Thứ Tư, 20/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Đổi mới chương trình đào tạo đáp ứng yêu cầu công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về kinh tế trong giai đoạn hiện nay

Một là, chương trình đào tạo chuyên ngành Trinh sát PCTPKT đã đáp ứng được mục tiêu chung của công tác đào tạo trong Nhà trường là: Đào tạo cán bộ Công an có bản lĩnh chính trị vững vàng; có kiến thức cơ bản về quy trình, biện pháp công tác và kỹ năng thực hành các thao tác nghề nghiệp, có khả năng giải quyết các công việc thông thường trong phạm vi chuyên ngành Trinh sát PCTPKT; có đạo đức và ý thức tổ chức kỷ luật, có sức khỏe tốt, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Hai là, Chương trình đào tạo chuyên ngành Trinh sát PCTPKT được thiết kế có cấu trúc cơ bản hợp lý giữa các khối kiến thức giáo dục đại cương (đối với trình độ cao đẳng) và kiến thức giáo dục chung (đối với trình độ trung cấp) với kiến thức giáo dục chuyên nghiệp (kiến thức cơ sở, kiến thức ngành, kiến thức chuyên ngành, thực tập môn học, thực tập tốt nghiệp và ôn thi hoặc khóa luận tốt nghiệp), đảm bảo khoa học và logic giữa các học phần. So với trước đây, nội dung, chương trình đào tạo được chú trọng hơn về phương pháp và kỹ năng nghề nghiệp, khả năng nắm bắt, phân tích tình hình, giải quyết vấn đề cơ bản đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Ba là, Chương trình đào tạo chuyên ngành Trinh sát PCTPKT đáp ứng được mục tiêu phân định kiến thức của Bộ Công an, đảm bảo tính thống nhất, liên thông; cơ bản mang tính ổn định, khoa học, thống nhất về mục tiêu, kết cấu nội dung chương trình; đã giảm thiểu các môn học không phù hợp với yêu cầu của từng trình độ; bước đầu tạo ra sự đổi mới trong cách thức tổ chức đào tạo, phương pháp giảng dạy, phương pháp đánh giá kết quả học tập của học viên phù hợp với mục tiêu, nội dung chương trình của từng bậc học.

 

Khoa Cảnh sát kinh tế, môi trường chủ động xây dựng tủ sách chuyên ngành phục vụ công tác chuyên môn

Bên cạnh các ưu điểm trên, quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện Chương trình đào tạo chuyên ngành Trinh sát PCTPKT tại trường Cao đẳng CSND I, nhất là giai đoạn hiện nay còn một số khó khăn và hạn chế sau:

Thứ nhất, cấu trúc của chương trình đào tạo chưa cập nhật quy định về chuẩn đầu ra theo Quyết định số 1982/QĐ-TTg ngày 18/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khung Chương trình quốc gia Việt Nam; việc mô tả còn tương đối cứng nhắc, chưa tạo ra được sự chủ động cho Nhà trường và Khoa lựa chọn nội dung giảng dạy, nhất là không theo kịp sự thay đổi của các văn bản quy phạm pháp luật và thực tiễn chiến đấu của lực lượng CSKT; nội dung chương trình của hai bậc đào tạo còn mang tính cắt xén cơ học, có tình trạng trùng lặp nội dung hoặc chưa phù hợp với mục tiêu, vị trí công tác sau khi học viên tốt nghiệp ra trường…

Thứ hai, thực hiện đề án sắp xếp lại các trường Công an nhân dân của Bộ, một số giáo viên có trình độ cao, có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy đã chuyển công tác khác, ảnh hưởng đến số lượng và cơ cấu đội ngũ giáo viên chuyên ngành, đó là khó khăn về nguồn nhân lực mà thời gian tới khó có thể khắc phục ngay được. Đặc biệt từ năm học 2018 - 2019 đến nay, Bộ Công an không phân bổ chỉ tiêu đào tạo chuyên ngành Trinh sát PCTPKT nên công tác đào tạo bị gián đoạn, việc cập nhật kiến thức vào nội dung bài giảng bị hạn chế cũng như không có điều kiện rút kinh nghiệm thường xuyên trong quá trình triển khai, tổ chức đào tạo theo chương trình đã ban hành.

Thứ ba, sự thay đổi mô hình tổ chức Bộ Công an cùng với đó chức năng nhiệm vụ của lực lượng CSKT có sự thay đổi, việc để học phần đấu tranh phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trong Chương trình đào tạo chuyên ngành Trinh sát PCTPKT không còn phù hợp. Vì ở cấp Bộ, Cục An ninh mạng và Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã sáp nhập thành Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao. Ngoài ra, hiện nay chỉ có Công an thành phố Hà Nội thành lập phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, 62 địa phương còn lại, chức năng phòng ngừa, đấu tranh và hướng dẫn điều tra tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc thẩm quyền của Đội 5, phòng Cảnh sát hình sự.

