Thứ Tư, 20/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Kỷ niệm 127 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2017)

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh

Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ngày 19/5/1890 trong một gia đình nhà nho yêu nước, tại làng Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Hoàn cảnh xã hội, phong trào đấu tranh chống thực dân phong kiến thời bấy giờ và sự giáo dục của gia đình đã ảnh hưởng sâu sắc đến Người ngay từ thời niên thiếu.

Từ nhỏ, Người đã được cha giáo dục lòng yêu nước thương nòi và thường được nghe cha và các bạn của cha đàm đạo việc nước. Mặc dù rất kính trọng các cụ Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu… những nhà yêu nước lúc bấy giờ nhưng người thanh niên Nguyễn Tất Thành không tán thành đi theo con đường cứu nước của các cụ. Người suy nghĩ về những nguyên nhân thành bại của các phong trào yêu nước và quyết tâm tìm con đường “ tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi”. Tháng 6/1911, từ bến cảng Nhà Rồng, Người lấy tên Văn Ba ra đi tìm đường cứu nước. Người đi đến Pháp và nhiều nước châu Âu, châu Á, châu Phi, châu Mỹ. Người hòa mình với những phong trào của công nhân và nhân dân các dân tộc thuộc địa, vừa lao động kiếm sống, vừa học tập, hoạt động cách mạng và nghiên cứu các học thuyết cách mạng. Năm 1917, thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga và sự ra đời của Quốc tế Cộng sản đã đưa Người đến với chủ nghĩa Mác-Lênin. Từ đây, Người đã nhận rõ đó là con đường duy nhất đúng đắn để giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp.

Từ năm 1921-1923, với tên Nguyễn Ái Quốc, Người đã tham gia nhiều hoạt động thúc đẩy phong trào giải phóng các dân tộc thuộc địa: tham gia sáng lập Hội Liên hiệp thuộc địa; sử dụng báo chí Pháp tấn công chủ nghĩa thực dân, Người là Chủ nhiệm kiêm chủ bút báo Le Paria (Người cùng khổ), viết nhiều bài lên án chủ nghĩa thực dân đăng trên các báo “Người cùng khổ”, “Đời sống thợ thuyền”, sáng tác vở kịch “Con rồng tre” nhằm đả kích vua bù nhìn Khải Định khi ông này sang Pháp dự Hội chợ thuộc địa Mác-xây vào tháng 6/1922. Người viết tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” lên án mạnh mẽ chế độ thực dân, thức tỉnh lòng yêu nước của nhân dân các nước thuộc địa. Tất cả các bài viết của Người đều được bí mật chuyển về nước và lưu truyền trong mọi tầng lớp nhân dân.


Nguyễn Ái Quốc tại đại hội toàn quốc Đảng Xã hội Pháp ở Pháp năm 1920

Năm 1923-1931, Người tích cực hoạt động, học tập và nghiên cứu về chủ nghĩa Mác - Lênin, về chế độ xã hội chủ nghĩa. Người nắm giữ những vị trí quan trọng trong các phong trào quốc tế: được bầu vào Đoàn Chủ tịch tại Đại hội lần thứ I Quốc tế Nông dân (10/1923); cán bộ Ban phương Đông của Quốc tế Cộng sản (năm 1924). Nguyễn Ái Quốc được giao theo dõi và chỉ đạo phong trào cách mạng ở một số nước Châu Á, tham gia thành lập Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức Á Đông (1925), sáng lập tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, ra báo Thanh niên để truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin về trong nước, đồng thời mở lớp đào tạo cán bộ cho cách mạng Việt Nam.

Năm 1930 - 1940, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tiếp tục hoạt động cho sự nghiệp giải phóng của dân tộc Việt Nam và các dân tộc bị áp bức khác trong điều kiện vô cùng khó khăn, gian khổ. Năm 1930, Người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, đánh dấu một bước ngoặt lịch sử của cách mạng nước ta. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, nhân dân Việt Nam từ Bắc chí Nam đã gắn kết thành một khối, phát huy cao độ sức mạnh của toàn dân tộc làm cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lật đổ chế độ thuộc địa nửa phong kiến, lập nên Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước công nông, dân chủ đầu tiên ở Đông Nam Á.


Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

 Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi, thay mặt Chính phủ cách mạng lâm thời, 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, trịnh trọng tuyên bố trước quốc dân đồng bào và toàn thế giới “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và thật sự đã trở thành một nước tự do độc lập”. Ngay sau khi giành độc lập, chính quyền cách mạng non trẻ của nước ta cùng một lúc phải đối mặt với “Giặc đói”, “Giặc dốt”, “Giặc ngoại xâm”. Trong điều kiện cực kỳ khó khăn, phức tạp, thù trong, giặc ngoài “Ngàn cân treo sợi tóc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra đường lối, chiến lược, sách lược lãnh đạo toàn dân tộc, chèo lái con thuyền cách mạng, bảo vệ Đảng và giữ vững chính quyền cách mạng.

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản kéo dài 9 năm, và kết thúc bằng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 1954. Chiến thắng này không chỉ có ý nghĩa đối với dân tộc Việt Nam, mà còn cổ vũ các dân tộc thuộc địa vùng lên giành độc lập, đánh đổ chế độ thực dân, đế quốc.

Tháng 9 năm 1960, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ ba của Đảng Lao động Việt Nam, Hồ Chí Minh được bầu làm Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Dưới sự lãnh đạo của Người, nhân dân ta vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Ngày 02/9/1969, mặc dù đã được các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng do tuổi cao sức yếu Người đã ra đi mãi mãi để lại bao niềm thương tiếc cho nhân dân Việt Nam và bạn bè Thế giới.

Lãnh tụ Hồ Chí Minh là vĩ nhân đã in đậm dấu ấn trong lịch sử dân tộc và lịch sử nhân loại. Cuộc đời cách mạng gần 60 năm của Người, Chủ tịch Hồ Chí Minh hiến dâng cuộc đời cho Tổ quốc, cho nhân dân, vì lý tưởng cộng sản, vì độc lập tự do cho dân tộc bị áp bức, vì hòa bình và công lý trên Thế giới. Thời gian càng lùi xa chúng ta càng nhận rõ tính nhân văn và sự vĩ đại của Người. Tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh sống mãi trong tâm khảm của chúng ta, soi đường dẫn dắt cách mạng Việt Nam đi đến mọi thắng lợi.

Bài: Hoàng Linh

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi