Thứ Tư, 20/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Thí sinh không được thay đổi nguyện vọng sau khi nộp phiếu ĐKXT

Hai cách thức tổ chức xét tuyển

Trong Thông tư sửa đổi quy chế kỳ thi THPT quốc gia ban hành ngày 14/3, Bộ GD&ĐT đã quy định cách thức xét tuyển cho các phương án xét tuyển khác nhau (sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia, tổ chức tuyển sinh theo nhóm) của các trường ĐH.

 Cụ thể:

Các trường tổ chức xét tuyển đối với những thí sinh đăng ký sử dụng kết quả Kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển ĐH, CĐ sẽ công bố phương thức tiếp nhận ĐKXT và phí dự tuyển.

Thí sinh có thể nộp ĐKXT và phí dự tuyển trực tuyến, hoặc qua đường bưu điện theo hình thức thư chuyển phát nhanh. Trường có thể quy định thêm phương thức tiếp nhận ĐKXT và phí dự tuyển của thí sinh phù hợp với điều kiện thực tế của trường, nhưng không gây khó khăn, tốn kém cho thí sinh.

Điểm xét tuyển là tổng điểm các môn thi theo từng tổ hợp xét tuyển và được làm tròn đến 0,25.

Căn cứ ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào do Bộ GD&ĐT quy định, các trường công bố quy định xét tuyển vào các ngành của trường và tổ chức xét tuyển theo lịch của Bộ GD&ĐT.

Căn cứ chỉ tiêu tuyển sinh của trường và số thí sinh được tuyển thẳng (kể cả số học sinh dự bị của trường; học sinh các trường dự bị ĐH được giao về trường), hội đồng tuyển sinh trường xem xét, quyết định phương án điểm trúng tuyển.

Cập nhật dữ liệu ĐKXT lên hệ thống quản lý dữ liệu tuyển sinh quốc gia; kết thúc mỗi đợt xét tuyển, công bố trên trang thông tin điện tử của trường và các phương tiện thông tin đại chúng điểm trúng tuyển và danh sách thí sinh trúng tuyển đồng thời báo cáo về Bộ GD&ĐT.

Đối với các trường ĐH, CĐ, các trường thành viên của ĐHQG, ĐH vùng nếu tổ chức xét tuyển theo nhóm trường, mỗi nhóm cần xây dựng đề án tự chủ tuyển sinh đáp ứng các yêu cầu của Quy chế này.

Ngoài ra, đề án cần tuyển sinh theo nhóm trường cần quy định rõ: Trách nhiệm, quyền hạn của các trường trong nhóm; phương thức đăng ký và xét tuyển nguyện vọng ưu tiên của thí sinh vào các trường trong nhóm.

Mỗi đợt xét tuyển không nộp quá 2 ngành/trường

Đăng kí xét tuyển đợt I: Thí sinh chỉ được ĐKXT tối đa vào 2 trường, mỗi trường không quá 2 ngành; thí sinh không được thay đổi nguyện vọng vào trường, ngành đã đăng ký trong đợt xét tuyển.

Đăng kí xét tuyển các đợt bổ sung: Thí sinh được ĐKXT tối đa vào 3 trường, mỗi trường không quá 2 ngành; thí sinh không được thay đổi nguyện vọng vào trường, ngành đã đăng ký trong từng đợt xét tuyển.

Thí sinh ĐKXT vào các trường xét tuyển theo nhóm trường có thể đăng ký vào nhiều trường trong nhóm. Số ngành đăng ký tối đa trong mỗi đợt xét tuyển không quá 2 trường/đợt và 2 ngành/trường.

Thí sinh trúng tuyển phải nộp bản chính giấy chứng nhận kết quả thi (có chữ kí của chủ tịch hội đồng thi và đóng dấu đỏ của trường chủ trì cụm thi) cho trường có nguyện vọng học trong thời hạn quy định của mỗi đợt xét tuyển.

Thí sinh có thể bị buộc thôi học nếu khai sai thông tin

Thời gian ĐKXT bắt đầu từ ngày 1/8 đến hết ngày 20/10 đối với hệ ĐH và đến hết ngày 15/11 đối với hệ CĐ.

Thí sinh phải chịu trách nhiệm về tính xác thực của các thông tin trong phiếu ĐKXT và phiếu đăng ký dự thi. Các trường có quyền từ chối tiếp nhận hoặc buộc thôi học nếu thí sinh không đảm bảo các điều kiện trúng tuyển khi đối chiếu thông tin trong phiếu ĐKXT và dữ liệu đăng ký dự thi với hồ sơ gốc.

Đối với trường sử dụng phương án xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT, điểm trung bình của từng môn học trong tổ hợp các môn dùng để xét tuyển hoặc điểm trung bình chung của các môn học dùng để xét tuyển không nhỏ hơn 6,0 đối với hệ ĐH (theo thang điểm 10). 

Đối với hệ CĐ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào là tốt nghiệp THPT.

Trường hợp sử dụng kết quả học tập ở THPT để xét tuyển, điểm ưu tiên chỉ được cộng để xét tuyển sau khi thí sinh đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào.

Trích nguồn: Báo điện tử Chính phủ
Biên tập: Mai Loan, Trung tâm TTKH&TLGK

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi