Trải qua hơn 40 năm xây dựng và phát triển (06/11/1984), Khoa Kỹ thuật hình sự đã đào tạo được đội ngũ giáo viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, am hiểu pháp luật, có kiến thức sâu về chuyên môn nghiệp vụ, nhiều đồng chí đạt chức danh giáo viên cao cấp, giáo viên chính; chương trình giảng dạy, hệ thống giáo trình tài liệu ngày càng được cập nhật, hoàn thiện và đáp ứng yêu cầu công tác đào tạo.
Xác định mục tiêu đào tạo của bậc Trung cấp là đào tạo tay nghề cho học viên, trong nhiều năm qua, Khoa Kỹ thuật hình sự đã chú trọng vào giảng dạy thực hành với thời lượng chiếm tới 70% trong tổng số các tiết học, đặc biệt là hoạt động tham quan thực tế cho học viên, để kịp thời tạo điều kiện cho học viên được tiếp cận gần nhất với thực tiễn công tác Kỹ thuật hình sự trong đấu tranh phòng, chống tội phạm tại Công an các đơn vị, địa phương trên toàn quốc.
Đại diện lãnh đạo Khoa Kỹ thuật hình sự tặng quà cho Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an tỉnh Thanh Hóa trong đợt tham quan kiến tập của học viên ngành Kỹ thuật hình sự.
Đại diện lãnh đạo Khoa Kỹ thuật hình sự và học viên ngành Kỹ thuật hình sự tặng quà cho Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an tỉnh Quảng Ninh trong đợt tham quan kiến tập.
Để thực hiện tốt công tác này, Khoa Kỹ thuật hình sự đã chủ động tham mưu cho lãnh đạo Nhà trường làm tốt công tác phối hợp với các đơn vị trong và ngoài trường, trong đó có Phòng Quản lý học viên.
Phòng Quản lý học viên được giao nhiệm vụ quản lý trực tiếp các lớp học, xây dựng tập thể học viên thành một khối đoàn kết, tổ chức các hoạt động giáo dục học viên trong Nhà trường. Ngoài ra, Phòng Quản lý học viên còn giữ vai trò quan trọng trong các mối quan hệ phối hợp giữa học viên với các đơn vị trong Nhà trường và trong việc tổ chức các hoạt động giáo dục, hoạt động ngoại khóa, hoạt động nghiên cứu thực tế, hoạt động tham quan thực tế liên quan đến nội dung học tập của học viên trong đó có học viên ngành Kỹ thuật hình sự.
Hàng năm, Khoa Kỹ thuật hình sự đã ban hành kế hoạch về việc tổ chức hoạt động tham quan thực tế cho học viên chuyên ngành gửi các đơn vị có liên quan, trong đó có Phòng Quản lý học viên. Qua hoạt động này giúp học viên hiểu sâu hơn về công tác chuyên môn của lực lượng Kỹ thuật hình sự, chứng kiến các trang thiết bị, phương tiện tiên tiến áp dụng trong công tác nghiệp vụ, lắng nghe cán bộ thực tiễn báo cáo về các vụ án điển hình mà lực lượng Kỹ thuật hình sự đóng góp vai trò quan trọng, bên cạnh đó còn là dịp để tập thể thầy, trò khoa chuyên ngành giao lưu, gắn kết với các đơn vị.
Học viên ngành Kỹ thuật hình sự nghe giới thiệu về cơ sở vật chất phục vụ công tác chuyên môn Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an tỉnh Quảng Ninh.
Cán bộ Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an tỉnh Thanh Hóa giới thiệu về phương pháp nghiên cứu dấu vết đường vân bằng phương pháp không xâm lấn.
Để hoạt động học tập nói chung, hoạt động tham quan thực tế nói riêng của học viên ngành Kỹ thuật hình sự trong thời gian tới đạt được hiệu quả cao hơn, Khoa Kỹ thuật hình sự và Phòng Quản lý học viên cần tập trung giải quyết một số nội dung phối hợp như sau:
Thứ nhất, mỗi năm học khi học viên nhập học và giáo viên được phân công chủ nhiệm lớp, Khoa chuyên ngành cần tổ chức buổi gặp mặt giữa tập thể lãnh đạo, giáo viên của Khoa với giáo viên chủ nhiệm và lớp chuyên ngành. Tại buổi gặp mặt, đại diện lãnh đạo Khoa sẽ giới thiệu về cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Khoa và của ngành đào tạo; chủ nhiệm trung đội giới thiệu chức danh, cơ cấu tổ chức của lớp chuyên ngành. Trong đó, đề nghị Khoa chuyên ngành cử 01 giáo viên trên danh nghĩa “đồng chủ nhiệm” là cầu nối trao đổi thông tin kịp thời giữa Khoa chuyên ngành và chủ nhiệm trung đội nhằm thông tin được kịp thời, thông suốt và đạt hiệu quả cao hơn.
Cán bộ Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an tỉnh Quảng Ninh giới thiệu về công tác nghiệp vụ kỹ thuật phòng, chống tội phạm.
Lãnh đạo Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an tỉnh Thanh Hóa trao đổi về công tác khám nghiệm hiện trường.
Thứ hai, khi tổ chức hoạt động tham quan thực tế, ngoài chủ nhiệm trung đội, đề nghị giáo viên “đồng chủ nhiệm” của Khoa cùng bàn bạc, tham gia quản lý lớp về các mặt như chủ nhiệm trung đội để đảm bảo học viên tuân thủ và đáp ứng đúng các yêu cầu đặt ra trong kế hoạch tổ chức. Bên cạnh đó, chủ nhiệm trung đội chú trọng làm tốt công tác nắm tình hình diễn biến tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của học viên thông qua các buổi sinh hoạt lớp, sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt chi đoàn, sinh hoạt chi hội phụ nữ và sinh hoạt tiểu đội. Khoa chuyên ngành định kỳ hàng tháng tổ chức gặp mặt đối thoại với chủ nhiệm trung đội và học viên để nghe phản ánh tình hình, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của học viên để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc của học viên trong quá trình tham gia học tập, sinh hoạt trong Nhà trường.
Thứ ba, trong hoạt động tham quan thực tế, bên cạnh mục tiêu trọng tâm là giới thiệu, hướng dẫn kiến thức chuyên môn cho học viên còn có các hoạt động khác liên quan như việc đi lại, ăn ở của học viên, giao lưu giữa Khoa chuyên ngành, chủ nhiệm trung đội, học viên với đơn vị thực tế. Trong hoạt động này nên có sự bàn bạc, thống nhất giữa Khoa thông qua giáo viên “đồng chủ nhiệm” và chủ nhiệm trung đội, thống nhất giao cho chủ nhiệm trung đội triển khai trên cơ sở nội dung đã bàn bạc.
Như vậy, để hoạt động tham quan thực tế của học viên đạt hiệu quả, cần có sự chung tay phối hợp giữa tập thể Khoa chuyên ngành, Phòng Quản lý học viên, trong đó đẩy mạnh phát huy vai trò của chủ nhiệm trung đội và giáo viên “đồng chủ nhiệm” để phối hợp hài hòa, nhịp nhàng trong việc vừa quản lý học viên về mặt sinh hoạt cũng như học tập đạt hiệu quả cao nhất.
Thiếu tá, Ths Hà Tùng Linh, Khoa Kỹ thuật hình sự