Quán triệt các quan điểm chỉ đạo về phát triển giáo dục, đào tạo, xây dựng đội ngũ giáo viên của Đảng và Nhà nước, thời gian qua, công tác giáo dục, đào tạo trong CAND nói chung, xây dựng đội ngũ giáo viên các học viện, trường Công an nhân dân nói riêng đã từng bước trưởng thành và lớn mạnh, hòa nhập với tiến trình đổi mới chung của nền giáo dục quốc dân, ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu công tác, chiến đấu và xây dựng lực lượng CAND.
Qua khảo sát, đánh giá chất lượng học viên sau khi ra trường hiện đang công tác tại Công an các đơn vị địa phương, được các đơn vị ghi nhận, đánh giá cao, điều đó khẳng định chất lượng giáo dục đào tạo của nhà trường ngày càng được nâng cao đáp ứng yêu đảm bảo ANTT trong tình hình mới. Có được thành quả như vậy là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của lãnh đạo cấp ủy, luôn xác định đổi mới toàn diện, nâng cao chất lượng đào tạo học viên chuyên ngành Cơ động, đặc nhiệm đáp ứng yêu cầu công tác chiến đấu trong tình hình mới, điều đó được thể hiện qua các mặt sau:
Về nội dung: Khoa đã hoàn thiện việc chỉnh sửa chương trình đào tạo, chương trình chi tiết môn học, giáo trình, thường xuyên cập nhật kiến thức thực tế của công an các đơn vị, địa phương. Hiện nay Khoa đã nghiệm thu và ban hành 12 chương trình chi tiết môn học áp dụng cho khóa K57S; quá trình chỉnh sửa được tiến hành khẩn trương, nghiêm túc, tập trung trí tuệ của toàn cán bộ, giáo viên trong đơn vị, việc chỉnh sửa chương trình đào tạo, chương trình chi tiết môn học, giáo trình sẽ là sương sống, định hướng cho quá trình giảng dạy Chuyên ngành cơ động, đặc nhiệm.
Tiết học thực hành của Chuyên ngành Cơ động chiến đấu Khóa K56S
Về phương pháp: Khoa rất chú trọng đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng nâng cao tính chủ động và năng lực tự học, tự nghiên cứu của học viên, bảo đảm tính khoa học và phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Cán bộ, giáo viên trong đơn vị không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy, sử dụng phương pháp sư phạm tích cực, phương pháp trực quan kết hợp phân tích động tác, ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy giúp học viên dễ hiểu, biết thực hành thành thạo động tác theo tình huống chiến thuật chiến đấu; việc thay đổi hình thức thi, kiểm tra cũng có sự thay đổi để phù hợp với thực tế qua đó đánh giá được toàn diện, khách quan đối với học viên Chuyên ngành Cơ động, đặc nhiệm.
Tiết học thực hành tình huống chiến thuật chuyên ngành Cơ động chiến đấu Khóa K56S
Xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên: Hiện nay Khoa có 29 cán bộ, giáo viên trong đó 100% là Đảng viên chính thức; 01 tiến sĩ; 03 đ/c đang nghiên cứu sinh, 24 đ/c có trình độ thạc sĩ, 03 đ/c được bổ nhiệm chức danh giáo viên cao cấp, 21 giáo viên chính; 14 giáo viên đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp bộ. Giáo viên trong đơn vị có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, tích cực, tự giác nghiên cứu nâng cao trình độ Chuyên môn nghiệp vụ. Hàng năm, Khoa đề xuất nhà trường cử giáo viên dự xét tuyển nghiên cứu sinh, thi cao học, học lớp cao cấp lý luận chính trị, các lớp bồi dưỡng, tham dự diễn tập thực binh, cử giáo viên đi nghiên cứu thực tế, luân chuyển thực tế có thời hạn ở Công an các đơn vị, địa phương. Bên cạnh đó Khoa cử giáo viên tham gia hoạt động dạy giỏi các cấp nhằm trau dồi kiến thức, khẳng định năng lực cũng như thương hiệu của đơn vị.
Về cơ chế phối hợp: Để đáp ứng yêu cầu của công tác dạy và học, Khoa thường xuyên phối hợp với các đơn vị chức năng trong nhà trường như phòng Quản lý học viên, phòng Quản lý đào tạo, phòng Khảo thí và đảm bảo chất lượng đào tạo; việc phối hợp với các đơn vị chức năng giúp Khoa chủ động trong việc nắm quân số học viên, tiến độ giảng dạy, chất lượng, cơ sở vật chất phục vụ dạy và học. Để nâng cao chất lượng đào tạo, gắn lý luận với thực tiễn công tác, thời gian qua, Khoa luôn chú trọng mở rộng mối quan hệ với Công an các đơn vị, địa phương trong cả nước. Đặc biệt hiện nay Khoa là đơn vị kết nghĩa với Tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm số 1- Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Trung đoàn Cảnh sát cơ động Thủ đô. Khoa thường xuyên cử giáo viên giúp đỡ các đơn vị Công an địa phương trong diễn tập phòng thủ khu vực, diễn tập phòng chống khủng bố, giải cứu con tin được các đơn vị ghi nhận và đánh giá cao.
Đồng chí Thượng tá Phạm Phi Hùng – Phó trung Đoàn trưởng Trung đoàn Cảnh sát cơ động thủ đô báo cáo thực tế cho học viên chuyên ngành cơ động chiến đấu
Hạn chế: Mặc dù đã có nhiều cố gắng xong việc đổi mới vẫn chưa thực sự sâu sắc và toàn diện; vì theo chủ trương sáp nhập các trường Công an nhân dân của Bộ Công an đã có những tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến tâm tư nguyện vọng của cán bộ, giáo viên. Bên cạnh đó đội ngũ giáo viên của đơn vị còn ít kinh nghiệm thực tiễn công tác, chiến đấu nên trong giảng dạy nội dung, phương pháp còn những hạn chế nhất định. Một số giáo viên chưa kịp thời bổ sung kiến thức thực tế chiến đấu tại Công an các đơn vị, địa phương vào hồ sơ bài giảng. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất phục vụ quá trình dạy và học vẫn còn thiếu về số lượng, chưa đảm bảo chất lượng; chương trình hợp tác quốc tế còn hạn chế nhất là việc cử cán bộ đi tập huấn chuyên môn tại nước ngoài... vì vậy ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục đào tạo Chuyên ngành cơ động, đặc nhiệm.
Trong bối cảnh tình hình chính trị thế giới, khu vực và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp khó lường. Tình hình ANTT trong nước hiện nay có nhiều diễn biến phức tạp, các thế lực thù địch, các đối tượng phản động trong nước và nước ngoài đang tìm mọi cách chống phá Đảng, Nhà nước, lợi dụng chính sách dân tộc, tôn giáo, nhân quyền và những mâu thuẫn trong xã hội để chống phá, gây rối, chia rẽ khối đoàn kết dân tộc; lợi dụng khiếu kiện đông người lôi kéo, kích động biểu tình trái pháp luật, gây rối ANTT tại các địa bàn trọng điểm và các mục tiêu quan trọng, nhằm thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn, lật đổ.
Các loại tội phạm nguy hiểm như: Tội phạm ma túy có sử dụng vũ khí nóng, tội phạm giết người, nhiều hành vi nguy hiểm, các băng ổ nhóm tranh giành địa bàn hoạt động, nhiều vụ chống đối, tấn công người thi hành công vụ quyết liệt, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, nhiều cán bộ Cảnh sát đã phải hy sinh; đặc biệt là tội phạm khủng bố đã trở thành mối đe dọa toàn cầu, hoạt động khủng bố có xu hướng gia tăng và ngày càng lan rộng, với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, tàn bạo, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng ở nhiều khu vực trên thế giới làm ảnh hưởng đến sự ổn định trật tự an toàn xã hội. Việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nói chung trong Công an nhân dân nói riêng, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế là yêu cầu tất yếu. Khoa Cảnh sát Cơ động, đặc nhiệm đề xuất một số phương hướng, biện pháp đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo học viên Chuyên ngành Cơ động, đặc nhiệm cụ thể như sau:
Một là, tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn chiến đấu của lực lượng CSND nói riêng và lực lượng CAND nói chung trong tình hình mới.
Để đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của lực lượng CAND phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh, trật tự, Khoa xác định mục tiêu hàng đầu là không ngừng đổi mới mục tiêu, nội dung chương trình cũng như phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu trong các giai đoạn phát triển khác nhau, đặc biệt phải phù hợp và đáp ứng nhu cầu thực tiễn công tác chiến đấu phòng, chống tội phạm trong tình hình mới. Việc đổi mới phải diễn ra thường xuyên, toàn diện bám sát yêu cầu thực tế, trong đó tập trung vào nội dung giải tán đám đông, chống bạo loạn; nội dung chống khủng bố giải cứu con tin. Xác định đây là những nội dung mang tính mũi nhọn, thiết yếu, ưu tiên hàng đầu trong chương trình đào tạo học viên Chuyên ngành cơ động, đặc nhiệm.
Hai là, đổi mới phương pháp đào tạo, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo
Trong thời gian tới, nội dung và phương pháp đào tạo cần tiếp tục đổi mới, theo định hướng sử dụng các phương pháp giáo dục tiên tiến, lấy người học làm trung tâm. Phát huy tính năng động, sáng tạo của học viên, khuyến khích học viên tích cực nghiên cứu khoa học, tham gia giải quyết các vấn đề mà thực tiễn công tác, chiến đấu, xây dựng lực lượng đặt ra, thực sự là lực lượng dự bị sẵn sàng chiến đấu đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại. Mô hình đào tạo này với các ưu điểm nổi bật là đề cao vai trò của người học, coi việc tự nghiên cứu và học tập của học viên là yếu tố then chốt và hướng tới mục tiêu giáo dục cá nhân hóa. Khoa cần tăng cường phối hợp với Công an các đơn vị, địa phương để chia sẻ nguồn lực phục vụ đào tạo: Tìm kiếm, sưu tầm hồ sơ, tài liệu biên soạn giáo trình, sách Chuyên khảo, tài liệu học tập; mời các Chuyên gia, cán bộ có kinh nghiệm thực tế trong phòng, chống tội phạm giảng dạy, báo cáo Chuyên đề; đưa cán bộ, giáo viên, học viên đi thực tế, thực hành, thực tập nghề nghiệp tại các đơn vị nghiệp vụ, Công an địa phương.
Ba là, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Mỗi cán bộ giáo viên trong đơn vị cần ý thức về nhiệm vụ của người giáo viên, luôn có lập trường tư tưởng vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, đặc biệt có lòng yêu ngành mến nghề. Không ngừng trau dồi, học hỏi kinh nghiệm bổ sung vào bài giảng, tất cả vì học sinh thân yêu, luôn là tấm gương sáng về đạo đức cách mạng, ý chí học tập vươn lên; là người truyền cảm hứng, thắp lên ngọn lửa đam mê học tập, say mê nghề nghiệp, khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước, khát khao cống hiến cho lý tưởng cách mạng để học viên noi theo. Giáo viên trong đơn vị phải thường xuyên đi học tập nâng cao trình độ tại các trường, các học viện trong và ngoài lực lượng Công an nhân dân. Bên cạnh đó, phải tăng cường đến Công an các đơn vị địa phương để học hỏi, nghiên cứu thực tế chiến đấu, bổ sung vào bài giảng cho phù hợp với thực tế không bị lạc hậu, lỗi thời.
Bốn là, tăng cường phối hợp với các đơn vị chức năng của nhà trường trong việc bố trí hội trường, thao trường kỹ thuật đặc biệt là trường bắn đạn thật đảm bảo thời gian, đúng tiến độ giảng dạy. Các đơn vị chức năng cần tiếp tục quan tâm cải thiện cơ sở vật chất, đời sống, môi trường làm việc, chế độ chính sách cho giáo viên, đặc biệt quan tâm hoàn thiện chức danh giảng dạy cho giáo viên, giúp giáo viên yên tâm công tác, tin yêu, gắn bó. Trong quy hoạch, xây dựng, phát triển nhà trường và đầu tư trang bị, phương tiện kỹ thuật dạy học, thao trường bãi tập đều phải theo hướng hiện đại, có hiệu quả thiết thực, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo, cải thiện điều kiện giảng dạy, làm việc của giáo viên.
Năm là, tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo Chuyên ngành Cơ động, đặc nhiệm. Quá trình hợp tác quốc tế giúp chúng ta tranh thủ được các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ hiện đại, học hỏi kỹ thuật, chiến thuật chiến đấu đặc biệt là chiến thuật chống khủng bố, giải cứu con tin, chiến thuật giải tán đám đông chống bạo loạn. Khoa đề nghị với Bộ Công an, các cục nghiệp vụ, Ban giám hiệu nhà trường thường xuyên cử cán bộ, giáo viên ra nước ngoài nghiên cứu, học tập, nâng cao trình độ, qua đó ngày càng nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo Chuyên ngành Cơ động, đặc nhiệm.
Khoa Cảnh sát cơ động, đặc nhiệm