Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh là một hệ thống các quan điểm cơ bản và toàn diện về đạo đức. Hồ Chí Minh khẳng định đạo đức là gốc của người cách mạng. Người viết: “Làm cách mạng để cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới là một sự nghiệp rất vẻ vang, nhưng nó cũng là một nhiệm vụ rất nặng nề, một cuộc đấu tranh rất phức tạp, lâu dài, gian khổ. Sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang” và “Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền giáo dục tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cho học viên nhà trường là một trong những nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết hiện nay.
Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh
Đạo đức, hiểu theo nghĩa chung nhất là một hình thái ý thức xã hội, bao gồm những nguyên tắc, chuẩn mực, định hướng được xã hội thừa nhận, có tác dụng chi phối, điều chỉnh hành vi của con người trong quan hệ với người khác và toàn xã hội. Đạo đức có vai trò quan trọng trong xã hội, là nền tảng tinh thần của xã hội, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, qua đó thúc đẩy sự phát triển của kinh tế - xã hội, xây dựng xã hội Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Những phẩm chất đạo đức cơ bản của con người Việt Nam trong thời đại mới theo tư tưởng Hồ Chí Minh, là: Trung với nước, hiếu với dân; yêu thương con người, sống có nghĩa có tình; cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư và tinh thần quốc tế trong sáng.
Trong quá trình xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa, đại đa số cán bộ đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân đang hết sức mình để thực hiện các mục tiêu cách mạng. Tuy nhiên vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, đã làm giảm sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội, tác động đến sự ổn định, phát triển bền vững của xã hội và gây bức xúc trong dư luận xã hội. Tình hình trên đã làm cho Nhân dân lo lắng, bất bình, ảnh hưởng xấu đến uy tín lãnh đạo của Đảng, đến việc tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Do đó, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức cách mạng của Hồ Chí Minh hiện nay có ý nghĩa hết sức quan trọng. Bởi vì tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh luôn là một bộ phận không thể thiếu của nền tảng tinh thần xã hội, là động lực, nguồn sức mạnh to lớn để Nhân dân ta phát huy nội lực, vượt qua thử thách, khó khăn để tiến lên. Đặc biệt, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là một biện pháp quan trọng để mỗi cán bộ đảng viên và tổ chức đảng sửa chữa, khắc phục tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống, củng cố và giữ vững niềm tin của Nhân dân về sự lãnh đạo của Đảng.
Với ý nghĩa và tầm quan trọng của việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, ngày 15-5-2016, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Coi đây là nội dung quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; xây dụng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu.
Hiện nay, khi đất nước bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trước âm mưu “diễn biến hòa bình” và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, suy thoái về chính trị, đao đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên thì nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ngày càng nặng nề với lực lượng Công an nhân dân (CAND). Chính vì thế, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong toàn bộ hoạt động, công tác, chiến đấu, xây dựng lực lượng CAND và nhất là trong công tác đào tạo tại các nhà trường CAND nói chung, Trường Cao đẳng CSND I nói riêng nhằm góp phần vào việc thực hiện mục tiêu đào tạo nên đội ngũ cán bộ, sỹ quan Cảnh sát chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có phẩm chất đạo đức, sức khỏe, tri thức, nghiệp vụ, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc, chủ nghĩa xã hội, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới mới.
