Với mục tiêu xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, các học viện, trường Công an nhân dân đã và đang đổi mới toàn diện, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, tập trung tăng cường các điều kiện đảm bảo cho hoạt động giáo dục, đào tạo.
Hội thảo khoa học về điều kiện đảm bảo xây dựng cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Trong thời gian qua, Trường Cao đẳng CSND I luôn chú trọng đáp ứng các điều kiện đảm bảo cho hoạt động giáo dục, đào tạo; không ngừng đánh giá, cải tiến, đổi mới nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực trong lực lượng Công an nhân dân. Từ năm học 2020-2021 đến nay, Nhà trường đã xây dựng, chỉnh lý 30 chương trình đào tạo trình độ trung cấp đảm bảo tính liên thông giữa các trình độ đào tạo trong Công an nhân dân, phù hợp với vị trí việc làm, bố trí đội ngũ cán bộ Công an bốn cấp. Biên soạn mới, chỉnh lý nội dung 226 chương trình môn học, 143 giáo trình, tài liệu dạy học đảm bảo về kiến thức, kỹ năng, phù hợp để thực hiện phương pháp dạy học tích cực; đảm bảo cập nhật các nội dung mới, các chủ trương, quy định mới của Đảng, Nhà nước và Bộ Công an. Nhà trường hiện có 34 hội trường, phòng học với diện tích 4.735m2. Nhà trường đang triển khai dự án đầu tư mở rộng, cải tạo trường Cao đẳng CSND I với tổng mức đầu tư hơn 350 tỷ đồng. Sau khi được hoàn thành, về cơ bản đáp ứng được yêu cầu về cơ sở hạ tầng phục vụ công tác giáo dục, đào tạo của Nhà trường. Nguồn học liệu phục vụ dạy học được quan tâm phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu dạy học với hơn 5.300 đầu tài liệu với hơn 205.000 cuốn sách (tính tới tháng 11/2023), diện tích tối đa 2.8m2/1000 đơn vị sách, đáp ứng tiêu chuẩn diện tích sử dụng theo quy định. Công tác tuyển sinh được thực hiện theo đúng quy định; đội ngũ cán bộ, giáo viên được quan tâm đảm bảo về số lượng và chất lượng. Tổ chức hoạt động dạy học được thực hiện theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, phù hợp với quy định của Bộ Công an và thực tế của Nhà trường. Nhà trường đã chú trọng việc triển khai đổi mới phương pháp dạy và học, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học. Tăng cường nghiên cứu các sáng kiến, cải tiến, công trình, phần việc, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao chất lượng dạy học. Công tác kiểm tra, đánh giá kết quả học tập luôn được đổi mới, đa dạng hoá hình thức kiểm tra, đánh giá, đảm bảo nghiêm túc, khách quan, chính xác, công bằng và phù hợp với hình thức học tập, mục tiêu môn học. Hồ sơ người học và công tác người học được quan tâm, chú trọng, kết quả học tập của người học được thông báo kịp thời đảm bảo đúng quy định, được lưu trữ đầy đủ, chính xác. Bên cạnh đó, Nhà trường cũng tổ chức các hoạt động hội thảo, tọa đàm khoa học để đánh giá trên cơ sở đó có phương hướng, giải pháp tăng cường các điều kiện đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giáo dục đào tạo của Nhà trường trong giai đoạn hiện nay.
Bên cạnh kết quả đạt được, điều kiện đảm bảo cho hoạt động giáo dục, đào tạo của Nhà trường còn những hạn chế nhất định do những nguyên nhân chủ quan và khách quan, cụ thể:
- Việc triển khai xây dựng chương trình đào tạo theo danh mục ngành, chuyên ngành mới của Bộ Công an, Nhà trường còn nhiều khó khăn như: xây dựng chương trình đào tạo theo tín chỉ còn nhiều nội dung chưa có sự hướng dẫn thống nhất như cách tính giờ, đánh giá, tổ chức tự học của học viên...; một số chương trình đào tạo ngành là tổng hợp nhiều chuyên ngành trước đây nên quá trình xây dựng còn có sự tổng hợp “cơ học”, chưa thật sự cô đọng, thiết thực theo mục tiêu, định hướng đào tạo.
- Đội ngũ cán bộ, giáo viên nhà trường dự báo sẽ có sự “hụt hẫng” về đội ngũ kế cận; chưa đảm bảo tính cân đối giữa các bộ phận giáo viên và cán bộ quản lý; chưa hình thành đội ngũ giáo viên chuyên gia trong từng lĩnh vực; cán bộ có trình độ chuyên sâu về lĩnh vực bảo đảm chất lượng chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng công tác bảo đảm chất lượng trong tình hình mới.
- Việc đổi mới phương pháp dạy học và ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học tuy được quán triệt, triển khai nhưng thực hiện chưa đồng bộ, toàn diện. Nhà trường chưa hoàn thiện hệ thống phần mềm quản lý đồng bộ các mặt công tác, hiện các đơn vị sử dụng các phần mềm quản lý đơn lẻ, không có sự kết nối, liên thông với nhau gây khó khăn cho công tác quản lý, phối hợp.
- Các phòng học chuyên môn, chuyên dùng, khu tập luyện còn chưa được quy hoạch tổng thể, thống nhất; hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện dạy học phục vụ dạy học thực hành theo từng ngành, chuyên ngành đào tạo chưa đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đề ra nguyên nhân là do chưa ban hành được định mức tiêu chuẩn trang bị cho các khu huấn luyện, thực hành, thao trường, bãi tập liên hoàn và các loại phòng học, phòng thí nghiệp, thực hành.
Hoạt động kiểm tra điều kiện đảm bảo tổ chức thi các môn thực hành.
Xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ nâng cao chất lượng công tác giáo dục, đào tạo trong Công an nhân góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng lực lượng Công an nhân dân thực sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, trong thời gian tới Nhà trường cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Thứ nhất, xây dựng các chương trình đào tạo, hệ thống giáo trình, tài liệu dạy học đáp ứng yêu cầu đào tạo trong tình hình mới. Tập trung xây dựng các chương trình đào tạo mới đảm bảo tính cập nhật, tính toán đến việc sử dụng các nguồn lực phù hợp và các điều kiện đảm bảo cho các chương trình đào tạo được thực hiện có hiệu quả, có tính khả thi và khả năng duy trì lâu dài, phù hợp với thế mạnh của Nhà trường. Trên cơ sở chương trình đào tạo, tiếp tục biên soạn mới, chỉnh lý hệ thống giáo trình, tài liệu dạy học theo các ngành, chuyên ngành đào tạo. Hệ thống tài liệu, giáo trình, tài liệu dạy học cần được tập trung số hóa, xây dựng các kho học liệu số và dữ liệu dùng chung trong toàn trường nhằm tạo điều kiện cho người học tra cứu dễ dàng, thuận tiện.
Thứ hai, tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác sắp xếp, kiện toàn đội ngũ cán bộ giáo viên trong Nhà trường theo đúng quy định của Bộ Công an, đảm bảo tính cân đối giữa các khối, các đơn vị; tổ chức hoạt động thực tế, luân chuyển; đào tạo, bồi dưỡng đảm bảo yêu cầu về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên. Có kế hoạch về công tác cán bộ, giáo viên nhằm đáp ứng yêu cầu lâu dài, tránh tình trạng bị “hụt hẫng” cán bộ kế cận, thiếu giáo viên trẻ.
Hoạt động kiểm tra điều kiện đảm bảo tổ chức thi các môn thực hành.
Thứ ba, Nhà trường phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Công an nghiên cứu xây dựng định mức tiêu chuẩn phù hợp về trang thiết bị, phương tiện dạy học, các điều kiện bảo đảm khác phục vụ hoạt động dạy học (phòng học, phòng thực hành, thí nghiệm, khu huấn luyện thực hành, thao trường, phòng chấm thi tập trung, hệ thống camera giám sát…) trên cơ sở đó đề xuất Bộ Công an đầu tư theo tiêu chuẩn, định mức phục vụ hoạt động giáo dục, đào tạo.
Thứ tư, tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy - học, phát triển Nhà trường phù hợp với quy hoạch phát triển hệ thống mạng lưới các trường Công an nhân dân, đảm bảo tính chiến lược, bền vững lâu dài; vừa phục vụ nhiệm vụ trước mắt, đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, vừa gắn với chiến lược phát triển giáo dục, đào tạo và khoa học, công nghệ của đất nước.
Thứ năm, tiếp tục nghiên cứu xây dựng và triển khai thực hiện mô hình “Nhà trường thông minh” trong Nhà trường; xây dựng các phòng học đạt chuẩn, có hệ thống trang thiết bị dạy học hiện đại, đồng bộ, đáp ứng tốt yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo. Hiện đại hóa Trung tâm Lưu trữ và Thư viện với phần mềm quản lý thư viện hiện đại, tăng nhanh số lượng các đầu sách phục vụ hoạt động dạy học. Đầu tư trang thiết bị hiện đại thuận tiện cho việc tra cứu thông tin, tăng số lượng phòng, số lượng máy truy cập Internet nhằm tăng cường nguồn thông tin, tư liệu hỗ trợ quá trình đào tạo.
Bài: Phòng Khảo thí và đảm bảo chất lượng đào tạo
Biên tập: Phương Thảo, phòng HCTH