Thứ Tư, 20/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Đổi mới nội dung, phương pháp trong tổ chức thảo luận, hướng dẫn làm bài tập

Thực trạng phương pháp tổ chức thảo luận và hướng dẫn làm bài tập trong thời gian vừa qua ở các trường CAND nói chung và Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I nói riêng về mặt nội dung và phương pháp vẫn chưa được đổi mới căn bản để đáp ứng các yêu cầu trong dạy học hiện nay. Cụ thể là: 

Về nội dung: Tổ chức thảo luận hoặc hướng dẫn làm bài tập có nội dung chủ yếu gói gọn trong nội dung chương trình bài giảng. Thảo luận nội dung gì, làm bài tập nào do giảng viên chuẩn bị trước, giao trước cho học viên trước khi tiến hành. Các câu hỏi thắc mắc do học viên chủ động nêu ra chủ yếu cũng chỉ xoay quanh các nội dung được giảng viên đưa ra để tổ chức thảo luận hoặc làm bài tập trên lớp học.

Về phương pháp tổ chức thảo luận, hướng dẫn làm bài tập: Vẫn sử dụng phương pháp thuyết trình là cơ bản. Thuyết trình lấy công nghệ dạy học gắn với quan điểm: “Lấy người dạy làm trung tâm” không còn phù hợp với phương pháp dạy học mới ngày nay. Phương pháp thuyết trình có một số đặc điểm cơ bản là:

- Thầy nêu vấn đề và thuyết giảng theo kiểu đọc chép, học trò ghi theo khuynh hướng chung là thầy giảng bài chậm, nói chậm, học trò nghe, nhìn, chép nhờ vào sự trợ giúp của các công cụ như máy tính, máy chiếu Power Point. Công cụ này cũng rất tiện ích, giúp thầy đọc, chép nhiều môn học khác nhau mà không cần phải chuẩn bị bài giảng kỹ càng.

- Người học thụ động tiếp thu kiến thức một chiều. Người dạy đứng lớp truyền đạt kiến thức cho người học trong khuôn khổ nội dung đã được quy định sẵn, người học nghe giảng và ghi chép, đôi khi trong quá trình thực hiện cũng đặt ra những câu hỏi, những vấn đề, những tình huống yêu cầu người học suy nghĩ trả lời, bình luận. Tính thụ động tiếp thu kiến thức một chiều bộc lộ ở chỗ mọi vấn đề trao đổi, các câu hỏi, các tình huống mà người thầy nên ra đều diễn ra theo kịch bản được người dạy chuẩn bị trước, mọi kiến thức, cách thức trả lời đều qua người dạy rồi mới đến người học. Tính thụ động tiếp thu kiến thức làm triệt tiêu sự tư duy sáng tạo của người học, biến người học thành máy nghe, máy chép.

- Dạy học, trao đổi theo kiểu nhồi nhét kiến thức “cái gì cũng biết mà cái gì cũng không biết”. Người học tiếp thu được nhiều hay ít là phụ thuộc vào ý thức, vào thái độ học tập, kết quả cuối cùng của cách học này là các bài kiểm tra giữa kỳ, bài thi hết môn đủ điểm là được, học viên hài lòng với kết quả đó. Hệ lụy của học nhồi nhét kiến thức là học đối phó, học chỉ để thi cho qua và cuối cùng thì “cái gì cũng biết” nhưng không hiểu được bản chất, nội dung sâu sắc của kiến thức, không hiểu được căn kẽ tường tận bài học, môn học, và càng không thể vận dụng kiến thức này để hình thành kỹ năng nghề nghiệp, để sử dụng trong việc làm sau này, vì thế “cái gì cũng không biết”. 

Khoa Cảnh sát Giao thông tổ chức báo cáo thực tế cho học viên Nhà trường

Như vậy, việc xác định nội dung và sử dụng phương pháp thuyết trình trong tổ chức thảo luận và hướng dẫn làm bài tập trong thời kỳ hiện nay không còn phù hợp, khó có thể đạt được mục tiêu đào tạo đã xác định, đòi hỏi phải đổi mới. Trong thời gian vừa qua, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường đã quan tâm lãnh đạo chỉ đạo công tác giáo dục đào tạo, trong đó có việc đổi mới nội dung, phương pháp tổ chức thảo luận, hướng dẫn làm bài tập theo hướng đa dạng hóa nội dung thảo luận, bài tập, sử dụng nhiều phương pháp tích cực, lấy người học làm trung tâm. Quán triệt quan điểm chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường, cán bộ giảng viên khoa Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt đã xác định được vị trí, vai trò của việc đổi mới, nội dung, phương pháp tổ chức chỉ đạo thảo luận, hướng dẫn làm bài tập. Cụ thể như sau:

Cấp ủy, lãnh đạo đơn vị đã lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức xây dựng hệ thống kế hoạch dạy học, trong đó có nội dung tổ chức thảo luận và hướng dẫn làm bài tập. Trên cơ sở đó, giảng viên trong đơn vị xây dựng các kế hoạch tổ chức thảo luận và kế hoạch hướng dẫn làm bài tập với việc xác định về mục tiêu rõ ràng, cụ thể.

Về nội dung thảo luận và nội dung hướng dẫn làm bài tập: Giảng viên đã xây dựng được hệ thống câu hỏi, bám sát các nội dung cơ bản của từng học phần môn học. Đối với nội dung bài tập, giảng viên đã lựa chọn được các bài tập có tính chất điển hình, minh họa các nội dung của lý thuyết, hỗ trợ bổ sung lý luận, giúp học viên rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp, từng bước làm quen và giải quyết các tình huống có thể xảy ra trong thực tiễn công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.

Về phương pháp chỉ đạo thảo luận và hướng dẫn làm bài tập: Đã có sự đổi mới căn bản trong phương pháp tổ chức thảo luận, hướng dẫn làm bài tập. Cụ thể, giảng viên đã chủ động giao bài tập cho học viên chuẩn bị ngoài giờ học, xác định hình thức tổ chức hướng dẫn làm bài tập. Trong quá trình làm bài tập đã có sự phân nhóm, tranh luận giữa các nhóm để rút ra chân lý, khai thác và sử dụng có hiệu quả bảng tương tác và các phương tiện hỗ trợ khác…

Với việc xác định nội dung và phương pháp tổ chức thảo luận và hướng dẫn làm bài tập như vậy, chất lượng thực hiện đã từng bước được nâng cao, học viên về cơ bản đạt được mục tiêu của thảo luận và làm bài tập. Tuy nhiên bên cạnh đó, việc tổ chức thảo luận và hướng dẫn làm bài tập vẫn còn một số hạn chế như sau:

Một là: Nội dung các bài tập, câu hỏi thảo luận mới chỉ dừng lại ở mức độ minh họa lý thuyết, củng cố lý thuyết. Các nội dung về nâng cao, mở rộng kiến thức chưa được quan tâm đúng mức mặc dù mục tiêu thảo luận hoặc hướng dẫn làm bài tập đã xác định.

Hai là: Quá trình tổ chức thảo luận hoặc hướng dẫn làm bài tập có sử dụng các phương pháp như thảo luận nhóm… Tuy nhiên mỗi tiết thảo luận, hướng dẫn làm bài tập chỉ lựa chọn được một vài ý kiến hoặc do 1 đồng chí đại diện nhóm thuyết trình nội dung đã định sẵn, chưa đánh giá được các học viên khác khi các học viên này không tham gia thuyết trình hoặc tranh luận trả lời.

Đồng chí Trung tá Văn Sỹ Huy, cán bộ Cục Cảnh sát giao thông, Bộ công an báo cáo tại Hội nghị học tập chuyên đề do Khoa Cảnh sát Giao thông chủ trì

Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả việc tổ chức thảo luận và hướng dẫn làm bài tập, theo chúng tôi cần thực hiện tốt một số nội dung sau đây:

Một là: Thực hiện nghiêm chỉnh kế hoạch tổ chức thảo luận và hướng dẫn làm bài tập, đặc biệt quan tâm đến mục tiêu đã xác định trong các kế hoạch. Từ mục tiêu, giảng viên xác định nội dung phù hợp mới mục tiêu đó, nhất là mục tiêu về nâng cao, mở rộng kiến thức. Về mặt nhận thức, giảng viên không chỉ xác định trọng tâm của tiết thảo luận hoặc hướng dẫn làm bài tập không chỉ là giải quyết nội dung câu hỏi hoặc tình huống đã đưa ra, cần nhận thức và thực hiện tốt các nội dung khác như nâng cao, mở rộng kiến thức, tổng kết tiết cũng như giải đáp các thắc mắc của học viên nếu có.

Hai là: Cần đa dạng hóa nội dung thảo luận, làm bài tập. Cần thay đổi từ việc giao câu hỏi hoặc bài tập tình huống cho học viên sang giao chủ đề thảo luận. Đối với bài tập, bên cạnh các bài tập có tính chất điển hình, cần sưu tập các tình huống trong thực tiễn, mới xảy ra để học viên có điều kiện tiếp cận thực tế công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông. Để thực hiện được nội dung này đòi hỏi giảng viên cần có kế hoạch đi công tác thực tế hoặc luân chuyển, hoặc định kỳ phối hợp làm việc trao đổi kinh nghiệm với cán bộ làm công tác thực tiễn giữ gìn đảm bảo trật tự, an toàn giao thông để sưu tập tài liệu, biên tập lại theo hướng sư phạm để bổ sung vào hồ sơ bài giảng.

Ba là: Cần dành thời lượng nhất định để giải đáp các thắc mắc của học viên, kể cả lý luận và những tình huống thực tiễn. Để thực hiện được nội dung này, giảng viên cần giao cho học viên tự tìm hiểu trong công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông của Công an các địa phương các tình huống có vấn đề. Có thể giao cho mỗi học viên phải sưu tập 1 tình huống có vấn đề và tập hợp, cùng trao đổi và tìm ra phương án trả lời trên lớp học. Thực hiện điều này vừa củng cố được các kiến thức đã học, vừa đạt được mục tiêu nâng cao, mở rộng kiến thức, đáp ứng kịp thời việc nâng cao tay nghề, giải quyết được ngay các tình huống phát sinh ngay sau khi học viên nhận công tác tại Công an, đơn vị các địa phương.

Tổ chức thảo luận, hướng dẫn làm bài tập là khâu quan trọng trong quá trình dạy học. Với sự thay đổi của tình hình thực tiễn công tác giáo dục đào tạo hiện nay, đòi hỏi phải đổi mới nội dung, phương pháp tổ chức thảo luận và hướng dẫn làm bài tập trong nhà trường, đáp ứng yêu cầu đảm bảo an ninh, trật tự trong giai đoạn hiện nay. 

Bài, ảnh: Khoa Cảnh sát giao thông

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi