Tính từ năm 2015 đến nay, Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I đã triển khai nghiên cứu và nghiệm thu 40 đề tài khoa học các cấp, trong đó có 09 đề tài cấp Bộ, 31 đề tài cấp cơ sở; kết quả nghiệm thu có 38 đề tài đạt loại xuất sắc, 02 đề tài nghiệm thu đạt yêu cầu. Hiện nay, nhà trường đang tiếp tục triển khai nghiên cứu 05 đề tài khoa học cấp Bộ, 20 đề tài khoa học cấp cơ sở, 01 chuyên đề lý luận cấp Hội đồng và 05 chuyên đề lý luận cấp tiểu ban thuộc Hội đồng lý luận Bộ Công an.
Đồng chí Đại tá, PGS.TS Lê Hoài Nam, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường phát biểu tại lễ Khai giảng lớp Bồi dưỡng kỹ năng, phương pháp nghiên cứu khoa học và học tập chuyên đề phương pháp phát hiện và lựa chọn vấn đề nghiên cứu trong lĩnh vực bảo đảm ANTT
Bên cạnh các đề tài khoa học, nhà trường cũng đã triển khai biên soạn 15 mục từ Bách khoa thư Công an nhân dân, chủ trì nghiên cứu 03 chuyên đề lý luận cấp tiểu ban thuộc Hội đồng lý luận Bộ Công an; tổ chức 52 cuộc hội thảo khoa học cấp trường theo Đề án thành phần số 5/1229 và các chương trình khoa học khác theo quy định của Bộ Công an, với 1.728 bài viết của cán bộ, giáo viên đăng trên các kỷ yếu khoa học; đã nghiệm thu đưa vào ứng dụng 57 sáng kiến, 27 cải tiến, 05 công trình, 43 phần việc; đang tiếp tục triển khai 26 sáng kiến, cải tiến, công trình, phần việc, dự kiến sẽ nghiệm thu trong năm học 2020 – 2021 theo đúng tiến độ.
Để góp phần nâng cao chất lượng công tác giáo dục, đào tạo, tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ, giáo viên nghiên cứu chuyên sâu và công bố các kết quả nghiên cứu, những năm qua, nhà trường đã phối hợp với các tạp chí khoa học phát hành 05 số tạp chí chuyên đề với 170 bài viết đã được đăng tải. Cùng với đó, mỗi năm còn có hàng trăm bài viết của cán bộ, giáo viên nhà trường được phát hành trên các tạp chí khoa học cả trong và ngoài ngành.
Các sản phẩm khoa học do cán bộ, giáo viên nhà trường nghiên cứu được thực hiện ở nhiều góc độ, lĩnh vực khác nhau trong công tác Công an, như: Nghiên cứu nâng cao chất lượng công tác giáo dục, đào tạo; xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, giáo viên; tăng cường cơ sở vật chất đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đào tạo trong tình hình mới; đổi mới công tác dạy và học đối với từng chuyên ngành, từng nội dung môn học mang tính đặc thù… đến các vấn đề nghiệp vụ phát sinh trong thực tiễn công tác của lực lượng Cảnh sát nhân dân cần phải được nghiên cứu để đề xuất giải pháp khắc phục, như nâng cao hiệu quả các mặt công tác của lực lượng Tác chiến đặc biệt, Đặc nhiệm, Bảo vệ mục tiêu, Quản lý hành chính, Cảnh sát phản ứng nhanh, Hình sự, Kinh tế, Môi trường… cũng như các lĩnh vực ứng dụng khoa học công nghệ trong giảng dạy, quản lý dạy học tại nhà trường. Mỗi sản phẩm khoa học sau khi được nghiệm thu sẽ góp phần khẳng định giá trị và thương hiệu của nhà trường, đồng thời khẳng định uy tín khoa học của chính cá nhân chủ nhiệm nhiệm vụ.
Với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường, những năm qua, công tác nghiên cứu khoa học của nhà trường đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần xây dựng và hoàn thiện hệ thống lý luận Công an nhân dân nói chung, Cảnh sát nhân dân nói riêng, đặc biệt là trong lĩnh vực đấu tranh phòng, chống tội phạm và xây dựng lực lượng. Đồng thời, thông qua hoạt động nghiên cứu khoa học, đội ngũ cán bộ, giáo viên được rèn luyện và trưởng thành cả về tư duy khoa học, khả năng phản biện, chứng minh những luận điểm khoa học cũng như những vấn đề phát sinh trong thực tiễn công tác giáo dục đào tạo; trau dồi kỹ năng phân tích, tổng hợp thông tin, tư duy logic; vận dụng lý luận để giải quyết những vấn đề thực tiễn. Bằng các công trình cụ thể, giúp cán bộ, giáo viên tìm hiểu, nghiên cứu kiến thức chuyên sâu; cập nhật những tri thức mới; rèn luyện phương pháp phát hiện và giải quyết vấn đề… từ đó sẽ nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, giáo viên. Hoạt động nghiên cứu khoa học hiện nay là một trong các tiêu chí bắt buộc trong xét tặng danh hiệu dạy giỏi (giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp bộ) và là cơ sở để giáo viên tích luỹ điểm phục vụ hoàn thiện các tiêu chí xét bổ nhiệm chức danh giảng dạy (giáo viên cao cấp). Thực tiễn cũng đã chứng minh, những cán bộ, giáo viên tích cực tham gia nghiên cứu khoa học đều là những cán bộ, giáo viên đạt hiệu quả cao trong công tác chuyên môn, được lãnh đạo tin tưởng, có uy tín và được đồng nghiệp công nhận.
Đồng chí Thượng tá, TS. Phạm Tuấn Hiệp, Phó Hiệu trưởng Nhà trường chủ trì Hội thảo Chuyên đề lý luận cấp Tiểu ban “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự đối với tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” do đồng chí Thiếu tá Nguyễn Thị Thanh Thủy - Khoa CB2 làm chủ nhiệm
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động nghiên cứu khoa học của nhà trường thời gian qua vẫn còn một số hạn chế, bất cập nhất định, như: Số lượng đề tài khoa học hàng năm còn ít, đặc biệt là đề tài khoa học cấp Bộ, trong đó chưa có đề tài cấp Bộ trọng điểm và đề tài cấp Nhà nước; hoạt động nghiên cứu khoa học chưa tương xứng với năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ, giáo viên của nhà trường; việc triển khai ứng dụng những kết quả nghiên cứu vào thực tiễn công tác giảng dạy, nghiệp vụ hiệu quả chưa cao.
Thời gian tới, trước những tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng 4.0, công tác nghiên cứu khoa học chắc chắn sẽ có những biến động và ảnh hưởng cả tích cực và tiêu cực. Cùng với đó, việc kiện toàn tổ chức bộ máy, sắp xếp vị trí công tác theo biên chế được Bộ Công an giao sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tâm tư, tình cảm và hiệu quả công tác của đội ngũ cán bộ, giáo viên nhà trường, trong đó có công tác nghiên cứu khoa học. Để góp tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên nhà trường thời gian tới, chúng tôi đề nghị Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường và lãnh đạo các đơn vị cần tập trung thực hiện có hiệu quả một số nội dung sau:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường đối với công tác nghiên cứu khoa học thông qua việc triển khai và tiếp tục quán triệt các văn bản, quy định của Nhà nước, Bộ Công an về công tác nghiên cứu khoa học. Hàng năm, chủ động xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn hoạt động nghiên cứu khoa học, nhất là trong xác định các hướng nghiên cứu để cán bộ, giáo viên chủ động hơn trong việc lựa chọn đề tài, tránh tình trạng thiếu thông tin, lựa chọn vấn đề nghiên cứu không phù hợp. Bên cạnh đó, cần thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nghiên cứu khoa học, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện tiến độ nghiên cứu đảm bảo hiệu quả, đúng tiến độ đề ra.
Hai là, đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tuyên truyền nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác nghiên cứu khoa học cho cán bộ, giáo viên góp phần hình thành động cơ, mục đích phù hợp, nâng cao ý thức, từng bước hình thành và củng bố sự nhiệt huyết và nhiệt tình trong tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học. Để thực hiện tốt nội dung này, Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường và Cấp ủy, lãnh đạo các đơn vị có thể thông qua các buổi sinh hoạt chính trị tư tưởng, sinh hoạt Đảng bộ, Chi bộ, các buổi sinh hoạt chuyên môn lồng ghép các nội dung liên quan đến công tác nghiên cứu khoa học, phân tích chỉ rõ những lợi ích của công tác nghiên cứu khoa học trong nâng cao năng lực, hiệu quả công tác, góp phần xây dựng đơn vị, nhà trường phát triển toàn diện. Đồng thời, gắn công tác nghiên cứu khoa học với việc nhận xét, đánh giá và phân loại thi đua hàng năm của từng đơn vị, thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng, tôn vinh những cá nhân có nhiều thành tích trong công tác nghiên cứu khoa học.
Ba là, Nhà trường cần tiếp tục nghiên cứu mở các lớp bồi dưỡng phương pháp nghiên cứu khoa học, kỹ năng viết bài báo khoa học, kỹ năng phát hiện vấn đề khoa học, kỹ năng lựa chọn và triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học… qua đó góp phần nâng cao trình độ, năng lực nghiên cứu khoa học cho đội ngũ cán bộ, giáo viên. Bên cạnh đó, cần thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ quản lý nghiên cứu khoa học, cử cán bộ làm công tác quản lý nghiên cứu khoa học tham gia các lớp tập huấn chuyên sâu về công tác quản lý nghiên cứu khoa học. Chú trọng mở rộng hợp tác, tranh thủ kinh nghiệm quản lý và triển khai nghiên cứu các đề tài khoa học với các cơ sở đào tạo trong và ngoài ngành, nhất là kinh nghiệm trong việc ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng 4.0 vào công tác giáo dục đào tạo nói chung, nghiên cứu khoa học nói riêng.
Bốn là, Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường và các đơn vị chức năng cần tiếp tục quan tâm phối hợp với các tạp chí khoa học để phát hành các số tạp chí chuyên đề cho nhà trường. Đây là giải pháp cần thiết, quan trọng, tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ, giáo viên có môi trường nghiên cứu và công bố các sản phẩm khoa học trên tạp chí khoa học của Ngành. Bên cạnh đó, các đơn vị cũng cần chủ động nghiên cứu, lựa chọn vấn đề để đề xuất tổ chức hội thảo khoa học, nhất là các vấn đề mang tính chuyên môn, chuyên sâu, qua đó góp phần làm sáng tỏ những vấn đề lý luận và thực tiễn, phục vụ có hiệu quả công tác giáo dục, đào tạo của nhà trường và nâng cao nhận thức, năng lực, trình độ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên nhà trường.
Năm là, tăng cường hệ thống cơ sở vật chất phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học theo hướng ứng dụng mạnh mẽ những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào quá trình quản lý và tra cứu, khai thác các thông tin tư liệu, đảm bảo nhanh chóng, thuận tiện. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ cán bộ, giáo viên được tiếp cận, khai các các nguồn tài liệu do nhà trường quản lý và các nguồn tài liệu khác tại các thư viện, trung tâm lưu trữ trong ngành, cũng như tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ, giáo viên đi khảo sát, nghiên cứu các nguồn tài liệu, khai thác số liệu tại các đơn vị thực tiễn có liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu.
Phát triển đội ngũ cán bộ, giáo viên không chỉ đơn thuần là phát triển về số lượng, có cơ cấu hợp lý mà còn phải tập trung xây dựng, định hướng cho đội ngũ cán bộ, giáo viên thực hiện tốt công tác nghiên cứu khoa học, nhất là trong bối cảnh sự tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay. Mỗi cán bộ, giáo viên trên cương vị công tác của mình hãy tích cực nghiên cứu, học tập, đem tâm huyết trí tuệ của mình phục vụ cho công tác đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo của Nhà trường, góp phần xây dựng Trường Cao đẳng CSND I trở thành cơ sở giáo dục điển hình, uy tín trong Công an nhân dân.
Khoa Luật