Từ khi ra đời cho đến nay, Đảng ta luôn coi trọng công tác xây dựng Đảng, Đại hội XIII đặc biệt coi trọng công tác này. Trong văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng đã xác định phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp của công tác xây dựng Đảng, trong những năm tới đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng.
1. Những vấn đề cốt lõi trong xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức
Một là, xây dựng Đảng về chính trị. Trong văn kiện Đại hội XIII Đảng xác định: “Tăng cường xây dựng Đảng về chính trị”, nhấn mạnh hơn so với nhiệm vụ “Chú trọng xây dựng Đảng về chính trị” của Đại hội XII. Bên cạnh việc khẳng định cần tiếp tục kiên định nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Ch Minh, kiên định đường lối đổi mới và các nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Đảng, Đảng yêu cầu “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng; giữ vững bản chất giai cấp công nhân của Đảng”. Như vậy, đến Đại hội XIII, bên cạnh “nâng cao năng lực lãnh đạo” Đảng ta bổ sung thêm cụm từ “năng lực cầm quyền của Đảng” nhất là trong thời kỳ đẩy mạnh xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Kế thừa chủ trương Đại hội XII “Nâng cao năng lực hoạch định đường lối, chính sách phù hợp với quy luật khách quan và đặc điểm của Việt Nam, tạo bước đột phá để phát triển”, trong Văn kiện Đại hội XIII phát triển thành chủ trương: “Nâng cao bản lĩnh, năng lực dự báo của Đảng trong hoạch định đường lối, chính sách phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu hướng phát triển của thời đại”. Văn kiện xác định cần nắm chắc, dự báo đúng, định hướng chính xác, xử lý đúng đắn, kịp thời các vấn đề tư tưởng trong Đảng, trong xã hội; bảo đảm thống nhất tư tưởng trong Đảng, đồng thuận cao trong xã hội. Trong thời gian tới Đảng yêu cầu: “Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới… Nâng cao năng lực thể chế hóa, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng; kiên quyết khắc phục những yếu kém, trì trệ, tình trạng né tránh trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, điều hành và tổ chức thực hiện chủ trương, nghị quyết; kiểm tra, giám sát chặt chẽ, xác định rõ trách nhiệm tập thể và cá nhân”. Đại hội XIII đã nhấn mạnh ba nhiệm vụ, giải pháp mới nhằm tăng cường công tác xây dựng Đảng về chính trị đó là: về bản lĩnh và năng lực dự báo; về tổ chức thực hiện nghị quyết và về thực hành dân chủ trong Đảng.
Khoa Lý luận chính trị, Khoa học xã hội nhân văn và Tâm lý luôn quán triệt về chính trị, tư tưởng, đạo đức, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đến cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị
Hai là, xây dựng Đảng về tư tưởng. Đảng nhấn mạnh cần “tích cực đấu tranh, phản bác có hiệu quả quan điểm sai trái của các thế lực thù địch” qua đó góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Bên cạnh việc khẳng định cần “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức công tác tư tưởng”, Đại hội XIII đã nhấn mạnh về công tác xây dựng Đảng, từ đó đặt ra yêu cầu “Tăng cường giáo dục truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng”. Tuyên truyền sâu rộng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiên quyết đấu tranh với tệ quan liêu, lối sống cơ hội thực dụng, bè phái, nói không đi đôi với làm. Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết và thường xuyên đấu tranh, phê phán, bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch; chủ động cung cấp thông tin chính xác, khách quan, đúng định hướng để phòng, chống “diễn biến hòa bình”, thông tin xấu, độc trên Internet, mạng xã hội”.
Ba là, xây dựng Đảng về đạo đức. Xây dựng Đảng về đạo đức luôn là việc làm thường xuyên quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, trong đó, việc giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên được xem là khâu then chốt, một mục tiêu mà Đảng ta cần phấn đấu, làm cho Đảng luôn xứng đáng với mong mỏi của toàn dân, thực sự tiêu biểu cho “trí tuệ, danh dự và lương tâm của thời đại”. Văn kiện XIII của Đảng khẳng định: "Nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các giá trị đạo đức cách mạng theo tinh thần Đảng ta là đạo đức, là văn minh cho phù hợp với điều kiện mới và truyền thống văn hoá tốt đẹp cảu dân tộc".
Đồng chí Thượng tá Dương Văn Quân - Phó Trưởng khoa Lý luận chính trị, Khoa học xã hội nhân văn và Tâm lý tham gia Hội thi Báo cáo viên, tuyên truyền viên giỏi năm 2021
Đồng chí Thiếu tá Nguyễn Thị Phương Thảo - Khoa Lý luận chính trị, Khoa học xã hội nhân văn và Tâm lý tham gia Hội thi Báo cáo viên, tuyên truyền viên giỏi năm 2021
2. Những việc làm cụ thể nhằm mục tiêu xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức
Một là, tăng cường xây dựng Đảng về chính trị. Cần nâng cao bản lĩnh chính trị, lấy nền tảng là chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Mỗi cán bộ, đảng viên kiên định chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, không giáo điều, dập khuôn, máy móc; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới, phê phán những ý kiến phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng. Nâng cao năng lực hoạch định đường lối, xây dựng chính sách đúng đắn, phù hợp với từng giai đoạn phát triển, phù hợp với quy luật khách quan và đặc điểm của Việt Nam.
Hai là, tăng cường xây dựng Đảng về tư tưởng. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, hình thức, phương pháp tiến hành công tác tư tưởng theo hướng gắn với thực tiễn, với cơ sở; tăng cường số lượng và chất lượng cán bộ làm công tác tư tưởng. Nâng cao cảnh giác và sắc bén trong cuộc đấu tranh tư tưởng, đẩy mạnh đấu tranh chống “Diễn biến hòa bình”, các luận điệu cơ hội, phá hoại Đảng; đẩy mạnh công tác phòng chống suy thoái về tư tưởng chính trị trong cán bộ, đảng viên.
Ba là, chú trọng tăng cường xây dựng Đảng về đạo đức; kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, xử lý nghiêm minh những cán bộ, đảng viên sai phạm, làm trong sạch bộ máy Đảng và Nhà nước, làm lành mạnh các quan hệ xã hội. Cụ thể cần tập trung vào một số vấn đề.
- Các cấp ủy, tổ chức đảng phải đẩy mạnh, thường xuyên, liên tục, tránh các biểu hiện hình thức trong công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên. Nghiên cứu, đổi mới hình thức giáo dục đạo đức cách mạng cho phù hợp.
- Gắn xây dựng Đảng về đạo đức với các mặt còn lại. Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có phẩm chất, đạo đức, lối sống trong sạch, cao đẹp, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu gương mẫu, thực sự “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, có lối sống lành mạnh, đạo đức trong sáng, nói đi đôi với làm.
-Trong tình hình hiện nay, đội ngũ cán bộ chủ chốt phải nêu gương thực hành đạo đức, thúc đẩy toàn Đảng, toàn dân học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị khóa XII với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII. Đồng thời, kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Bốn là, tiếp tục đổi mới, kiện toàn tổ chức. Kiện toàn tổ chức, bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị trên cơ sở xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, mô hình tổ chức, tạo chuyển biến về chất lượng hoạt động; đánh giá đúng thực trạng, những điểm còn hạn chế, tồn tại từ mô hình tổ chức đến phương thức hoạt động; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng, nâng cao chất lượng hoạt động của các loại hình tổ chức đảng, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng ở cơ sở; giữ vững các nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Đảng.
Năm là, tăng cường xây dựng Đảng về cán bộ. Đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ từ khâu phát hiện, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, luân chuyển, đánh giá, đãi ngộ cán bộ; xây dựng đội ngũ cán bộ có đức, có tài, vừa hồng vừa chuyên, đặt lợi ch của Đảng, của Tổ quốc, của nhân dân lên trên lợi ích cá nhân. Kiên quyết ngăn ngừa, khắc phục hiện tượng tiêu cực trong công tác cán bộ như chạy chức, chạy quyền; Tổ chức việc thi tuyển cán bộ, công chức ở các cấp, các ngành một cách rộng rãi, công khai, minh bạch, khắc phục hiện tượng đưa người nhà, người thân, ê-kíp, “cánh hẩu” vào các vị trí quyền lực dưới cái vỏ “đúng quy trình”. Tiếp tục thực hiện chủ trương bố trí người đứng đầu không phải là người địa phương để ngăn ngừa các tiêu cực trong công tác cán bộ.
3. Vận dụng những vấn đề cốt lõi trong xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức vào giảng dạy Lý luận chính trị ở Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I hiện nay
Trong giảng dạy, học tập, nghiên cứu cần cập nhật Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc cũng như các văn kiện của Đảng về xây dựng Đảng là điều rất quan trọng và cần thiết. Đối với giảng viên khoa LLCT, KHXHNV&TL cần thực hiện những nhiệm vụ sau:
- Cần nghiên cứu, quán triệt những vấn đề cốt lõi trong xây dựng Đảng đã được đề cập trong văn kiện Đại hội XIII vào giáo trình, tài liệu dạy học, giáo án, bài giảng. Cập nhật những vấn đề mới, từ đó định hướng cho học viên nghiên cứu một cách có hệ thống những vấn đề cơ bản trong xây dựng Đảng. Trong từng nội dung cần làm rõ những ưu điểm, khuyết điểm, nguyên nhân và những chủ trương, nội dung, biện pháp trong thời gian tới mà Đảng ta đã đề cập trong Văn kiện.
- Cần đi sâu nghiên cứu làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn các quan điểm, chủ trương về xây dựng Đảng, nhất là những vấn đề mới đề cập trong Văn kiện Đại hội XIII. Trong quá trình giảng dạy, nghiên cứu các vấn đề xây dựng Đảng của Văn kiện Đại hội XIII cần phải có phương pháp phù hợp để nâng cao hiệu quả. Cần vận dụng phương pháp lịch sử, so sánh để thấy rõ sự kế thừa, phát triển trong văn kiện Đại hội XIII so với Văn kiện các Đại hội trước. Đồng thời, cần nghiên cứu để thấy được Đảng Cộng sản Việt Nam đã trung thành, vận dụng, phát triển sáng tạo và bảo vệ quan điểm của chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng vào thực tiễn cách mạng nước ta hiện nay.
- Bên cạnh việc nghiên cứu Văn kiện Đại hội XIII, trong quá trình học tập, giảng viên và học viên cần tiếp tục nghiên cứu, cập nhật các nghị quyết, quy định, chỉ thị, hướng dẫn của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về xây dựng Đảng vào trong bài học. Trong quá trình giảng dạy, học tập xây dựng Đảng cần gắn lý luận với thực tiễn, thường xuyên so sánh, đối chiếu giữa lý luận với thực tiễn, thực tiễn với lý luận. Đặc biệt, giảng viên cần định hướng cho học viên nghiên cứu những vấn đề mới, những vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng, từ đó góp phần vào công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận xây dựng Đảng. Bên cạnh nhiệm vụ giảng dạy, trong nghiên cứu khoa học (tổ chức hội thảo, tọa đàm, làm đề tài nghiên cứu, viết tiểu luận, khóa luận, luận văn, luận án) cán bộ, giảng viên, học viên cần tích cực nghiên cứu, quán triệt những vấn đề về xây dựng Đảng được đề cập trong văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng./.
Bài: Thượng úy Nguyễn Thị Thanh Thủy, Khoa LLCT, KHXHNV và Tâm lý.
Biên tập: Loan Trần, Phòng HCTH