Thứ tư, một số nội dung thuộc chức năng, nhiệm vụ của lực lượng CSKT nhưng hiện chương trình đào tạo chưa có hoặc chưa được bổ sung như: Công tác xử lý vi phạm hành chính của lực lượng CSKT; một số tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm mới được quy định trong Bộ luật hình sự, vấn đề phòng ngừa pháp nhân thương mại phạm tội, vi phạm pháp luật về kinh tế… chưa được đưa vào học phần tương ứng.

Mặt khác, tình hình tội phạm nói chung, tội phạm và vi phạm pháp luật về kinh tế nói riêng vẫn diễn biến phức tạpCụ thể năm 2019, toàn lực lượng CSKT đã thụ lý điều tra 4.961 vụ án, hơn 6.050 bị can (tăng 28 vụ, 21% số bị can so với năm 2018); khởi tố mới 3.434 vụ, 4.269 bị can (tăng 28,71%). Trong 6 tháng đầu năm 2020, lực lượng CSKT toàn quốc phát hiện, xử lý 11.214 vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế. Bên cạnh đó, trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, nước ta tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do cùng với đó là ban hành các chính sách, công cụ quản lý kinh tế và cơ chế vận hành nền kinh tế mới nhằm đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn. Đó cũng là điều kiện để các đối tượng phạm tội, vi phạm pháp luật về kinh tế thường triệt để lợi dụng hoặc tránh né các chính sách, công cụ và cơ chế quản lý kinh tế nhằm thực hiện hành vi phạm tội và vi phạm pháp luật...

Trước thực trạng trên, cùng với triển khai đề án đổi mới mô hình tổ chức của Bộ Công an, công tác giáo dục đào tạo nói chung, trong đó đổi mới Chương trình đào tạo chuyên ngành Trinh sát PCTPKT cần tiếp tục được thực hiện nhằm tạo sự đột phá, nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về kinh tế trong giai đoạn hiện nay. Với yêu cầu đó, chúng tôi đề xuất một số nội dung trong công tác xây dựng, tổ chức thực hiện Chương trình đào tạo chuyên ngành Trinh sát PCTPKT tại Trường Cao đẳng CSND I như sau:

Một là, tiếp tục đổi mới chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận chuẩn đầu ra, đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác của lực lượng CSKT. Để chỉnh lý chương trình đào tạo đúng hướng, trước tiên cần rà soát, đánh giá chuẩn đầu ra đối với chuyên ngành Trinh sát PCTPKT đã công bố nhằm xác định chính xác các tiêu chí đã đặt ra; đặc biệt cần tập trung xác định các tiêu chí về kiến thức, kỹ năng, mức tự chủ và trách nhiệm đối với khối kiến thức chuyên ngành nhằm đáp ứng mục tiêu đào tạo cụ thể, nhất là trong giai đoạn hiện nay, vừa đáp ứng được thực tiễn chiến đấu của lực lượng CSKT, nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực của Công an các đơn vị, địa phương vừa phù hợp với các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo của Nhà trường. Chỉnh lý nhằm điều chỉnh cấu trúc chương trình phù hợp với mục tiêu đào tạo CSKT ở từng trình độ.

Hai là, bổ sung và tăng cường bồi dưỡng giáo viên đồng thời phân bổ chỉ tiêu đào tạo chuyên ngành trinh sát phòng, chống tội phạm kinh tế. Để tổ chức đào tạo đạt được yêu cầu đề ra, nhất là trong giai đoạn hiện nay, Nhà trường cần bổ sung kịp thời đội ngũ giáo viên có chuyên môn tốt. Đặc biệt, trong thời gian tới cần tiếp tục tăng cường công tác bồi dưỡng giáo viên, tạo nguồn nhân lực đào tạo có chất lượng cao chuyên ngành Trinh sát PCTPKT. Đây là nhiệm vụ then chốt và có ý nghĩa quyết định trực tiếp đến hiệu quả triển khai chương trình đào tạo. Công tác bồi dưỡng giáo viên cần coi trọng cập nhật những kiến thức mới, khả năng áp dụng công nghệ thông tin và đảm bảo tính kế thừa, phát triển, sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ, trong đó cần tập trung đầu tư cho đội ngũ giáo viên trẻ, giáo viên mới chuyển công tác từ đơn vị khác đến; đẩy mạnh công tác thực tế, luân chuyển đến địa phương để bồi dưỡng, cập nhật kiến thức thực tiễn. Mặt khác, việc phân bổ chỉ tiêu đào tạo chuyên ngành Trinh sát PCTPKT là thực sự cần thiết, tránh gián đoạn quá lâu ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm, động lực làm việc của đội ngũ giáo viên và cũng là điều kiện để trau dồi kinh nghiệm, bổ sung, cập nhật bài giảng liên tục đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn hiện nay.

Ba là, điều chỉnh một số học phần không còn phù hợp, đồng thời bổ sung nội dung mới đáp ứng yêu cầu nhiệm vụTrong chương trình đào tạo chuyên ngành Trinh sát PCTPKT, nội dung phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao không nên thiết kế là một học phần chỉ giảng dạy cho CSKT. Nếu có thì nên chuyển thành một chuyên đề giảng dạy cho cả ngành Trinh sát Cảnh sát. Vì bên cạnh chức năng, nhiệm vụ các đơn vị đã có sự thay đổi như đã phân tích ở trên thì tội phạm sử dụng công nghệ cao là tội phạm được thực hiện bằng việc sử dụng tri thức, kỹ năng, công cụ, phương tiện công nghệ thông tin, truyền thông ở trình độ cao, xâm phạm đến trật tự, an toàn thông tin, gây tổn hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và các lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân… tức là đối tượng sử dụng công nghệ cao như là phương thức, thủ đoạn để thực hiện hành vi phạm tội.

Cần nghiên cứu bổ sung học phần công tác phát hiện và xử lý vi phạm hành chính của lực lượng CSKT vào chương trình đào tạo. Vì trong các nhiệm vụ của lực lượng CSKT có nhiệm vụ thực hiện công tác xử phạt hành chính và áp dụng các biện pháp hành chính khác theo quy định của pháp luật. Chương trình đào tạo hiện chưa có học phần nào trang bị kiến thức cho học viên, nhất là dưới góc độ nghiệp vụ phát hiện, lập hồ sơ xử lý. Bên cạnh đó, bổ sung nội dung phòng ngừa tội phạm kinh tế trong lĩnh vực bảo hiểm vào học phần phòng ngừa tội phạm kinh tế trong một số lĩnh vực kinh tế trọng điểm; nghiên cứu bổ sung bài phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật về kinh tế do pháp nhân thương mại thực hiện vào chương trình đào tạo.

Bốn làcoi trọng hoạt động lấy ý kiến phản hồi từ người học và đơn vị thực tiễn đã và đang sử dụng sản phẩm đào tạo của Nhà trường làm căn cứ điều chỉnh nội dung, chương trình đào tạo. Tổ chức lấy ý kiến phản hồi của người học về nội dung, chương trình đào tạo, phương thức tổ chức quản lý, hoạt động giảng dạy của giáo viên, điều kiện cơ sở vật chất đảm bảo và lấy ý kiến đơn vị thực tiễn để đề ra các giải pháp đổi mới và tổ chức thực hiện chương trình đáp ứng nguyện vọng của học viên và nhất là nhu cầu của đơn vị thực tiễn thụ hưởng sản phẩm đào tạo của Nhà trường.

Trên cơ sở kết quả thu thập được từ quá trình lấy ý kiến phản hồi từ học viên về hoạt động giảng dạy của giáo viên, các điều kiện đảm bảo, nội dung, chương trình đào tạo và ý kiến từ đơn vị thực tiễn, cần phải tổng hợp và xử lý kết quả phản hồi này trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc chính xác, minh bạch. Qua đó, giúp các cơ quan chức năng, Khoa Cảnh sát kinh tế, môi trường nghiên cứu, tham khảo xây dựng nội dung, chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ giáo viên, đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ giáo dục và đào tạo của Nhà trường trong thời gian tới.

Tóm lại, với phương châm: “Đoàn kết, kỷ cương, ổn định, phát triển”, truyền thống 55 năm xây dựng và trưởng thành, nhất là với mô hình tổ chức mới, Trường Cao đẳng CSND I cần tiếp tục đổi mới toàn diện công tác giáo dục đào tạo, trong đó có đổi mới chương trình đào tạo các chuyên ngành nói chung và chuyên ngành trinh sát PCTPKT nói riêng vừa là thực hiện chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, ngành Công an vừa đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về kinh tế trong thời gian tới.

                                        Bài và ảnh: Khoa Cảnh sát kinh tế, môi trường

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi