Hiện nay, chúng ta đang bước vào thời đại của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với sự thay đổi, phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ gắn liền với việc ứng dụng các thành tựu như: Kết nối vạn vật, thực tế ảo, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo (AI)… đặc trưng cơ bản là khả năng vượt trội về thời gian, không gian, đó là sự phát triển mạnh mẽ của việc ứng dụng CNTT, kỹ thuật số vào mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với mỗi quốc gia, tổ chức và cá nhân.
CNTT kết nối, chia sẻ trong thời đại hiện nay
Nắm bắt được xu hướng của thời đại, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, coi trọng phát triển ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước, xác định đây là động lực góp phần thúc đẩy công cuộc đổi mới tạo khả năng đi tắt, đón đầu để thực hiện thắng lợi CNH, HÐH. Chủ trương đó được thể hiện trong Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 01/7/2014 về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế với quan điểm "Ứng dụng, phát triển CNTT trong tất cả các lĩnh vực, song có trọng tâm, trọng điểm. Ưu tiên ứng dụng CNTT trong quản lý hành chính, cung cấp dịch vụ công, trước hết là trong lĩnh vực liên quan tới doanh nghiệp, người dân như giáo dục, y tế, giao thông, nông nghiệp…", quan điểm chủ động tiếp cận, thích ứng với sự phát triển của CNTT tiếp tục khẳng định tại Nghị quyết số 52/NQ-TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Thực hiện quan điểm trên, những năm học gần đây, Trường Cao đẳng CSND I đã tăng cường ứng dụng CNTT trong tất cả các lĩnh vực công tác của Nhà trường, trong đó Đảng uỷ, Ban Giám hiệu đặc biệt quan tâm, chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác quản lý giáo dục học viên. Có thể khẳng định, việc ứng dụng CNTT trong công tác quản lý giáo dục học viên trở thành một xu thế tất yếu, là phương tiện hữu hiệu nhằm nâng cao chất lượng công tác quản lý giáo dục học viên trong thời gian qua. Các hoạt động đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác quản lý giáo dục học viên đã đạt được một số kết quả nhất định, thể hiện trên một số phương diện chủ yếu sau:
Về công tác lãnh đạo, chỉ đạo: việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác quản lý giáo dục học viên được lãnh đạo nhà trường xác định là một nhiệm vụ công tác trọng tâm trong các năm học gắn với thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 258-NQ/ĐU ngày 19/7/2021 về lãnh đạo công tác ứng dụng CNTT trong Đảng bộ nhà trường, giai đoạn 2020- 2025. Vì vậy, cấp uỷ các cấp, lãnh đạo đơn vị thường xuyên quán triệt về vai trò, tầm quan trọng của CNTT và việc ứng dụng CNTT trong công tác quản lý giáo dục học viên để mỗi cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị nhận thức được rõ nhiệm vụ, trách nhiệm trong việc chủ động, sáng tạo sử dụng có hiệu quả CNTT trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
Chủ nhiệm trung đội sử dụng máy tính tra cứu, khai thác thông tin học viên
Về nguồn nhân lực: đội ngũ cán bộ quản lý học viên đều có chứng chỉ ứng dụng CNTT cơ bản hoặc nâng cao theo Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11/3/2014 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy đinh chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin; thực tế đa số cán bộ của đơn vị đã biết, sử dụng thành thạo máy vi tính, ứng dụng được một số phần mềm Microsoft Word, Excel, tra cứu, sử dụng Internet trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao…. đặc biệt, đơn vị phân công 01 đồng chí có trình độ về chuyên môn Thạc sĩ về CNTT phụ trách chuyên môn về CNTT như quản lý, hướng dẫn, kiểm tra, vận hành hệ thống thiết bị, phần mềm, khắc phục sự cố về CNTT trong đơn vị.
Về trang thiết bị, cơ sở hạ tầng CNTT: hệ thống trang thiết bị cơ bản đáp ứng được nhu cầu công tác của cán bộ, chiến sĩ đơn vị. Hiện nay, Phòng Quản lý học viên được cấp quyền khai thác, sử dụng 02 phần mềm chuyên sâu (phần mềm thống kê nhân sự CAND; phần mềm quản lý chính sách) theo các dự án của Bộ Công an; việc ứng dụng các phần mềm này đã tạo điều kiện cho cán bộ, chiến sĩ thuận lợi trong tra cứu dữ liệu thông tin học viên thay vì việc tìm kiếm trong hồ sơ lưu trữ vốn mất rất nhiều thời gian góp phần nâng cao hiệu quả công tác. Việc cập nhật dữ liệu vào phần mềm được Phòng Quản lý học viên tiến hành ngay từ khi khóa mới nhập học và được cập nhật thường xuyên để phục vụ công tác quản lý.
Mặc dù, việc ứng dụng CNTT trong quản lý giáo dục học viên đã được nhà trường đầu tư, quan tâm và bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định nhưng vẫn còn một số tồn tại như: Việc ứng dụng CNTT còn ở mức đơn giản đơn (chủ yếu là nhập số liệu, lưu trữ, thống kê) chưa chuyên sâu, thiếu chuyên nghiệp; quá trình sử dụng các phần mềm quản lý thì chưa được khai thác một cách tối ưu các phương tiện, phần mềm hiện có; chưa có sự kết nối chặt chẽ trong việc sử dụng CNTT để quản lý giáo dục học viên giữa các đơn vị chức năng trong nhà trường; trang thiết bị, cơ sở hạ tầng CNTT của Phòng Quản lý học viên còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu công tác như: hiện đơn vị vẫn chưa được lắp đặt đường truyền mạng LAN, học viên chưa có đường truyền Internet (Wifi), chưa có phần mềm chuyên sâu về công tác quản lý giáo dục học viên; trang thiết bị (máy vi tính) còn thiếu; cơ sở dữ liệu quản lý chưa tập trung còn phân tán, chưa thống nhất…
Nguyên nhân của tồn tại, hạn chế trên là một số cán bộ của đơn vị chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, ý nghĩa của việc ứng dụng CNTT, chưa hình thành được ý thức, thói quen khai thác, xử lý thông tin bằng thiết bị CNTT; nguồn kinh phí đầu tư cho cơ sở vật chất để ứng dụng CNTT vào công tác quản lý, giáo dục học viên còn hạn chế; việc tập huấn ứng dụng CNTT còn chưa được chú trọng…
Trong thời gian tới, để đáp ứng những yêu cầu đổi mới giáo dục đào tạo, thực hiện đề án “Nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo trong CAND giai đoạn 2021-2030 đáp ứng mục tiêu xây dựng lực lượng CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại” của Bộ Công an trong điều kiện nhà trường đang đẩy mạnh xây dựng “Nhà trường thông minh”, nhà trường cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác quản lý giáo dục học viên, tập trung vào một số nội dung trọng tâm sau:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng uỷ, Ban Giám hiệu nhà trường; sự phối hợp của các đơn vị chức năng trong việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT đối với công tác quản lý giáo dục học viên
Việc ứng dụng CNTT trong giáo dục đào tạo là một xu thế tất yếu, đáp ứng với yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo của nhà trường, đây cũng là một yếu tố quan trọng, tiên quyết trong việc triển khai, xây dựng “Nhà trường thông minh”. Vì vậy, Đảng uỷ, Ban Giám hiệu nhà trường cần tiếp tục quan tâm, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, tổ chức Đảng trong việc ứng dụng CNTT đối với các mặt công tác, trong đó có công tác quản lý giáo dục học viên thông qua các Nghị quyết, đề án, chương trình, kế hoạch ứng dụng CNTT theo lộ trình phù hợp với nhiệm vụ cụ thể, triển khai đồng bộ, với quyết tâm cao, đi đôi với việc phân cấp, giao quyền, gắn trách nhiệm trong thực hiện; nhà trường cần có chiến lược bài bản và những chỉ đạo sát sao trong lãnh đạo, chỉ đạo. Đặc biệt, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng uỷ Trường Cao đẳng CSND I về lãnh đạo công tác ứng dụng CNTT trong Đảng bộ nhà trường, giai đoạn 2020 - 2025.
Hai là, Nâng cao nhận thức, năng lực và trách nhiệm về ứng dụng CNTT trong công tác quản lý giáo dục học viên đối với cán bộ quản lý học viên thông qua tuyên truyền, quán triệt, phổ biến về vai trò, lợi ích, tính cần thiết, cấp thiết của CNTT và việc ứng dụng CNTT giúp mỗi cán bộ tự ý thức được nhiệm vụ phải không ngừng học tập, trau dồi kiến thức, kỹ năng tin học để có thể sử dụng, vận hành hiệu quả CNTT trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
Tăng cường triển khai mở các khoá, lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng ứng dụng CNTT cho cán bộ quản lý học viên, bám sát nhu cầu ứng dụng trong công việc; thường xuyên tổ chức các phong trào, các hội thi ứng dụng CNTT trong đơn vị hoặc đưa nội dung kiểm tra, đánh giá việc sử dụng, ứng dụng CNTT vào nội dung hội thi cán bộ chủ nhiệm trung đội giỏi hằng năm. Từ đó, khuyến khích được việc tự nâng cao trình độ, tăng nhận thức và đẩy mạnh ứng dụng CNTT tại đơn vị, đồng thời tạo được môi trường học tập kinh nghiệm giữa các cán bộ chủ nhiệm trung đội nói riêng và các mô hình ứng dụng CNTT ở đơn vị nói chung.
Ba là, Tập trung số hoá toàn bộ thông tin, dữ liệu trong công tác quản lý giáo dục học viên của nhà trường
Đẩy mạnh việc số hoá toàn bộ thông tin, dữ liệu trong công tác quản lý giáo dục học viên như: dữ liệu về học viên các khoá, các lớp; thông tin cá nhân của từng học viên; số hoá hệ thống các văn bản pháp quy, các quy định, quy trình về công tác quản lý giáo dục học viên; các loại hồ sơ, biểu mẫu phục vụ công tác quản lý… Đây là cơ sở căn bản, bước tiền đề cho việc ứng dụng CNTT góp phần hiện đại hoá, đổi mới phương pháp trong công tác quản lý giáo dục học viên cũng như đổi mới căn bản và toàn diện công tác giáo dục đào tạo của nhà trường. Để tiến hành các nội dung số hoá này, yêu cầu cấp uỷ, lãnh đạo phòng Quản lý học viên, cũng như cán bộ phụ trách các mảng chuyên môn về biên chế, khen thưởng, kỷ luật, chế độ, chính sách… của đơn vị phải xây dựng phương án, lộ trình cụ thể, chủ động rà soát, sắp xếp, thống kê danh mục, tài liệu cần phải số hoá, chuẩn bị, đề xuất các điều kiện đảm bảo an toàn thông tin để phù hợp với điều kiện thực tế, nhiệm vụ được giao.
Bốn là, Xây dựng, hoàn thiện các quy định, quy trình tạo cơ sở, hành lang pháp lý đầy đủ, có cơ chế khuyến khích việc triển khai, ứng dụng CNTT trong công tác quản lý giáo dục học viên
Tập trung nghiên cứu, đề xuất, xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy định, quy trình, chính sách tạo cở sở, đảm bảo hành lang pháp lý đầy đủ giúp các đơn vị, cá nhân triển khai áp dụng sâu rộng, thực hiện việc ứng dụng CNTT đạt hiệu quả cao. trong công tác. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện các văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách về ứng dụng CNTT trong công tác quản lý giáo dục học viên tại nhà trường.
Có cơ chế khuyến khích, ưu đãi, động viên, biểu dương, khen thưởng kịp thời đối với các đơn vị, cá nhân có sáng kiến, kinh nghiệm, mạnh dạn, chủ động, tích cực đổi mới, sáng tạo, thực hiện có hiệu quả việc ứng dụng CNTT trong công tác quản lý giáo dục học viên.
Năm là, quan tâm, chú trọng đầu tư trang thiết bị, cơ sở hạ tầng CNTT
trước mắt, nhà trường cần tập trung đầu tư trang thiết bị, hoàn thiện cơ sở hạ tầng CNTT như trang bị, lắp đặt hệ thống mạng Internet, bộ phát wifi công suất lớn tại các phòng làm việc của cán bộ, khu ký túc xá học viên có sự quản lý, bảo đảm an toàn cho cán bộ, học viên truy cập intenet hỗ trợ, phục vụ trong công tác, nghiên cứu, học tập; khẩn trương triển khai lắp đặt hệ thống mạng nội bộ (mạng LAN) cho đơn vị bảo đảm việc kết nối thông suốt với cơ sở hạ tầng dùng chung của nhà trường; trang cấp hệ thống máy vi tính đảm bảo 100% cán bộ quản lý học viên có máy tính phục vụ công tác. Đặc biệt, lãnh đạo các cấp cần quan tâm, nghiên cứu, trang cấp (theo các hình thức: phối hợp, hợp tác, thu hút nguồn lực tài chính bằng xã hội hoá…) để xây dựng, phát triển các phần mềm quản lý chuyên nghiệp trong công tác quản lý học viên (phần mềm quản lý thông tin học viên, quản lý dữ liệu về kết quả phân loại, khen thưởng, kỷ luật, quá trình thăng cấp bậc hàm, quá trình phát triển đảng, quản lý các hoạt động của học viên như thẻ chíp tích hợp điểm danh, quản lý ra vào cổng trường, thi- kiểm tra…). Hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng CNTT góp phần chuyển dịch từ hệ thống quản lý thủ công, đơn giản sang mô hình quản lý điện tử chuyên nghiệp với cách thức tổ chức, điều hành, quản lý mới gọn nhẹ, hiệu quả và tiết kiệm cả về nhân lực và kinh tế.
Việc ứng dụng CNTT trong công tác quản lý giáo dục học viên tại Trường Cao đẳng CSND I là một chủ trương lớn cần được đẩy mạnh triển khai quyết liệt hơn nữa trong thời gian tới. Với việc thực hiện đồng bộ, tổng thể các nhiệm vụ, giải pháp nêu trên, cùng với sự quyết tâm cao của tập thể cấp uỷ, lãnh đạo và toàn thể cán bộ, chiến sĩ Phòng Quản lý học viên sẽ là cơ sở vững chắc để xây dựng “Nhà trường thông minh” góp phần thực hiện thành công mục tiêu xây dựng, phát triển Nhà trường trở thành cơ sở đào tạo nghề điển hình, đạt chuẩn cấp Bộ gắn liền với nhiệm vụ xây dựng lực lượng CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại vào năm 2030.
Bài: Thiếu tá Nguyễn Văn Nam, phòng Quản lý học viên
Biên tập: Loan Trần, phòng HCTH