Đội ngũ giảng viên trẻ của Trường Cao đẳng CSND I chiếm tỷ lệ đa số trong đội ngũ giảng viên nhà trường, là lực lượng được đào tạo chuyên sâu các môn chuyên nghành và phương pháp, kỹ năng sư phạm ở các học viện, nhà trường trong và ngoài Công an. Đây là lực lượng tuổi đời còn trẻ, có phẩm chất, năng lực tốt, nhạy bén với cái mới, năng động, sáng tạo trong mọi hoạt động. Đồng thời ở họ phương pháp, kỹ năng sư phạm còn hạn chế và đang trong quá trình hoàn thiện. Trước những yêu ngày càng cao của nhiệm vụ giáo dục, đào tạo trong tình hình mới, đòi hỏi đội ngũ giảng viên trẻ phải không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, rèn luyện phong cách, bản lĩnh và phương pháp sư phạm. Để đạt được những yêu cầu đó một trong những yêu cầu quan trọng là phải phát huy văn hóa đọc, rèn luyện kỹ năng, thói quen, phương pháp đọc của đội ngũ giảng viên trẻ của Trường cao đẳng CSND I.
Phát huy văn hóa đọc của đội ngũ giảng viên trẻ là quá trình tác động tích cực, chủ động, thường xuyên của nhà trường, các khoa, bộ môn kết hợp với tính tự giác, chủ động học tập của bản thân mỗi giảng viên nhằm củng cố và rèn luyện kỹ năng, thói quen và phương đọc có hiệu quả phục vụ tốt cho công tác giảng dạy phát triển tư duy cho mỗi giảng viên. Thực tế trong thời gian qua cho thấy, cùng với sự phát triển nhanh và mạnh của các phương tiện truyền thông, giải trí, sự phát triển của mạng xã hội tạo ra sự lôi cuốn mạnh mẽ hơn so với sách in đã ảnh hưởng đến sở thích, thói quen đọc sách của không nhỏ các tầng lớp trong xã hội, trong đó có đội ngũ giảng viên trẻ của Trường Cao đẳng CSND I. Bên cạnh đó, công nghệ in ấn phát triển mạnh mẽ kéo theo sự ra đời một lượng lớn đầu sách ở các lĩnh vực đời sống xã hội tạo ra yếu tố "loãng" đối với người đọc. Ở lĩnh vực khoa học nghiệp vụ Công an cũng có rất nhiều đầu sách mới tuy nhiên, nhiều ấn phẩm có sự "cồng kềnh" nhiều trang, tạo tâm lý ngại cho người đọc. Những yếu tố đó đã có tác động trực tiếp văn hóa đọc trong đội ngũ giảng viên trẻ của Trường Cao đẳng CSND I.
Thực tiễn cho thấy, trong quá trình nghiên cứu và giảng dạy một bộ phận không nhỏ đội ngũ giảng viên trẻ chưa chủ động tiếp xúc, tìm đọc các nguồn tài liệu tham khảo có giá trị như: Sách chuyên khảo về pháp luật, nghiệp vụ; báo cáo tổng kết chuyên đề; các thông tin, bài viết trên các tạp chí khoa học chuyên nghành…. Giảng viên chủ yếu sử dụng giáo trình của Nhà trường, tra cứu thông tin trên mạng Internet để biên soạn, bổ sung cho bài giảng. Chính vì thế bài giảng chưa có độ chuyên sâu, tính cập nhật thời sự chưa cao đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy học. Bản thân nhiều giảng viên trẻ chưa định hướng nguồn tài liệu nghiên cứu, nội dung cần tra cứu trong các tài liệu và chưa tổng hợp khai thác các nội dung trong các sách, tài liệu phục vụ biên soạn giáo án. Thậm chí, có giảng viên chưa biết đầy đủ các tài liệu, đầu sách cần thiết để hướng dẫn cho học viên nghiên cứu, tham khảo trong quá trình học tập, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động tự học của học viên.
Để phát triển văn hóa đọc trong đội ngũ giảng viên của Nhà trường, cần thực hiện các giải pháp sau:
- Một là, lãnh đạo các khoa, bộ môn, giảng viên có kinh nghiệm cần định hướng cho đội ngũ giảng viên trẻ trong quá trình hình thành và củng cố kỹ năng và phương pháp đọc hiệu quả.
Các khoa, bộ môn là nơi quản lý, đánh giá trực tiếp về chuyên môn của đội ngũ giảng viên trẻ, đồng thời cũng góp phần định hướng, rèn luyện phẩm chất năng lực của đội ngũ này. Do đó, phải thường xuyên đặt ra các yêu cầu cao trong quá trình đánh giá, thông qua bài giảng của giảng viên trẻ. Phát huy vai trò của các giảng viên đầu đàn, giảng viên có uy tín, năng lực chuyên môn và kinh nghiệm giảng dạy, nghiên cứu để định hướng cho đội ngũ giảng viên trẻ trong quá trình tìm tài liệu, rèn luyện kỹ năng và phương pháp đọc có hiệu quả. Trong định hướng phát triển văn hóa đọc, lãnh đạo nhà trường và lãnh đạo các khoa, bộ môn cần đặt ra các yêu cầu cao trong đổi mới nội dung giảng dạy, nghiên cứu khoa học để đội ngũ giảng viên phải tìm tòi, nghiên cứu tài liệu, sách ở nhiều nguồn khác nhau.
- Hai là, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về vai trò của việc đọc sách và phát triển phong trào đọc sách có hiệu quả trong nhà trường.
Văn hóa đọc là quá trình hình thành và phát triển các giá trị, chuẩn mực đọc của mỗi cá nhân, quá trình này không thể thực hiện được bởi các biện pháp áp đặt, mệnh lệnh mà chỉ thực hiện được thông qua tuyên truyền, giáo dục, định hướng của nhà quản lý và những người có uy tín. Các khoa, bộ môn nên duy trì việc đọc báo đầu giờ, tổ chức sinh hoạt chuyên môn bàn luận về những cuốn sách hay liên quan đến chuyên môn giảng dạy, xây dựng tủ sách thanh niên...Đối với nhà trường, cần tổ chức các hoạt động giao lưu, tọa đàm, đối thoại giữa những nhà trí thức, nhà khoa học, nhà giáo có uy tín, có trình độ chuyên môn cao với đội ngũ giảng viên trẻ nhân các sự kiện của nhà trường, của ngành. Thông qua các buổi giao lưu, tọa đàm đó một mặt giúp cho đội ngũ giảng viên trẻ có điều kiện giao lưu, học hỏi kinh nghiệm những nhà trí thức, nhà khoa học, nhà giáo có uy tín. Quá trình đó, giúp cho mỗi cá nhân nhận thức đầy đủ về vai trò và tầm quan trọng của việc đọc sách đến phát triển khả năng tư duy, định hướng tư tưởng và hình thành nhân cách. Từ đó mỗi người tự giác, chủ động trong việc đọc sách và hình thành thói quen, sở thích và phương pháp đọc có hiệu quả.
- Ba là, phát huy tính chủ động, tích cực và hình thành kỹ năng đọc cho của bản thân mỗi giảng viên trẻ.
Bản thân mỗi giảng viên cần nhận thức đầy đủ vai trò, tầm quan trọng của văn hóa đọc đối với quá trình nâng cao nhận thức, định hướng tư tưởng và chất lượng, tính thuyết phục của bài giảng. Từ đó, tự xây dựng cho mình thói quen và kỹ năng đọc hiệu quả. Do đó, mỗi giảng viên cần phải xác định cho mình mục đích của việc đọc, lựa chọn sách và rèn luyện phương pháp đọc, cụ thể:
Về mục đích đọc sách là nâng cao nhận thức, phát triển khả năng tư duy sáng tạo, cập nhật các thông tin nhằm nâng cao chất lượng bài giảng và kết quả giảng dạy. Đọc để để thấu hiểu, học tập cách lập luận, đồng thời chú ý ghi chép số liệu, tư liệu để phục vụ cho việc nghiên cứu, giảng dạy….
Lựa chọn sách đọc: Mỗi giảng viên theo yêu cầu của công tác nghiên cứu, giảng dạy cần có sự lựa chọn chu đáo để tiết kiệm thời gian, đáp ứng nhanh yêu cầu của công việc. Sự lựa chọn và phân loại sách, báo cần đọc sẽ giúp cho người đọc vừa tiết kiệm thời gian vừa tìm kiếm đúng sách phục vụ nhanh chóng cho mục đích đọc.
Về phương pháp đọc: Căn cứ vào mục đích của việc đọc sách mà mỗi giảng viên, trong mỗi thời điểm nhất định có thể vận dụng và thực hiện theo các bước: Đọc nhanh (đọc lướt) để hiểu khái quát nội dung tài liệu; đọc kỹ đối với nội dung quan trọng liên quan đến mục đích đã xác định; tìm kiếm, sao chép, ghi chú thông tin, tư liệu cần thiết khi đọc.
- Bốn là, phát triển văn hóa đọc gắn với việc đổi mới phương pháp dạy học của giảng viên.
Hiện nay, Nhà trường đang triển khai chương trình đào tạo theo tín chỉ, đòi hỏi phải tăng cường hoạt động tự học, tự nghiên cứu nhằm phát huy tính tích cực, chủ động của học viên. Triển khai dạy học theo phương pháp này đòi hỏi đội ngũ giảng viên phải là người mẫu mực trong đọc sách, nắm vững tên và nội dung các giáo trình, tài liệu tham khảo để hướng dẫn học viên tự nghiên cứu, đồng thời giảng viên phải tạo ra sự hứng thú, đam mê đối với việc đọc sách của học viên.
- Năm là, tăng cường các đầu sách, tài liệu giá trị và cơ sở vật chất cần thiết cho việc phát triển văn hóa đọc trong đội ngũ giảng viên trẻ nhà trường.
Để phát triển văn hóa đọc của đội ngũ giảng viên, cần phải có nguồn tài liệu phong phú, đa dạng và thường xuyên cập nhật những nguồn tài liệu, sách mới giúp cho mỗi giảng viên có thể chủ động tìm đọc những tài liệu phù hợp với chuyên nghành, khả năng nhận thức và yêu cầu của từng nội dung bài giảng. Phát huy vai trò của Trung tâm lưu trữ, thư viện trong việc cập nhật, bổ sung tài liệu mới các tài liệu nghiệp vụ; hệ thống hóa thuận tiện cho việc tra cứu và duy trì việc giới thiệu các đầu sách hay trên trang Web nội bộ và thông báo tại thư viện... Bên cạnh đó, cần tạo ra không gian đọc tài liệu một cách thoải mái, tĩnh tâm thuận tiện cho giảng viên, học viên học tập, nghiên cứu tại thư viện của Trường.
Bài: Thiếu tá Nguyễn Thanh Sơn (Khoa NV6)