Được thành lập từ năm 2010, đến nay, Khoa đã tiến hành đào tạo 13 khóa chuyên ngành Kỹ thuật hình sự trình độ Trung cấp và 04 khóa chuyên ngành Kỹ thuật hình sự trình độ Cao đẳng. Hàng năm, Khoa tham mưu cho Ban Giám hiệu phối hợp với Ban Giám đốc Công an các địa phương tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ Kỹ thuật hình sự cho cán bộ, chiến sĩ thuộc các đơn vị nghiệp vụ, Công an cấp xã, phường. Nhiều nội dung đào tạo, bồi dưỡng có tính ứng dụng cao, phục vụ trực tiếp cho hoạt động của lực lượng Công an cơ sở, được lãnh đạo, chỉ huy Công an các cấp và cán bộ, chiến sĩ tham gia học tập ghi nhận và đánh giá cao.
Xác định nghiên cứu khoa học là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác giáo dục đào tạo, cấp ủy, lãnh đạo Khoa Kỹ thuật hình sự đã thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát các mặt công tác chuyên môn. Trong năm học 2022-2023, giáo viên Khoa đã tham gia 01 đề tài Khoa học công nghệ cấp Bộ, 01 đề tài Khoa học công nghệ cấp thành phố Công an Hà Nội; đăng ký 02 sáng kiến được nghiệm thu là "Nghiên cứu, thiết kế bộ dụng cụ phát hiện nhanh dấu vết đường vân mồ hôi phục vụ dạy học tại Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I" và " Xây dựng trang thông tin điện tử phục vụ Hội thảo, Hội nghị trên nền tảng mạng nội bộ". Nhiều lượt bài báo khoa học được đăng trên các tạp chí, kỷ yếu khoa học trong và ngoài Trường gồm 05 bài báo trên các tạp chí chuyên ngành, 37 bài viết đăng trên các báo, tạp chí, kỷ yếu hội nghị, hội thảo các cấp. Đăng ký biên soạn giáo trình, sách, tài liệu tham khảo: xây dựng 11 Chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật hình sự theo Chương trình khung mới của Bộ Công an; biên soạn 01 sách tham khảo: "Sổ tay công tác Khám nghiệm hiện trường"; xây dựng 01 "Quy trình đảm bảo chất lượng trong thi thực hành chuyên ngành Kỹ thuật hình sự”. Khoa đã tổ chức 01 Hội thảo khoa học “Công tác đào tạo cán bộ cho lực lượng Kỹ thuật hình sự công an cấp huyện trong tình hình mới”; 01 tọa đàm khoa học “Đầu tư, phát triển Khoa Kỹ thuật hình sự tiến thẳng lên hiện đại” tại Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I; tổ chức 01 Tọa đàm khoa học tại Công an tỉnh Vĩnh Phúc với nội dung “Thu thập, xử lý dấu vết điện tử và những vấn đề đặt ra đối với công tác đào tạo học viên chuyên ngành Kỹ thuật hình sự tại Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I” được ghi nhận và đánh giá rất cao.
Hội đồng khoa học nhà trường đánh giá, nghiệm thu sáng kiến "Nghiên cứu, thiết kế bộ dụng cụ phát hiện nhanh dấu vết đường vân mồ hôi phục vụ dạy học tại Trường Cao đẳng CSND I" của đồng chí Thiếu tá Hoàng Văn Trường.
Công tác nghiên cứu khoa học của Khoa Kỹ thuật hình sự đã có sự chuyển biến mạnh mẽ. Chất lượng các đề tài nghiên cứu khoa học, các bài viết khoa học được nâng cao, đáp ứng yêu cầu công tác nghiên cứu, giảng dạy và học tập cho giáo viên và học viên nhà trường. Phong trào nghiên cứu khoa học được phát triển sâu rộng trong đội ngũ cán bộ, giáo viên của Khoa.
Đồng chí Trung tá, TS Vũ Duy Long, Trưởng khoa Kỹ thuật hình sự phát biểu tại Hội thảo khoa học.
Để đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo đảm công tác Công an trong trong tình hình mới, thời gian tới, Khoa Kỹ thuật hình sự cần thực hiện đồng bộ một số công tác trọng tâm sau:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, lãnh đạo đơn vị đối với sự nghiệp nghiên cứu, phát triển khoa học phục vụ nhiệm vụ đào tạo, giảng dạy trong Nhà trường. Cấp ủy, lãnh đạo đơn vị luôn nâng cao nhận thức về vai trò của khoa học đối với nhiệm vụ của lực lượng Kỹ thuật hình sự ở địa phương. Xác định nhiệm vụ ứng dụng và phát triển khoa học là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của đơn vị. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức khoa học và đẩy mạnh phong trào nghiên cứu, ứng dụng có hiệu quả các thành tựu nghiên cứu khoa học trong công tác bảo vệ an ninh, trật tự nói chung, trong thực hiện nhiệm vụ của lực lượng Kỹ thuật hình sự nói riêng.
Nhà trường phối hợp với Công an tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức Tọa đàm khoa học “Thu thập, xử lý dấu vết điện tử và những vấn đề đặt ra đối với công tác đào tạo chuyên ngành Kỹ thuật hình sự tại Trường Cao đẳng CSND I”.
Hai là, tiếp tục quán triệt cho cán bộ, giáo viên trong Khoa nhận thức đầy đủ về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học. Quán triệt sâu sắc các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, Nhà nước về công tác phát triển khoa học; chỉ đạo của Bộ Công an về Chiến lược phát triển khoa học Công an nhân dân; các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển khoa học trong tình hình mới, nhằm tạo sự thống nhất nhận thức trong toàn đơn vị. Nghiêm túc quán triệt, thực hiện bằng nhiều hình thức, nhằm đẩy mạnh, phát triển đồng bộ khoa học kỹ thuật và nghiên cứu khoa học; đưa nghiên cứu khoa học thực sự trở thành động lực then chốt, đáp ứng các yêu cầu thực tiễn của lực lượng Kỹ thuật hình sự.
Ba là, đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học, tập trung vào các đề tài, ứng dụng trọng điểm; chú trọng nghiên cứu khoa học phục vụ công tác giảng dạy trong và ngoài trường. Xây dựng hệ thống giáo trình, sách tham khảo, sách biên dịch phù hợp với tình hình thực tiễn, giúp học viên sau khi ra trường có khả năng nắm bắt kiến thức, thực hiện nhiệm vụ và đáp ứng yêu cầu của Công an đơn vị, địa phương. Tích cực đăng ký sáng kiến, cải tiến, công trình phần việc tập trung nâng cao chất lượng dạy và học trong Nhà trường. Thực hiện các Hội thảo khoa học, Tọa đàm khoa học cũng như viết bài báo khoa học, kỷ yếu khoa học đảm bảo chất lượng về cả lý luận lẫn thực tiễn, tập trung xây dựng lực lượng Công an cơ sở.
Bốn là, tăng cường đầu tư phát triển nguồn nhân lực khoa học đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác kỹ thuật hình sự trong tình hình mới. Khuyến khích cán bộ, giáo viên tự học tập bằng nhiều hình thức để nâng cao trình độ phục vụ công tác giảng dạy và khả năng nghiên cứu, ứng dụng khoa học. Định hướng đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng nhu cầu công tác trên các lĩnh vực khoa học từ nay đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Thực hiện tốt chính sách trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh những cá nhân, tập thể có thành tích tốt trong công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học Công an nhân dân. Mở rộng quan hệ hợp tác trao đổi và nghiên cứu kinh nghiệm các ngành khoa học khác, tạo điều kiện cho lực lượng Kỹ thuật hình sự tiếp cận những kiến thức, thành tựu khoa học và công nghệ mới. Tăng cường phối hợp hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học với các đơn vị trong và ngoài Trường, nhất là với Viện Khoa học hình sự, Công an các đơn vị địa phương nhằm đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học phục vụ công tác của lực lượng Kỹ thuật hình sự trước tình hình mới.
Để đảm bảo các hoạt động nghiên cứu khoa học được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, đúng quy định, cấp ủy, lãnh đạo Khoa đã quán triệt mục đích, yêu cầu, góp phần đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giáo viên, nâng cao chất lượng công tác giáo dục đào tạo của Khoa, giải quyết những bất cập trong thực tiễn công tác của lực lượng Kỹ thuật hình sự; góp phần bổ sung, phát triển lý luận công tác Công an. Nội dung nghiên cứu phải bám sát định hướng của Bộ Công an; đảm bảo thực hiện nghiêm túc, chất lượng, đúng tiến độ và các quy định về nghiên cứu khoa học. Để có thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nghiên cứu khoa học năm học 2023-2024, Khoa Kỹ thuật hình sự mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm và chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám hiệu; sự phối hợp, giúp đỡ của các đơn vị chức năng trong Nhà trường và Công an các đơn vị, địa phương. Đội ngũ giáo viên Khoa thường xuyên trau dồi, ra sức học tập, rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng, nâng cao trình độ chuyên môn và kiến thức thực tế; luôn tích cực, chủ động, cầu thị trong công tác; sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Bài: Khoa Kỹ thuật hình sự
Biên tập: Loan Trần