Công nhận trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia tại TP Hồ Chí Minh hiện đang gặp khó khăn do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân rất khó đạt liên quan đến yêu cầu về chuẩn trình độ đào tạo giáo viên (GV). “Xây dựng trường chuẩn quốc gia cũng quan trọng nhưng việc đảm bảo cho tất cả trẻ em trong độ tuổi đến trường mới là điều quan trọng nhất!”, lãnh đạo Sở GD-ĐT thành phố bày tỏ quan điểm.
55% giáo viên trong trường phải là thạc sĩ?
Tại một số địa phương vùng ven của TP Hồ Chí Minh như Thủ Đức, Bình Tân, Tân Phú và quận 12, từ nhiều năm nay đã phải chịu áp lực rất lớn về sĩ số học sinh (HS) trên một lớp. Nhiều trường phải chấp nhận tình trạng trên 50 HS/lớp. Mọi diện tích sân chơi, bãi tập, diện tích nhà đa năng đều phải tinh giản tối thiểu dành ưu tiên cho phòng học. Thậm chí, năm học 2020-2021, ở quận 12 và Bình Tân đã phải “phá chuẩn” tại một số trường để giải quyết chỗ học cho HS.
Theo Luật Giáo dục 2019, Thông tư 28 quy định trình độ chuẩn của GV tiểu học là có bằng Cử nhân đào tạo GV tiểu học hoặc bằng Cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm giáo dục tiểu học.
|
Nhiều trường chuẩn quốc gia thực tế đã phải phá “chuẩn” khi đánh giá lại theo các thông tư, nghị định mới. Ảnh: minh họa
|
Trước đó, Thông tư 17/2018/TT-BGDĐT quy định về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường tiểu học mà Bộ GD-ĐT ban hành năm 2018, quy định trường tiểu học được công nhận đạt chuẩn quốc gia khi đạt kiểm định chất lượng giáo dục và có kết quả đánh giá ngoài đạt từ mức độ 2 trở lên. Để trường tiểu học được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, yêu cầu đối với GV phải đạt là: Tỷ lệ GV đạt trên chuẩn trình độ đào tạo đạt ít nhất 55%, đối với các trường thuộc vùng khó khăn đạt ít nhất 40%; Mức độ 2: tỷ lệ GV đạt trên chuẩn trình độ đào tạo đạt ít nhất 65%, đối với các trường thuộc vùng khó khăn đạt ít nhất 50%. Điều này có nghĩa là một trong những tiêu chí để trường tiểu học được công nhận chuẩn quốc gia phải có ít nhất 55% GV đạt trình độ từ thạc sĩ trở lên.
Căn cứ vào tình hình thực tế khi hiện tại các cơ sở giáo dục tiểu học đang phải rà soát để nâng chuẩn trình độ đại học GV theo Luật Giáo dục 2019, nhiều ý kiến của các nhà quản lý tại TP Hồ Chí Minh cho rằng, việc phát triển GV đạt trên chuẩn đào tạo tương đương với trình độ từ thạc sĩ trở lên là điều rất khó khăn và cần phải có một lộ trình cụ thể.
Rất khó thực thi
Trong khi đó, ngay từ Thông tư 13/2020/TT-BGDĐT quy định về tiêu chuẩn cơ sở vật chất cơ sở giáo dục (từ mầm non đến THPT) chỉ rõ, đối với trường tiểu học, diện tích trường học tại các khu vực trung tâm đô thị có quỹ đất hạn chế thì phải đạt tối thiểu 8m2/HS. Tiêu chuẩn cơ sở vật chất tối thiểu của trường tiểu học ngoài phòng học phải đảm bảo có các phòng bộ môn, bao gồm: Âm nhạc, mỹ thuật, khoa học - công nghệ, tin học, ngoại ngữ, phòng đa chức năng. Bên cạnh đó phải có các khối phòng hỗ trợ học tập như: Thư viện, phòng thiết bị giáo dục, phòng tư vấn học đường… Ngoài ra, theo tiêu chuẩn cơ sở vật chất với phòng học bộ môn tin học, ngoại ngữ, đa chức năng... diện tích làm việc tối thiểu là 1,5m2/HS.
Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, các cơ sở giáo dục tiểu học khi tiến hành xây dựng chuẩn quốc gia, đánh giá lại chuẩn quốc gia phải căn cứ vào các quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất nêu trên.
Được biết, tại quận 1, tính đến thời điểm hiện tại chỉ có duy nhất Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học được công nhận là trường đạt chuẩn quốc gia (công nhận trước thời điểm Luật Giáo dục 2019 và điều lệ trường tiểu học). Theo lộ trình năm học 2020-2021, quận 1 sẽ tiếp tục xây dựng Trường Tiểu học Phan Văn Trị chuẩn quốc gia.
Tuy nhiên, căn cứ theo các thông tư, điều lệ mới, cô Nguyễn Thị Hồng Yến, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, trường đang “vướng” quy định về diện tích và quy định về trên chuẩn trình độ GV. Đặc biệt, với quy định tối thiểu 8m2/HS thì rất khó đạt. Còn toàn trường đang có 36 GV, trong đó đạt chuẩn ĐH là 29 GV, 7 GV đang trong lộ trình nâng chuẩn. Nếu 55% thạc sĩ tương đương khoảng 20 GV thì rất khó để đạt được.
Ngay ở quận trung tâm nhất của thành phố mà còn khó khăn như vậy, thử hỏi các trường vùng ven hoặc các huyện ngoại thành sẽ còn khó đáp ứng các điều kiện chuẩn quốc gia cỡ nào! Không ít cán bộ quản lý cho rằng, Bộ GD-ĐT cần phải điều chỉnh lại thông tư kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục tiểu học cho phù hợp với Luật Giáo dục 2019 cũng như nhiều thông tư, điều lệ mới.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh trong một cuộc họp gần đây đã nhận định, trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Sở GD-ĐT thành phố vừa qua cũng đã “bỏ” luôn chuẩn quốc gia. Trong bối cảnh sĩ số HS ngày càng gia tăng, đặc biệt là các quận, huyện vùng ven thì việc đầu tiên quan trọng nhất là phải đảm bảo chỗ học cho HS, vấn đề “giữ chuẩn” phải đứng sau.
“Xây dựng trường chuẩn quốc gia cũng quan trọng, nhưng chúng tôi cho rằng, việc đảm bảo cho tất cả trẻ em trong độ tuổi đến trường mới là điều quan trọng nhất!”, ông Hiếu nói.
Nguồn: Báo CAND