Cách đây 94 năm, từ ngày 03 đến ngày 07/02/1930, tại Cửu Long, Hương Cảng (Trung Quốc), dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị hợp nhất ba tổ chức Cộng sản (Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn) thành một tổ chức duy nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam đã diễn ra và thành công tốt đẹp. Có thể khẳng định, sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam là kết quả tất yếu của sự kết hợp lịch sử giữa sự phát triển của phong trào công nhân với chủ nghĩa Mác - Lênin và phong trào yêu nước Việt Nam; là kết quả quá trình chuẩn bị đầy đủ, công phu, kỹ lưỡng cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Kể từ đó đến nay, ngày 03/02/1930 đã trở thành một mốc son sáng chói trong lịch sử dân tộc Việt Nam, Bởi vậy, hàng năm, mỗi dịp xuân về, kỉ niệm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành một sự kiện chính trị có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đây là dịp để đẩy mạnh công tác giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng, giáo dục ý chí tự lực, tự cường của dân tộc; khẳng định quyết tâm đi theo con đường xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng; tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, sự đồng thuận trong xã hội đối với những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3/2/1930
(Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia).
Năm nay, kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2024), chúng ta lại cùng nhau ôn lại lịch sử, truyền thống hào hùng, vẻ vang của Đảng.
Ngay sau khi ra đời, Đảng đã lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, tiến hành ba cao trào cách mạng: Cao trào cách mạng 1930 - 1931, với đỉnh cao là phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh, Cao trào cách mạng đòi dân sinh, dân chủ (1936 - 1939) và Cao trào cách mạng giải phóng dân tộc (1939 - 1945), để đến năm 1945, khi thời cơ cách mạng chín muồi, Đảng đã lãnh đạo toàn thể dân tộc Việt Nam làm nên thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 02/9/1945. Tiếp đó, Đảng đã lãnh đạo Nhân dân lần lượt đánh bại mọi âm mưu, kế hoạch xâm lược của kẻ thù, đặc biệt là thắng lợi trong Chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954 với đỉnh cao là Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ (năm 1954), chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Giai đoạn từ năm 1954 - 1975, đất nước bị chia cắt làm hai miền. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, miền Bắc vừa nỗ lực xây dựng chủ nghĩa xã hội, vừa dốc sức làm tròn nghĩa vụ của hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn. Với tinh thần “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, “không có gì quý hơn độc lập, tự do”; trên cơ sở đường lối đúng đắn, sáng tạo của Đảng, với sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, quân và dân ta đã lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vào ngày 30/4/1975.
Đất nước thống nhất, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta bắt tay vào khắc phục hậu quả chiến tranh, sau đó tiếp tục bước vào các cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân ta đã giành thắng lợi, hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ biên giới của Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Từ năm 1986, Đảng lãnh đạo đất nước tiến hành công cuộc đổi mới và đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Từ một nước nghèo, lạc hậu, chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh, bị bao vây cấm vận, Việt Nam đã vượt lên phát triển kinh tế khá nhanh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều thành phần kinh tế, nhiều hình thức sở hữu và tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, kinh tế Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng. Nếu giai đoạn đầu đổi mới (1986 - 1990) mức tăng trưởng GDP bình quân hàng năm chỉ đạt 4,4% thì giai đoạn 1991 - 1995, GDP bình quân đã tăng gấp đôi, đạt 8,2%/năm; các giai đoạn sau đó đều có mức tăng trưởng khá cao; giai đoạn 2016 - 2019 đạt mức bình quân 6,8%. Đến năm 2021 Việt Nam trở thành quốc gia có quy mô dân số gần 100 triệu người và quy mô nền kinh tế 8,40 triệu tỷ đồng (trên 360 tỷ USD), GDP bình quân đầu người trên 3.680 USD/năm, sức mạnh quốc phòng an ninh được củng cố và tăng cường, chủ động xử lý thành công các tình huống không để bị động bất ngờ. Hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố và tăng cường; chính trị - xã hội ổn định; độc lập, chủ quyền quốc gia được giữ vững; quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao, tạo ra thế và lực mới cho đất nước tiếp tục đi lên với triển vọng tốt đẹp.
Quan hệ đối ngoại được mở rộng và ngày càng đi vào chiều sâu, Việt Nam đã có quan hệ với 189 quốc gia và vùng lãnh thổ. Dân chủ xã hội chủ nghĩa được phát huy và ngày càng mở rộng. Ðại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường. Xây dựng Nhà nước pháp quyền và cả hệ thống chính trị được đẩy mạnh. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã và đang đạt được một số kết quả tích cực, số lượng đảng viên không ngừng gia tăng. Từ Đại hội lần thứ I (1935) Đảng ta có khoảng 500 đảng viên đến Đại hội lần thứ XIII (2021) Đảng ta có hơn 5,2 triệu đảng viên. Đa số cán bộ, đảng viên và Nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào Đảng, Nhà nước, vào công cuộc đổi mới và triển vọng phát triển của đất nước. Nhiều đảng viên đã để lại nhiều tấm gương tốt thể hiện tinh thần tiên phong và tính gương mẫu.
94 năm Đảng Cộng sản Việt Nam đồng hành cùng dân tộc(Ảnh sưu tầm).
Ôn lại truyền thống, lịch sử vẻ vang, tự hào về Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, mỗi cán bộ, đảng, mỗi người dân Việt Nam càng thấy rõ hơn trách nhiệm của mình, nguyện một lòng theo Đảng, không ngừng phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Bài: Phòng Chính trị