Hoạt động dạy giỏi là một trong những hoạt động chuyên môn thường niên có ý nghĩa quan trọng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ của đội ngũ giáo viên, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường. Nhận thức được vấn đề trên, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường Cao đẳng CSND I luôn quan tâm chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị chức năng tổ chức tốt hoạt động dạy giỏi hàng năm của nhà trường và coi đây là một trong những tiêu chí để bình xét thi đua năm học của các đơn vị và cá nhân, qua đó tạo không khí thi đua sôi nổi trong toàn trường.
Hàng năm, căn cứ kế hoạch của Cục Đào tạo về tổ chức các hoạt động đẩy mạnh phong trào thi đua dạy giỏi, học tập - rèn luyện tốt trong các học viện, trường CAND, nhà trường đã ban hành kế hoạch về tổ chức các hoạt động dạy giỏi, học giỏi, Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp trường trong năm học.
Hoạt động dạy giỏi của nhà trường được thực hiện qua 03 cấp độ: Giờ dạy giỏi, bài dạy giỏi cấp khoa và bài dạy giỏi cấp trường. Đối với bài dạy giỏi cấp trường được thực hiện dưới hai hình thức, đánh giá qua hội đồng chuyên môn và đánh giá qua Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp trường. Việc tổ chức đánh giá hoạt động dạy giỏi đảm bảo nghiêm túc, đúng quy định theo Thông tư 37/2019/TT-BCA ngày 19/9/2019 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về dạy giỏi trong các học viện, trường đại học, trung cấp Công an nhân dân.
Đồng chí Đại tá, PGS.TS Lê Hoài Nam – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường trao giải Nhất cho 11 giáo viên tham gia Hội thi Giáo viên dạy giỏi cấp Trường năm học 2020-2021
Phong trào thi đua dạy giỏi của nhà trường trong những năm qua có nhiều chuyển biến tích cực cả về hình thức và chất lượng. Năm học 2020 - 2021, nhà trường có 57 giáo viên thực hiện bài dạy giỏi cấp trường, 18 giáo viên thực hiện bài dạy giỏi cấp khoa, 04 giáo viên thực hiện giờ dạy giỏi qua hội đồng chuyên môn và đạt kết quả cao. Đặc biệt, Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp trường của nhà trường được tổ chức từ ngày 06/4/2021 đến ngày 16/4/2021 với 31 giáo viên tham gia và đều đạt giải, cụ thể có 11 giáo viên đạt giải nhất, 16 giáo viên đạt giải nhì và 04 giáo viên đạt giải ba. Qua phong trào dạy giỏi đã giúp cho các khoa đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên ngày một vững về kiến thức chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm. Tuy nhiên, phong trào dạy giỏi còn một số hạn chế sau:
Thứ nhất, giáo viên tham gia thực hiện dạy giỏi phần lớn là giáo viên trẻ, nhiều giáo viên là nữ giới. Số giáo viên viên là lãnh đạo, giáo viên cao cấp, giáo viên chính có kinh nghiệm lâu năm chiếm tỷ lệ rất ít nên chất lượng các bài dạy giỏi cũng chưa cao. Nhận thức của một số giáo viên về tham gia dạy giỏi chưa đầy đủ, chưa xác định được tầm quan trọng của công tác này dẫn đến chỉ tham gia hoạt động dạy giỏi để xét chức danh, sau khi hoàn thiện chức danh không nhiệt tình tham gia hoạt động dạy giỏi.
Đồng chí Thiếu tá, Ths Lê Thị Thu Thuỷ thực hiện phần nội dung thực giảng trong tham gia Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp trường năm học 2020 - 2021
Thứ hai, việc đổi mới phương pháp dạy học đã được giáo viên quan tâm nhưng vẫn còn một số giáo viên giảng xuôi chiều, sử dụng phương pháp thuyết trình là chủ yếu, chưa vận dụng các phương pháp sư phạm mới. Nội dung, phương pháp giảng dạy của một số giáo viên khi thực hiện dạy giỏi ít được đổi mới, còn kế thừa nhiều của các đồng chí đi trước, đặc biệt trong các khâu thảo luận, làm bài tập, thực hành, còn có sự sao chép của nhau về phương pháp, cách thức thực hiện giữa các giáo viên.
Thứ ba, khi thực hiện bài dạy giỏi, nhiều giáo viên chưa chú trọng đến khâu thực hành mà đa phần chỉ lựa chọn khâu thảo luận hoặc giải quyết bài tập. Vì vậy, việc phát huy kỹ năng tay nghề cho học viên là chưa cao, chưa toàn diện.
Thứ tư, cơ sở vật chất phục vụ dạy học còn hạn chế, nhất là phục vụ hoạt động thảo luận, thực hành, làm bài tập và trang thiết bị trong các phòng học chuyên ngành. Trang bị đối với các phòng học chuyên ngành, phòng học thực hành chưa đáp ứng yêu cầu đào tạo tay nghề. Mỗi phòng học mới chỉ đảm bảo máy chiếu, phông chiếu và những trang thiết bị thiết yếu về âm thanh, ánh sáng, chưa có các học cụ, đồ dùng chuyên ngành gây khó khăn nhất định trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy của giáo viên.
Đồng chí Đại uý, Ths Tạ Thị Lan Hương thực hiện bài dạy giỏi cấp trường năm học 2020-2021
Thứ năm, việc nhân điển hình tiên tiến trong hoạt động dạy giỏi của giáo viên nhà trường mặc dù đã được triển khai nhưng hiệu quả vẫn còn chưa cao.
Để tổ chức tốt phong trào thi đua dạy giỏi, trong thời gian tới cần tập trung làm tốt một số nội dung sau:
Một là, Cấp ủy, lãnh đạo các đơn vị, các tổ chức quần chúng cần đặc biệt quan tâm và xác định đúng đắn vai trò, ý nghĩa của hoạt động dạy giỏi, quá trình triển khai phải đảm bảo nghiêm túc, có sự phối hợp hiệu quả giữa các khoa với các đơn vị chức năng.
Hai là, Đảng ủy, Ban Giám hiệu tiếp tục quan tâm, chỉ đạo, duy trì có hiệu quả các hoạt động dạy giỏi hàng năm, đặc biệt là Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp trường, đồng thời tạo mọi điều kiện cho giáo viên nhà trường thể hiện năng lực, trình độ, trao đổi kinh nghiệm về đổi mới phương pháp dạy học, khai thác, sử dụng hiệu quả phương tiện, đồ dùng dạy học, góp phần xây dựng đội ngũ giáo viên nhà trường đáp ứng yêu cầu đào tạo trong giai đoạn mới.
Ba là, định kỳ hàng năm nhà trường tổ chức tập huấn về đổi mới phương pháp dạy học nhất là dạy học thảo luận, thực hành, làm bài tập; tổ chức hiệu quả việc đưa giáo viên đi luân chuyển, công tác thực tế để từng bước nâng cao kỹ năng, kinh nghiệm thực tế cho đội ngũ giáo viên và nâng chất lượng hoạt động hướng dẫn thực hành, làm bài tập. Đặc biệt, ngoài việc đi luân chuyển, đi công tác thực tế, nhà trường cần phối hợp với các Cục Nghiệp vụ, Công an các địa phương trong việc cử các giáo viên của nhà trường tham gia các lớp tập huấn các văn bản mới, các mô hình hay đề án liên quan đến công tác thực tế của từng chuyên ngành để từ đó giáo viên lấy kinh nghiệm thực tế đưa vào bài giảng.
Bốn là, nghiên cứu, tổ chức tốt việc nhân rộng các điển hình tiên tiến, kinh nghiệm, sáng kiến hay trong hoạt động dạy giỏi tạo động lực thi đua, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo của nhà trường. Các Khoa cần phối hợp với Phòng Quản lý đào tạo tổ chức nhân rộng, phổ biến những điển hình tiên tiến được phát hiện trong Hội thi, đặc biệt là việc xây dựng kế hoạch dạy học hợp lý, khoa học và những phương pháp biên soạn giáo án điện tử mới, phương pháp hướng dẫn chỉ đạo thảo luận, làm bài tập, thực hành hiệu quả, phát huy được tính chủ động, sáng tạo của học viên nhằm hướng tới mỗi tiết học đều phải đạt chuẩn như hoặc gần như mỗi tiết tham gia dạy giỏi, Hội thi của giảng viên.
Năm là, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất phục vụ hoạt động dạy học, nhất là các trang thiết bị phục vụ hoạt động thảo luận, thực hành, làm bài tập của học viên, từng bước đầu tư xây dựng các phòng học chuyên ngành đạt chuẩn.
Bài: Phòng Quản lý đào tạo
Biên tập: Loan Trần, phòng HCTH