Đào tạo, bồi dưỡng Công an xã chính quy là vấn đề rất được Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an quan tâm chỉ đạo. Theo đó, để công tác đào tạo, bồi dưỡng Công an xã chính quy đạt hiệu quả, Bộ Công an đã ra Quyết định về việc ban hành chương trình bồi dưỡng cho lực lượng Công an cấp cơ sở; trong đó có Chương trình số 01 về bồi dưỡng cho lực lượng Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã, thị trấn. Tiếp đó, ngày 15/2/2019, Bộ Công an đã ban hành Kế hoạch về tổ chức bồi dưỡng cho cán bộ Công an chính quy đảm nhiệm chức danh Công an xã, thị trấn giai đoạn 2019-2020 (triển khai trên phạm vi toàn quốc). Gần đây nhất, Bộ trưởng Bộ Công an đã ký Quyết định về việc ban hành Chương trình bồi dưỡng Công an xã nhằm cập nhật, bổ sung kiến thức về nghiệp vụ quản lý nhà nước về an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở.
Căn cứ các Kế hoạch và Quyết định trên của Bộ Công an, Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I đã chủ động phối hợp với Cục Đào tạo và các đơn vị liên quan tiến hành xây dựng chương trình; biên soạn tài liệu giảng dạy; tập huấn công tác giảng dạy và cử giáo viên về giảng dạy nhằm kịp thời trang bị cho cán bộ Công an xã chính quy. Khoa Nghiệp vụ cơ bản là một trong các Khoa được Nhà trường giao nhiệm vụ thực hiện đào tạo, bồi dưỡng cho lực lượng Công an xã.
Giáo viên khoa Nghiệp vụ cơ bản hiện nay về cơ bản đều tốt nghiệp đại học hệ chính quy và 100% các đồng chí giáo viên có trình độ sau đại học. Các giáo viên đều đã đạt các chức danh giảng dạy: giáo viên cao cấp, giáo viên chính. Nhiều giáo viên có thâm niên giảng dạy từ 15 năm trở lên, đạt nhiều danh hiệu giảng viên, giáo viên dạy giỏi cấp Bộ (có nhiều đồng chí đạt danh hiệu 2 lần) và nhiều đồng chí đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp Trường. Các giáo viên trong Khoa đã được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm nâng cao, bồi dưỡng Công nghệ thông tin, ngoại ngữ, công tác khảo thí… Đánh giá chung, đội ngũ giáo viên của Khoa cơ bản đã đáp ứng các tiêu chuẩn theo chức danh giảng dạy và tiêu chuẩn, tiêu chí bố trí cán bộ, giáo viên trong các trường Công an nhân dân.
Ngoài giáo viên cơ hữu thuộc biên chế, Khoa Nghiệp vụ cơ bản còn có đội ngũ giáo viên thỉnh giảng đều có học vị Tiến sĩ, đã có nhiều năm công tác giảng dạy trong lĩnh vực nghiệp vụ cơ bản. Vì vậy, đội ngũ giáo viên của Khoa đảm bảo đủ điều kiện giảng dạy cho học viên các lớp đào tạo, bồi dưỡng Công an xã chính quy.
Công an xã là lực lượng cơ sở quan trọng trong lực lượng Công an nhân dân
(Ảnh: Nguồn internet)
Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, nhà trường đã chỉ đạo Khoa Nghiệp vụ cơ bản phân công các đồng chí là lãnh đạo, giáo viên cao cấp có nhiều kinh nghiệm để thực hiện nhiệm vụ giảng dạy kiến thức NVCB cho Công an xã chính quy. Khi được phân công, các giáo viên đều chủ động xây dựng hồ sơ, giáo án... Hồ sơ bài giảng được chuẩn bị công phu, đúng quy định, kể cả giáo án điện tử và các tài liệu có liên quan trên cơ sở bám sát Chương trình bồi dưỡng của Bộ Công an ban hành về Chương trình bồi dưỡng lực lượng Công an cấp cơ sở và Công văn của Cục Đào tạo về việc hướng dẫn chương trình bồi dưỡng cho Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã; tài liệu bồi dưỡng Công an chính quy đảm nhận chức danh Công an xã, thị trấn giai đoạn 2019 - 2020 và các tài liệu khác có liên quan.
Giáo viên Khoa Nghiệp vụ cơ bản được tham gia học tập các lớp về nghiệp vụ sư phạm, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao kiến thức và kỹ năng giảng dạy. Đặc biệt với đặc thù của các môn học phải gắn với thực tiễn, giáo viên của Khoa đã tích cực đi nghiên cứu thực tế tại Công an các đơn vị, địa phương để thường xuyên cập nhật, bổ sung kiến thức mới vào bài giảng. Vì vậy, các ví dụ minh họa trong giờ giảng của giáo viên sinh động, phong phú hơn, sát với thực tế và mang tính thời sự, đảm bảo được yêu cầu của việc truyền tải kiến thức đến người học và học viên được làm quen với các tình huống thực tiễn công tác. Thông qua các phương pháp giảng dạy tích cực trong giờ giảng lý thuyết và sử dụng phương pháp nhóm, đóng vai trong giờ thảo luận, thực hành, Khoa đã bồi dưỡng các kỹ năng làm việc độc lập, kỹ năng làm việc nhóm cho học viên. Đặc biệt, trong quá trình giảng dạy, giáo viên khai thác và sử dụng đồ dùng, phương tiện được trang bị, nhất là các phương tiện công nghệ thông tin.
Bên cạnh đó, Công an các địa phương cũng đã quán triệt và triển khai thực hiện đề án tăng cường Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã rất kịp thời, nghiêm túc. Thậm chí có địa phương đã hoàn thành kế hoạch sớm hơn kế hoạch. Nhiều địa phương, sau khi bố trí Công an xã chính quy đã quan tâm, phối hợp các trường Công an nhân dân tổ chức ngay các lớp bồi dưỡng, tập huấn cho lực lượng này hoặc cho cán bộ dự kiến phân công công tác tại xã.
Học viên tham gia lớp bồi dưỡng, tập huấn đa dạng về trình độ, kinh nghiệm, chuyên ngành, lĩnh vực công tác, thậm chí có học viên có trình độ thạc sĩ, có học viên giữ chức vụ chỉ huy cấp đội. Tuy nhiên, những cán bộ đã được đào tạo tại các trường Cảnh sát nhân dân hoặc công tác tại các đơn vị nghiệp vụ Cảnh sát có kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn tương đối tốt về các công tác nghiệp vụ Cảnh sát. Ngược lại, đối với những cán bộ được đào tạo tại các trường An ninh nhân dân hoặc công tác tại các đơn vị nghiệp vụ an ninh thì có kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn về các mặt công tác nghiệp vụ an ninh. Một số cán bộ đã từng được đào tạo chuyên ngành Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội hoặc đã từng công tác tại Công an phường thì có nhiều kinh nghiệm trong các mặt công tác tại địa bàn cơ sở; các đồng chí đã từng được đào tạo hoặc công tác tại các đơn vị Cảnh sát giao thông, Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ… lại có những kiến thức và kinh nghiệm riêng. Vì vậy, quá trình tổ chức dạy học đòi hỏi phải cử những giáo viên có trình độ, kinh nghiệm, chuyên môn vững, kỹ năng sư phạm, kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống thực tiễn tốt.
Hệ thống chương trình, giáo trình, tài liệu dạy học đã được ban hành, biên soạn kịp thời; tuy nhiên có nội dung chưa thực sự phù hợp với đối tượng đào tạo, địa bàn công tác. Chương trình hiện nay đã cơ bản tạo sự linh hoạt, chủ động cho các trường và địa phương trong lựa chọn một số chuyên đề phù hợp để giảng dạy.
Để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng Công an xã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở trong thời gian tới, cần tập trung vào một số vấn đề sau:
Một là, nâng cao nhận thức cho toàn thể cán bộ, chiến sĩ trong CAND về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, chiến sĩ Công an xã chính quy với yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội phục vụ mục tiêu xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Đặc biệt, lực lượng Công an xã chính quy phải nhận thức được vị trí, vai trò của mình ở địa bàn cơ sở, không ngừng học tập, bồi dưỡng, trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ gắn với chức trách, nhiệm vụ được giao.
Hai là, Bộ Công an đã ban hành Chương trình bồi dưỡng Công an xã (mới) kèm theo Quyết định về việc ban hành Chương trình bồi dưỡng Công an xã. Đây là cơ sở quan trọng để Cục Đào tạo và các trường Công an nhân dân, các đơn vị chức năng nhanh chóng nghiên cứu, biên soạn tài liệu bồi dưỡng thống nhất, phù hợp để triển khai giảng dạy chung cho Công an các đơn vị, địa phương. Mặc dù chương trình đã được lấy ý kiến của nhiều đơn vị, địa phương và Nhà trường nhưng quá trình triển khai thực hiện cần nhanh chóng tiếp tục đánh giá sự phù hợp, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu đặt ra, bảo đảm bám sát thực tiễn, phù hợp với đặc điểm của mỗi vùng, miền, địa phương.
Ba là, Công an các đơn vị, địa phương cần xác định nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng Công an xã trong từng giai đoạn cụ thể, để phối hợp với Cục Đào tạo và các trường Công an nhân dân mở các khóa, lớp bồi dưỡng chuyên sâu cho Công an xã; đảm bảo 100% cán bộ Công an xã phải được đào tạo, bồi dưỡng theo chương trình đã ban hành. Để tối ưu hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng thì đối tượng đào tạo nên có sự tương đồng về trình độ đào tạo, chuyên môn, kinh nghiệm công tác, không nên cùng một lớp có nhiều đối tượng khác nhau.
Bốn là, nội dung đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ Công an xã chính quy phải gắn với thực tiễn và yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đặc điểm tình hình của mỗi vùng, miền, địa phương. Những nội dung được đưa vào giảng dạy là những kiến thức, kỹ năng quan trọng, cần thiết trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của Công an xã, nhằm đáp ứng yêu cầu học viên sau khi tốt nghiệp trở về vị trí công tác tại địa phương sẽ nêu cao tinh thần trách nhiệm, tự giác nghiên cứu học tập, nâng cao trình độ pháp luật, chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực và vận dụng linh hoạt có hiệu quả các kiến thức đã được tiếp thu trong quá trình học tập vào thực tiễn, từ đó thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở công tác.
Năm là, với đặc điểm của Công an xã chính quy, hầu hết đều đã qua đào tạo những kiến thức chuyên môn về pháp luật, nghiệp vụ tại các trường CAND, có kinh nghiệm trong thực tiễn công tác; trong đó, có nhiều đồng chí đã đảm nhiệm các chức vụ chỉ huy cấp đội tại các đơn vị. Vì vậy, các trường khi được phân công đào tạo, giảng dạy Công an xã chính quy, đơn vị phải lựa chọn giáo viên có trình độ chuyên môn sâu, có năng lực, kinh nghiệm về lý luận và kiến thức thực tiễn phong phú; nhất là am hiểu đặc điểm địa bàn cơ sở gắn với chức năng, nhiệm vụ của học viên nơi tổ chức giảng dạy. Lựa chọn phương pháp giảng dạy tích cực nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học. Đa dạng các phương pháp giảng dạy, như tăng cường thảo luận các vấn đề công tác chuyên môn, nghiệp vụ, các tình huống phát sinh trong thực tiễn công tác, chiến đấu, gắn học lý thuyết với thực hành; đồng thời, tổ chức báo cáo thực tế, giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm giữa Công an các địa phương…
Bài: Ngô Sỹ Nguyên, Khoa Nghiệp vụ cơ bản
Biên tập: Loan Trần