Thứ Tư, 20/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tham mưu, tổng hợp kịp thời, chủ động góp phần thực hiện tốt các mặt công tác của Trường Cao đẳng CSND I

Trường Cao đẳng CSND I là một trong những cơ sở đào tạo có uy tín, nằm trong hệ thống các trường CAND, trải qua 55 năm xây dựng và phát triển, nhà trường đã đào tạo gần 20 vạn học viên cho Công an các đơn vị, địa phương. Cán bộ chiến sĩ do nhà trường đào tạo đã có mặt ở hầu hết các địa bàn, lĩnh vực công tác, chiến đấu của lực lượng CAND, góp phần quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ ANTT của Tổ quốc, giữ gìn cuộc sống bình yên và hạnh phúc cho nhân dân. Với những thành tích đã đạt được, nhà trường đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều Huân, Huy chương cao quý khác, được Chính phủ, Bộ Công an và Bộ GD&ĐT tặng nhiều Cờ thi đua xuất sắc. Để có được những thành quả đó, là sự đóng góp công sức của rất nhiều thế hệ cán bộ, giáo viên trên các mặt công tác của nhà trường, trong đó có công tác tham mưu, tổng hợp và cán bộ làm công tác tham mưu, tổng hợp qua các thời kỳ.

Công tác tham mưu, tổng hợp là tổng hợp các hoạt động, các biện pháp để trợ giúp, phục vụ lãnh đạo trong việc hình thành các quan điểm, đường lối, phương pháp đấu tranh và quyết định các chủ trương, biện pháp, tổ chức điều hành việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng lực lượng Công an, theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn mà Đảng, Nhà nước giao cho lực lượng Công an nhân dân.

Tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 50 (năm 1995), Bộ trưởng Bùi Thiện Ngộ đã chỉ rõ: “Công tác tham mưu Công an nhân dân phải là đầu mối để lãnh đạo Công an các cấp chỉ đạo mọi hoạt động công tác, chiến đấu”.

Tại Lễ mít tinh kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống tham mưu Công an nhân dân (18/4/1946 - 18/4/2006), Đại tướng Lê Hồng Anh, Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định: “Công tác tham mưu Công an nhân dân là trung tâm của lãnh đạo để quản lý, điều hành, là “bộ não” chỉ huy, là đầu mối thông tin của lãnh đạo Công an các cấp trong chỉ đạo cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội và xây dựng lực lượng Công an nhân dân cách mạng, chính quy tinh nhuệ và từng bước hiện đại”.

Nghị quyết số 10-NQ/ĐUCA ngày 01/10/2013 của Đảng ủy Công an Trung ương đã tiếp tục khẳng định: “Cơ quan tham mưu Công an nhân dân giữ vị trí đặc biệt quan trọng, là chỗ dựa chính và luôn gắn liền với hoạt động lãnh đạo, chỉ huy Công an các cấp; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu phải gắn liền với cải tiến công tác lãnh đạo, chỉ huy, quản lý, điều hành của lãnh đạo, chỉ huy Công an các đơn vị, địa phương”.

Như vậy, công tác tham mưu, tổng hợp giữ một vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong toàn bộ các mặt hoạt động của lực lượng Công an nhân dân, là “bộ não thứ hai” của người lãnh đạo, chỉ huy, là “cánh tay nối dài” của người lãnh đạo, chỉ huy tới các cơ quan, đơn vị cấp dưới, góp phần trực tiếp nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo, chỉ huy và kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự. Thông qua hoạt động tham mưu, tổng hợp giúp cho người lãnh đạo nắm chắc được tình hình diễn ra hàng ngày, hàng giờ trên tất cả các lĩnh vực công tác. Do đó, nếu các cấp lãnh đạo, chỉ huy xây dựng được đội ngũ cán bộ làm công tác tham mưu, tổng hợp giỏi, được chuyên môn hóa theo các lĩnh vực công tác cụ thể sẽ là tiền đề quan trọng để giải quyết có chất lượng các nhiệm vụ của lãnh đạo, chỉ huy.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác tham mưu, tổng hợp, trong những năm qua, bên cạnh việc tập trung xây dựng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường Cao đẳng CSND I luôn quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác tham mưu, tổng hợp trên các lĩnh vực công tác trọng tâm như: Giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học, kiểm định chất lượng, tổ chức cán bộ, quản lý học viên, hành chính tổng hợp, hậu cần đảm bảo, công tác Đảng, công tác chính trị và đoàn thể quần chúng…

Về cơ bản số cán bộ làm công tác tham mưu, tổng hợp được đào tạo cơ bản, có phẩm chất chính trị tốt, có kiến thức pháp luật, nghiệp vụ và một số lĩnh vực công tác chuyên môn cụ thể. Đội ngũ cán bộ tham mưu trong nhà trường đã tổ chức tốt công tác triển khai văn bản quản lý nhà nước, các quyết định của lãnh đạo cấp trên liên quan đến giáo dục đào tạo; thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin báo cáo; tổ chức xây dựng dự thảo chương trình, kế hoạch để tham mưu đề xuất Đảng ủy, Ban Giám hiệu xem xét, quyết định và triển khai thực hiện. Cán bộ tham mưu, tổng hợp của các đơn vị đã chủ động nắm tình hình, kịp thời phát hiện những tồn tại, bất cập trong công tác, đề xuất kịp thời các biện pháp để khắc phục những tồn tại hạn chế, đưa các hoạt động của nhà trường đi vào nền nếp. Qua thực tiễn công tác, đội ngũ cán bộ tham mưu, tổng hợp ngày càng trưởng thành, tận tụy với công việc, nêu cao ý thức tổ chức kỷ luật, chịu khó trau dồi kinh nghiệm, nâng cao kiến thức, giữ gìn được phẩm chất đạo đức và tác phong công tác.

Trong suốt chặng đường 55 xây dựng và phát triển nhà trường, đội ngũ cán bộ, đơn vị làm công tác tham mưu đã luôn tích cực, chủ động tham mưu đề xuất Đảng ủy, Ban Giám hiệu các vấn đề mang tích chiến lược, lâu dài phục vụ cho định hướng phát triển nhà trường. Bên cạnh đó, với phương châm hành động “chủ động trong tham mưu, trách nhiệm trong phục vụ”, đội ngũ tham mưu, tổng hợp luôn xác định tâm thế sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, tham mưu và phục vụ tổ chức thành công nhiều hoạt động lớn mang ý nghĩa quan trọng của Nhà trường như: Khai giảng năm học, sơ kết, tổng kết, kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, ký Quy chế phối hợp giữa nhà trường với Công an các đơn vị, địa phương, đón tiếp Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Công an tới thăm và làm việc với nhà trường….

Tham mưu, phục vụ đón tiếp Đồng chí Đại tướng, GS.TS Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an tới thăm và làm việc với Nhà trường ngày 22/10/2020


Tham mưu, phục vụ Lễ ký kết quy chế phối hợp giữ Trường Cao đẳng CSND I và Trường Cao đẳng CSND II (ngày 29/10/2020)

Tham mưu, phục vụ Lễ khai giảng năm học mới 2020 - 2021:

Đồng chí Thượng tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Thành, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đánh trống khai giảng năm học mới 2020-2021

Tuy nhiên, tham mưu, tổng hợp là nhiệm vụ không hề đơn giản, bên cạnh những ưu điểm và kết quả đạt được trong những năm qua, chúng ta thẳng thắn nhìn vào một số tồn tại, hạn chế công tác tham mưu, tổng hợp của nhà trường, đó là:

Một là, trình độ đội ngũ cán bộ làm công tác tham mưu, tổng hợp còn nhiều hạn chế, thiếu cán bộ có khả năng tổng hợp, tư duy năng động, sáng tạo, chiến lược lâu dài. Cán bộ làm công tác tham mưu, tổng hợp chưa được đào tạo một cách hệ thống, chưa được bồi dưỡng thường xuyên để nâng cao trình độ về mọi mặt, nhất là về nghiệp vụ tham mưu.

Hai là, một số cấp ủy, lãnh đạo đơn vị chưa thực sự quan tâm tới công tác này, vẫn còn tư tưởng coi công tác tham mưu, tổng hợp đơn thuần là của riêng đơn vị tham mưu (khối phòng, trung tâm). Cơ chế phối hợp giữa các đơn vị với cơ quan tham mưu chưa chặt chẽ, nhiều thông tin, công việc diễn ra trong nhà trường nhưng cơ quan tham mưu không biết, không nắm được. Công tác thống kê số liệu còn nhiều bất cập, chưa phản ánh sát tình hình thực tế.

Ba là, cơ chế, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ tham mưu chưa hợp lý nên không thu hút, khuyến khích được những người giỏi, có khả năng tư duy, tổng hợp tốt về làm công tác tham mưu.

Bốn là, cơ sở vật chất còn thiếu, phương tiện, thiết bị kỹ thuật chưa đồng bộ, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tham mưu chưa tạo được bước đột phá, hiệu quả chưa cao. Các chương trình phần mềm quản lý, tổng hợp còn đơn lẻ, chưa có phần mềm dùng chung, thiết sự thống nhất và chuẩn hóa nên chưa phát huy được hiệu quả.

Năm là, trên một số công tác cụ thể:

Chất lượng công tác tham mưu trong xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình công tác của đơn vị chưa cao: Nội dung tham mưu trong xây dựng chương trình công tác còn hạn chế. Chương trình công tác năm học, công tác học kỳ và công tác tháng còn thiếu tính ổn định, chồng chéo, bất cập, sau khi ban hành còn phải thay đổi, bổ sung nhiều mới tổ chức thực hiện được. Lịch làm việc của đơn vị nhiều khi không dự đoán hết được những công việc phát sinh, nhất là đáp ứng các yêu cầu đột xuất của cấp trên, gây bị động cho các đơn vị thực hiện.

Chất lượng công tác tham mưu trên một số lĩnh vực công tác cụ thể còn hạn chếTham mưu trên lĩnh vực quản lý đào tạo, nghiên cứu khoa học, quản lý giáo dục học viên, xây dựng lực lượng, đoàn thể quần chúng, hậu cần đảm bảo... còn có những vấn đề chưa thật trúng, tính bền vững và ổn định của các cơ chế, nội quy, quy định chưa cao. Một số nội dung công tác trọng tâm đã được Ban Thường vụ Đảng ủy, Ban Giám hiệu thông qua nhưng tiến độ thực hiện chậm, hiệu quả thấp. Công tác dự báo chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của nhà trường trong giai đoạn mới.

Tham mưu trên lĩnh vực cải cách hành chính: Việc cụ thể hóa một số chủ trương, kế hoạch của cấp trên vào điều kiện thực tế của nhà trường còn chậm; công tác phối hợp giữa các đơn vị chức năng liên quan chưa thật chặt chẽ; công tác thông tin chỉ huy có lúc chưa đáp ứng được yêu cầu; đội ngũ cán bộ làm công tác tham mưu, trợ lý tại một số đơn vị còn thiếu chuyên môn, nghiệp vụ yếu. Việc tham mưu xây dựng và ban hành các văn bản hành chính theo chức năng nhiệm vụ của các đơn vị chưa chuẩn hóa, công tác thẩm định văn bản mới chú ý đến thể thức, câu từ, chưa chú trọng thẩm tra, thẩm định về mặt nội dung văn bản.

Nhằm không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu quả trong công tác tham mưu, tổng hợp kịp thời, chủ động góp phần thực hiện thắng lợi các mặt công tác của Trường Cao đẳng CSND I trong thời gian tới, chúng tôi để xuất một số giải pháp đó là:

Một là: Về phía nhà trường

- Đảng ủy, Ban Giám hiệu cần quan tâm hơn nữa, chỉ đạo sát sao, xây dựng và đưa công tác tham mưu, tổng hợp về đúng vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ đã được xác định; cấp ủy, lãnh đạo các đơn vị trong nhà trường cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị tham mưu để hoàn thành các nhiệm vụ chính trị của nhà trường đúng thời hạn, đảm bảo chất lượng, hiệu quả.

- Củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy của các đơn vị tham mưu đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của nhà trường. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác tham mưu, tổng hợp theo hướng hoàn thiện tiêu chuẩn chức danh cán bộ làm công tác tham mưu, tổng hợp. Tăng cường bảo đảm các điều kiện và cơ chế, chính sách (đặc biệt đối với cán bộ làm công tác tham mưu, tổng hợp) để các đơn vị tham mưu hoàn thành nhiệm vụ. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển hệ thống mạng LAN, phần mềm dùng chung và ban hành quy chế quản lý, khai thác có hiệu quả các phần mềm trong nhà trường.

Hai là: Về phía các đơn vị tham mưu

- Thường xuyên nghiên cứu, đổi mới công tác nghiên cứu, tổng hợp, dự báo tình hình, xây dựng chương trình, kế hoạch công tác, chế độ thông tin báo cáo, thống kê số liệu, thẩm định văn bản, tổ chức thực hiện mệnh lệnh của Đảng ủy, Ban Giám hiệu…

- Chủ động trong công tác nghiên cứu, tổng kết, xác định những vấn đề khó khăn, bất cập và các kiến nghị, biện pháp giải quyết, từ đó phục vụ tốt hơn việc nghiên cứu, xây dựng văn bản.

- Có kế hoạch, lộ trình đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ cán bộ làm công tác tham mưu, tổng hợp từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ tham mưu, tổng hợp theo hướng chuyên sâu.

Ba là: Về phía cán bộ

- Mỗi cán bộ tham mưu, tổng hợp phải hội tụ cho mình đủ phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, tuân thủ đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; thường xuyên cập nhật các chỉ thị, nghị quyết của ngành Công an và quy chế, nội quy, quy định của nhà trường và đơn vị. Từ đó người cán bộ tham mưu sẽ đề xuất được với lãnh đạo chỉ huy các phương án giải quyết vấn đề đúng với chủ trương đường lối, trúng với mục tiêu yêu cầu, đồng thời phù hợp với chức năng nhiệm vụ của đơn vị.

- Người cán bộ tham mưu, tổng hợp phải thường xuyên rèn luyện và hình thành cho mình phương pháp tư duy nhạy bén, kịp thời, chủ động và sáng tạo. Công tác tham mưu, tổng hợp phải luôn luôn đi trước, phải đảm bảo được tính khẩn trương, chủ động, chính xác trong phát hiện và nắm bắt kịp thời các vấn đề đã và đang nảy sinh trong thực tiễn nhà trường. Trên cơ sở đó, cán bộ tham mưu sẽ đưa ra được các kiến nghị, đề xuất cho các cấp lãnh đạo lựa chọn phương án quyết định, đảm bảo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công tác.

- Trong thực hiện nhiệm vụ tham mưu, tổng hợp đòi hỏi mỗi cán bộ làm công tác này phải có cách nhìn nhận khách quan, toàn diện và cụ thể đối với từng vấn đề, từng lĩnh vực công tác. Nếu người cán bộ tham mưu, tổng hợp không có quan điểm đánh giá khách quan, sâu sát cụ thể thì có thể dẫn đến người lãnh đạo ra quyết định không đúng. Trong tham mưu, tổng hợp tuyệt đối không được suy diễn, thiên vị hoặc lấy ý muốn chủ quan cá nhân để tham mưu cho người lãnh đạo. Không sử dụng những thông tin chưa được kiểm tra để làm căn cứ tham mưu, đề xuất với lãnh đạo, chỉ huy đưa ra quyết định.

Trong giai đoạn hiện nay, đứng trước những yêu cầu nhiệm vụ mới của công tác giáo dục đào tạo, đòi hỏi đội ngũ cán bộ làm công tác tham mưu, tổng hợp của Trường Cao đẳng CSND I phải bám sát mục tiêu, yêu cầu, chức năng, nhiệm vụ của mình, thường xuyên đổi mới tác phong làm việc, nắm chắc tình hình, nghiên cứu, phân tích, tổng hợp, đưa ra những nhận định, dự báo và đề xuất giải pháp giúp Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường quản lý, điều hành thắng lợi các mặt công tác./.

Thượng tá, TS Đỗ Đức Thăng
Trưởng phòng - Phòng Hành chính tổng hợp

 


Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi