Chủ Nhật, 20/4/2025
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Nâng cao chất lượng dạy học thực hành chuyên ngành bảo vệ mục tiêu ở trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I

Quán triệt và thực hiện Nghị quyết số 29/NQ/TW và các Chỉ thị, Nghị quyết của Bộ Công an, Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I nói chung, Khoa Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp nói riêng đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, trong đó có đặc biệt chú trọng đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy học theo hướng tích cực hóa các hoạt động nhận thức của học viên, học đi đôi với hành, gắn liền lý luận với thực tiễn.

Xuất phát từ cơ sở lý luận và thực tiễn trên đòi hỏi công tác đào tạo chuyên ngành Bảo vệ mục tiêu phải được nâng cao toàn diện, và “nâng cao chất lượng dạy học thực hành chuyên ngành” là một trong những nội dung quan trọng góp phần vào việc nâng cao chất lượng dạy học.

 

 

Học viên chuyên ngành thực hành

Dạy học thực hành chuyên ngành bảo vệ mục tiêu tại Trường Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I do nhiều giáo viên cùng thực hiện, sử dụng nhiều loại vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện nghiệp vụ (trên 1 lớp học). Đồng thời, hoạt động thực hành chủ yếu tiến hành ngoài trời, vận động trên nhiều địa hình, địa vật, chịu sự chi phối và tác động của điều kiện thời tiết. Khi dạy học thực hành giáo viên phải thực hiện và làm mẫu nhiều động tác như vừa đeo súng vừa vượt tường cao, vận động qua nhiều địa hình. Nhiều hoạt động dạy học thực hành đòi hỏi phải có từ 02 giáo viên trở lên như hướng dẫn thực hành leo tường cao 3m,  tổ chức bắn đạn thật ngoài thao trường, …

Bên cạnh đó, một số nội dung thực hành mang tính chất nguy hiểm như bơi vũ trang, bắn ứng dụng ban đêm, các động tác chiến đấu bằng súng… nếu chủ quan mất cảnh giác có thể trả giá bằng tính mạng. Học viên ở Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I đa số là cán bộ đi học, hoàn cảnh, tâm lý và trình độ của học viên không đồng đều. Do vậy, tâm lý một số ít học viên, nhất là số chiến sỹ nghĩa vụ, cán bộ đi học khi học tập còn có tư tưởng trung bình chủ nghĩa, ngại khó, ngại khổ. Đội ngũ giáo viên dạy thực hành chủ yếu còn trẻ, ít kinh nghiệm giảng dạy, thiếu kinh nghiệm thực tiễn chiến đấu.

Hiện tại nhà trường chưa có thao trường, bãi tập dành riêng cho từng chuyên ngành. Đây là điểm hết sức khó khăn cho công tác giảng dạy thực hành. Đặc thù của ngành Cảnh sát vũ trang là lực lượng trực tiếp chiến đấu. Do vậy khi triển khai thực hành, nhất là thực hành các chiến thuật như truy bắt, vây bắt, phục đích, đánh bắt đối tượng phải tiến hành trên một khu vực rộng lớn, có thể lại gây ảnh hưởng đến công tác tổ chức lớp học của đơn vị khác. Khi tiến hành các hoạt động thực hành, giáo viên và học viên chủ yếu là tận dụng địa hình các bãi trống ở trong trường để làm bãi tập. Khi tổ chức thi, kiểm tra bắn đạn thật phải liên hệ thuê nhờ trường bắn của Quân đội cách xa trường khoảng gần 10 km và phải di chuyển bằng ô tô, không chủ động về mặt thời gian. Hiện tại nhà trường chưa được trang bị một số thiết bị phương tiện kỹ thuật phục vụ dạy học như: Thiết bị giám sát hành trình, thiết bị kiểm soát ra vào mục tiêu, hệ thống báo động, hệ thống camera giám sát…khi giáo viên lên lớp và hướng dẫn thực hành chủ yếu là nói lý thuyết, không có thiết bị để thực hành.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động dạy học thực hành chuyên ngành bảo vệ mục tiêu ở Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I trong thời gian tới, đơn vị đề xuất một số mặt công tác sau:

Một là, xây dựng đội ngũ giáo viên dạy học thực hành các môn chuyên ngành đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng.

Thường xuyên bồi dưỡng nâng cao kiến thức thực hành cho giáo viên thông qua việc mở các lớp tập huấn chuyên ngành về kỹ thuật, chiến thuật chiến đấu, công cụ hỗ trợ; cử giáo viên đi nghiên cứu thực tế ở các đơn vị trực tiếp chiến đấu như Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động… để học tập kinh nghiệm về nội dung và phương pháp thực hành phục vụ công tác giảng dạy. Đội ngũ giáo viên dạy thực hành cũng cần nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của hoạt động này, tự tìm tòi nghiên cứu, tích lũy kinh nghiệm phục vụ công tác giảng dạy. Khuyến khích giáo viên nghiên cứu, tìm tòi các sáng kiến, cải tiến khoa học ứng dụng vào công tác dạy học thực hành, sát với thực tiễn chiến đấu.

          Hai là, đề xuất các đơn vị chức năng tiếp tục quan tâm trang cấp cho Khoa Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp những loại vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật; Chú trọng đầu tư, tu sửa, xây dựng sân bãi tập bắn ứng dụng, kỹ chiến thuật chiến đấu, trường bắn tổ chức bắn đạn thật… phục vụ công tác huấn luyện và tổ chức thi kiểm tra; Trang cấp một số phương tiện kỹ thuật hiện đại như: Thiết bị giám sát hành trình, thiết bị kiểm soát ra vào mục tiêu, hệ thống báo động, hệ thống camera giám sát…

Ba là, Khoa Cảnh sát bảo vệ và Hỗ trợ tư pháp phối hợp với các đơn vị chức năng của nhà trường chủ động bố trí lịch tập luyện hợp lý, phù hợp với thời tiết từng mùa. Cần mở rộng hình thức hội thao kỹ thuật phù hợp với từng chuyên ngành. Thường xuyên tổ chức các phong trào, các cuộc thi về kỹ, chiến thuật chiến đấu nhằm cổ vũ động viên tinh thần giảng dạy và học tập của giáo viên, học viên chuyên ngành.

Bốn là, các đơn vị chức năng tiếp tục quan tâm thực hiện đảm bảo chế độ theo quy định đối với giáo viên dạy thực hành nhằm động viên, khích lệ đội ngũ giáo viên.

Bài& ảnh: Trần Hoàng Dương - Giáo viên Khoa Cảnh sát bảo vệ và Hỗ trợ tư pháp

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi