Để chuẩn bị tốt cho công tác giảng dạy cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý, giám sát người thi hành án hình sự tại cộng đồng, Nhà trường cũng như Khoa Cảnh sát thi hành án hình sự đã và đang xây dựng chương trình đào tạo, chương trình môn học mới đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình hiện nay. Để đạt hiệu quả cao nhất trong công tác giảng dạy nói chung, trong đó có đào tạo cán bộ làm công tác quản lý, giám sát người chấp hành án hình sự tại cộng đồng nói riêng, việc nghiên cứu thực tế của giáo viên là vô cùng quan trọng.
Là Khoa chuyên ngành được Nhà trường và Bộ Công an giao nhiệm vụ giảng dạy bậc trung cấp, ngành Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Khoa Cảnh sát thi hành án hình sự luôn nghiêm chỉnh chấp hành và thực hiện nghiêm Nghị quyết số 29/NQ-TW, ngày 04/11/2013 Hội nghị Trung ương lần thứ 8 Khóa XI của Đảng Cộng sản Việt Nam về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế và Nghị quyết số 17/NQ-ĐUCA, ngày 28/10/2014 của Đảng ủy Công an Trung ương và Chỉ thị số 13/CT-BCA, ngày 28/10/2014 của Bộ Công an về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo trong Công an nhân dân. Khoa Cảnh sát thi thành án hình sự đã và đang có nhiều chuyển biến, đổi mới trong nội dung, phương pháp giảng dạy. Đội ngũ giáo viên thường xuyên được nâng cao trình độ, bồi dưỡng, trau dồi, cập nhật những kiến thức mới nhất về pháp luật, nghiệp vụ, phương pháp dạy học, trong đó, hoạt động nghiên cứu thực tế của giáo viên luôn được lãnh đạo khoa quan tâm, chú trọng.
Hàng năm, ngay từ đầu năm học, Khoa Cảnh sát thi thành án hình sự đã tiến hành quy hoạch và đề nghị các giáo viên của Khoa đăng ký kế hoạch thực tế, trong đó xác định rõ thời gian và địa bàn thực tế. Trên cơ sở đó, Cấp ủy, lãnh đạo Khoa tiến hành tổ chức họp đơn vị để thống nhất kế hoạch đăng ký thực tế và đề xuất với Nhà trường về kế hoạch thực tế hàng năm của giáo viên.
Khoa Cảnh sát thi hành án hình sự họp triển khai kế hoạch tổ chức hoạt động thực tế năm học 2023 - 2024.
Tính riêng 3 năm học vừa qua (2020 - 2021; 2021 - 2022; 2022 - 2023), Khoa Cảnh sát thi hành án hình sự đã cử 01 giáo viên luân chuyển có thời hạn (3 năm) về trại giam thuộc Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng; gần 20 lượt giáo viên đi nghiên cứu thực tế tại Công an các đơn vị, địa phương… Thông qua công tác thực tế, giáo viên tiếp cận, trau dồi nhiều kiến thức thực tiễn, có cơ hội được thực hành nghề nghiệp, trực tiếp thực hiện các công việc; trao đổi, học hỏi kinh nghiệm từ cán bộ Công an các đơn vị, địa phương nơi thực tế; thu thập các tài liệu, tổng kết thực tiễn phục vụ nghiên cứu đề tài khoa học, biên soạn giáo án, giáo trình, tài liệu dạy học. Đồng thời, từ các đợt công tác thực tế đã xây dựng và nâng cao mối quan hệ phối hợp giữa Công an các đơn vị, địa phương với Nhà trường; nhiều cán bộ từ Công an các đơn vị, địa phương đã được mời đến trường báo cáo thực tế, phối hợp cùng giáo viên hướng dẫn học viên thực tập môn học, thực tập tốt nghiệp; tham gia vào hội thảo, nghiệm thu đề tài khoa học, giáo trình tài liệu do Khoa chủ trì, biên soạn.
Cán bộ giáo viên Khoa Cảnh sát thi hành án hình sự tham quan phòng đọc và phòng máy kasan tại đơn vị địa phương.
Bên cạnh những kết quả đạt được, xuất phát từ các điều kiện khách quan, hoạt động nghiên cứu thực tế của giáo viên Khoa Cảnh sát thi hành án hình sự vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả nghiên cứu thực tế của giáo viên phục vụ đào tạo cán bộ làm công tác quản lý, giám sát người chấp hành án hình sự tại cộng đồng, thời gian tới, đơn vị cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Một là, cần làm tốt công tác chính trị tư tưởng cho giáo viên trong việc nâng cao kiến thức thực tế, nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của hoạt động Thi hành án hình sự tại cộng đồng trong tình hình mới.
Đây là vấn đề rất quan trọng. Chúng ta đều biết, lý luận và thực tiễn luôn vận động và phát triển không ngừng. Những kiến thức về hoạt động Hỗ trợ tư pháp trong đó công tác thi hành án hình sự tại cộng đồng đã có sự thay đổi cho phù hợp với nhận thức của con người, những điều ước quốc tế mà Việt Nam kí kết, quy định pháp luật hiện hành. Bên cạnh đó, những thủ đoạn đối phó của các đối tượng phạm tội nhằm trốn tránh pháp luật ngày càng trở lên tinh vi xảo quyệt; cùng với sự kích động, lôi kéo của các thế lực thù địch, đối tượng phản động nhằm gây mất an ninh trật tự trong hoạt động tư pháp…vì vậy, giáo viên thực tế phải nhận thức được vị trí, vai trò của công tác thi hành án hình sự tại cộng đồng không ngừng học tập, nghiên cứu, củng cố, hoàn thiện, bổ sung kiến thức thực tiễn công tác Thi hành án hình sự tại cộng đồng phục vụ công tác đào tạo.
Thứ hai, giáo viên đi thực tế cần phải chấp hành nghiêm túc quyết định đi thực tế; xây dựng kế hoạch thực tế phải đảm bảo tính khoa học, khả thi trong đó xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung, quyền hạn, trách nhiệm của mình tại đơn vị Công an địa phương. Đặc biệt những nhiệm vụ cụ thể, các chỉ tiêu nghiệp vụ bắt buộc giáo viên phải thực hiện trong thời gian thực tế. Xuyên suốt quá trình đi nghiên cứu thực tế, giáo viên phải nghiêm túc tiếp thu, học tập kiến thức thực tế, chuẩn bị chu đáo cho việc đi thực tế. Tập trung vào từng nội dung cụ thể, nhất là các nội dung trọng tâm, lĩnh vực công tác đang mang tính thời sự để thu thập thông tin, tài liệu, đặc biệt là các tình huống nghiệp vụ nổi bật. Trong quá trình thực tế, mỗi giáo viên cần có ý thức tôn trọng, lắng nghe, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, trau đồi kiến thức để tiếp cận kinh nghiệm, bài học, công việc thực tiễn. Khi được lãnh đạo, chỉ huy đơn vị thực tế giao việc phải nhiệt tình, trách nhiệm, không sợ khó, sợ khổ, sợ trách nhiệm nhưng phải bản lĩnh, tỉnh táo, kiên định trước khó khăn, thử thách.
Ba là, Công an các đơn vị, địa phương khi tiếp nhận giáo viên đến công tác thực tế cần chấp hành nghiêm quy định của Bộ Công an trong việc phân công, bố trí, xắp xếp giáo viên theo đúng chuyên môn giảng dạy. Khắc phục tình trạng bố trí, sử dụng giáo viên thực tế không đúng chuyên môn giảng dạy dẫn đến hiệu quả công việc không cao. Tạo điều kiện cho giáo viên tham gia các mặt công tác theo kế hoạch luân chuyển, thực tế đã được phê duyệt. Đồng thời quan tâm, hướng dẫn, giúp đỡ giáo viên hoàn thành kế hoạch đã đề ra; giao việc cụ thể cho giáo viên tạo điều kiện cung cấp các tài liệu nghiệp vụ cho giáo viên nghiên cứu, phục vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Giáo viên cần nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong việc lưu trữ, bảo quản, khai thác, sử dụng các tài liệu nghiệp vụ nếu được cung cấp, đảm bảo tính bảo mật. Có như vậy, giáo viên đi công tác thực tế mới thu thập được nhiều tài liệu có giá trị thực tiễn phục vụ công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học, biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học.
Bốn là, Đối với những vụ việc điển hình, tình huống nghiệp vụ cụ thể, số liệu thống kê phản ánh thực tế công tác thi hành án hình sự tại cộng đồng … mà giáo viên thu thập được trong quá trình thực tế công tác tại đơn vị, địa phương cần được giáo viên tổng hợp, đâu tư thời gian biên soạn lại một cách có hệ thống, sư phạm hóa thành các vị dụ cụ thể đưa vào giáo án, giáo trình, tài liệu dạy học phục vụ hiệu quả cho công tác giảng dạy.
Bài: Lê Duy Cường
Biên tập: Minh Quyết