Trong những năm qua, quán triệt và thực hiện Nghị quyết số 29/NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, được cụ thể hóa qua các Chỉ thị, Nghị quyết của Bộ Công an; Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I nói chung, Khoa Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp nói riêng đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, trong đó đặc biệt chú trọng tới công tác tổ chức giảng dạy cho học viên chuyên ngành Bảo vệ mục tiêu.
Cảnh sát bảo vệ mục tiêu được giao nhiệm vụ bảo vệ an toàn trụ sở các mục tiêu, sự kiện quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao, kinh tế, khoa học kỹ thuật, văn hóa, xã hội và bảo vệ an toàn các chuyến hàng đặc biệt. Tình hình an ninh trật tự có liên quan đến mục tiêu, đặc biệt là các mục tiêu ngoại giao luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp, khó lường.
Xuất phát từ cơ sở lý luận và thực tiễn trên đòi hỏi công tác tổ chức giảng dạy chuyên ngành Bảo vệ mục tiêu phải được chú trọng cả về nội dung chương trình cũng như phương pháp giảng dạy. Quán triệt sâu sắc các Chỉ thị, Nghị quyết của Bộ Công an, Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường về việc nâng cao chất lượng đào tạo; trong những năm qua Cấp ủy, lãnh đạo Khoa Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp đã lãnh đạo, chỉ đạo giáo viên của đơn vị triển khai đồng bộ các biện pháp trong công tác tổ chức giảng dạy, cụ thể như sau:
Về giáo trình, tài liệu dạy học: Trong những năm qua, hệ thống giáo trình, tài liệu dạy học phục vụ giảng dạy chuyên ngành Bảo vệ mục tiêu của Khoa Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp tương đối đầy đủ. Hiện tại, Khoa Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp đang sử dụng 09 giáo trình để giảng dạy 09 môn học thuộc khối kiến thức ngành và chuyên ngành Bảo vệ mục tiêu. Giáo viên của đơn vị giao nhiệm vụ cho học viên bút ký và nghiên cứu giáo trình chuyên ngành trước khi lên lớp. Do vậy, học viên chuyên ngành Bảo vệ mục tiêu do Khoa Cảnh sát bảo vệ và Hỗ trợ tự pháp giảng dạy đều chủ động nghiên cứu và nắm bắt được nội dung học tập chuyên ngành. Trong quá trình tổ chức giảng dạy, giáo viên luôn lấy người học làm trung tâm, kịp thời cập nhật các văn bản nghiệp vụ và pháp luật có liên quan đến nội dung bài học.
Về hệ thống ngân hàng câu hỏi thi: Hệ thống ngân hàng câu hỏi thi do Khoa Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp xây dựng phục vụ đánh giá kiểm tra, thi kết thúc môn học, thi tốt nghiệp được xây dựng đầy đủ và ban hành theo đúng quy định của nhà trường. Khoa Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp đã đa dạng hóa các hình thức thi nhằm đánh giá một cách khách quan, chính xác kết quả học tập của học viên. Hiện tại, trong tổng số 09 môn học do Khoa Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp giảng dạy có 01 môn thi tự luận, 01 vấn đáp, 01 thực hành và 06 môn thi bằng hình thức vấn đáp kết hợp thực hành.
Về cơ sở vật chất, điều kiện đảm bảo hoạt động dạy học: Trong những năm qua, Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường luôn quan tâm, tạo điều kiện trang cấp vật chất, các loại vũ khí, phương tiện phục vụ công tác giảng dạy chuyên ngành Bảo vệ mục tiêu của Khoa Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp. Đồng thời tập thể giáo viên Khoa đã khắc phục những khó khăn về thao trường, bãi tập, điều kiện thời tiết… để hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ huấn luyện thực hành theo chương trình, kế hoạch đào tạo.
Giáo viên Khoa Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp trong giờ huấn luyện thực hành cho học viên chuyên ngành.
Về công tác phối hợp với các đơn vị chức năng trong quá trình tổ chức giảng dạy. Trong những năm qua, được quan tâm chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường, Khoa Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp đã thực hiện đồng bộ quan hệ phối hợp với các đơn vị có liên quan. Khoa đã chủ động tham mưu, phối hợp cho các đơn vị chức năng như Phòng Quản lý đào tạo trong việc sắp xếp lịch học, lịch thi đảm bảo phù hợp với tiến độ và điều kiện thời tiết; phối hợp với Phòng Khảo thí và đảm bảo chất lượng đào tạo trong việc xây dựng ngân hàng câu hỏi, đề thi kết thúc môn học đảm bảo chất lượng và đúng quy chế; phối hợp với Phòng Hậu cần trong việc trang cấp, mượn các vật chất phục vụ dạy học; phối hợp với Phòng Quản lý học viên, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm lớp trong việc quản lý giờ tự học, tự rèn của học viên.
Giáo viên Khoa Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp tổ chức tập huấn bắn súng MP5 cho học viên lớp Phương án 06
Quá trình tổ chức giảng dạy học viên chuyên ngành Bảo vệ mục tiêu của Khoa Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn một số khó khăn hạn chế. Để nâng cao hiệu quả công tác tổ chức giảng dạy trong thời gian tới, Khoa Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp cần làm tốt một số nội dung sau:
Một là, Khoa Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp tham mưu cho Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường, các đơn vị chức năng có kế hoạch xây dựng, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ giáo viên của đơn vị, đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ đào tạo học viên chuyên ngành Bảo vệ mục tiêu trong thời gian tới.
Khoa Cảnh sát bảo vệ và Hỗ trợ tư pháp xây dựng kế hoạch bồi dưỡng hàng năm cho cán bộ, giáo viên của đơn vị. Tích cực tham gia các đợt tập huấn nghiệp vụ chuyên ngành do Bộ Công an và Nhà trường tổ chức. Tiếp tục cử giáo viên đi nghiên cứu thực tế, luân chuyển có thời hạn tại Công an các đơn vị địa phương nhằm kịp thời cập nhật kiến thức thực tiễn, bổ sung hồ sơ giáo án bài giảng.
Hai là, Khoa Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp tiếp tục tổ chức giảng dạy học viên theo đúng quy định, kế hoạch chung của nhà trường. Ngoài ra, quá trình tổ chức giảng dạy còn cần đặc biệt chú ý đến vấn đề an toàn trong tập luyện, thi cử, giáo viên và học viên phải chấp hành nghiêm túc các quy trình như: Quy trình đảm bảo an toàn trong dạy học, kiểm tra, thi nội dung bơi vũ trang của Khoa Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp, quy trình đảm bảo an toàn khi bắn súng theo quy trình chung của Nhà trường…
Ba là, Khoa Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp cần làm tốt hơn nữa công tác phối hợp với các đơn vị chức năng có liên quan ở trong và ngoài trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I. Đối với các đơn vị chức năng có liên quan trong nhà trường (Phòng Quản lý đào tạo, Phòng Khảo thí và đảm bảo chất lượng đào tạo, Phòng Hậu cần, Phòng Quản lý học viên…), Khoa Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp căn cứ vào điều kiện thực tế chủ động tham mưu phối hợp trong công tác tổ chức đào tạo chuyên ngành Bảo vệ mục tiêu như: Giáo trình, tài liệu dạy học, các điều kiện đảm bảo, công tác hậu cần, tự học, tự nghiên cứu.
Đối với các đơn vị ngoài trường: Khoa Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp tham mưu Ban Giám hiệu nhà trường, lãnh đạo các đơn vị có liên quan xây dựng quy chế phối hợp giữa Khoa với với các đơn vị có liên quan đến công tác giảng dạy chuyên ngành Bảo vệ mục tiêu như: Trung đoàn Cảnh sát đặc nhiệm, Cơ động, Tiểu đoàn Cảnh sát bảo vệ hàng đặc biệt. Quy chế phối hợp cần quy định rõ chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và trách nhiệm của các đơn vị, trong đó cần tập trung vào những nội dung chính như: Công tác thỉnh giảng, thực tế, thực tập môn học, thực tập tốt nghiệp, giáo trình, tài liệu dạy học…
Bài: Hoàng Dương - Khoa Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp
Biên tập: Minh Quyết - Phòng HCTH