Đồng thời, thông qua hoạt động này còn cung cấp thông tin phản hồi về thực trạng kết quả đạt được của quá trình dạy học, từ đó giúp cho giáo viên điều chỉnh quá trình dạy học, chỉ đạo hoạt động tự học của học viên nhằm tạo ra hiệu quả ở mức cao nhất. Mặt khác, thông qua kiểm tra, đánh giá còn giúp người học thu được thông tin ngược trong về thực trạng kiến thức, kỹ năng, kỹ xảo của mình từ đó điều chỉnh kế hoạch học tập, phấn đấu của bản thân . Tuy nhiên, để đạt được kết quả như trên thì việc kiểm tra, đánh giá phải tuân thủ các nguyên tắc công bằng, khách quan, toàn diện, chính xác trong đánh giá kết quả học tập của học viên. Khi đó, kiểm tra, đánh giá sẽ tạo động lực phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, hứng thú, say mê trong học tập và nghiên cứu.
Trong những năm qua, việc đổi mới hình thức thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học viên các cấp được Đảng, Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đặc biệt quan tâm. Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế khẳng định: “Đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo”, “Phối hợp sử dụng kết quả đánh giá trong quá trình học với đánh giá cuối kì, cuối năm học; đánh giá của người dạy với tự đánh giá của người học”. Nghị quyết số 44/NQ-CP ngày 09/6/2014 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW nêu: “Đổi mới hình thức, phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục theo hướng đánh giá năng lực người học; kết hợp đánh giá cả quá trình với đánh giá cuối kì học, cuối năm học theo mô hình của các nước có nền giáo dục phát triển". Thực hiện một số định hướng trên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định số 2653/QĐ-BGDĐT ngày 25/7/2014 về Kế hoạch hành động của ngành giáo dục triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện NQ 29-NQ/TW, trong đó nêu rõ: “Đổi mới mục tiêu, nội dung, hình thức kiểm tra, thi và đánh giá chất lượng giáo dục, đào tạo đáp ứng yêu cầu phát triển năng lực, phẩm chất người học. Triển khai đổi mới phương pháp kiểm tra, thi, đánh giá người học ngay trong quá trình và kết quả từng giai đoạn giáo dục, đào tạo nhằm kịp thời điều chỉnh, nâng cao hiệu quả hoạt động dạy và học ở các cấp học và trình độ đào tạo”.
Khoa Cảnh sát hình sự là Khoa nghiệp vụ chuyên ngành, với chức năng nhiệm vụ chính là thực hiện công tác giảng dạy cho các lớp học viên chuyên ngành Trinh sát phòng, chống tội phạm trật tự xã hội. Trong năm học 2022 - 2023, mặc dù, đơn vị cũng còn không ít khó khăn bởi nhiều giáo viên mới được điều động về Khoa, kinh nghiệm giảng dạy chuyên ngành còn hạn chế, đơn vị thiếu lãnh đạo chỉ huy...Tuy nhiên, với sự chỉ đạo tập trung, thống nhất của Đảng ủy, Ban Giám hiệu, sự phối hợp có hiệu quả của các đơn vị chức năng, sự chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả của Cấp uỷ, lãnh đạo đơn vị, trong thời gian qua, Khoa Cảnh sát hình sự đã phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ đề ra và có nhiều thành tích nổi bật. Đặc biệt, đây là năm học Khoa Cảnh sát hình sự tập trung nhiều cho công tác kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học viên, trong đó trọng tâm là đổi mới hoạt động kiểm tra thường xuyên, kiểm tra định kì các môn học. Việc thực hiện nghiêm túc và có nhiều đổi mới trong hoạt động này đã giúp quá trình dạy học đạt được không ít kết quả tích cực như : học viên đã chủ động, tích cực trong học tập, kết quả kiểm tra, đánh giá đảm bảo tính khách quan, phản ánh được chất lượng dạy học các môn học; hình thức kiểm tra, đánh giá đa dạng; khâu ra đề đã đảm bảo tính khoa học…
Để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác kiểm tra thường xuyên, kiểm tra định kỳ kết quả học tập các môn học do Khoa Cảnh sát hình sự giảng dạy, Khoa đã luôn xác định việc đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá phải thực hiện theo quan điểm định hướng sau: Kiểm tra, đánh giá phải góp phần nâng cao tính tích cực, độc lập, sáng tạo học tập của học viên. Quan điểm này chỉ đạo việc xây dựng các tiêu chí chất lượng và các biện pháp nâng cao chất lượng kiểm tra, đánh giá phải đảm bảo nâng cao được tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học trong quá trình học tập. Đồng thời yêu cầu, mọi sự cải tiến, đổi mới nội dung, phương pháp, phương tiện kiểm tra, đánh giá phải có giá trị thúc đẩy mạnh mẽ động lực học tập của người học, hướng cho học viên tìm ra cách thức học tập tốt nhất; làm thay đổi thói quen “tư duy một chiều thụ động” đi đến kiến thức mới, kỹ năng, kỹ xảo mới bằng chính sức lực và tư duy sáng tạo của mình.
Sự chủ động, tích cực trong nâng cao chất lượng hoạt động kiểm tra thường xuyên, kiểm tra định kì các môn học thuộc chương trình đào tạo chuyên ngành phòng, chống tội phạm trật tự xã hội của Khoa Cảnh sát hình sự trong năm học 2022 - 2023 được thể hiện rõ rệt qua các nội dung sau:
Thứ nhất, cấp ủy, lãnh đạo Khoa thường xuyên tổ chức, quán triệt các quy định, hướng dẫn về công tác thi, kiểm tra, thường xuyên giáo dục nâng cao nhận thức cho giáo viên về tầm quan trọng của việc đổi mới công tác kiểm tra thường xuyên, kiểm tra định kỳ kết quả học tập của học viên góp phần nâng cao chất lượng dạy và học.
Thứ hai, Khoa đã chủ động đăng kí và hoàn thành việc xây dựng quy trình xây dựng, sử dụng, quản lý ngân hàng câu hỏi kiểm tra thường xuyên, kiểm tra định kỳ các môn học thuộc phần kiến thức ngành và chuyên ngành trinh sát phòng, chống tội phạm trật tự xã hội. Hoạt động này nhằm thống nhất các công việc cần phải thực hiện giúp giáo viên hiểu rõ, thực hiện đúng trình tự các bước để đạt hiệu quả cao nhất trong xây dựng, quản lý, sử dụng ngân hàng câu hỏi kiểm tra thường xuyên, kiểm tra định kỳ các môn học thuộc phần kiến thức ngành và chuyên hành trinh sát phòng, chống tội phạm trật tự xã hội.
Thứ ba, Khoa luôn chủ động, tích cực báo cáo đề xuất với Nhà trường cử giáo viên tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng năng lực tổ chức kiểm tra, đánh giá, kỹ thuật ra đề kiểm tra, cách vận dụng linh hoạt các hình thức kiểm tra, đánh giá năng lực, phẩm chất người học. Trong năm học 2022 - 2023, Khoa đã cử 05 lượt giáo viên tham gia các lớp tập huấn do Bộ Công an và nhà trường tổ chức.
Thứ tư, đổi mới công tác kiểm tra thường xuyên, kiểm tra định kỳ đánh giá kết quả học tập của học viên được Khoa chú trọng đổi mới hình thức đánh giá, phương tiện đánh giá, tiêu chí đánh giá và thiết kế đề kiểm tra đánh giá.
Đối với hình thức đánh giá, các giáo viên đã sử dụng đa dạng các hình thức kiểm tra, đánh giá để tận dụng lợi thế của mỗi hình thức và sử dụng tốt các nguồn dữ liệu. Kết hợp các dạng bài tự luận truyền thống với các dạng bài kiểm tra khác như trắc nghiệm, vấn đáp, thực hành… để tăng cường tính chính xác, khách quan, toàn diện trong quá trình đánh giá trình độ kiến thức, kỹ năng, khả năng tư duy độc lập của học viên. Đồng thời, cũng thông qua đó mà tăng cường khâu nắm thông tin ngược đối với cả người dạy và người học, làm cơ sở cho việc thường xuyên bổ sung, điều chỉnh, đổi mới cả phương pháp dạy và học, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng giảng dạy.
Đổi mới phương thức đánh giá, các giáo viên đã tăng cường đánh giá trong giờ, ngoài giờ, chính thức và không chính thức. Đánh giá qua quan sát, trao đổi - thảo luận, qua tự học, chuẩn bị, tìm thêm tư liệu, chấm vở thảo luận, bài tập... Tạo sự kết hợp linh hoạt giữa kiểm tra, lượng giá, đánh giá định tính và định lượng. Chú trọng hướng dẫn học viên phát triển khả năng và thói quen tự đánh giá, đánh giá lẫn nhau. Kết hợp giữa đánh giá của thầy với đánh giá của trò.
Đổi mới các tiêu chí đánh giá là phải đánh giá được toàn diện các mặt của giáo dục của học viên; đảm bảo sự tin cậy, chính xác, công bằng, khách quan, phản ánh chất lượng thực; đảm bảo khả thi, phù hợp với điều kiện của học viên, mục tiêu từng môn học; đảm bảo yêu cầu phân hoá; đảm bảo giá trị, hiệu quả cao.
Đổi mới xây dựng ngân hàng câu hỏi kiểm tra và thiết kế đề kiểm tra để đánh giá học viên phải xác định được mục đích, yêu cầu của đề; xác định mục tiêu dạy học; thiết kế đáp án, biểu điểm hợp lý. Đặc biệt, việc xây dựng ngân hàng câu hỏi giáo viên luôn khai thác các tài liệu, hồ sơ nghiệp vụ, chuyên án, vụ án, tình huống nghiệp vụ mà giáo viên đã thu thập được thông qua hoạt động thực tế, mời báo cáo viên hàng năm. Khi thiết kế câu hỏi, giáo viên luôn đặt mình vào vị thế của học viên để xem xét lại nội dung, phương pháp, cách thức truyền đạt kiến thức của mình có phù hợp, có đạt được hiệu quả trong giáo dục đào tạo không.
Thứ năm, sau mỗi bài kiểm tra, giáo viên thường thu thập thông tin phản hồi từ học viên, giáo viên đã tập trung lưu ý cho học viên những điều học viên làm tốt, những sáng tạo trong bài làm, nhưng đặc biệt hơn là phân tích kĩ những sai sót để họ rút kinh nghiệm chung và có cơ hội cải tiến việc học tập của mình. Giáo viên xác định được rằng, đánh giá xuất phát từ luận điểm “sự liên hệ ngược”, là tạo lập mối quan hệ thông tin ngược (kênh thông tin phản hồi) trong quản lý, cung cấp cho giáo viên những thông tin đã được xử lý chính xác để điều chỉnh và thực hiện hoạt động giảng dạy có hiệu quả hơn, đồng thời giúp học viên tự điều chỉnh ý thức, hành vi và hoạt động học tập của mình một cách có hiệu quả và chất lượng hơn.
Tóm lại, đổi mới công tác kiểm tra thường xuyên, kiểm tra định kỳ, đánh giá kết quả học tập của học viên là một công việc không thể thiếu được trong tiến trình đổi mới phương pháp giảng dạy của giáo viên và phương pháp học tập của học viên. Thông qua việc đổi mới này, tạo điều kiện cho hoạt động kiểm tra đánh giá có thể trở thành công cụ hữu hiệu của hệ thống điều khiển giúp cho việc nâng cao chất lượng hiệu quả đào tạo; nâng cao tinh thần chủ động, sáng tạo của giáo viên, tính tích cực học tập, rèn luyện của học viên. Vì vậy, bản thân mỗi giáo viên trong Khoa Cảnh sát hình sự luôn thực hiện tốt nhiệm vụ giảng dạy của mình, phải luôn có ý thức trách nhiệm cao trước sản phẩm đào tạo của Nhà trường, có thái độ công tâm vì sự tiến bộ của học viên mà đánh giá khách quan, chính xác kết quả học tập của học viên. Mặt khác, giáo viên cũng phải luôn giáo dục học viên có thái độ tích cực, chủ động, tự giác trong học tập. Chỉ có như vậy thì chất lượng kiểm tra, đánh giá mới có thể được nâng cao, góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng quá trình giáo dục đào tạo của Nhà trường.
Các đồng chí chụp ảnh lưu niệm tại buổi báo cáo thực tế cho học viên chuyên ngành Cảnh sát hình sự.
Bài: Khoa Cảnh sát hình sự
Biên tập: Bích Vân-Phòng HCTH