Thứ Tư, 20/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Quan hệ phối hợp giữa khoa Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp với phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Công an tỉnh Hòa bình trong tổ chức đào tạo ngành Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp

Khoa Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp mời đại diện Phòng Cảnh sát hình sự và hỗ trợ tư pháp Công an tỉnh Hoà Bình tham gia tổ chức toạ đàm khoa học.

Trong những năm gần đây, Công an tỉnh Hòa Bình với trường Cao đẳng CSND I nói chung, phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Công an tỉnh Hòa Bình với khoa Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp nói riêng, đã có sự phối kết hợp chặt chẽ trong công tác đào tạo về lĩnh vực thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp. Qua đó đã đạt được một số kết quả cụ thể như sau:

Phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Công an tỉnh Hòa Bình đã phối hợp với Toà án nhân dân tỉnh Hoà Bình phân công giáo viên và học viên thực tập được tham dự phiên toà xét xử một số vụ án lớn về ma tuý đặc biệt có vụ án với 23 bị cáo phạm các tội về ma túy, số lượng ma túy thu giữ tổng cộng trên 1500 bánh heroin. Bên cạnh đó còn phối hợp tổ chức 02 lượt báo cáo thực tế cho học viên, tham quan thực tế tại các cơ sở giam giữ, mục tiêu bảo vệ do Công an tỉnh Hòa Bình bảo vệ.

Mô hình bảo vệ phiên toà dùng để giảng dạy cho học viên ngành Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp.

Hằng năm phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, các đội nghiệp vụ ở Công an các huyện, thành phố Hòa Bình đã tiếp nhận học viên đến thực tập theo kế hoạch của Trường Cao đẳng CSND I. Sau khi tiếp nhận học viên, các đơn vị đã căn cứ kế hoạch của Nhà trường bố trí học viên đến nhận nhiệm vụ tại các đội nghiệp vụ và phân công cán bộ hướng dẫn, đồng thời thường xuyên kiểm tra tiến độ thực hiện nhiệm vụ được giao của học viên, kịp thời chấn chỉnh để học viên hoàn thành chương trình thực tập theo kế hoạch đã đề ra.

Trong năm 2022, phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Công an tỉnh Hòa Bình đã tiếp nhận 01 đồng chí Phó Trưởng khoa Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp luân chuyển có thời hạn đến nhận công tác và giữ chức vụ Phó Trưởng phòng trong thời hạn 03 năm.

Lễ công bố Quyết định điều động cán bộ đối với đồng chí Thiếu tá Bùi Thanh Minh, Phó Trưởng khoa Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp.

Trong 10 năm qua, phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Công an tỉnh Hòa Bình đã có 05 cán bộ được theo học ngành thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp của Nhà trường. Trong quá trình học các cán bộ của Phòng đã được trang bị kiến thức, chủ trương, đường lối của Đảng, quy định, chính sách pháp luật về công tác thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, cũng như phương pháp luận để học viên có đầy đủ kiến thức, nhận thức sâu sắc hơn, đúng đắn hơn về ý nghĩa, vai trò, vị trí của các mặt công tác thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong mối quan hệ phối hợp giữa phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Công an tỉnh Hòa Bình với khoa Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp Trường Cao đẳng CSND I vẫn còn một số mặt hạn chế như sau:

Việc học viên và giáo viên đi thực tế tại địa phương diễn ra trong thời gian rất ngắn, có những lần đi tham quan thực tế chỉ diễn ra trong thời gian 01 ngày. Với thời gian như trên, học viên khó có thể nhận thức, nắm bắt đầy đủ các quy trình. Đối với giáo viên thời gian thực tế lâu hơn nhưng cũng khó có thể tiếp cận với toàn diện các mặt công tác, ít có khả năng được trực tiếp kiểm tra, hướng dẫn tại các đơn vị địa phương từ đó dẫn đến chất lượng công tác thực tế chưa cao.

Việc thực tập của học viên tuy đã có thời gian tiếp cận thực tế dài hơn nhưng vẫn chưa đáp ứng đầy đủ chương trình, kế hoạch thực tập. Việc phân công cán bộ hướng dẫn học viên thực tập cũng gặp khó khăn do số lượng cán bộ hạn chế, thêm vào đó mỗi cán bộ còn phải đảm nhiệm rất nhiều mảng việc khác nhau nên việc theo dõi, kèm cặp học viên chưa được sát sao.

Việc luân chuyển lãnh đạo có thời hạn cũng gặp khó khăn trong thời gian đầu do phải tìm hiểu về chức năng, nhiệm vụ thực tế, mối quan hệ của phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp với các cơ quan, đơn vị chức năng trong và ngoài ngành, đặc trưng của các đối tượng thuộc diện quản lý để phục vụ công tác. Thời gian luân chuyển 3 năm nên khó khăn trong việc bố trí tham gia nhiệm kỳ 5 năm của cấp ủy đơn vị cũng như việc bổ nhiệm các chức danh của cơ quan thi hành án hình sự, cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam.

Công tác tiếp cận, khai thác, sử dụng tài liệu, số liệu còn nhiều hạn chế. Theo báo cáo của phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp ghi nhận có nhiều giáo viên, học viên có nhu cầu tiếp cận thu thập các số liệu, tài liệu, báo cáo nghiệp vụ, hồ sơ công tác để phục việc giảng dạy, học tập tại trường nhưng theo quy định hiện hành là việc rất khó thực hiện vì liên quan đến quy định về quản lý tài liệu. Do đó sẽ dẫn đến các báo cáo kết quả thực tập chưa đầy đủ, chưa sâu sắc và nội dung, số liệu, tài liệu, báo cáo, hồ sơ vụ án thu thập bị hạn chế.

Để mối quan hệ phối hợp giữa khoa Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp Trường Cao đẳng CSND I với phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Công an tỉnh Hòa Bình ngày càng chặt chẽ, hiệu quả cần làm tốt một số vấn đề sau:

Thứ nhất, tăng cường trao đổi thông tin giữa 02 đơn vị, trong đó tập trung trao đổi thông tin về chức năng, nhiệm vụ, khả năng, nhu cầu, nội dung đào tạo để có sự thống nhất giữa công tác đào tạo và yêu cầu của thực tiễn, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác đào tạo, sử dụng con người.

Thứ hai, để công tác giảng dạy của Nhà trường thực tế và phong phú hơn, khoa Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp tăng cường đề nghị phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Công an tỉnh Hòa Bình cử cán bộ phối hợp với giáo viên tham gia giảng dạy, báo cáo, giới thiệu về thực trạng trong việc thi hành pháp luật thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp.

Thứ ba, khoa Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp và phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Công an tỉnh Hòa Bình thực hiện theo quy chế phối hợp trong việc cung cấp tài liệu, số liệu liên quan để học viên, giáo viên có thể khai thác, sử dụng trong các báo cáo, bài viết, bài giảng.

Thứ tư, để tăng cường mối quan hệ phối hợp, hai đơn vị đề xuất, tham mưu cho lãnh đạo cấp trên tổ chức các chương trình giao lưu, phối hợp, chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ nhau cùng thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn như: Giao lưu nhân kỷ niệm ngày truyền thống của lực lượng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (07/11), ngày thành lập Khoa, thành lập phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp; tổ chức các hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng...

Thứ năm, để bổ sung nguồn cán bộ nữ trong công tác thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp của Công an địa phương, đề xuất nhà trường nghiên cứu phương án tuyển sinh học viên nữ vào học ngành thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp.

Bài: Khoa Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp

Biên tập: Phương Thảo,  phòng HCTH

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi