Thứ Tư, 20/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Tuyển sinh theo nhóm trường, cơ hội của thí sinh được mở rộng hơn

Họp báo Đề án tuyển sinh theo nhóm trường.

Hiện tại, nhóm GX có 10 trường ĐH tham gia, bao gồm: Trường ĐH Bách khoa Hà Nội; Trường ĐH Kinh tế quốc dân; Trường ĐH Xây dựng; Trường ĐH Ngoại thương; Trường ĐH Thủy lợi; Trường ĐH Giao thông vận tải; Trường ĐH Mỏ - Địa chất; Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội; Học viện Ngân Hàng; Trường ĐH Công nghệ Giao thông vận tải.

Tại buổi họp báo, đại diện nhóm GX, PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết: Đề án tự chủ tuyển sinh theo nhóm trường GX là cơ sở để thực hiện một phương thức xét tuyển chung dựa trên kết quả thi THPT quốc gia năm 2016 với sự cam kết tham gia của một số trường đại học.

Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đảm nhiệm vai trò là Trường chủ trì thực hiện đề án. Phương thức tuyển sinh theo nhóm được xây dựng trên cơ sở tuân thủ chặt chẽ Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2016 và đề cao trách nhiệm của các trường đối với thí sinh và xã hội trong công tác tuyển sinh.

Phương thức tuyển sinh của nhóm GX tuân thủ theo một số nguyên tắc chung: Sử dụng duy nhất kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển, sử dụng chung một phần mềm xét tuyển do Trường chủ trì chịu trách nhiệm quản lý, áp dụng chung cách tính Điểm xét và cách thức xét tuyển giữa các nguyện vọng ngành/nhóm ngành theo thứ tự ưu tiên trong Phiếu đăng ký xét tuyển (ĐKXT) và áp dụng thống nhất chế độ ưu tiên trong tuyển sinh theo Quy chế tuyển sinh hiện hành. Tùy theo tình hình tuyển sinh của các trường, phương thức xét tuyển này tiếp tục được thực hiện cho các đợt xét tuyển bổ sung theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

Thí sinh có thể ĐKXT tại một trường bất kỳ thuộc nhóm

Giải thích rõ về phương thức tuyển sinh theo nhóm, PGS Trần Văn Tớp nhấn mạnh: Theo phương án tuyển sinh nhóm trường, ngoài 2 hình thức ĐKXT do Bộ GD&ĐT quy định (đăng ký trực tuyến hoặc gửi phiếu ĐKXT đến địa chỉ của trường nguyện vọng 1 qua đường bưu điện), thí sinh có thể nộp trực tiếp phiếu ĐKXT tại một trường bất kỳ thuộc nhóm.

Có nghĩa là, thí sinh đăng ký xét tuyển vào Trường ĐH Thủy lợi hoàn toàn có thể đến Trường ĐH Bách khoa để làm thủ tục. Để thực hiện điều này, các trường phải cùng nhau giải quyết các vấn đề kỹ thuật, phềm mềm xét tuyển nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh.

“Hiện chúng tôi đang đề xuất Bộ GD&ĐT cho thành lập một Ban chỉ đạo vì bản thân Trường ĐH Bách khoa không thể đứng ra thành lập Ban chỉ đạo này. Ngay sau khi Bộ GD&ĐT có quyết định công nhận Ban chỉ đạo tuyển sinh theo nhóm trường, tất cả cán bộ kỹ thuật của các trường trong nhóm sẽ cùng bàn để giải quyết các khó khăn chúng tôi đã tiên lượng trong các kỳ họp trước. Tuy nhiên, tôi có thể khẳng định khó khăn không lớn, chỉ đơn thuần về mặt kỹ thuật để xử lý thông tin, không ảnh hưởng gì đến thí sinh. Với quyết tâm của các trường, chúng tôi tin tưởng chắc chắn khó khăn này không là trở ngại” – PGS Trần Văn Tớp bày tỏ.

PGS Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục
(Bộ GD&ĐT)

Ngoài ra, PGS Trần Văn Tớp cho hay, khi tham gia tuyển sinh theo nhóm trường, cơ hội của thí sinh được mở rộng hơn. Cách tuyển sinh theo nhóm cũng giảm thiểu tình trạng "trúng tuyển ảo" cho các trường tham gia. Thí sinh cũng được hưởng lợi từ điều này vì đã giảm “trúng tuyển ảo” thì chắc chắn số thí sinh “trượt oan” cũng giảm theo.

Giải đáp thắc mắc khi các trường ĐH ngoài công lập muốn tham gia vào nhóm GX, PGS.TS Nguyễn Quang Kim, Hiệu trưởng Trường ĐH Kim Thủy lợi chia sẻ, những trường nào tự nguyện và chấp hành quy tắc là vào. Các trường vào nhóm đều phải tính có lợi thì mới vào.

“Theo tôi, các trường vốn dĩ chỉ xét điểm trúng tuyển bằng ngưỡng đảm bảo chất lượng thì vào nhóm chưa chắc đã có lợi. Cũng như trường ĐH Thủy lợi, chỉ có các ngành truyền thống khi xét trong nhóm mới có ưu thế, còn những ngành tương tự nhau có thể ưu thế thuộc về các trường khác. Tuy nhiên, khi ở trong nhóm, chúng tôi đón luôn được thí sinh không trúng tuyển ở các trường thuộc top trên, và lợi nhất là không bị thí sinh ảo” – PGS.TS Nguyễn Quang Kim cho hay.

Thí sinh sẽ bị thiệt nếu ĐKXT gian lận

Trước lo ngại rằng, một thí sinh có thể đăng ký 4 nguyện vọng ở các trường trong nhóm, đồng thời dùng phiếu đăng ký theo quy định của Bộ GD&ĐT để đăng ký 4 nguyện vọng ở các trường ngoài nhóm, PGS Nguyễn Quang Kim cho hay, thí sinh có thể gian lận trong chuyện này, nhưng việc này nằm ngoài kiểm soát của nhóm trưởng.

“Tôi nghĩ, Bộ GD&ĐT cần phải có chế tài đặc biệt trong chuyện không trung thực này của thí sinh” – PGS Nguyễn Quang Kim kiến nghị.

Về vấn đề này, PGS Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết: Trường hợp thí sinh gian lận nộp vào 4 trường thì phần mềm xét tuyển chỉ nhập 2 trường thôi, như thế chắc chắn thí sinh sẽ bị thiệt.

“Khi thành lập nhóm tuyển sinh, phần mềm của Bộ sẽ điều chỉnh được và có khống chế được. Thí sinh không nên gian dối vì làm như vậy các em sẽ đánh mất cơ hội của mình”. – PGS Trần Văn Nghĩa nhấn mạnh.

Được biết, nhóm GX tiếp tục “kết nạp” theo các trường ĐH khác tham gia trên cơ sở tự nguyện và chấp thuận Đề án đã được Bộ GD&ĐT đồng ý. Thời hạn các trường đăng ký tham gia nhóm GX trước ngày 22/4/2016.

Trích nguồn: Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam
Biên tập: Mai Loan, Trung tâm TTKH&TLGK

 

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi