Trong những năm qua, Khoa Kỹ thuật hình sự luôn nhận được sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của Đảng ủy Ban Giám hiệu, sự phối hợp, giúp đỡ của các đơn vị chức năng trong Trường và các đơn vị nghiệp vụ trong lực lượng CAND, cùng với sự đoàn kết, quyết tâm của tập thể cấp ủy, lãnh đạo và giảng viên trong đơn vị, Khoa Kỹ thuật hình sự đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ chính trị theo kế hoạch đã đề ra, qua đó đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của Nhà trường và tô thắm thêm cho bề dày lịch sử truyền thống 55 năm của Trường Cao đẳng CSND I.

Tập thể cấp ủy, lãnh đạo và giảng viên Khoa Kỹ thuật hình sự tham dự Lễ khai giảng năm học 2020 -2021
Về công tác giáo dục đào tạo: Từ khi được tái thành lập đến nay, khoa Kỹ thuật hình sự đã đào tạo được 10 khóa học viên trình độ trung cấp và 02 khóa học viên trình độ cao đẳng với tổng số gần 2000 học viên chuyên ngành Kỹ thuật hình sự. Đây là nguồn nhân lực có chất lượng để kịp thời bổ sung cho lực lượng Kỹ thuật hình sự Công an cấp quận, huyện, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm. Các học viên chuyên ngành Kỹ thuật hình sự sau khi tốt nghiệp về địa phương công tác cơ bản đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ công tác của cán bộ Kỹ thuật hình sự Công an cấp huyện. Quá trình đào tạo học viên, Khoa Kỹ thuật hình sự luôn chú trọng đến khâu dạy học thực hành để rèn luyện và nâng cao tay nghề cho học viên. Điểm nổi bật trong công tác đào tạo học viên đó là: Khoa đã tham mưu cho Nhà trường phối hợp chặt chẽ với Viện Khoa học hình sự và Phòng Kỹ thuật hình sự Công an một số địa phương để tổ chức cho học viên đi tham quan, kiến tập, thực hành, đồng thời mời cán bộ thực tiễn đến giảng bài, hướng dẫn thực hành những môn học đặc thù, có tính nghiệp vụ chuyên sâu, qua đó giúp cho học viên từng bước nâng cao nhận thức, ý thức nghề nghiệp và kỹ năng nghiệp vụ để có thể đảm đương và hoàn thành tốt nhiệm vụ khi tốt nghiệm ra trường.

Đồng chí Đại tá, Ths Nguyễn Quốc Bồi - Phó Hiệu trưởng chủ trì buổi tọa đàm Trao đổi kinh nghiệm, nâng cao hiệu quả công tác đào tạo cho học viên chuyên ngành Kỹ thuật hình sự giữa Khoa Kỹ thuật hình sự - Trường Cao đẳng CSND I và Phòng Kỹ thuật hình sự - CATP Hà Nội
Trong đào tạo, bồi dưỡng giảng viên: Cùng với việc nâng cao chất lượng đào tạo học viên, khoa Kỹ thuật hình sự cũng chú trọng, quan tâm đến đào tạo, phát triển đội ngũ giảng viên. Là Khoa chuyên ngành đặc thù nhưng đội ngũ giảng viên của đơn vị cũng đã được chuẩn hóa chức danh và được bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp và phương pháp sư phạm. Hiện nay, Khoa có 100% giảng viên có trình độ sau đại học, trong đó có 03 giảng viên có trình độ tiến sĩ, 03 giảng viên đang là nghiên cứu sinh, 02 giảng viên có chức danh giảng viên cao cấp cao đẳng. Có 09/11 giảng viên được đào tạo đúng chuyên ngành kỹ thuật hình sự 06/11 giảng viên đã qua công tác thực tế hoặc đã hoàn thành luân chuyển nghiệp vụ theo quy định. Đặc biệt, để củng cố kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực hành nghiệp vụ, khoa Kỹ thuật hình sự đã tham mưu cho Ban Giám hiệu cử nhiều lượt giảng viên tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ kỹ thuật hình sự theo từng lĩnh vực cụ thể như: Nghiệp vụ khám nghiệm hiện trường, nghiệp vụ giám định dấu vết đường vân, cơ học, kỹ thuật phòng, chống tội phạm tại Viện Khoa học hình sự với thời gian từ 02 - 03 tháng. Nhờ có sự quan tâm, bồi dưỡng đó, đội ngũ giảng viên của Khoa đã trưởng thành về mọi mặt, luôn tích cực tham gia các phong trào dạy giỏi của Nhà trường và đạt thành tích cao. Đã có 02 lượt giảng viên đạt giải nhất cá nhân trong Hội thi giảng viên dạy giỏi cấp trường, 05 lượt giảng viên đạt danh hiệu giảng viên dạy giỏi cấp Bộ, nhiều lượt giảng viên đạt danh hiệu giảng viên dạy giỏi cấp trường, qua đó đóng góp thêm cho thành tích dạy giỏi chung của Nhà trường trong những năm vừa qua.
Về công tác nghiên cứu khoa học, giảng viên trong Khoa đã đăng ký và thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ khoa học các cấp. Trong 5 năm vừa qua, đã có 04 lượt giảng viên đăng ký thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp cơ sở, đã nghiệm thu đạt xuất sắc; gần 50 bài báo khoa học do giảng viên của Khoa viết được đăng trên các tạp chí chuyên ngành và rất nhiều báo cáo khoa học, tham luận đăng trên kỷ yếu các hội thảo khoa học trong nước và quốc tế do Nhà trường, Học viện CSND, Viện Khoa học hình sự, Cục Chiến lược, Khoa học và lịch sử Công an tổ chức, được đánh giá cao. Nhiều sáng kiến, cải tiến, công trình phần việc do khoa chủ trì đã được nghiệm thu và đưa vào ứng dụng trong thực tiễn phục vụ nghiên cứu, giảng dạy và học tập trong nhà trường như: Sáng kiến tổ chức thi thực hành các môn học chuyên ngành Kỹ thuật hình sự, sáng kiến tổ chức dạy học thực hành Khám nghiệm hiện trường, công trình Khu thực hành nghiệp vụ kỹ thuật hình sự... Những kết quả đó đã minh chứng cho sự phát triển của Khoa, góp phần chung vào sự phát triển của Nhà trường.
Cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu, dạy học thực hành các môn học Kỹ thuật hình sự, bước đầu đã được quan tâm đầu tư mua sắm. Khu thực hành nghiệp vụ Kỹ thuật hình sự đã được nghiệm thu, hoàn thiện đi vào sử dụng. Các phòng thực hành đã được thiết kế theo hướng chuyên sâu theo từng lĩnh vực hoạt động nghiệp vụ kỹ thuật hình sự. Trang thiết bị, phương tiện phục vụ thực hành cũng được thường xuyên bổ sung, mua sắm đảm bảo hiện đại để giúp giảng viên, học viên có điều kiện tiếp cận và thực hành, thực tập qua đó góp phần nâng cao chất lượng đào tạo chuyên ngành Kỹ thuật hình sự đáp ứng yêu cầu công tác thực tiễn.

Lãnh đạo và cán bộ Phòng Kỹ thuật hình sự - CATP Hà Nội tham quan các phòng thực hành nghiệp vụ kỹ thuật hình sự của Nhà trường
Tiếp bước truyền thống 55 năm của Nhà trường, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng 4.0, việc ứng dụng thành tựu của khoa học kỹ thuật và công nghệ trong dạy học và trong công tác chiến đấu của lực lượng Kỹ thuật hình sự là xu thế tất yếu. Trong bối cảnh đó, để tiếp tục xây dựng đơn vị vững mạnh, ngày cành phát triển, xứng đáng là Khoa trọng điểm của Trường Cao đẳng CSNDI thời gian tới, tập thể cấp ủy, lãnh đạo và giảng viên Khoa Kỹ thuật hình sự đang tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, tiếp tục làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, bồi dưỡng nâng cao năng lực, kỹ năng nghiệp vụ, phương pháp sư phạm cho đội ngũ giảng viên trong đơn vị. Cấp ủy, lãnh đạo đơn vị thường xuyên quan tâm, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của giảng viên để có những động viên kịp thời cho giảng viên ổn định công tác. Tiếp tục tham mưu cho Ban Giám hiệu cử giảng viên tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về kỹ thuật hình sự tại Viện Khoa học hình sự và bồi dưỡng, hoàn thiện các tiêu chí bổ nhiệm chức danh cho giảng viên, cử giảng viên đi luân chuyển nghiệp vụ theo quy định, qua đó nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu giáo dục đào tạo của Nhà trường trong giai đoạn mới.
Thứ hai, triển khai có hiệu quả các hoạt động dạy giỏi, nghiên cứu khoa học tại đơn vị.
Lãnh đạo Khoa động viên, khuyến khích giảng viên đăng ký và thực hiện có hiệu quả bài dạy giỏi các cấp, nhất là tham gia hội giảng và xét danh hiệu dạy giỏi cấp Trường và cấp Bộ. Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ hàng năm, viết bài đăng trên các tạp chí khoa học cũng như tham gia các hội thảo, hội nghị khoa học nhằm hoàn thiện tiêu chí cho giảng viên và nâng cao uy tín của đơn vị.
Thứ ba, hoàn thiện Khu thực hành nghiệp vụ kỹ thuật hình sự để phục vụ nghiên cứu khoa học, dạy học và thực hành trong Trường.
Tiếp tục xây dựng các phòng thực hành theo chuyên đề tương ứng với từng lĩnh vực hoạt động nghiệp vụ kỹ thuật hình sự, trong đó có sự bố trí, sắp xếp khoa học, hợp lý trang thiết bị, phương tiện thực hành. Tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả phương tiện, thiết bị và các phần mềm được trang bị theo các dự án đã được duyệt. Đồng thời, triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ tăng cường tiềm lực khoa học sau khi được phê duyệt; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin và các thành tựu của khoa học kỹ thuật và công nghệ trong giáo dục đào tạo, qua đó từng bước hiện đại hóa công tác đào tạo chuyên ngành Kỹ thuật hình sự trong Nhà trường.
Thứ tư, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị nghiệp vụ trong quá trình tổ chức dạy học, nghiên cứu khoa học; hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học và đào tạo giảng viên, học viên chuyên ngành Kỹ thuật hình sự.
Thực hiện có hiệu quả quy chế phối hợp giữa Khoa với Phòng Kỹ thuật hình sự Công an thành phố Hà Nội; xây dựng và triển khai ký kết quy chế phối hợp giữa Khoa với Khoa Kỹ thuật hình sự Trường Cao đẳng CSND II; tham mưu cho lãnh đạo Nhà trường xây dựng và ký kết hợp tác với Viện Khoa học hình sự Bộ Công an.
Bên cạnh đó, tham mưu cho Ban Giám hiệu phối hợp với các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công an để tổ chức cho giảng viên tham dự các Hội thảo quốc tế về Kỹ thuật hình sự, phối hợp đào tạo học viên chuyên ngành Kỹ thuật hình sự trình độ cao đẳng, trung cấp và bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu đối với một số lĩnh vực kỹ thuật hình sự đặc thù.
Mặc dù còn nhiều khó khăn về điều kiện làm việc và trang thiết bị, phương tiện phục vụ dạy học. Tuy nhiên, được sự quan tâm của Đảng ủy Ban Giám hiệu, Khoa Kỹ thuật hình sự đã được biên chế đội ngũ giảng viên có chất lượng, đúng chuyên ngành đào tạo, trang thiết bị, phương tiện phục vụ dạy học cũng được quan tâm đầu tư, mua sắm và sắp xếp, bố trí hợp lý, khoa học phục vụ nghiên cứu khoa học, giảng dạy và học tập. Thời gian tới, ngoài các hoạt động chuyên môn trong Nhà trường theo nhiệm vụ được phân công, lãnh đạo Khoa cũng đang tích cực mở rộng quan hệ phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ và Công an các địa phương để tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên đề, tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học trọng điểm và tiếp nhận, chuyển giao công nghệ, phương tiện kỹ thuật phục vụ nghiên cứu khoa học, giảng dạy và học tập, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo trong Nhà trường trong giai đoạn hiện nay.
Thiếu tá Hoàng Văn Trường (NV5)