Thực hiện mục tiêu đó, trong những năm qua, Đảng ủy Ban Giám hiệu Trường Cao đẳng CSND I đã đưa chủ trương học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của Bộ Chính trị vào chương trình, kế hoạch trong nhiệm vụ chính trị của Nhà trường. Các Chi bộ đã nghiêm túc xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện các chỉ thị, nghị quyết làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với Sáu điều Bác Hồ dạy CAND, các phong trào thi đua “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, CAND vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, “Xây dựng phong cách người CAND bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ” do Bộ Công an phát động; mỗi cán bộ, đảng viên và học viên trong Nhà trường tự liên hệ, kiểm điểm, xây dựng kế hoạch cá nhân và đăng ký phấn đấu học tập và làm theo Bác. Cấp ủy, lãnh đạo các đơn vị, chi bộ thường xuyên đôn đốc, kiểm tra và coi đây là một tiêu chí quan trọng đã mang lại những kết quả tích cực trong công trong xem xét, đánh giá cán bộ, đảng viên trong Nhà trường, qua đó tạo ra những chuyển biến mới về nhận thức và hành động trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Nhà trường đã thường xuyên tổ chức phổ biến, quán triệt cho cán bộ, giảng viên, học viên nội dung các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên, các phong trào thi đua, cuộc vận động do Bộ Công an phát động; tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học cho học viên về các chuyên đề tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và nhiều cuộc thi viết bài tìm hiểu về Sáu điều Bác Hồ dạy. Tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề về Chủ tịch Hồ Chí Minh để giúp cán bộ, chiến sĩ nâng cao nhận thức chính trị, hiểu biết sâu sắc hơn nữa về thân thế, sự nghiệp vĩ đại cùa Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhất là tình cảm của Bác với lực lượng CAND; xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện phong trào “CAND học tập và thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy” với nhiều hình thức, biện pháp phong phú gắn kết chặt chẽ với hoạt động của Nhà trường. Có thể nói, cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã góp phần tích cực và từng bước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng của Trường Cao đẳng CSND I trong sạch, vững mạnh; làm cho cán bộ, chiến sĩ và học viên nhà trường nhận thức sâu sắc hơn về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và về ý nghĩa, tác dụng của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người. Từ đó, ra sức tu dưỡng, rèn luyện tư tưởng, chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống của người Công an cách mạng; nâng cao ý thức chấp hành đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chỉ thị, nghị quyết và Điều lệnh CAND.
Mặc dù đã đạt được những thành tựu cơ bản nhưng trong thời gian qua, công tác tuyên truyền giáo dục tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cho học viên vẫn còn những tồn tại, hạn chế, đó là: Việc thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh có lúc có nơi còn hình thức, hiệu quả chưa cao; công tác triển khai, quán triệt chưa thật sự sâu rộng. Nội dung tuyên truyền có mặt còn nghèo nàn, thiếu sức hấp dẫn, chưa đáp ứng được nhu cầu thông tin của cán bộ, giáo viên và học viên. Hình thức chưa phong phú, đa dạng sức thuyết phục chưa cao, chưa tương xứng với yêu cầu đặt ra. Trình độ đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền chưa theo kịp, chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác tuyên truyền trong tình hình mới, đặc biệt là trong điều kiện phát triển của công nghệ thông tin như hiện nay. Mặt khác, năng lực tổng hợp, dự báo, nắm bắt tình hình tư tưởng, phát hiện, tham mưu giải quyết các vấn đề trong thực tiễn chưa cao. Tuyên truyền điển hình, nhân tố mới, gương người tốt, việc tốt chưa đủ sức mạnh lôi cuốn, cổ vũ quần chúng.
Để tiếp nối những thành tích đã đạt được, hoàn thành xuất sắc yêu cầu nhiệm vụ giáo dục đào tạo trong tình hình mới, đòi hỏi cán bộ, giảng viên, học viên Trường Cao đẳng CSND I cần nỗ lực phấn đấu, vượt qua thử thách, tiếp tục quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương Đảng, của Bộ Công an và để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền giáo dục tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cho học viên Trường Cao đẳng CSND I cần thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp cơ bản sau:
Một là, tiếp tục phát huy vai trò, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường trong việc nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền cuộc vận động đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Sự lãnh đạo, chỉ đạo và vai trò tiên phong gương mẫu của Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường, lãnh đạo cấp ủy các đơn vị là rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định tạo ra sự lôi cuốn toàn thể cán bộ, giảng viên, học viên hưởng ứng tham gia học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đảng ủy, Ban Giám hiệu và lãnh đạo các đơn vị cần sâu sát hơn nữa trong chỉ đạo thực hiện, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên của Nhà trường, từng đơn vị để phong trào ngày càng đi vào chiều sâu, có hiệu quả thiết thực, gắn với mục tiêu xây dựng lực lượng trong sạch, vững mạnh, môi trường sư phạm lành mạnh. Trong thời gian tới, cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc Kế hoạch số 28-KH/ĐƯCA-X11, ngày 12-9- 2016, của Đảng ủy Công an Trung ương, về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chỉ Minh trong Công an nhân dân ”, găn với thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 04-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 4 khóa XII; phong trào “Công an nhân dân học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy”; Chỉ thị số 03/CT-BCA của Bộ Công an về “Tăng cường siết chặt kỷ luật, kỷ cương, điều lệnh; xây dựng nếp sổng văn hóa vì nhân dân phục vụ ”; cuộc vận động “Xây dựng phong cách người Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”, lồng ghép với các phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc”. Đồng thời, định kỳ tiến hành sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm về công tác chỉ đạo, cách làm hiệu quả trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để phổ biến, nhân rộng.
Hai là, xác định các nội dung của tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh cần đưa vào giáo dục trong nhà trường. Nâng cao chất lượng giảng dạy và phương pháp dạy học tích cực nội dung Tư tưởng Hồ Chí Minh môn Giáo dục chính trị cho học viên nhà trường. Tăng cường giáo dục đạo đức Hồ Chí Minh trong các hoạt động ngoại khoá. Kết hợp giáo dục đạo đức Hồ Chí Minh với giáo dục lịch sử truyền thống của lực lượng CAND cho học viên. Đặc biệt, giáo dục cho học viên có thái độ sống tích cực; đam mê, khát vọng và nhiệt huyết; có lòng trắc ẩn, lòng biết ơn, lòng vị tha, yêu thương, nhân ái với mọi người với đồng chí đồng đội. Giáo dục cho học viên có niềm đam mê, khát vọng và nhiệt huyết mới có thể làm nên những điều kỳ diệu trong cuộc sống. Thông qua những hoạt động trải nghiệm, các tấm gương khát vọng nỗ lực vươn lên để chiếm lĩnh thành công.
Ba là, đa dạng hóa các phương pháp và hình thức tuyên truyền giáo dục học viên theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Ảnh minh họa nguồn: http://tuyengiaoangiang.vn/
Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh sâu rộng trong học viên, nhất là tạo thành các phong trào mạnh mẽ vào những ngày lễ như kỷ niệm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4; ngày sinh nhật Bác 19/5; ngày Quốc khánh 2/9 gắn với các nội dung, chuyên đề cụ thể nhằm làm cho toàn thể cán bộ, giáo viên và học viên nhận thức sâu sắc những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng, tư tưởng đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh, thúc đẩy mạnh mẽ việc làm theo tư tưởng đạo đức của Người. Ngoài việc tuyên truyền và lồng ghép các nội dung giáo dục đạo đức cho học viên, nhà trường nên đa dạng hóa phương pháp và hình thức như: Gắn với các ngày kỷ niệm của đất nước, của ngành, nhà trường nên tổ chức cho cán bộ, giáo viên và học viên sinh hoạt tập thể về nội dung của các chuyên đề tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng những hình thức phong phú. Nhà trường cần thành lập ban biên tập và xây dựng chương trình thi kể chuyện về đề tài “Gương tiêu biểu làm theo lời Bác” nhằm kể các bài viết, các tấm gương cán bộ, giáo viên, học viên tiêu biểu học tập và làm theo lời Bác để tuyên truyền trong nhà trường. Tổ chức các hoạt động ngoại khoá hướng tới chủ đề giáo dục đạo đức; truyền thống lịch sử dân tộc và lực lượng CAND. Những buổi nghe khách mời nói chuyện về tâm gương, đạo đức Hồ Chí Minh, về tâm gương tiêu biểu của lực lượng CAND.
Thực hiện công tác tuyên truyền về cuộc vận động thông qua hoạt động về nguồn, thực tế chính trị - xã hội; các buổi sinh hoạt ngoại khóa của nhà trường, băng rôn, khẩu hiệu, bảng tin tại các địa điểm của trường, thông qua các cuộc thi viết bài cảm nhận, các cuộc thi sáng tác báo tường, làm tập san, vẽ tranh, văn nghệ hoặc qua các buổi phát thanh của trường, … Một trong những phương thức có thể vận dụng hiệu quả chính là sử dụng mạng xã hội: facebook, zalo, twitter, youtube,… để lan tỏa những bài học qua video, hình ảnh, hoạt động thực tế,… tác động tới nhận thức và tư tưởng của học viên một cách nhanh chóng và mạnh mẽ. Có thể vận dụng để mạng xã hội trở thành một công cụ giáo dục đắc lực, uốn nắn, định hướng cho học viên ngay cả trong việc các em đăng stattus, video, hình ảnh, comment, like,…
Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc và chú trọng công tác khen thưởng, kỉ luật để nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền giáo dục đạo đức học viên. Một trong những nguyên tắc hoạt động đảm bảo tính hiệu quả đó là sau khi chỉ đạo, giao việc cần có kiểm tra, đôn đốc chặt chẽ, kịp thời. Có như vậy mới nắm bắt được học viên đang nhận thức vấn đề, xử lí công việc như thế nào; có khó khăn, vướng mắc gì không để kịp thời động viên, nhắc nhở, giải quyết. Không để xảy ra hậu quả rồi thì quá muộn. Để tạo được động lực cho học viên tích cực học tập rèn luyện, nhà trường cần có biện pháp khích lệ, động viên học viên kịp thời, khuyến khích các em tích cực, tự giác trong mọi hoạt động. Biểu dương, khen thưởng các điển hình tiên tiến, những gương người tốt, việc tốt để tạo sức lan toả. Đồng thời cũng xử lí kỉ luật nghiêm, kịp thời những trường hợp vi phạm để răn đe.Việc kỉ luật học viên phải mang tính răn đe nhưng quan trọng nhất là mang tính giáo dục, tính hướng thiện và chấp hành nghiêm Điều lệnh CAND. Những tấm gương sáng trong học tập, rèn luyện và hoạt động phong trào của học viên được nêu gương, khen thưởng kịp thời sẽ khuyến khích, giúp các em có thêm động lực để tiếp tục học tập, tu dưỡng, rèn luyện bản thân.
Năm là, phát huy vai trò nêu gương của đội ngũ cán bộ, giáo viên nhà trường. Để đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục đạo đức Hồ Chí Minh cho học học viên, chúng ta phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp với sự tham gia của toàn trường, song vai trò quan trọng nhất vẫn là người giáo viên. Hồ Chí Minh đã nói “một tấm gương sáng sống có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Vì vậy, mỗi cán bộ, giáo viên nhà trường cần xác định bản thân phải là một tấm gương sáng. Cùng với việc thực hiện cuộc vân động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương tự học, tự rèn luyện” , các thầy cô giáo phải nhận thức rõ trách nhiệm nêu gương, tự giác đi đầu trong học tập và làm theo Bác, coi đây là một trong những giải pháp cơ bản để đẩy mạnh hơn việc tuyên truyền giáo dục đạo đức cho học viên. Mỗi cán bộ, giáo viên cần nêu gương ở cả cách tư duy, suy nghĩ, tác phong, ở mỗi một hành động nhỏ nhặt trong đời sống hằng ngày, trong công việc. Ở thời đại 4.0 ngay cả mỗi lượt like hay đăng bài, lời bình luận,…trên mạng xã hội, mỗi người cán bộ, giáo viên cũng cần thể hiện văn hóa ứng xử, bản lĩnh cũng như sự chín chắn và uy tín của mình.
Đồng chí Đại tá, PGS.TS Lê Hoài Nam, Hiệu Trưởng nhà trường tặng giấy khen cho các đơn vị có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác
Sinh thời, một trong những giải pháp tuyên truyền giáo dục quan trọng của Bác là nêu gương “người tốt, việc tốt”. Trước hết người thầy giáo, cô giáo phải là tấm gương sáng về đạo đức, “phải là thầy giáo tốt”,“thầy giáo xứng đáng là thầy giáo” cho học viên noi theo. Muốn trở thành người thầy giáo tốt, phải trau dồi đạo đức cách mạng, giữ vững lập trường, nâng cao sự hiểu biết và trình độ chính trị, mới làm tốt công tác mà lực lượng CAND giao phó cho mình. Thường xuyên học tập chủ nghĩa Mác-Lênin theo cách của Bác là “Học tập cái tinh thần xử lý mọi công việc đối với mọi người và đối với bản thân mình”.
Làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục đạo đức cho học viên về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh chúng ta mới có thể đào tạo được những cán bộ chiến sĩ Công an nhân dân vừa “hồng”, vừa “chuyên”; có trí tuệ, giỏi chuyên môn nghiệp vụ, giàu lòng yêu nước góp phần xây dựng lực lượng CAND chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; phấn đấu cho mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Bài: Xuân Định (Khoa CB1)