho nhà trường còn hạn chế cho nên nhiều đồng chí gặp khó khăn trong việc đăng kí.
Để nâng cao hiệu quả nghiên cứu khoa học của Khoa Cảnh sát cơ động, đặc nhiệm đáp ứng yêu cầu đào tạo trong thời gian tới, tôi mạnh dạn đề xuất một số giải pháp như sau:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, lãnh đạo khoa đối với công tác nghiên cứu khoa học thông qua việc tiếp tục quán triệt các văn bản, quy định của Nhà nước và Bộ Công an về công tác nghiên cứu khoa học; hàng năm đôn đốc các giáo viên trong khoa trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao triển khai đăng ký và tiến nành nghiên cứu các đề tài khoa học được duyệt theo đúng tiến độ đảm bảo chất lượng, hiệu quả, có tính khả thi cao. Tiếp tục đổi mới và nâng cao nhận thức về vai trò của nghiên cứu khoa học với công tác đào tạo của khoa, của nhà trường.
Hai là, tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên trong khoa tiến hành công tác nghiên cứu khoa học, như: Phối hợp với các đơn vị chức năng tạo điều kiện cho giáo viên tiếp cận, khai thác các nguôn tài liệu, tư liệu do nhà trường quản lý, tạo điều kiện cho giáo viên đi khảo sát thực tế, khảo sát số liệu tại các đơn vị, địa phương để phục vụ nghiên cứu; mời các nhà khoa học, cán bộ thực tiễn có kinh nghiệm tham gia góp ý các đề tài khoa học mà khoa tiến hành nghiên cứu. Thường xuyên cử giáo viên đi học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ chuyên môn, đặc biệt là cử giáo viên tham gia các lớp tập huấn chuyên sâu về nghiên cứu khoa học. Chủ động mở rộng hợp tác, tranh thủ kinh nghiệm với các đơn vị trong và ngoài nhà trường trong hoạt động nghiên cứu khoa học để trao đổi về nội dung, phương pháp, kỹ năng tổ chức và thực hiện nghiên cứu nhiệm vụ khoa học.
Ba là, cần nâng cao nhận thức cho đội ngũ giáo viên đặc biệt là giáo viên trẻ nhận thức đầy đủ và đúng đắn về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của hoạt động nghiên cứu khoa học trong quá trình đổi mới đào tạo, xác định nó là một trong nhưng yếu tố chính quyết định nâng cao chất lượng đào tạo, từ đó có những định hướng hoạt động, có ý thức trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học bên cạnh nhiệm vụ giảng dạy cua người giáo viên. Lãnh đạo khoa Cảnh sát cơ động, đặc nhiệm cần tập trung chỉ đạo tăng cường công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, gắn kết chặt chẽ giữa lý luận với thực tiễn chiến đấu, qua đó phục vụ công tác giảng dạy, học tập. Trên cơ sở đó, hàng năm, giáo viên trong khoa phải tích cực đăng ký thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và kết quả của nghiên cứu khoa học phải được xem là một tiêu chí đánh giá về chất lượng chuyên môn của giáo viên để xem xét thành tích trong năm học.
Bốn là, toàn thể giáo viên trong khoa cần phải có sự thay đổi về mặt nhận thức và cách thức nghiên cứu khoa học theo hướng tập trung giải quyết các vấn đề nảy sinh trong thực tiễn, bên cạnh đó cũng cần nghiên cứu thêm nhiều những vấn đề nổi cộm khác trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội đã và đang đặt ra trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm bào vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội trong tình hình hiện nay, tất cả những vấn đề này đòi hỏi phải được giải quyết qua quá trình giảng dạy, nghiên cứu đề tạo ra những sản phẩm có tính ứng dụng và khả thi. Khi những sản phẩm công trình nghiên cứu khoa học đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn thì bản thân công trình khoa học đó sẽ khẳng định vai trò quan trọng, cần thiết của mình và trờ thành những sản phẩm có tính ứng dụng cao trong thực tế, đồng thời nó còn có thể cung cấp những luận cứ khoa học trở thành lý luận soi đường cho công tác của lực lượng CAND. Qua nghiên cứu, đội ngũ giáo viên cũng sẽ được có cơ hội cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ, góp phần làm cho bài giảng phù hợp với thực tế.
Năm là, Khoa Cảnh sát cơ động, đặc nhiệm cần chủ động phối hợp với Công an các đơn vị, địa phương tại các khu vực, địa bàn trọng điểm về an ninh, trật tự để lựa chọn những vấn đề cần nghiên cứu phù hợp với nội dung thực tiễn công tác đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương, gắn lý luận với thực tiễn. Phối hợp chuyển giao các nhiệm vụ khoa học đã được nghiên cứu để áp dụng vào thực tế công tác giảng dạy, huấn luyện chuyên ngành Cảnh sát cơ động, đặc nhiệm.
Bài, ảnh: Thượng úy Nguyễn Hùng Biên – Khoa Cảnh sát cơ động đặc nhiệm.
Biên tập: Phương Thảo - Phòng Hành chính Tổng hợp.