(Nguồn: Internet)
1. Lựa chọn hướng đi cứu nước - “Tây du” chứ không thể “Đông du”, một quyết định lịch sử
Nguyễn Sinh Cung – Nguyễn Tất Thành sinh ra và lớn lên trong cảnh nước mất, nhà tan, tận mắt chứng kiến cuộc sống nô lệ, đói khổ lầm than của nhân dân Việt Nam dưới ách thống trị tàn bạo, dã man của thực dân Pháp xâm lược và bọn phong kiến tay sai. Vì vậy, ngay từ thuở thiếu thời, Người thấu hiểu sâu sắc nỗi khổ của một đất nước mất độc lập, của một người dân mất tự do, ở Người sớm hình thành lòng yêu nước, thương dân, ý chí căm thù giặc sâu sắc và đã sớm đưa Người đến với phong trào chống thực dân Pháp khi còn học tại trường Quốc học Huế vào năm 1908.
Sau khi tham gia phong trào chống thuế, Người đã bị thực dân Pháp buộc thôi học tại trường Quốc học Huế, song từ thực tiễn tham gia phong trào chống thuế đã giúp Người nhận rõ một thực tế: việc thương lượng với kẻ thù là vô ích và lòng dũng cảm của sự không hiểu biết là vô nghĩa như thế nào. Từ thực tế ấy, Người đã rút ra cho mình một nhận thức vô cùng quan trọng: Với kẻ thù thì không thể thương lượng, thương lượng không giúp chúng ta giải quyết được vấn đề và sự dũng cảm, lòng yêu nước phải gắn liền với trí tuệ, với sự hiểu biết mới giúp chúng ta đi đến đích.
Có thể nói, Huế là nơi đã nuôi dưỡng tâm hồn và trí tuệ của người thanh niên Nguyễn Tất Thành. 11 tuổi, trên đất Huế, Người biết được thế nào là nỗi đau mất mẹ, mất em. 18 tuổi, cũng từ Huế, Nguyễn Tất Thành biết rõ con đường phải đi, sẽ đi và cái đích phải đến.
Như vậy, Nguyễn Tất Thành chỉ tham gia phong trào chống thuế đúng một lần duy nhất nhưng đó lại là lần quyết định, là bước ngoặt của cả cuộc đời Người. Chính xác, không phải từ Sài Gòn, mà chính là Huế, đã đưa Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước.
Mặt khác, thực tiễn thất bại của các phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp của các văn thân, sĩ phu yêu nước cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 đã nảy sinh một yêu cầu cấp bách: Phong trào đấu tranh của nhân dân ta muốn giành thắng lợi phải có đường lối mới, giai cấp lãnh đạo mới. Yêu cầu cấp bách đó được đặt lên vai thế hệ mới của đất nước, của những thanh niên như Nguyễn Tất Thành.
Với tư duy độc lập, tự chủ, đổi mới và sáng tạo Nguyễn Tất Thành không tư duy theo nếp cũ, không lệ thuộc, phụ thuộc vào tư duy của cha, của thầy, của các bậc tiền bối đi trước, nên mặc dù rất khâm phục lòng yêu nước của các bậc tiền bối song Người không đi theo con đường mòn của họ; Người quyết định không đi theo con đường cứu nước kiểu Cần Vương, kiểu Duy Tân hội hay Việt Nam quang phục hội, không “Đông Du”, không sang Xiêm, sang Nhật là những nước “đồng văn đồng chủng”, không làm theo kiểu “đưa hổ cửa trước, rước beo cửa sau”, không “xin giặc rủ lòng thương” hay ra nước ngoài theo kiểu cầu viện như các bậc tiền bối mà quyết định “Tây du”, hướng sang phương Tây, trước hết là sang Pháp để xem nước Pháp và các nước khác làm thế nào rồi trở về giúp đồng bào mình.
Quyết định sang phương Tây mà trước hết là sang Pháp của Nguyễn Tất Thành không chỉ xuất phát từ trí tò mò, muốn tìm hiểu văn hóa, văn minh Pháp, muốn khám phá thực chất của ba chữ: tự do - bình đẳng - bác ái, muốn “tìm hiểu những gì ẩn giấu đằng sau những từ ấy” mà sâu xa hơn cả là vì anh hiểu rõ một thực tế: Muốn tìm được con đường cứu nước thì trước hết phải hiểu thật đúng, thật đầy đủ về những kẻ đang cướp nước mình. Muốn đánh đổ được chủ nghĩa thực dân để giải phóng cho đồng bào thì trước hết phải hiểu cho được cái gốc rễ, cái bản chất của chủ nghĩa thực dân; biết người biết ta, trăm trận trăm thắng, sự khác biệt của Nguyễn Tất Thành so với tất cả các bậc tiền bối và những người Việt Nam đi sang nước Pháp lúc bấy giờ chính là ở chỗ đó. Vì vậy, việc Người học chữ Pháp và quyết định sang Pháp không phải là để chống lại nước Pháp mà để “làm quen với nền văn minh Pháp”, trực tiếp khám phá, tìm hiểu văn hóa, văn minh Pháp, hiểu nó, nắm lấy nó như một thứ “vũ khí” để trở về giúp đồng bào chống lại sự bất bình đẳng, áp bức bất công, chống lại thực dân Pháp xâm lược. Vào ngày 5/6/1911, tại bến cảng Nhà Rồng, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã rời Tổ quốc trên con tầu Latouse Tourevin và thẳng tiến đến nước Pháp.
2. Muốn cứu nước giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản – Quyết định lịch sử mang tầm thời đại
Sau hơn một tháng lênh đênh trên biển, tháng 7 năm 1911, Hồ Chí Minh khi đó lấy tên là Văn Ba đã đặt chân đến cảng Mác-xây (Pháp), sau đó Người sang Anh (1912), rồi từ Anh, Người đi Mỹ (từ cuối 1912 - cuối 1913). Sau hơn một năm ở Mỹ, Người quay lại Anh và tham gia công đoàn thuỷ thủ Anh và ở đó cho tới cuối năm 1916. Trong khoảng thời gian tham gia công đoàn thủy thủ Anh (từ 1913-1916) Người đã đặt chân lên rất nhiều các nước Châu Phi, Mỹ - Latinh. Đến năm 1917, Người trở lại nước Pháp.
Như vậy, trong thời gian từ 1911-1920, Hồ Chí Minh đã vượt qua ba đại dương, bốn châu lục, đặt chân tới 28 nước trên thế giới. Đặc biệt, Người đã dừng chân khảo sát khá lâu ở ba nước đế quốc lớn nhất thời đó là Mỹ, Anh và Pháp. Thời gian này Người không chỉ dừng lại ở việc tìm hiểu, nghiên cứu về cuộc sống của nhân dân lao động tại các nước mà còn trực tiếp tham gia vào phong trào đấu tranh cách mạng của của giai cấp công nhân và quần chúng lao động, tham gia các hoạt động chính trị, văn hóa, xã hội, khoa học, nghệ thuật tại các nước này.
Và sau này, theo hành trình của con tàu viễn dương Pháp đi khắp thế giới, Người đã có dịp dừng lại ở những bến cảng của một số nước như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Angiêri, Tuynidi, Cônggô, Đahômây, Xênêgan, Rêuyniông… Đến đâu Người cũng thấy cảnh khổ cực của người lao động dưới sự áp bức bóc lột dã man, vô nhân đạo của bọn thống trị. Và khi đi vào cuộc sống của người dân lao động, đi vào cuộc sống của người dân châu Phi, Người càng nhận rõ một thực tế: những người da đen, những người nô lệ là một thứ hàng hóa rẻ mạt và khi họ chết đi thì "người ta ném người da đen xuống biển để cho nhẹ tàu".
Như vậy, đối với chủ nghĩa đế quốc thực dân tính mạng của người dân thuộc địa thì dù da vàng hay da đen cũng không đáng một xu. Nghĩa là chúng ta đều chung cảnh ngộ như nhau. Đã là các nước thuộc địa thì cũng đều bị áp bức, bóc lột như nhau.
Chính từ thực tiễn xã hội Việt Nam và từ hành trình khảo nghiệm thực tiễn tại rất nhiều nước, sau rất nhiều năm ấy đã giúp Hồ Chí Minh có rất nhiều nhận thức quan trọng: tại Anh, tại Pháp, tại Mỹ, tại các nước châu Phi và Mỹ - Latinh đã mở rộng nhận thức cho anh Nguyễn về vấn đề dân tộc và con người. Người thấy rõ không chỉ dân tộc mình mất tự do mà nhiều dân tộc khác cũng “cùng chịu chung một nỗi đau khổ: sự bạo ngược của chế độ thực dân” và không chỉ đồng bào mình bị đối xử như nô lệ mà nhân dân lao động các nước khác không kể chủng tộc, màu da hay quốc tịch cũng “đều là nạn nhân của một kẻ sát nhân: chủ nghĩa tư bản quốc tế”. Từ thực tế ấy, Người đã rút ra một kết luận gần như chân lý bất hủ: chủ nghĩa đế quốc ở đâu cũng là thù, nhân dân tất cả các nước đều là bạn” và "dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột, mà cũng chỉ có một mối tình hữu ái là thật mà thôi: tình hữu ái vô sản". Và cũng từ nhận xét ấy đã giúp Người có một nhận thức quan trọng hơn: muốn thoạt khỏi ách nô lệ để hướng tới một thế giới tốt đẹp, nhân dân lao động trên toàn thế giới nhất định phải đoàn kết lại để đấu tranh chống kẻ thù chung là chủ nghĩa đế quốc; cùng nhau thực hiện nguyện vọng chung là độc lập, tự do.
Đặc biệt, cũng trong thời gian này Người đã tìm hiểu về nhiều cuộc cách mạng lớn trên thế giới như: cuộc cách mạng tư sản Mỹ (1775 - 1783), cách mạng tư sản Pháp (1789 - 1791) và cách mạng Tháng Mười Nga (1917) - cuộc cách mạng vô sản đầu tiên trên thế giới. Việc tìm hiểu về các cuộc cách mạng lớn trên thế giới đã giúp người nhận ra một nhận thức quan trọng: Các cuộc cách mạng tư sản chỉ là “những cuộc cách mạng không đến nơi”, không triệt để và giai cấp tư sản ở thế kỷ này không còn là giai cấp tiến bộ của thời đại; Cách mạng vô sản là cách mạng thành công nhất, triệt để nhất, mang lại Tự do - Bình đẳng thực sự cho nhân dân lao động và giai cấp công nhân hiện là giai cấp tiến bộ nhất, cách mạng nhất, là giai cấp có đủ khả năng lãnh đạo phong trào cách mạng đi đến thắng lợi hoàn toàn. Vì vậy, khi so sánh về tính chất và bản chất giữa cách mạng tư sản Mỹ và Pháp với cách mạng vô sản Nga, Người viết: Cách mệnh Pháp cũng như cách mệnh Mỹ, nghĩa là cách mệnh tư bản. Tiếng là cộng hòa và dân chủ song kì thực trong thì tước lục công nông, ngoài thì áp bức thuộc địa. Cách mệnh đã bốn lần rồi mà nay công nông Pháp vẫn phải mưu cách mệnh lần nữa mới mong thoát khỏi vòng áp bức. Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mạng Tháng Mười Nga là đã thành công và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng quyền tự do, bình đẳng thật sự chứ không phải tư do, bình đẳng như chủ nghĩa thực dân pháp khoe khoang bên An Nam.
Rời Tổ quốc với một mục đích duy nhất: "xem nước Pháp và các nước khác làm thế nào rồi sẽ về giúp đồng bào mình". Vì vậy, vào năm 1919, Nguyễn Ái Quốc đã gia nhập Đảng Xã hội Pháp. Lí do để Nguyễn Ái Quốc gia nhập Đảng Xã hội Pháp năm 1919 bởi vì đó là tổ chức duy nhất bênh vực quyền lợi của các thuộc địa vào thời điểm đó chứ Người chưa hề có nhận thức rõ ràng về Chủ nghĩa Mác - Lênin, về Chủ nghĩa xã hội: Tôi tham gia Đảng Xã hội Pháp chẳng qua là vì các “ông bà” ấy- (hồi đó tôi gọi các đồng chí của tôi như thế) – đã tỏ đồng tình với tôi, với cuộc đấu tranh của các dân tộc bị áp bức. Còn như Đảng là gì, công đoàn là gì, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản là gì, thì tôi chưa hiểu.
Tháng 7 năm 1920, một sự kiện có tính chất bước ngoặt xảy ra với Hồ Chí Minh, khi lần đầu tiên Người đọc trên báo Nhân đạo của Đảng xã hội Pháp Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về những vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin. Theo Người, tuy bài báo có những khái niệm chính trị khó hiểu nhưng “cứ đọc đi đọc lại nhiều lần, cuối cùng tôi cũng hiểu được phần chính. Và phần chính ấy đã giải đáp cho Nguyễn Ái Quốc mọi vấn đề, mọi thắc mắc từ lâu Người luôn trăn trở.
Trong văn kiện này, Lênin phê phán mọi luận điểm sai lầm của những người đứng đầu Quốc tế II về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa, lên án mạnh mẽ tư tưởng sô vanh, tư tưởng dân tộc hẹp hòi, ích kỷ, đồng thời nhấn mạnh nhiệm vụ của các đảng cộng sản là phải giúp đỡ thật sự phong trào cách mạng của các nước thuộc địa và phụ thuộc, về sự đoàn kết giữa giai cấp vô sản các nước tư bản với quần chúng cần lao của tất cả các dân tộc để chống kẻ thù chung là đế quốc và phong kiến.
Vì vậy, từ sau khi đọc Luận cương của Lênin, Nguyễn Ái Quốc đã hình thành tư tưởng về con đường cứu nước, giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản. Người đi đến khẳng định: “Muốn cứu nước, giải phóng dân tộc không có con đường nào khác là con đường cách mạng vô sản”.
Như vậy, đây chính là sự kiện mang tính quyết định đối với sự lựa chọn con đường cứu nước, giải phóng dân tộc của Nguyễn Ái Quốc. Vì vậy, sau này khi nhắc đến sự kiện đó, trong tác phẩm Con đường dẫn tôi tới chủ nghĩa Lênin, Người đã viết: Luận cương của Lê-nin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đầy đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!.
Từ sau khi đọc Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa Nguyễn Ái Quốc đã hoàn toàn tin theo Lênin và niềm tin tuyệt đối ấy được thể hiện rất rõ trong hành động cụ thể của Người. Ngày 30/12/1920 Nguyễn Ái Quốc biểu quyết tán thành Đảng cộng sản Pháp, trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên, đi theo chủ nghĩa Quốc tế vô sản. Việc bỏ phiếu tán thành Đảng Cộng sản Pháp và trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Pháp đã đánh dấu bước chuyển biến về chất trong tư tưởng Hồ Chí Minh: Từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, từ giác ngộ dân tộc đến giác ngộ giai cấp, từ một thanh niên yêu nước trở thành người chiến sĩ cộng sản đầu tiên của dân tộc. Và từ đây, người bắt đầu cuộc hành trình đến với chủ nghĩa Mác – Lênin.
Ý nghĩa quan trọng từ quyết định lịch sử này không chỉ chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối cứu nước của cách mạng Việt Nam mà điều quan trọng hơn nữa là trên con đường đó có ánh sáng lý luận soi đường từ chủ nghĩa Mác - Lênin. Vì vậy, đó là con đường cứu nước đúng đắn, khoa học, cách mạng, vừa đáp ứng được nhu cầu lịch sử dân tộc, hợp lòng dân, vừa phù hợp với xu thế của thời đại.
3. Thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam – Quyết định lịch sử mang tính bước ngoặt đối với cách mạng Việt Nam
Nghiên cứu sâu sắc về chủ nghĩa Mác – Lênin, Người hiểu rất rõ vai trò quan trọng của tổ chức lãnh đạo cách mạng - Đảng cộng sản song khác với tư duy của nhiều người Việt Nam thời đó, Nguyễn Ái Quốc đã không vội thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngay khi các đảng cộng sản lần lượt ra đời ở các nước như: Đảng Cộng sản Inđônêsia (1920), Đảng Cộng sản Trung Quốc (1921), Đảng Cộng sản Nhật Bản (1922), Đảng Cộng sản Triều Tiên (1925), Đảng Cộng sản Ấn Độ (1925) …bởi Người có sự hiểu biết am tường về chủ nghĩa Mác – Lênin và về thực tiễn Việt Nam. Theo Người, chủ nghĩa Mác – Lênin mang tính phổ biến toàn nhân loại nhưng cơ bản vẫn giải quyết những vấn đề của cách mạng ở châu Âu, mà châu Âu thì chưa phải là toàn thể nhân loại. Trong khi đó, dưới sự cai trị hà khắc, tàn bạo của thực dân Pháp và bọn phong kiến tay sai đã làm cho nhân dân Việt Nam nghe đến hai chữ “cách mạng” thì rùng mình. Vì vậy, vấn đề quan trọng nhất trong lúc này là làm cho dân chúng được “giác ngộ”. Trong tác phẩm Đường Cách mệnh, Nguyễn Ái Quốc đã nêu ra câu hỏi: “Vì sao phải viết sách này?” Và câu trả lời như sau:
“Mục đích sách này là để nói cho đồng bào ta biết rõ: (1) Vì sao chúng ta muốn sống thì phải cách mệnh. (2) Vì sao cách mệnh là việc chung của cả dân chúng chứ không phải việc của một hai người. (3) Đem lịch sử cách mệnh các nước làm gương cho chúng ta soi. (4) Đem phong trào thế giới nói cho đồng bào ta rõ. (5) Ai là bạn ta? Ai là thù ta? (6) Cách mệnh thì phải làm thế nào?”[1]
Theo Người, để làm cho dân chúng được giác ngộ thì điều quan trọng nhất trong lúc này là làm sao để truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin vào Việt Nam, vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. Làm sao phải “Việt Nam hóa” chủ nghĩa Mác – Lênin để các tầng lớp nhân dân đều có thể hiểu được? Bằng cách nào và bằng con đường nào để đưa chủ nghĩa Mác – Lênin vào Việt Nam?
Với tư duy độc lập, tự chủ, đổi mới và sáng tạo, Nguyễn Ái Quốc đã “Việt Nam hóa” và truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin bằng nhiều hình thức, nhiều con đường khác nhau như: viết báo, viết sách, viết tài liệu tuyên truyền… thông qua hai con đường chủ yếu là Pháp và Trung quốc để truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin về Việt Nam. Song song với việc truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin (chuẩn bị về chính trị, tư tưởng) Nguyễn Ái Quốc cũng tích cực chuẩn bị về mặt tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam vào đầu năm 1930.
Tháng 6 năm 1925, Nguyễn Ái Quốc đã sáng lập Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên (Hội Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội) – tổ chức cách mạng theo khuynh hướng mác xít đầu tiên ở Việt Nam sau này là tổ chức tiền thân của Đảng. Thông qua Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, Người đã mở nhiều lớp huấn luyện đào tạo cán bộ ở Quảng Châu (Trung Quốc) nhằm đào tạo đội ngũ cán bộ làm nòng cốt cho việc tuyên truyền những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin về trong nước; lựa chọn và cử học sinh đi học ở Trường Đại học Phương Đông ở Mátxcơva và Trường Quân sự Hoàng phố ở Quảng Châu, Trường Huấn luyện cán bộ nông vận ở Quảng Châu…Tổ chức và duy trì hệ thống liên lạc với các tổ chức cộng sản và các tổ chức cách mạng bên ngoài.
Từ Quảng Châu, tháng 7 năm 1928 Nguyễn Ái Quốc tới Xiêm. Tại đây, Người đã xây dựng một cơ sở để tuyên truyền và gây ảnh hưởng về trong nước, mở lớp huấn luyện ngắn hạn cho các hội viên Chi hội Việt Nam cách mạng Thanh niên, dịch một số sách mác xít phổ thông sang tiếng Việt như: Nhân loại tiến hóa sử, A.B.C Chủ nghĩa nghĩa cộng sản… Đó là một bước phát triển mới trong việc truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin vào Việt Nam. Cũng tại vùng Đông Bắc Xiêm, Người đã đổi tên tờ báo Đồng thanh thành tờ Thân ái…Những hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc ở Xiêm đã thúc đẩy phong trào yêu nước của Việt kiều có nhiều chuyển biến mới; các tổ chức cách mạng được củng cố và phát triển; bà con Việt kiều ngày càng đoàn kết với nhau thân ái hơn và đoàn kết chặt chẽ với người Xiêm. Những hoạt động đó có ảnh hưởng tốt về trong nước.
Nhờ những hoạt động tích cực của Nguyễn Ái Quốc, trong những năm 1928-1929, phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh về số lượng và chất lượng. Chủ nghĩa Mác - Lênin được Nguyễn Ái Quốc và những chiến sĩ tiên phong truyền bá về trong nước, cùng với phong trào “vô sản hóa” đã làm chuyển biến phong trào công nhân, giác ngộ và tổ chức họ đấu tranh cách mạng một cách tự giác. Thông qua phong trào “vô sản hóa”, các tầng lớp thanh niên yêu nước được rèn luyện trong thực tiễn, giác ngộ lập trường giai cấp công nhân sâu sắc, hiểu rõ nguyện vọng, lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, thúc đẩy phong trào công nhân và phong trào yêu nước phát triển mạnh mẽ, dẫn đến sự ra đời của các tổ chức cộng sản đầu tiên ở Việt Nam, tạo điều kiện chín muồi và hợp quy luật cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Sự ra đời của ba tổ chức cộng sản Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản liên đoàn vào cuối năm 1929, đầu năm 1930 cho thấy, việc thành lập Đảng đã được chuẩn bị chu đáo về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Với nhãn quan chính trị nhạy bén, nhằm thống nhất thành một Đảng duy nhất để lãnh đạo cách mạng, Nguyễn Ái Quốc với vai trò phái viên của Quốc tế cộng sản đã triệu tập Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản thành Đảng Cộng sản Việt Nam vào đầu năm 1930 và trực tiếp thảo ra các văn kiện: Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình và Điều lệ vắn tắt của Đảng.
Các văn kiện Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Điều lệ vắn tắt do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo đã được Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản thông qua và hợp thành Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Cương lĩnh vắn tắt nhưng đầy đủ những vấn đề cơ bản mang tính chiến lược và sách lược của cách mạng Việt Nam, là một hệ thống luận điểm chính trị rõ ràng với những nội dung chủ yếu về: con đường cách mạng; lực lượng cách mạng (bao gồm cả lực lượng lãnh đạo và lực lượng thực hiện); đối tượng cách mạng; phương pháp cách mạng; quan hệ giữa cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới...
4. Trở về nước trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam – quyết định lịch sử thay đổi vận mệnh dân tộc
Trong giai đoạn từ 1930 – 1940 mặc dù hoạt động ở nước ngoài song Nguyễn Ái Quốc luôn theo dõi sát sao tình hình trong nước để tìm thời điểm thích hợp trở về Tổ quốc trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Đầu năm 1940, tình hình thế giới có nhiều biến chuyển mau chóng. Tháng 6/1940, được tin Pháp đầu hàng Đức, Nguyễn Ái Quốc lúc này đang ở Côn Minh, Trung Quốc đã triệu tập một cuộc họp Cơ quan ở nước ngoài của Đảng để phân tích tình hình và chuẩn bị kế hoạch hành động. Người đã phân tích và dự báo: Việc Pháp mất nước là một cơ hội rất thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Ta phải tìm mọi cách về nước ngay để tranh thủ thời cơ. Chậm trễ lúc này là có tội với cách mạng. Sau cuộc họp này, Nguyễn Ái Quốc đã chỉ thị cho các đồng chí Phùng Chí Kiên, Vũ Anh đến Quý Dương để cùng Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp đi Quế Lâm, tìm cách về nước.
Cuối tháng 6/1940, Nguyễn Ái Quốc đáp máy bay đi Trùng Khánh để gặp Chu Ân Lai trao đổi về thời cuộc. Cuối tháng 9/1940, Người đã đưa ra một nhận định cực kỳ quan trọng: Đồng minh sẽ thắng. Nhật, Pháp ở Đông Dương chóng chày sẽ bắn nhau. Việt Nam sẽ giành được độc lập.
Ngày 28/01/1941, Nguyễn Ái Quốc cùng với các đồng chí Phùng Chí Kiên, Lê Quảng Ba lên đường về nước, đến ngày 8/02/1941, Người đã đặt chân tới cột mốc 108 trên biên giới Việt Nam - Trung Quốc, trở về nước sau 30 năm bôn ba, hoạt động ở nước ngoài. Từ đây, cùng với Đảng Cộng sản Đông Dương, Người trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam.
Từ ngày 10 đến 19/5/1941, với danh nghĩa đại diện Quốc tế Cộng sản Người triệu tập và chủ trì Hội nghị lần thứ 8 Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương tại lán Khuổi Nậm (Pác Bó, Hà Quảng). Căn cứ vào tình hình hiện thời, Đảng ta đã đặt vấn đề dân tộc lên trên hết, trước hết. Bên cạnh đó, trong thời gian từ 5/1941 – 8/1945 cùng với Trung ương Đảng, Người đã tiến hành chuẩn bị chu đáo các mặt cho Tổng khởi nghĩa: thành lập Mặt trận Việt Minh; xây dựng lực lượng quần chúng cách mạng; đào tạo, huấn luyện cán bộ; xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng; chỉ đạo công tác tuyên truyền dưới nhiều hình thức, đưa đường lối, chủ trương của Đảng đến với phong trào cách mạng; chỉ đạo xây dựng và kiện toàn hệ thống cơ sở Đảng; chỉ đạo xây dựng quan hệ quốc tế...
Cuối tháng 7-1945 tại lán Nà Lừa, mặc dù khi đó đang ốm nặng song Hồ Chí Minh đã nói với đồng chí Võ Nguyên Giáp: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”[2].
Từ ngày 12/8, biết được thông tin về khả năng đầu hàng Đồng minh của quân Nhật, đồng thời nắm rõ tinh thần cách mạng sôi sục của quần chúng nhân dân, Hồ Chí Minh nhận rõ thời cơ tổng khởi nghĩa đã chính thức xuất hiện, Người đã tranh thủ từng giây, từng phút chỉ đạo các mặt, chuẩn bị chu đáo, chớp thời cơ giành chính quyền.
Ngày 13/8, được tin Nhật đầu hàng Đồng minh, Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh đã thành lập ngay Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc. 23 giờ cùng ngày, Ủy ban Khởi nghĩa ra Quân lệnh số 1 phát động Tổng khởi nghĩa.
Từ ngày 14 đến 15/8, Hồ Chí Minh đã khẩn trương triệu tập Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng. Trên cơ sở phân tích tình hình, Hội nghị quyết định Đảng phải kịp thời phát động và lãnh đạo toàn dân khởi nghĩa, đề ra những nhiệm vụ cần thiết, cấp bách trong công tác đối nội, đối ngoại sẽ thi hành sau khi giành được chính quyền. Hội nghị thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh.
Ngay sau Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng, từ ngày 16 đến 17/8, Đại hội quốc dân do Tổng bộ Việt Minh triệu tập đã khai mạc tại Tân Trào. Đại hội đã ủng hộ chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng; thông qua 10 chính sách của Mặt trận Việt Minh; quyết định thành lập Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam do Hồ Chí Minh làm chủ tịch.
Ngày 18/8/1945, Hồ Chí Minh đã viết thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa trong cả nước. Trong bức thư Người đã viết: Hỡi đồng bào yêu quí! Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến, toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy, đem sức ta mà tự giải phóng cho ta... Đáp lời kêu gọi của Người và Trung ương Đảng, toàn thể Nhân dân Việt Nam trên khắp mọi miền đất nước, từ thành thị đến nông thôn, từ miền núi đến đồng bằng, hải đảo… đều nhất loạt đứng lên tổ chức khởi nghĩa.
Chính sức mạnh của ý chí tự lực, tự cường theo tinh thần "đem sức ta mà tự giải phóng cho ta" của Hồ Chí Minh và của toàn dân đã được huy động và hiện diện to lớn, như “triều dâng, thác đổ” tạo nên thành công vĩ đại của cách mạng Tháng Tám năm 1945. Chỉ trong thời gian ngắn, từ ngày 14 đến ngày 28/8/1945, cuộc Tổng khởi nghĩa đã nhanh chóng thành công trên cả nước, lật đổ chế độ thực dân, phong kiến, thiết lập chính quyền công nông, nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời vào ngày 2/9/1945. Từ đây, cách mạng Việt Nam, dân tộc Việt Nam bước sang một chặng đường mới, bước vào giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội vì mục tiêu độc lập dân tộc và hạnh phúc của nhân dân. Đây là sự lựa chọn đúng đắn và phù hợp xu thế thời đại và yêu cầu thực tiễn. Bởi sau chiến tranh thế giới thứ 2, hệ thống xã hội chủ nghĩa trên thế giới đã hình thành và phát triển. Sự lựa chọn đúng đắn ấy đã tạo nên sức mạnh để dân tộc Việt Nam kiên cường vượt qua mọi khó khăn thử thách, tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ “9 năm làm một Điện Biên” chống thực dân Pháp và 21 năm kháng chiến “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc.
Như vậy, chính nhờ lựa chọn hướng đi đúng đắn sang phương Tây, Hồ Chí Minh đã được tiếp xúc với nhiều nền văn hóa mới, tư tưởng mới. Bằng tư duy độc lập, tự chủ, Người đã gạn lọc và tiếp thu những hạt nhân hợp lý, làm giàu thêm vốn văn hóa của bản thân, để vươn lên tầm cao của văn hóa nhân loại, trở thành nhà văn hóa vừa mang đậm chất Á Đông, vừa hết sức cởi mở, hòa hợp với văn hóa phương Tây. Đặc biệt, nhờ chọn hướng đi sang phương Tây, Người đã có điều kiện để gặp gỡ, nghiên cứu và tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin, thế giới quan và phương pháp luận khoa học, cách mạng giúp giải quyết triệt để sự nghiệp giải phóng dân tộc ở Việt Nam. Từ sau quyết định quan trọng mang tính lịch sử ấy đã mở ra một thời đại mới cho dân tộc, thời đại Hồ Chí Minh - thời đại hào hùng nhất trong lịch sử dân tộc gắn với nhiều thắng lợi lừng lẫy năm châu, trấn động địa cầu. Thời đại gắn với sự ra đời của một nhà nước dân chủ đầu tiên trong lịch sử dân tộc - Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa sau này là Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, một nhà nước mà ở đó giai cấp công nhân, nhân dân lao động là người nắm chính quyền, là chủ và làm chủ nhà nước và mọi tầng lớp nhân dân đều được hưởng quyền tự do - bình đẳng thực sự, nền tảng quan trọng để xây dựng thành công xã hội xã hội chủ nghĩa trong những chặng đường sau này.
Bài: Thiếu tá Nguyễn Thị Phương Thảo, Khoa LLCT, KHXHNV&TL
Biên tập: Loan Trần, phòng HCTH
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.2, tr.283.