Thứ Tư, 20/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Phát triển đội ngũ giảng viên Trường Cao đẳng CSND I góp phần nâng cao chất lượng đào tạo trong giai đoạn hiện nay

Trên cơ sở đó, Đảng ủy Công an Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 17-NQ/ĐUCA về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo trong Công an nhân dân”. Đây là những định hướng căn bản cho đổi mới giáo dục, đào tạo của các trường đại học, cao đẳng ở nước ta nói chung, trong đó có Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I. 

Trước những yêu cầu đặt ra, đòi hỏi đội ngũ giảng viên phải được xây dựng và phát triển toàn diện để đáp ứng tốt nhiệm vụ, vì họ vừa là những “kiến trúc sư” của chương trình, nội dung giáo dục đào tạo, vừa là người truyền thụ, cố vấn, hướng dẫn người học lĩnh hội tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, phát triển nhân cách, góp phần quan trọng trong việc xây dựng, phát triển con người và tiến bộ xã hội.

Trường Cao đẳng CSND I với truyền thống hơn nửa thế kỷ xây dựng và phát triển, đã có những đóng góp quan trọng đối với sự nghiệp giáo dục đào tạo trong CAND. Mỗi năm, hàng nghìn cán bộ, chiến sỹ Công an tốt nghiệp ra trường đã góp phần quan trọng trong công tác đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Trước yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo trong CAND, đội ngũ giảng viên Nhà trường đã có sự phát triển mạnh cả về chất và lượng, là những  cán bộ có phẩm chất đạo đức và ý thức chính trị tốt, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ ngày càng được nâng cao, đã đáp ứng tốt các yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Công an trình độ Cao đẳng cho lực lượng CAND.

Tổng số giảng viên Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I hiện nay có 243 đồng chí, trong đó có 7 tiến sỹ (2.8%), 24 đang nghiên cứu sinh (9.9%), 99 thạc sỹ (40.7%), 49 đồng chí đang học cao học (20.2%); về chức danh giảng viên, có 28 giảng viên/ huấn luyện viên cao cấp (11.5%), 109 giảng viên/ huấn luyện viên chính (44.9%), 76 trợ giảng (31.3%), 30 giảng viên/ huấn luyện viên đang trong thời gian tập sự giảng dạy (12.3%).

Với thống kê như trên cho thấy, đội ngũ giảng viên Nhà trường cơ bản đủ về số lượng, cơ cấu tương đối đồng bộ, được đào tạo cơ bản, đặc biệt là số lượng giảng viên đã có và đang được đào tạo trình độ sau đại học chiếm tỉ lệ cao. Tuy nhiên, đa số là giảng viên trẻ, thâm niên giảng dạy chưa nhiều, số giảng viên, huấn luyện viên đạt chức danh giảng viên, huấn luyện viên cao cấp mới đạt 11.5% trong tổng số giảng viên.

 Để nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, đáp ứng yêu cầu giáo dục đào tạo trong tình hình mới, Trường Cao đẳng CSND I đã đề ra nhiều giải pháp, trong đó tập trung vào một số nội dung cụ thể sau đây:

Một là: Bồi dưỡng nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ giảng viên.

Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nói: “Các thầy cô giáo không những dạy chữ mà còn dạy người, họ cứ như cây Thông trên sườn núi, cây Quế giữa rừng sâu, thầm lặng tỏa hương dâng hiến trí tuệ, sức lực cho đời”. Trong sự nghiệp trồng người, đội ngũ giảng viên nếu chỉ có tài thôi thì chưa đủ, ngoài trí tuệ, tài năng, người giảng viên phải có đạo đức vì “người có tài mà không có đức là người vô dụng”. Chính vì thế, đối với các Nhà giáo: Dạy cũng như học đều phải biết chú trọng cả tài và đức.

Đối với đội ngũ Nhà giáo nói chung và đội ngũ Nhà giáo trong Công an nhân dân nói riêng, phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp là yếu tố hết sức quan trọng, giúp cho họ luôn tuyệt đối trung thành với lý tưởng của Đảng, với Tổ quốc và nhân dân. Muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ, trước hết đội ngũ giảng viên phải có nhận thức chính trị đúng đắn, bản lĩnh chính trị vững vàng, nhãn quan chính trị sắc bén, kiên định với mục tiêu lý tưởng của Đảng. Với mục tiêu xây dựng đội ngũ giảng viên tâm huyết với nghề, làm việc tận tụy với tinh thần trách nhiệm, sáng tạo cao, phẩm chất đạo đức, lối sống trong sạch, lành mạnh; trong những năm qua, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về công tác giáo dục đào tạo, trong đó có nhấn mạnh nội dung chú trọng phát triển đội ngũ giảng viên. Tuy nhiên, trước những ảnh hưởng tiêu cực của mặt trái cơ chế thị trường, cũng như tác động đa chiều của những âm mưu, thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch, đòi hỏi Nhà trường phải tập trung xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh, thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động lớn do Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động; tập trung chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, thực hiện nghiêm điều lệnh Công an nhân dân; phòng, chống tiêu cực trong dạy và học. Bên cạnh đó thường xuyên bồi dưỡng nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ giảng viên thông qua mời báo cáo viên báo cáo thời sự hàng tháng, tiếp tục thực hiện có chiều sâu việc học tập Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị Khóa XII về “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh Cuộc vận động “CAND chấp hành nghiêm điều lệnh; xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ”, đẩy mạnh phong trào “Xây dựng nhà trường kỷ cương, nhà giáo mẫu mực, học viên tích cực”, “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, tạo không khí phấn khởi trong toàn thể cán bộ, giảng viên, công nhân viên và học viên Nhà trường. Đồng thời, qua việc tổ chức thực hiện những phong trào, chú trọng nêu gương những người tốt, việc tốt; lấy nhân tố tích cực để đẩy lùi tiêu cực; đồng thời phê phán, đấu tranh với những biểu hiện về tư tưởng chính trị, vô trách nhiệm, vụ lợi cá nhân, vi phạm những chuẩn mực đạo đức, lối sống, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

Hai là: Khẩn trương rà soát chuyển đổi chức danh giảng viên.

Ngày 9/7/2013, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra quyết định số 2509/QĐ-BGDĐT quyết định thành lập Trường Cao đẳng CSND I trên cơ sở nâng cấp từ Trường Trung cấp CSND I. Điều này đặt ra cho Nhà trường yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết phải chuyển đổi chức danh giảng viên từ Trung cấp (Giảng viên TCCN, Giảng viên chính TCCN, Giảng viên cấp cao TCCN) sang Cao đẳng, Đại học (Trợ giảng, Giảng viên, Giảng viên chính) cho phù hợp, đáp ứng nhiệm vụ giáo dục và đào tạo của Nhà trường. Việc chuyển đổi chức danh giảng dạy phải thực hiện theo kế hoạch và đảm bảo đúng với quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an và hướng dẫn của Tổng cục Chính trị CAND. Phòng Tổ chức cán bộ là đơn vị Thường trực cần có sự phối hợp với các đơn vị có liên quan tiến hành rà soát các điều kiện cần và đủ đối với từng chức danh gảng dạy và đối với từng giảng viên cụ thể để việc chuyển đổi chức danh giảng dạy được chính xác, khách quan và đảm bảo quyền lợi của đội ngũ giảng viên. Đồng thời, qua quá trình chuyển đổi chức danh giảng dạy, đội ngũ giảng viên Nhà trường xác định được đầy đủ hơn chức trách và nhiệm vụ của mình trong quá trình hoàn thiện các điều kiện để sớm được bổ nhiệm các chức danh giảng dạy ở bậc Cao đẳng, Đại học.

Ba là: Lập quy hoạch xây dựng đội ngũ giảng viên, chú trọng xây dựng đội ngũ giảng viên đầu đàn và kế cận.

Qua kết quả thống kê, phân tích về tình hình đội ngũ giảng viên của Nhà trường cho thấy, đa số là giảng viên trẻ, kinh nghiệm giảng dạy còn hạn chế, số lượng giảng viên, huấn luyện viên đạt chức danh giảng viên, huấn luyện viên chính và cao cấp chiếm tỷ lệ chưa cao (56.4%). Do đó, để không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo của Nhà trường trong tình hình mới thì việc quy hoạch xây dựng đội ngũ giảng viên có ý nghĩa quyết định nhất. Hoạt động quy hoạch xây dựng đội ngũ giảng viên phải được tiến hành theo kế hoạch trung hạn và dài hạn, là nhiệm vụ trọng tâm của Nhà trường nhằm xây dựng đội ngũ giảng viên đầu đàn và có tính kế cận, nối tiếp nhau. Xây dựng quy hoạch phải xác định rõ trách nhiệm của các đơn vị giáo dục trong Nhà trường và phải được tiến hành một cách toàn diện từ khâu tuyển chọn đội ngũ giảng viên đến khâu đào tạo, bồi dưỡng và bổ nhiệm các chức danh giảng dạy của giảng viên. Bên cạnh đó, việc quy hoạch xây dựng đội ngũ giảng viên cần tập trung vào việc quản lý chế độ làm việc và thực hiện chức trách, nhiệm vụ của giảng viên, để từ đó phát hiện và nhân rộng những cá nhân xuất sắc, là nền tảng cho quá trình xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên.

Bốn là, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng, trình độ sư phạm song song với việc nâng cao kiến thức thực tế và kỹ năng hoạt động thực tiễn nghiệp vụ Công an cho đội ngũ giảng viên.

Kỹ năng và trình độ sư phạm là một trong những thước đo quan trọng để đánh giá về người giảng viên. Để phát triển đội ngũ giảng viên “vừa hồng vừa chuyên”, Nhà trường cần quan tâm tạo điều kiện cho giảng viên học tập, nâng cao trình độ chuyên môn cũng như kỹ năng nghiệp vụ sư phạm. Cần tăng cường hơn nữa công tác đào tạo ngoại ngữ và tin học cho giảng viên, coi đây là một trong các chìa khóa để đổi mới công tác dạy và học trong thời kỳ hội nhập. Từ năm học 2013-2014, Nhà trường được giao nhiệm vụ đào tạo bậc Cao đẳng - đào tạo đội ngũ cán bộ thực hành bậc cao, do đó đòi hỏi đội ngũ giảng viên bên cạnh việc học tập nâng cao trình độ chuyên môn, đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy cần phải chú trọng bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghiệp vụ sư phạm để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ giáo dục và đào tạo của Nhà trường.

Trong thời gian tới bên cạnh việc tiếp tục mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm bậc đại học cho đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục, Nhà trường cần phối hợp với Học viện Cảnh sát nhân dân, trường Đại học giáo dục - Đại học quốc gia Hà Nội mở các lớp tập huấn về phương pháp giảng dạy, kỹ năng kiểm tra đánh giá đối với người học. Thành lập câu lạc bộ giảng viên trẻ và định kỳ sinh hoạt hàng tháng để giảng viên có điều kiện giao lưu, học hỏi và bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của mình. Đồng thời, hàng năm Nhà trường cần tiếp tục tổ chức các phong trào dạy giỏi theo chiều sâu, đánh giá thực chất đội ngũ giảng viên, tạo sân chơi cho đội ngũ giảng viên trao đổi, học hỏi kinh nghiệm giảng dạy.

Xuất phát từ nguyên lý của hoạt động giáo dục là học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn, trong khi đó mục tiêu đào tạo bậc trung cấp và cao đẳng là đào tạo ra cán bộ, sỹ quan thực hành, có trình độ thực hành bậc cao nên việc nâng cao kiến thức thực tế và kỹ năng hoạt động thực tiễn nghiệp vụ Công an cho đội ngũ giảng viên đóng vai trò quan trọng. Để đảm bảo phương châm đào tạo gắn kết giữa lý luận vào thực tiễn, Nhà trường cần có nhiều hình thức gắn công tác giáo dục vào thực tiễn chiến đấu của lực lượng Công an nhân dân, tăng cường mối quan hệ phối hợp với các đơn vị chiến đấu; các Khoa, Bộ môn cần tăng cường xây dựng kế hoạch tổ chức cho giảng viên thường xuyên hoặc định kỳ đi thực tế tại cơ sở để làm phong phú hệ thống kiến thức lý luận, phục vụ có hiệu quả cho công tác giảng dạy. Bên cạnh đó, Nhà trường cũng cần có kế hoạch luân chuyển giảng viên, đặc biệt là giảng viên trẻ đi công tác thực tiễn có thời hạn tại Công an các đơn vị, địa phương. Điều này sẽ giúp giảng viên có điều kiện nắm bắt thực tế tốt hơn, rèn luyện và củng cố kỹ năng thực hành, phục vụ hiệu quả công tác giảng dạy.

Sáu là: Nâng cao hiệu quả nghiên cứu khoa học của đội ngũ giảng viên.

Cùng với nhiệm vụ giảng dạy, việc nâng cao hiệu quả nghiên cứu khoa học của đội ngũ giảng viên đóng vai trò hết sức quan trọng nhằm góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu công tác đấu tranh bảo vệ an ninh trật tự trong tình hình mới. Đối với Trường Cao đẳng CSND I, tính từ năm 2011 đến năm 2016, cán bộ, giảng viên Nhà trường đã tổ chức nghiên cứu 52 đề tài khoa học, trong đó có 08 đề tài khoa học cấp Bộ và 44 đề tài khoa học cấp cơ sở. Kết quả, công tác nghiên cứu các đề tài khoa học đã góp phần quan trọng trong việc phát hiện những vấn đề mới nảy sinh trong thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm và công tác giáo dục, đào tạo của Nhà trường. Hoạt động nghiên cứu khoa học được thực hiện có kế hoạch, từng bước phù hợp với mục tiêu, yêu cầu phát triển của Nhà trường và góp phần xây dựng hoàn thiện hệ thống lý luận của Ngành Công an.

Để làm được điều đó, mỗi giảng viên cần phải có nhận thức đúng đắn về vai trò, trách nhiệm của mình đối với công tác nghiên cứu khoa học, xác định đây vừa là nhiệm vụ bắt buộc, vừa là quyền lợi của giảng viên để nâng cao trình độ chuyên môn và hoàn thiện các chức danh giảng dạy. Các Khoa, Bộ môn cần nêu cao trách nhiệm, động viên, khuyến khích giảng viên tích cực tham gia nghiên cứu khoa học, lựa chọn đề tài phù hợp và mang tính cấp bách trong thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Đối với Nhà trường cần xây dựng chế độ, chính sách đãi ngộ hợp lý đối với đội ngũ giảng viên tham gia nghiên cứu khoa học, hỗ trợ kinh phí, cung cấp các trang thiết bị cần thiết đảm bảo cho việc nghiên cứu đạt hiệu quả. Có như vậy, công tác nghiên cứu khoa học mới đạt hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của Nhà trường đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống tội phạm, bảo vệ trật tự an toàn xã hội trong tình hình hiện nay.

Để phát triển đội ngũ giảng viên, Đảng ủy Ban Giám hiệu Nhà trường cần quan tâm hơn nữa đến chế độ đãi ngộ và động viên khuyến khích đối với giảng viên, đặc biệt giảng viên có trình độ cao. Đây là nhân tố quan trọng góp phần xây dựng đội ngũ giảng viên có trình độ cao trong các trường CAND nói chung và Trường Cao đẳng CSND I nói riêng. Trong đó, cần quan tâm hơn nữa đến việc xét chức danh cho giảng viên, xét phong tặng danh hiệu giảng viên giỏi các cấp, phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú, Nhà giáo nhân dân…Đây là động lực quan trọng để các giảng viên không ngừng phấn đấu, nâng cao hơn nữa năng lực chuyên môn và nhiệt huyết cống hiến cho sự nghiệp giáo dục đào tạo của Ngành.

Phát triển đội ngũ giảng viên Trường Cao đẳng CSND I và cũng là vấn đề cốt lõi để xây dựng Nhà trường ngày càng lớn mạnh, xứng đáng là chiếc nôi đào tạo chiến sỹ CAND vừa hồng vừa chuyên, góp phần quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ an ninh trật tự, giữ gìn cuộc sống bình yên của nhân dân.

Thượng úy Đỗ Hoa Quỳnh (P6)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi