Thứ Tư, 20/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Khoa Quản lý hành chính về trật tự xã hội hướng dẫn thực tập tốt nghiệp cho học viên chuyên ngành khóa K59S góp phần thực hiện thắng lợi Đề án số 06 của Chính phủ và Luật Căn cước năm 2024

Thực tập tốt nghiệp là môn học cuối cùng có số tiết nhiều nhất trong quá trình đào tạo giúp cho các học viên củng cố, bổ sung kiến thức đã được trang bị trong quá trình học tập; vận dụng kiến thức đã được học để trực tiếp tiếp nhận, đề xuất, xử lý những tình huống thực tiễn thông thường thuộc chuyên ngành đào tạo; thực hiện đúng các thao tác nghề nghiệp theo quy trình, thủ tục hành chính, pháp lý, nghiệp vụ; biết sử dụng một số phương tiện nghiệp vụ chuyên ngành và phương tiện hỗ trợ khác; đạt được các tiêu chí đánh giá về tri thức, kỹ năng theo mục tiêu đào tạo và chuẩn đầu ra. Dựa trên nội dung, yêu cầu của các mặt công tác nghiệp vụ, khoa Quản lý hành chính về TTXH đã xây dựng các tiêu chí học viên cần đạt được khi thực tập tại các địa bàn.

Học viên chuyên ngành QLHC về TTXH thực tập tốt nghiệp tại Công an tỉnh Hòa Bình.

Cùng với việc bổ sung, trau dồi kiến thức chuyên môn, đây cũng là thời gian cho mỗi học viên tăng cường rèn luyện bản thân có phẩm chất, đạo đức cách mạng, học tập theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Luôn ý thức xây dựng tác phong làm việc khoa học, sáng tạo, bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng; thái độ công tác nghiêm túc và chấp hành kỷ luật lao động. Là lực lượng gần dân, thường xuyên tiếp xúc với Nhân dân, mỗi học viên khi xuống địa bàn có cơ hội nâng cao kiến thức văn hóa xã hội và kỹ năng giao tiếp, ứng xử hướng tới mục tiêu “Xây dựng lực lượng Công an chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”.

Học viên chuyên ngành QLHC về TTXH thực tập tốt nghiệp tại Công an quận Hà Đông, TP Hà Nội.

Ngày 01/7/2024, Luật Căn cước bắt đầu có hiệu lực đánh dấu một chiến dịch lớn trong quá trình cả nước thực hiện mục tiêu xây dựng Chính phủ số - Công dân số trong Đề án số 06. Nội dung này đã được các giáo viên khoa Quản lý hành chính về TTXH hướng dẫn chi tiết, cụ thể nhanh chóng tới học viên trước khi đi thực tập. Mỗi học viên đều nắm vững các yêu cầu nghiệp vụ khi thực hiện quy trình cấp, cụ thể: Tham gia hướng dẫn Công dân kê khai làm các thủ tục trên Cổng dịch vụ Công Quốc gia; thu nhận thông tin, thu nhận vân tay, mống mắt... các trường hợp đến làm thủ tục cấp thẻ Căn cước; thu thập, cập nhật thông tin công dân trong hệ thống cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư; số hóa hồ sơ điện tử; tham gia tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách sử dụng các ứng dụng và dịch vụ số liên quan .....

Đồng chí Trung tá Nguyễn Thị Ngọc Dung, Phó Trưởng khoa Quản lý hành chính về TTXH tổng kết thực tập tốt nghiệp tại Công an tỉnh Hà Nam.

Tại các buổi kiểm tra, tổng kết hoạt động thực tập tốt nghiệp, lãnh đạo các đơn vị địa phương đã nhận xét, đánh giá khách quan về quá trình thực tập của học viên chuyên ngành QLHC về TTXH. Tất cả các học viên đều nắm vững kiến thức cơ bản và trực tiếp bắt tay vào việc luôn “làm thật, thành tích thật”, sử dụng thành thạo các kỹ năng nghề nghiệp đặc biệt là thao tác trên các phần mềm về dữ liệu dân cư, phần mềm cấp căn cước; hỗ trợ các cán bộ địa phương lập các hồ sơ quản lý, giáo dục đối tượng, các hồ sơ nghiệp vụ cơ bản theo đúng yêu cầu nghiệp vụ Công an. Các học viên trong quá trình thực tập không chỉ thực hiện nghiêm thời gian làm việc, kỉ luật lao động mà còn thấm nhuần Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân, cư xử đúng mực và phù hợp với đồng đội, với cấp trên và với Nhân dân. Tuy nhiên, do thời gian học viên thực tập còn quá ngắn nên chưa được tiếp cận gần tất cả các mặt công tác nghiệp vụ QLHC về TTXH; do đó nhiều đơn vị, địa phương có đề xuất với Nhà trường tăng cường thời gian thực tập cho học viên chuyên ngành ở các khóa sau.

Qua buổi tổng kết ở các đơn vị, địa phương nhiều học viên được tặng Giấy khen ở cấp xã và cấp huyện đồng thời được biểu dương khen thưởng trước các ban ngành, đoàn thể về quá trình thời gian “hỗ trợ đắc lực” trên nhiều lĩnh vực tại địa bàn cơ sở chứ không chỉ riêng hoạt động của lực lượng Cảnh sát Quản lý hành chính về TTXH. Tại đây, giáo viên đã tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp của các đồng chí lãnh đạo đơn vị về nội dung đào tạo của Khoa chuyên ngành nói riêng, của Nhà trường nói chung.

Kết quả tổng kết không chỉ giúp Nhà trường điều chỉnh, hoàn thiện mục tiêu, nội dung, phương pháp đào tạo và chuẩn đầu ra mà còn gắn kết hoạt động giáo dục đào tạo của Nhà trường với thực tiễn công tác chiến đấu tại Công an đơn vị, địa phương; gắn mục tiêu đào tạo với nhu cầu, mục tiêu sử dụng nguồn nhân lực đào tạo góp phần thực hiện thắng lợi Đề án số 06 của Chính phủ và Luật Căn cước năm 2024.

Bài & ảnh: Khoa Quản lý hành chính về trật tự xã hội

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi