Thứ Tư, 20/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Một số kinh nghiệm trong hoạt động chỉ đạo thảo luận, hướng dẫn làm bài tập tại Khoa Nghiệp vụ cơ bản

Nâng cao chất lượng đào tạo là một nhu cầu bức thiết của hệ thống giáo dục quốc dân nói chung, của các trường Công an nhân dân nói riêng. Đối với giáo dục trong Công an nhân dân, Đảng ủy Công an Trung ương đã ban hành Nghị quyết 17/NQ-ĐU về đổi mới căn bản, toàn diện công tác giáo dục, đào tạo trong Công an nhân dân; trong đó xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo trong các trường Công an nhân dân. Trong các giải pháp được xác định, giải pháp đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, trong đó có tổ chức thảo luận và hướng dẫn làm bài tập được xem là một trong các khâu quan trọng ở tất cả các cơ sở giáo dục.

Quán triệt và thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-ĐUCA của Đảng uỷ Công an trung ương; giáo viên trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I nói chung, giáo viên Khoa Nghiệp vụ cơ bản nói riêng luôn có ý thức tìm tòi, nghiên cứu vận dụng các phương pháp dạy học tích cực, hiện đại vào hoạt động dạy học, nhất là trong chỉ đạo thảo luận và hướng dẫn làm bài tập.

Hiện nay, Khoa Nghiệp vụ cơ bản đảm nhiệm giảng dạy cho học viên hệ Trung cấp. Theo chương trình đào tạo, thời lượng dành cho giảng lý thuyết chiếm 60%; các khâu khác (thảo luận, làm bài tập, thực hành) là 40%. Thống kê thời lượng hướng dẫn thảo luận và làm bài tập tại các môn học mà Khoa đang đảm nhiệm khoảng 20%. Mặc dù chiếm thời lượng không nhiều, song nội dung thảo luận, đặc biệt làm bài tập có liên quan đến “tay nghề” của học viên sau khi tốt nghiệp nên nội dung chỉ đạo thảo luận và hướng dẫn làm bài tập cũng được cấp ủy, lãnh đạo Khoa rất quan tâm chỉ đạo giáo viên.

Nhận thức được tầm quan trọng đó, thời gian vừa qua, giáo viên Khoa Nghiệp vụ cơ bản đã tích cực đổi mới mạnh mẽ phương pháp giảng dạy theo hướng hiện đại; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học; khắc phục lối truyền thụ áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc. Tập trung dạy cách học, khuyến khích tự học, tạo cơ sở để người học tự cập nhật tri thức, kỹ năng, phát triển năng lực. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy và học. Theo đó nhiều phương pháp giảng dạy tiên tiến, tích cực được giáo viên của Khoa mạnh dạn đưa vào sử dụng theo hướng lấy người học làm trung tâm, chủ động tiếp nhận tri thức; luôn hướng đến người học; hoạt động hóa người học bằng nhiều phương thức buộc người học làm việc. Theo đó, bên cạnh phương pháp thuyết trình truyền thống, giáo viên trong Khoa thường sử dụng một số phương pháp sư phạm tích cực khác là: Phỏng vấn nhanh, hỏi - đáp, nêu vấn đề, sàng lọc, sử dụng tình huống, làm việc nhóm... góp phần quan trọng nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường.

Đồng chí Thiếu tá Hoàng Thị Hồng Phượng – giáo viên Khoa NVCB trong giờ chỉ đạo học viên thảo luận

Trong khâu chỉ đạo thảo luận, hướng dẫn làm bài tập, giáo viên đã xây dựng được hệ thống câu hỏi, tình huống bài tập bám sát các nội dung cơ bản của từng môn học; lựa chọn được các bài tập có tính chất điển hình, minh họa các nội dung của lý thuyết, hỗ trợ bổ sung lý luận, giúp học viên rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp, từng bước làm quen và giải quyết các tình huống có thể xảy ra trong thực tiễn công tác của lực lượng Công an nhân dân nói chung.

Về phương pháp chỉ đạo thảo luận và hướng dẫn làm bài tập: Đã có sự đổi mới căn bản trong phương pháp tổ chức thảo luận, hướng dẫn làm bài tập. Cụ thể, giáo viên đã chủ động giao bài tập cho học viên chuẩn bị ngoài giờ học, xác định hình thức tổ chức hướng dẫn làm bài tập. Trong quá trình làm bài tập đã có sự phân nhóm, tranh luận giữa các nhóm để rút ra chân lý, khai thác và sử dụng có hiệu quả bảng tương tác và các phương tiện hỗ trợ khác…

Với việc xác định nội dung và phương pháp tổ chức thảo luận và hướng dẫn làm bài tập như vậy, chất lượng giáo dục đã từng bước được nâng cao, học viên về cơ bản đạt được mục tiêu của thảo luận và làm bài tập. Giáo viên Khoa luôn được Hội đồng nhà trường đánh giá cao về chuyên môn, phương pháp chỉ đạo thảo luận và hướng dẫn làm bài tập trong thực hiện bài dạy giỏi các cấp và hội giảng cấp trường; được học viên phản hồi tích cực.

Có thể nói, một giờ chỉ đạo thảo luận và hướng dẫn học viên làm bài tập thành công là sự kết hợp của nhiều yếu tố “thiên – địa – nhân”. Từ kết quả đạt được trong hoạt động chỉ đạo thảo luận, làm bài tập trên lớp của giáo viên Khoa Nghiệp vụ cơ bản, chúng tôi rút ra một số kinh nghiệm sau đây:

Một là, tuân thủ kế hoạch tổ chức thảo luận và hướng dẫn làm bài tập, đặc biệt quan tâm đến mục tiêu đã xác định trong các kế hoạch

Đây là vấn đề mang tính nguyên tắc. Từ mục tiêu trong kế hoạch đã xác định,  giáo viên xác định nội dung phù hợp mới mục tiêu đó, nhất là mục tiêu về nâng cao, mở rộng kiến thức. Về mặt nhận thức, giáo viên không chỉ xác định trọng tâm của tiết thảo luận hoặc hướng dẫn làm bài tập không chỉ là giải quyết nội dung câu hỏi hoặc tình huống đã đưa ra, cần nhận thức và thực hiện tốt các nội dung khác như nâng cao, mở rộng kiến thức, tổng kết tiết cũng như giải đáp các thắc mắc của học viên nếu có.

Hai là, tổ chức "khởi động" trước khi chỉ đạo thảo luận, hướng dẫn học viên làm bài tập

Để tổ chức hiệu quả hoạt động này, giáo viên nêu vấn đề tìm hiểu của bài học khi khởi động gắn liền với hoạt động tiếp nối là hình thành kiến thức mà đã có trong giáo trình, tài liệu của bài học; coi hoạt động này là một hoạt động học tập, có mục đích, thời gian hoạt động và sản phẩm hoạt động; bố trí thời gian thích hợp cho học viên học tập, bày tỏ quan điểm. Tránh cho học viên hoạt động trò chơi không ăn nhập với bài học; lựa chọn các tình huống không đắt giá dẫn đến học viên có thể trả lời được một cách dễ dàng với các câu hỏi đặt vấn đề đơn giản…

Giáo viên Khoa Nghiệp vụ cơ bản chụp ảnh lưu niệm cùng đồng chí Đại tá Nguyễn Phấn Lý, Phó Hiệu trưởng và các thành viên Ban giám khảo tại Hội giảng cấp Trường, năm học 2020-2021

Ba là, hệ thống hóa kiến thức cho học viên sau khi “khởi động”

Những nội dung mà giáo viên đưa ra trong quá trình khởi động rất đa dạng, do đó sau khi kết thúc bắt buộc giáo viên phải hệ thống hoá kiến thức. Để tổ chức hệ thống hóa kiến thức, giáo viên nên thảo luận chung toàn lớp về những kiến thức mới được hình thành ở hoạt động “hình thành kiến thức” với những vấn đề mà học viên phát hiện ra ban đầu ở hoạt động “khởi động” nêu vấn đề. Trên cơ sở đó giáo viên có những nhận xét đánh giá kết quả hoạt động của các nhóm, hoặc từng cá nhân học viên, lựa chọn và ghi vào “sổ tay lên lớp” của mình. Đây chính là thời điểm hay nhất để giúp giáo viên có sự nhìn nhận, đánh giá, rút kinh nghiệm sự tổ chức hoạt động của mình.

Giáo viên phải là trọng tài, giám khảo để chốt lại kiến thức, giúp học viên nhận thức ra “chân lý”. Nếu học viên còn gặp khó khăn cần sử dụng các kỹ thuật hoặc phương pháp để trợ giúp học viên, thậm chí cần giảng giải đưa ra những minh chứng thực tiễn về vấn đề đó…

Bốn là, linh hoạt điều hành chỉ đạo thảo luận và hướng dẫn làm bài tập.

Ở khâu này, giáo viên phải phát huy vai trò “trọng tài”,  “giám khảo” của mình trong việc chỉ đạo, điều hành học viên.

Trên cơ sở đã giao nhiệm vụ cho học viên từ trước, giáo viên yêu cầu học viên thực hiện theo phân công, chú ý linh hoạt các yêu cầu để phát huy tính tích cực của học viên hoặc của từng nhóm.

Khi điều hành, giáo viên hạn chế “nói nhiều” hoặc “tóm tắt lại vấn đề” đã được các nhóm trình bày bởi đây chính là phần để cho học viên “thể hiện” nhằm đạt được mục tiêu, yêu cầu của giờ thảo luận, làm bài tập là “hình thành cho học viên kĩ năng thuyết trình, phát biểu trước đám đông; kĩ năng xử lý tình huống…”. Không để học viên trình bày “đi quá giới hạn” hoặc có biểu hiện của sự “dân chủ quá chớn”; có lời nói, hành động thiếu tế nhị khi học viên hoặc các nhóm trình bày “chệch hướng”, không đúng trọng tâm vấn đề; không kết luận ngay khi một trong các nhóm trình bày xong…

Năm là, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ nâng cao chất lượng tiết học

Thực tiễn cho thấy: Công nghệ thông tin có hỗ trợ rất tốt cho quá trình chỉ đạo thảo luận và hướng dẫn làm bài tập. Hoạt động này được coi là một trong những tiêu chí đánh giá trong các kì hội giảng, đặc biệt là hội giảng cấp trường. Bên cạnh đó, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi giáo viên phải tích cực nghiên cứu, tìm tòi và ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy.

Khi sử dụng công nghệ thông tin tổ chức hoạt động học, giáo viên cần chuẩn bị chu đáo các thiết bị công nghệ thông tin để hỗ trợ: phần mềm, máy tính...; chỉ nên hỗ trợ trình chiếu khi chuyển giao nhiệm vụ, khi cần thuyết trình giải thích hoặc khi hệ thống hoá kiến thức bài học...; chọn lọc âm thanh, hình ảnh, trích đoạn clip... phù hợp với cách tổ chức hoạt động.

Bài: Khoa Nghiệp vụ cơ bản

Biên tập: Loan Trần, Phòng HCTH

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi