Nhằm đánh giá thực trạng văn hoá đọc của cán bộ, giáo viên và học viên; chỉ ra những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân; từ đó tìm ra định hướng, giải pháp nhằm phát triển văn hoá đọc trong kỷ nguyên số tại Nhà trường, đáp ứng yêu cầu giáo dục đào tạo, góp phần tích cực vào công tác xây dựng lực lượng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Ngày 29/12/2022, Trường Cao đẳng CSND I tổ chức Hội thảo khoa học “Phát triển văn hoá đọc trong kỷ nguyên số tại Trường Cao đẳng CSND I đáp ứng yêu cầu giáo dục đào tạo”.
Chủ trì Hội thảo có đồng chí Đại tá, TS Đàm Văn Thuỷ, Phó Hiệu trưởng, phụ trách nhà trường; các đồng chí trong Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường; đại diện lãnh đạo các đơn vị, tổ chức quần chúng; lãnh đạo, cán bộ Trung tâm Lưu trữ và Thư viện; các cá nhân có bài đăng Kỷ yếu và đại diện học viên nhà trường.
Đồng chí Đại tá, TS Đàm Văn Thuỷ, Phó Hiệu trưởng, phụ trách nhà trường chủ trì Hội thảo.
Về phía khách mời có: GS.TS.NGND Nguyễn Lân Dũng, Ủy viên Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại biểu Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam các khóa X, XI, XII; Thạc sĩ Nguyễn Hữu Giới, Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam; đại diện Liên chi hội Thư viện Đại học khu vực phía Bắc - NALA; đại diện lãnh đạo Thư viện Tạ Quang Bửu, Trường Đại học Bách Khoa; đại diện lãnh đạo Trung tâm Thông tin và Thư viện Đại học KHXH và NV; đại diện lãnh đạo phòng Văn hóa, văn nghệ và Thư viện, Cục Công tác Đảng và công tác chính trị, Bộ Công an; đại diện lãnh đạo Trung tâm Lưu trữ và Thư viện các Trường CAND.
Trong báo cáo đề dẫn tại buổi Hội thảo, đồng chí Trung tá, TS Trương Thị Phương Hiền, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ và Thư viện, Trường Cao đẳng CSND I phát biểu: “Những năm gần đây sự bùng nổ của Internet, các thiết bị nghe nhìn thông minh, mạng xã hội và quá trình chuyển đổi số nhanh chóng tại Việt Nam đã góp phần hình thành những cách thức đọc sách, tiếp cận sách mới. Những thư viện số đang dần thay thế cho những thư viện truyền thống; phương thức đọc sách truyền thống đã dần chuyển sang phương thức đọc điện tử; từ văn hóa đọc sách chuyển sang văn hóa nghe nhìn, các loại hình sách đa dạng hơn và sách giấy dần chuyển sang các loại ebook, sách mạng, sách điện tử, sách nói, tạp chí số hóa hay sách số hóa... Dù là sách in, sách nói hay sách điện tử thì chúng cũng đang góp phần lan toả văn hoá đọc. Và chúng ta không thể phủ nhận, chuyển sang đọc trực tuyến là một phần xu hướng của thời đại”.
Đồng chí Trung tá, TS Trương Thị Phương Hiền, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ và Thư viện.
Trong quá trình chuẩn bị, Ban Tổ chức đã nhận được hơn 50 bài tham luận của các đồng chí lãnh đạo, các nhà khoa học, cán bộ thực tiễn, chuyên gia được biên tập trong Kỷ yếu khoa học của Hội thảo. Các ý kiến tham luận đều tập trung làm rõ những nội dung trọng tâm được xác định trong Kế hoạch, đó là:
Một là, làm rõ những vấn đề lý luận, thực tiễn về văn hóa đọc và phát triển văn hóa đọc trong kỷ nguyên số. Quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Bộ Công an và Nhà trường.
Hai là, phân tích, đánh giá thực trạng và những kết quả đạt được trong công tác phát triển văn hóa đọc tại Trường Cao đẳng CSND I hiện nay. Đồng thời làm rõ những khó khăn, vướng mắc, những bất cập, hạn chế và nguyên nhân của những hạn chế trong triển khai các giải pháp phát triển văn hóa đọc tại Nhà trường.
Ba là, trao đổi những vấn đề lý luận và kinh nghiệm thực tiễn trong công tác phát triển văn hóa đọc trong thời đại công nghệ 4.0.
Bốn là, đưa ra các kiến nghị, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phát triển văn hóa đọc tại Trường Cao đẳng CSND I trong thời gian tới.
Tại buổi Hội thảo có 13 tham luận có tính lý luận và thực tiễn cao được trình bày. Trong đó có 10 tham luận của đại diện lãnh đạo các đơn vị trong Nhà trường và 03 tham luận của đại diện khách mời: Tham luận “Phát triển văn hóa đọc trong kỷ nguyên số” của GS.TS.NGND Nguyễn Lân Dũng, Uỷ viên Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực, Đại học Quốc gia Hà Nội Đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam các khóa X, XI, XII; tham luận “Đổi mới hoạt động thư viện và phát triển văn hóa đọc trong các trường đại học Việt Nam trong kỷ nguyên số: Cần làm gì và làm thế nào?” của ThS Nguyễn Hữu Giới, Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam; tham luận “Tăng cường hoạt động Marketing thư viện phát triển văn hóa đọc góp phần đáp ứng yêu cầu giáo dục đào tạo thời kỳ số” của đồng chí Thiếu tá, ThS Đỗ Thu Thơm, Phó Trưởng phòng Văn hóa, văn nghệ và Thư viện CAND, Cục Công tác Đảng và công tác chính trị, Bộ Công an.
GS.TS.NGND Nguyễn Lân Dũng, Uỷ viên Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực.
ThS Nguyễn Hữu Giới, Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam.
Thiếu tá, ThS Đỗ Thu Thơm, Phó Trưởng phòng Văn hóa, văn nghệ và Thư viện CAND, Cục Công tác Đảng và công tác chính trị, Bộ Công an.
Phát biểu kết luận tại buổi Hội thảo, đồng chí Đại tá, TS Đàm Văn Thuỷ, Phó Hiệu trưởng, phụ trách nhà trường, chủ trì buổi Hội thảo biểu dương Trung tâm Lưu trữ và thư viện đã tích cực, chủ động làm tốt công tác chuẩn bị và tổ chức buổi Hội thảo; đánh giá cao giá trị của những tham luận được trình bày tại Hội thảo và khẳng định đây là những luận cứ khoa học, thực tiễn góp phần về phát triển văn hóa đọc trong kỷ nguyên số đáp ứng yêu cầu giáo dục đào tạo của Trường Cao đẳng CSND I.
Đồng chí cũng đề nghị Ban Tổ chức và các đơn vị trong Nhà trường tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, giáo viên và học viên về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đọc sách; đẩy mạnh công tác quảng bá về các dịch vụ của thư viện, tổ chức các sự kiện, giao lưu chia sẻ sách, các cuộc thi tìm hiểu sách, thư viện…; triển khai xây dựng “Thư viện số”, tăng cường các mối quan hệ, phối hợp với các tổ chức, cá nhân để xây dựng nguồn tài liệu giá trị, phong phú đáp ứng nhu cầu đa dạng của bạn đọc. Và mong muốn tiếp tục nhận được các ý kiến đề xuất, kiến nghị, sáng kiến của các đồng chí đại biểu, khách mời và cán bộ, giáo viên, học viên nhà trường trong việc nghiên cứu, trao đổi về công tác phát triển văn hóa đọc thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, đáp ứng yêu cầu giáo dục đào tạo của Trường Cao đẳng CSND I. Đặc biệt là hướng tới thực hiện thành công mục tiêu xây dựng lực lượng CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại vào năm 2030 theo như Nghị quyết Đại hội VII của Đảng bộ Công an Trung ương và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định.
Một số hình ảnh tại Hội thảo:
Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm.
Thượng tá, ThS Nguyễn Văn Hạnh, Phó Trưởng phòng Quản lý Đào tạo.
Thượng tá, TS Vũ Thị Nga, Trưởng khoa Luật.
Thượng tá, TS Vũ Tú Nam, Trưởng khoa Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp.
Đồng chí Trung tá, ThS Lương Phạm Hạnh Hiền, Phó Giám đốc Trung tâm Lưu trữ và Thư viện.
Bài: Trung tâm Lưu trữ và Thư viện
Biên tập: Phương Thảo - Phòng Hành chính tổng hợp