Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dạy lực lượng Công an nhân dân:
“Nhân dân ta có hàng chục triệu người, có mấy chục triệu tai mắt, tay chân. Nếu biết dựa vào nhân dân thì việc gì cũng xong”
Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn”
Thấm nhuần lời dạy của Bác, lực lượng CAND đã phát động phong trào toàn dân tham gia bảo vệ anh ninh Tổ quốc. Thực tế đã xuất hiện rất nhiều những tập thể, đơn vị nòng cốt, cá nhân quần chúng tiêu biểu cùng những mô hình đáng nhân rộng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, mang lại sự bình yên và hạnh phúc cho nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, giữ vững chủ quyền thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, nâng cao vị thế đất nước trong khu vực và trên thế giới. Trung tâm TTKH&TLGK trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc một trong những cá nhân, tập thể và mô hình tiêu biểu đáng học tập, nhân rộng, đã được Cục xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tổng hợp và ghi nhận trong cuốn sách “Tỏa sáng giữa đời thường” do NXB CAND phát hành nhân kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống CAND và 10 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc.
Cụ ông gần 90 tuổi vẫn tích cực tham gia công tác an ninh:
Chúng ta đang nói đến trường hợp cụ Lục Bình Lợi, người dân tộc Dao ở thôn Trung Tâm, xã Bản Lầu, huyện Mường Khương( Lào Cai) . Ông đã thành lập nên mô hình “ Dòng họ tự quản về an ninh, trật tự” nhằm nâng cao nhận thức và hành động về việc chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Để hoạt động có chiều sâu, ông kiến nghị với dòng họ thành lập Ban an ninh, trật tự bao gồm 5 người là già làng, trưởng bản, người có uy tín và đến từng nhà thăm hỏi, động viên, giáo dục nhắc nhở mọi người chấp hành pháp luật, cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn của bọn tội phạm và bọn người xấu, tránh xa tệ nạn xã hội. Bởi vậy mà dòng họ Lục của ông chấp hành rất tốt các quy định của Nhà nước, chính quyền địa phương, 98% gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa, không còn hộ đói…Tiếng nói của ông không chỉ có giá trị trong dòng họ mà còn với cả các thôn bản ở xã Bản Lầu, ông là một cộng sự đắc lực trong công tác bảo vệ an ninh, trật tự, hàng năm ông cùng các thành viên dòng họ Lục cung cấp hàng chục nguồn tin có giá trị về hoạt động buôn lậu, xuất nhập trái phép, buôn người, sử dụng trái phép chất ma túy, góp phần giữ yên địa bàn.
Mô hình “ Tiếng mõ an ninh, chiếc gậy an toàn” trong bảo vệ an ninh biên giới tại tỉnh Hà giang.
Mô hình này xuất hiện tại xã Bạch Đích và Phú Lũng thuộc huyện Yên Minh( Hà Giang) – nơi trước đây là điểm nóng về an ninh trật tự địa bàn biên giới với các loại tội phạm như giết người, bắt cóc trẻ em, trộm cắp gia súc…Hoạt động của mô hình này là mỗi gia đình tự trang bị 1 mõ tre, từ 1 đến 3 gậy gỗ, dây trói, đèn pin…bất kể ngày hay đêm, khi tiếng mõ vang lên, tất cả bà con trong thôn sẽ vào cuộc phối hợp vây bắt đối tượng. Không chỉ có tác dụng trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, “Tiếng mõ an ninh, chiếc gậy an toàn” còn có ý nghĩa trong việc báo cháy, cấp cứu tai nạn, thiên tai bão lũ. Nhờ mô hình trên mà huyện Bạch Đích đã trở thành điểm sáng trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh vùng biên giới và mô hình này đã được nhân rộng tới 100% các huyện vùng cao biên giới của Hà Giang.
Mô hình 1+5 đón người “chạy lại” của xã Duy sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam
Đây là mô hình quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng, gọi tắt là 1+5. “1” ở đây là những cá nhân cần được giúp đỡ, “5” là số lượng thành viên thuộc các ban, ngành, hội, đoàn thể ở xã phối hợp với gia đình, dòng tộc để tổ chức giáo dục, giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng. Những người tái hòa nhập cộng đồng có nhu cầu vay vốn phát triển kinh tế thì cho vay vốn,những người có nhu cầu học nghề thì giới thiệu họ với trung tâm dạy nghề để họ có cơ hội học tập và tìm việc làm… Đồng thời phân công người được quản lý giúp đỡ, theo dõi nắm tình hình, kịp thời phản ánh những tâm tư, nguyện vọng của người đã chấp hành xong án phạt tù lên cấp ủy, chính quyền xã để có biện pháp giáo dục, giúp đỡ phù hợp. Nhờ mô hình này mà trên địa bàn rất nhiều người sau khi hết án trở về đã xây dựng được cuộc sống mới, tìm được công việc ổn định, đồng thời tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn xã được giữ vững, đối tượng phạm pháp hình sự ngày càng giảm. Mô hình thực sự góp phần bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn, đồng thời mang tính nhân văn cao đẹp!
Đội xe ôm xung kích bảo vệ an ninh, trật tự
Đây là mạng lưới xe ôm thuộc địa bàn huyện Châu Thành A- Hậu Giang, với trên 70 thành viên hoạt động tại các khu vực bến xe. Mỗi thành viên của đội đều được chính quyền địa phương trang bị mũ bảo hiểm, đồng phục có in logo “ đội xe ôm xung kích bảo vệ an ninh, trật tự”. Nhiệm vụ của họ là góp phần bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông, đồng thời phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh, truy bắt tội phạm, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng như Công an thị trấn, công an huyện để cung cấp thông tin về tai nạn, va quệt giao thông, bảo vệ hiện trường tai nạn giao thông, sơ cấp cứu người bị nạn khi cơ quan Công an chưa đến kịp thời, thậm chí góp phần triệt phá những vụ trộm cắp tài sản. Hoạt động của đội xe ôm xung kích được quần chúng nhân dân ủng hộ rất nhiệt tình, tình hình trật tự trên địa bàn cũng có nhiều chuyển biến rất rõ rệt.
Trường Đại học Hải Phòng là “Đơn vị dẫn đầu trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”
Đại học Hải Phòng là ngôi trường đào tạo rất đông sinh viên trong nước và các sinh viên ngoại quốc đến từ Mỹ, Phần Lan, Trung Quốc…và nằm trên địa bàn 5 phường của 2 quận Kiến An và Ngô Quyền. Địa bàn rộng và lượng giáo viên, sinh viên đông trên 24 ngàn người, để đảm bảo an ninh trật tự, từ năm 2008, trường đã phối hợp với Công an thành phố xây dựng mô hình “Trường – phường đảm bảo an ninh, trật tự” xây dựng thế trận liên hoàn giữa trường và các phường trong công tác giữ gìn an ninh, trật tự, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, trong sạch, lành mạnh. Trường đã xây dựng lực lượng bảo vệ, câu lạc bộ phòng chống ma túy và tệ nạn xã hội với hàng trăm sinh viên tích cực trong các khu ký túc xá, khi nhà trọ sinh viên. Phối hợp với lực lượng công an xã làm tốt công tác tạm trú, tạm vắng, xây dựng hòm thư tố giác tội phạm…Với những sinh viên ngoại trú, trường đã có biện pháp tổ chức ký cam kết an ninh trật tự với các nhà trọ, điểm kinh doanh internet, hiệu cầm đồ trên địa bàn, thường xuyên giao ban với lãnh đạo cấp ủy, chính quyền dân phố nơi nhiều sinh viên sinh sống để kịp thời nắm bắt, xử lý những vấn đề nảy sinh. Mô hình “Trường – phường đảm bảo an ninh, trật tự” thực sự đã phát huy hiệu quả, an ninh trật tự được đảm bảo, tạo môi trường trong sạch, lành mạnh phục vụ tốt công tác giảng dạy, học tập. Bởi vậy trường ĐH Hải Phòng liên tục được Bộ Công An, Bộ Tư lệnh Quân khu 3, UBND TP.Hải Phòng tặng cờ “ Đơn vị dẫn đầu phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ Quốc”
Bên cạnh những mô hình và cá nhân tiêu biểu trên, còn rất nhiều những tấm gương hiệp sỹ sẵn sàng xả thân mình bắt cướp, cứu người, họ là những con người gan dạ, không ngại hiểm nguy và sẵn sàng cho đi cả tính mạng của mình. Như “hiệp sỹ” Minh Tiến nổi tiếng Sài Gòn với hàng trăm ngàn chiến công săn bắt cướp từng bị cướp bắn thương tích; “hiệp sỹ” Nguyễn Xuân Chinh tử nạn trên đường truy bắt cướp; “hiệp sỹ” Phạm Văn Thúc (66 tuổi) bị khoảng chục tên thanh niên đánh hội đồng gây đa chấn thương, gãy xương đùi khi giải thoát cho một người say rượu; “hiệp sỹ” Ngô Trung Thành bị thương nặng khi hai tên cướp giật dây chuyền chống trả trên đường truy đuổi… còn nhiều lắm những sự hy sinh thầm lặng của các “hiệp sỹ”. Mặc dù phải hy sinh tính mạng hay một phần thân thể để bảo vệ tính mạng và tài sản của người khác, song họ cũng sẵn sàng xả thân không một chút do dự, tính toán thiệt hơn. Họ - những “ hiệp sỹ” được nhân dân tôn vinh như vậy đã biết vượt qua ranh giới giữa sự sống và cái chết để làm nên chiến công, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, giữ bình yên cuộc sống. Những cá nhân, những tập thể tiêu biểu ấy không chỉ được xã hội tôn vinh, nhân dân ca ngợi mà những nghĩa cử cao đẹp của họ chính là những tấm gương quần chúng tiêu biểu trong đấu tranh, phòng chống tội phạm, bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Bài: Mai Hương - Trung tâm TTKH & TLGK