Bác Hồ đến thăm cán bộ chiến sĩ Cảnh sát nhân dân Hà Nội nhân dịp Tết Quý Mão (1963). Ảnh tư liệu – Ban Quản lý lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng cho rằng: “Lý luận là sự tổng kết kinh nghiệm của loài người, là tổng hợp những tri thức về tự nhiên và xã hội tích trữ lại trong quá tình lịch sử”; “Lý luận mà không có liên hệ thực tiễn là lý luận suông”; “Thực tiễn không có lý luận dẫn đường thì thành thực tiễn mù quáng”. Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” đã được Hội nghị Trung ương 8 (Khóa XI) thông qua. Trong đó đưa ra quan điểm chỉ đạo đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo hiện nay là: “Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Học đi đôi với hành; lý luận gắn với thực tiễn”.
Trong những năm qua, Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I đã đào tạo được hàng vạn học viên chuyên ngành Cảnh sát thi hành án hình sự gồm 05 chuyên ngành hẹp: Bảo vệ cơ sở giam giữ, Trinh sát trại giam, Quản ý, giáo dục và cải tạo phạm nhân, Thi hành án hình sự ngoài hình phạt tù và Quản lý đối tượng trong trại tạm giam, nhà tạm giữ. Học viên sau khi tốt nghiệp các chuyên ngành trên đã bổ sung một lượng lớn nguồn nhân lực có chất lượng đảm nhiện công tác thi hành án hình sự ở Công an các đơn vị, địa phương. Theo khảo sát, đánh giá của Công an các đơn vị, địa phương về cơ bản học viên chuyên ngành Cảnh sát thi hành án hình sự có kiến thức, kỹ năng tốt bước đầu đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ công tác thực tiễn đòi hỏi. Đây là sự ghi nhận, động viên, khích lệ cho kết quả công tác giáo dục đào tạo nghề nghiệp của Nhà trường.
Để có được kết quả trên, Nhà trường đã áp dụng đồng bộ các giải pháp như: Đổi mới nội dung, chương trình đào tạo; xây dựng, ban hành hệ thống giáo trình, tài liệu dạy học; tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng gắn giữa lý luận với thực tiễn; tăng cường đào tạo nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên; ký kết quy chế phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ; nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác quốc tế trong quá trình đào tạo... Bên cạnh đó, Nhà trường còn thường xuyên tổ chức đưa học viên đi tham quan nghe báo cáo thực tế trực tiếp tại Công an các đơn vị địa phương, tổ chức mời báo cáo viên đến trường báo cáo thực tế cho học viên các chuyên đề liên quan đến nội dung bài giảng, đưa học viên xuống thực tập môn học tại các đơn vị nghiệp vụ sau khi kết thúc thời gian học lý thuyết… Đặc biệt, nhà trường đã thực hiện thí điểm đào tạo theo hình thức đưa học viên xuống các đơn vị nghiệp vụ kết hợp vừa học lý thuyết vừa thực hành nghiệp vụ sau giờ học.
Tuy nhiên, so với mục tiêu, yêu cầu đề ra quá trình vận dụng gắn lý luận với thực tiễn trong quá trình đào tạo học viên chuyên ngành Cảnh sát thi hành án hình sự còn bộc lộ một số hạn chế cả về mặt chủ quan và khách quan như: Hệ thống giáo trình, tài liệu dạy học chưa có sự cập nhật kịp với thực tiễn công tác; kinh nghiệm thực tiễn của một số giáo viên chưa nhiều; việc vận dụng các tình huống nghiệp vụ xảy ra trong thực tiễn vào bài giảng còn ít; hoạt động tổ chức cho học viên đi thực tập môn học tại Công an các đơn vị, địa phương còn khó khăn; chưa có cơ chế phối hợp hỗ trợ trong giáo dục đào tạo giữa Nhà trường, Khoa nghiệp vụ chuyên ngành với các đơn vị nghiệp vụ; điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ thực hành của học viên tại nhà trường còn thiếu; ý thức tự học, tự nghiên cứu của học viên còn chưa cao… Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công tác giáo dục, đào tạo của Nhà trường và năng lực, phẩm chất nghề nghiệp của học viên trước thực tiễn công tác đòi hỏi. Để giải quyết những bất cập trên trong đào tạo học viên chuyên ngành Cảnh sát thi hành án hình sự, thời gian tới cần thực hiện tốt một số nội dung sau:
Thứ nhất, trên cơ sở hệ thống chương trình đào tạo đã được chỉnh sửa, Nhà trường cần tổ chức triển khai ngay việc biên soạn, chỉnh lý hệ thống giáo trình, tài liệu dạy học để đưa vào sử dụng. Khi tổ chức biên soạn các nội dung trong giáo trình, tài liệu dạy học Nhà trường cần quán triệt và yêu cầu tác giả, tập thể tác giả tuân thủ yêu cầu gắn lý luận với thực tiễn. Các nội dung trong giáo trình phải đề cập và có sự cập nhật kịp thời những kiến thức mới từ thực tiễn công tác thi hành án hình sự đã được tổng kết đánh giá. Bên cạnh đó, cần tham khảo các báo cáo, đề tài khoa học, chương trình tổng kết thực tiễn, đánh giá của các hội nghị, hội thảo chuyên ngành về công tác thi hành án hình sự ở trong nước và nước ngoài để xây dựng các nội dung trong giáo trình đảm bảo tính bao quát và khoa học.
Thứ hai, thực hiện đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên trực tiếp làm công tác giảng dạy nghiệp vụ chuyên ngành Cảnh sát thi hành án hình sự. Đội ngũ giáo viên nhà trường nói chung, giáo viên giảng dạy chuyên ngành Cảnh sát thi hành án hình sự nói riêng là những người có vai trò quan trọng trong quá trình đào tạo, hình thành phẩm chất, năng lực nghề nghiệp đối với học viên. Giáo viên là người trực tiếp truyền đạt kiến thức nghiệp vụ, trang bị kỹ năng, đào tạo, hướng dẫn học viên thực hành nghề nghiệp. Giáo viên có vững về kiến thức lý luận, phương pháp truyền đạt hiệu quả, thường xuyên có sự cập nhật kiến thức, tình huống nghiệp vụ từ thực tiễn mới làm cho bài giảng phong phú, lôi cuốn người học. Đặc biệt, đối với các hoạt động thực hành, giáo viên phải nắm vững các quy trình, thao tác thành thạo các hoạt động nghiệp vụ theo quy định của pháp luật. Vì vậy, để đào tạo học viên thực hiện tốt nhiệm vụ trên khi tốt nghiệp ra trường đòi hỏi đội ngũ giáo viên phải nắm vững nghiệp vụ về công tác thi hành án hình sự và có kinh nghiệm, phương pháp trong giải quyết các tình huống nghiệp vụ xảy ra.
Thứ ba, tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động tham quan, báo cáo thực tế, thực hành các môn học cho học viên chuyên ngành Cảnh sát thi hành án hình sự. Việc tổ chức cho học viên đi tham quan, nghe báo cáo thực tế và tiếp cận môi trường công tác thực tiễn tại các đơn vị nghiệp vụ trong thời gian thực hành môn học được Nhà trường xác định là vô cùng quan trọng trong đào tạo kỹ năng nghề nghiệp cho học viên. Thông qua hoạt động này bước đầu giáo dục lòng yêu nghề cho học viên từ đó xác định rõ động cơ, thái độ học tập và nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức nghề nghiệp của người cán bộ làm nhiệm vụ thi hành án hình sự. Học viên có điều kiện tiếp xúc với môi trường công tác sau khi tốt nghiệp sẽ đảm nhiệm và cập ngay những kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn của đội ngũ cán bộ có nhiều kinh nghiệm trong công tác thi hành án hình sự. Bên cạnh đó, trong điều kiện nhà trường còn nhiều thiếu thốn về cơ sở vật chất trang thiết bị phục vụ thực hành thì việc tổ chức cho học viên được thực hành các môn học tại các đơn vị nghiệp vụ thi hành án hình sự sẽ khắc phục được những hạn chế trên.
Thứ tư, tích cực triển khai có hiệu quả các nội dung trong quy chế phối hợp giữa Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân I và Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng. Trong đó tập trung triển khai nội dung phối hợp đưa giáo viên của nhà trường đến các đơn vị nghiệp vụ để thực hiện công tác thực tế, luân chuyển, thu thập số liệu, tài liệu phục vụ nghiên cứu khoa học và cập nhật những kiến thức thực tiễn làm phong phú, sinh động nội dung bài giảng. Bên cạnh đó, thường xuyên duy trì mối quan hệ phối hợp với các đơn vị trại giam trong việc tiếp nhận học viên chuyên ngành Cảnh sát thi hành án hình sự đến tham quan, thực tập, thực hành môn học theo chương trình, kế hoạch đào tạo của Nhà trường.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm cùng giáo viên Khoa Cảnh sát Thi hành án hình sự - Trường Cao đẳng CSND I tại Lễ ký kết Quy chế phối hợp giữa Trường Cao đẳng CSND I với Cục Cảnh sát QLTG, CSGD bắt buộc, Trường Giáo dưỡng
Thứ năm, nâng cao năng lực tự nghiên cứu, chủ động tham gia vào các hoạt động thực hành kỹ năng nghề nghiệp theo yêu cầu của bài học đối với mỗi học viên chuyên ngành Cảnh sát thi hành án hình sự. Được xác định là đối tượng của quá trình đào tạo, mỗi học viên cần xác định động cơ học tập đúng đắn qua đó chủ động trong việc tự học, tự nghiên cứu và sáng tạo trong việc vận dụng kiến thức đã được trang bị vào quá trình thực tiễn công tác khi được tiếp cận. Trong các tiết học, học viên tích cực tham gia phát biểu, trao đổi, thảo luận để giải quyết các tình huống nghiệp vụ theo yêu cầu của giáo viên. Đối với những vấn đề chưa rõ, chưa hiểu, chưa thực hành được theo yêu cầu cần đề xuất giáo viên phân tích giảng giải, hướng dẫn chi tiết, cụ thể hơn.
Bên cạnh đó, để chủ động trong việc lĩnh hội kiến thức lý luận và thực tiễn bản thân mỗi học viên cần chủ động dành thời gian nghiên cứu trước bài học từ ở nhà và tìm hiểu các nội dung khác có liên quan đến bài học. Qua đó, học viên có sự chủ động trong lĩnh hội kiến thức và đưa ra được những vấn đề còn chưa hiểu, chưa rõ để đề nghị giáo viên phân tích, làm rõ thêm.
Thứ sáu, Nhà trường cần đầu tư hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị nghiệp vụ phục vụ các hoạt động thực hành, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp của học viên chuyên ngành Cảnh sát thi hành án hình sự. Trong thời gian học tập nghiệp vụ chuyên ngành ở nhà trường học viên phải được tiếp cận, nghiên cứu tính năng, hướng dẫn sử dụng thành thạo các trang thiết bị nghiệp vụ, công cụ hỗ trợ. Bởi khi tốt nghiệp ra trường về nhận công tác ở Công an các đơn vị, địa phương, học viên sẽ được trang bị các thiết bị nghiệp vụ, công cụ hỗ trợ theo vị trí chiến đấu. Đặc biệt, đối với các tình huống nghiệp vụ xảy ra ở đơn vị đòi hỏi cán bộ phải xử dụng thành thạo trang thiết bị nghiệp vụ, công cụ hỗ trợ được trang bị để xử lý tình huống đó.
Bên cạnh đó, Nhà trường cần quan tâm, tạo điều kiện đầu tư cho Khoa Cảnh sát thi hành án hình sự xây dựng phòng học nghiệp vụ chuyên ngành trong đó có trang bị hệ thống thiết bị mô phỏng tình huống nghiệp vụ, các trang thiết bị nghiệp vụ, công cụ hỗ trợ phục vụ việc thực hành của học viên. Đây là xu hướng mà các nhà trường hiện nay đang áp dụng để rút ngắn khoảng cách giữa lý luận với thực tiễn của quá trình đào tạo.
Thực hiện quan điểm chỉ đạo đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo hiện nay “Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Học đi đôi với hành; lý luận gắn với thực tiễn” theo Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Đảng. Tập thể lãnh đạo, giáo viên Khoa Nghiệp vụ Cảnh sát Thi hành án hình sự tích cực đổi mới, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần xây dựng Trường Cao đẳng CSND I sớm trở thành cơ sở giáo dục nghề nghiệp điển hình trong CAND.
Khoa Nghiệp vụ Cảnh sát Thi hành án hình sự