Trong xu thế toàn cầu hóa quốc tế, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đối với việc dạy, học và nhu cầu đổi mới toàn diện phương pháp giáo dục là cần thiết. Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động giáo dục đào tạo luôn được Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường Cao đẳng CSND I quan tâm và chỉ đạo. Thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TTCP của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường đã coi việc chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là yêu cầu tất yếu khách quan; là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong đó có ngành Công an. Đồng thời nhận thức đầy đủ, đúng đắn về nội hàm, bản chất của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để quyết tâm đổi mới tư duy và hành động.
Với bề dày hơn 56 năm xây dựng và phát triển, với mục tiêu xây dựng Trường trở thành cơ sở giáo dục nghề nghiệp điển hình trong CAND, hướng tới trở thành trường chuẩn cấp Bộ, hiện nhà trường đã và đang triển khai Đề án “Phát triển Trường Cao đẳng CSNDI đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Để có cơ sở phát triển Đề án, căn cứ Nghị quyết số 52-NQ/TTCP của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Đảng ủy nhà trường đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về lãnh đạo công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong Đảng bộ nhà trường giai đoạn 2020-2025, đề ra mục tiêu ngắn hạn, trong đó có nội dung phát triển nhà trường thông minh và ứng dụng mạnh mẽ CNTT trong các hoạt động giáo dục đào tạo của nhà trường. Tiên phong thực hiện nhiệm vụ này là phát huy vai trò nguồn lực của đội ngũ giáo viên, cán bộ tham mưu để ngày càng có nhiều công trình, sáng kiến, cải tiến thể hiện tính sáng tạo, đổi mới trên nền tảng ứng dụng công nghệ số.
Triển khai thực hiện quan điểm chỉ đạo trên, trong thời gian qua, Trường Cao đẳng CSND I đã không ngừng đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, áp dụng nhiều phương pháp đào tạo tiên tiến, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của khoa học kỹ thuật trong công tác và giảng dạy như: Tập trung đầu tư xây dựng các phòng học chuyên dùng; phòng bắn; nghiên cứu đầu tư phát triển ứng dụng mô phỏng trong giảng dạy các môn chuyên ngành…; lắp đặt, đưa vào sử dụng hiệu quả hệ thống bảng tương tác thông minh trên các hội trường, phòng học, hướng đến xây dựng nhà trường thông minh; sử dụng các phần mềm trong hoạt động quản lý giáo dục, quản lý hành chính như như Imindmap, ActiveInspire, Ispring Suite, Flip PDF, Google Drive…; phát động phong trào thi đua sáng tạo đổi mới thông qua việc đăng ký các sáng kiến cải tiến, công trình, mô hình, phần việc; triển khai các nội dung đào tạo, các cuộc thi dạy giỏi trên nền tảng ứng dụng mạnh mẽ CNTT như: cuộc thi hồ sơ giáo án điện tử; xây dựng bài giảng điện tử e-learning; Xây dựng sách điện tử phục vụ giảng dạy và học tập ….
Thực hiện quan điểm chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường, Hội Phụ nữ Trường Cao đẳng CSND I đã có những biện pháp triển khai Nghị quyết chuyên đề của Đảng ủy nhà trường trong công tác và phong trào Hội. Trong đó, Hội đã phát động đợt thi đua để nữ cán bộ, giáo viên tích cực tham gia đăng ký các sáng kiến cải tiến, mô hình phần việc lĩnh vực chuyên môn hằng năm học; nữ hội viên tích cực tham gia xây dựng công trình, mô hình, phần việc và hành động vượt khó, sáng tạo trong nhiệm kỳ 2021-2026. Qua đó giao các Hội Phụ nữ cơ sở chủ công đảm nhiệm các phần việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động giảng dạy và công tác tham mưu. Đã có những điểm sáng trong phong trào nói trên như: Phần lớn đội ngũ giảng viên nữ của nhà trường đã ý thức được việc ứng dụng công nghệ thông tin và bước đầu đã vận dụng được việc thiết kế bài giảng điện tử, thu thập và xử lý tài liệu để xây dựng cơ sở dữ liệu bài giảng; giáo viên nữ đã đã tích cực tham gia và đầu tư nhiều tâm sức, trí tuệ, vận dụng đổi mới phương pháp dạy học. Trong đó, nhiều sáng kiến đã được thẩm định và được công nhận sáng xuất sắc như: “Ứng dụng công nghệ điện toán đám mây phục vụ số hóa, lưu trữ và khai thác sử dụng hệ thống văn bản, tài liệu trong giảng dạy các học phần pháp luật tại trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I; “Xây dựng bài giảng điện tử elearning”; “Mã hóa hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 dưới dạng QR code...; giáo viên nữ đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động dạy học, đặc biệt là trong các phong trào dạy giỏi, Hội giảng. Có rất nhiều phần mềm như Imindmap, ActiveInspire, Ispring Suite, Flip PDF, Google Drive được sử dụng trong hoạt động dạy học. Những ngân hàng dữ liệu kiến thức khổng lồ và đa dạng được kết nối với nhau đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc soạn giảng của giáo viên. Từ đó, các cô giáo không chỉ bó buộc trong khối lượng kiến thức hiện có mà còn được tìm hiểu thêm về những chuyên ngành khác như tin học và học hỏi các kỹ năng sử dụng hình ảnh, âm thanh trong việc thiết kế bài giảng.
Bên cạnh đó, các phần mềm ứng dụng trong quản lý điểm, quản lý văn bản hành chính, số hóa dữ liệu phục vụ hoạt động tham mưu lĩnh vực tài chính, hồ sơ cán bộ, lịch sử truyền thống hay các hoạt động thu thập tài liệu phục vụ công tác đánh giá, kiểm định… đã cho thấy sự năng động, sáng tạo của nữ cán bộ, góp phần tích cực trong công tác chuyên môn.
Đối với công tác Hội và phong trào phụ nữ, Hội đã chủ động triển khai việc tích hợp đánh giá và tổng kết nội dung công tác phục vụ thi đua hằng năm đối với các Hội cơ sở bằng biểu mẫu google form thay cho nội dung báo cáo hành chính; đã tổ chức triển khai các hình thức họp trực tuyến, tổ chức các hội thảo, tọa đàm về các chuyên đề giới thông qua hình thức online; triển khai các mô hình phần việc phụ nữ ưu tiên tích hợp các ứng dụng công nghệ như tổ chức các cuộc thi, bình chọn online; đăng tin bài và các hoạt động sinh hoạt cộng đồng câu lạc bộ, các chuyên trang trên fanpage của Hội Phụ nữ; tăng cường việc tiếp cận thông tin, các hoạt động và chủ điểm về văn, thể, mỹ trên mạng xã hội… Qua đó hội viên Hội Phụ nữ được linh hoạt trong cách tiếp cận với các thông tin, nội dung công tác Hội, phong trào phụ nữ cũng như các hoạt động đặc thù giới, tạo sân chơi đa chiều, hấp dẫn và lan tỏa nhiều thông điệp, kỹ năng sống bổ ích đến đông đảo hội viên.
Giờ lên lớp của giáo viên được ứng dụng CNTT
Mặc dù có nhiều tiện ích như vậy song thực trạng của việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác, hoạt động Hội của hội viên còn gặp một số khó khăn như: Một số giáo viên nữ chưa mạnh dạn, ngại khó, chưa chịu học hỏi nâng cao trình độ tin học, một số hội viên còn chưa tự thiết kế và sử dụng bài giảng điện tử của mình. Lạm dụng công nghệ thông tin thay cho viết bảng hoặc sử dụng quá nhiều kênh hình, kênh chữ. Chưa biết cách sử dụng đa dạng các phần mềm soạn giảng, đầu tư thiết kế các hoạt động tương tác (các trò chơi, hoạt động kéo thả, ...). Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho dạy học, đặc biệt là phục vụ cho việc dạy tin học và ứng dụng công nghệ thông tin của nhà trường còn nhiều hạn chế. Đối với hoạt động phong trào, nhiều ứng dụng của công nghệ thông tin chưa được đầu tư, còn nhiều hoạt động chưa khai thác được tiềm năng to lớn của hội viên phụ nữ nhà trường, nhất là lĩnh vực công nghệ.
Có thể nói trong xu thế phát triển của thời đại, việc ứng dụng CNTT trong giảng dạy nói chung cũng như hoạt động của Hội Phụ nữ Trường Cao đẳng CSND I là một tất yếu khách quan, mở ra một không gian mới giúp cho cán bộ, giáo viên, hội viên sáng tạo nhiều hơn trong công tác, giảng dạy và mang đến cho cán bộ, hội viên, học viên những thông tin, bài học, những hoạt động phong trào bổ ích, thiết thực. Công nghệ thông tin là nhịp cầu nối giữa người dạy và người học; giữa tổ chức và các cá nhân. Vì thế, khai thác những lợi ích mà công nghệ thông tin mang lại trong quá trình triển khai các nhiệm vụ công tác chuyên môn cũng như hoạt động phong trào là một trong những yếu tố góp phần nâng cao chất lượng và vị thế của tổ chức Hội trong thời đại kỷ nguyên số.
Trong thời gian tới, để Hội Phụ nữ Trường Cao đẳng CSND I tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào công tác chuyên môn và phong trào phụ nữ, trước hết mỗi cán bộ, hội viên phụ nữ cần nhận thức đúng về vị trí, vai trò của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; tích cực học tập, lao động sáng tạo, đổi mới tư duy, sẵn sàng đón nhận những giá trị từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với một tâm thế sẵn sàng, tự tin và làm chủ, đóng góp tích cực vào sự phát triển của nhà trường trong giai đoạn mới.
Văn kiện Đại hội lần thứ XIII, Đảng ta khẳng định “Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện”, Trung ương Hội và Hội Phụ nữ Bộ Công an cũng đã xác định nhiệm vụ trọng tâm trong mỗi nhiệm kỳ là “Tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện”. Để đi đến khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ, tính chủ động ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là điều kiện tất yếu khẳng định vai trò của phụ nữ đối với xã hội, với đất nước trong thời đại ngày nay./.
Bài: Hội Phụ nữ
Biên tập: Loan Trần, phòng HCTH