Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục- Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa hoàn thiện dự thảo quy chế thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia và dự thảo quy chế tuyển sinh đại học (ĐH), Cao đẳng (CĐ) chính quy năm 2016 để lấy ý kiến các đơn vị liên quan trước khi ban hành.
Theo đó, về cơ bản vẫn giữ ổn định như năm 2015, nhưng sẽ điều chỉnh một số nội dung cho phù hợp với thực tiễn và hạn chế những rắc rối phát sinh trong quá trình xét tuyển ĐH, CĐ của kỳ thi trước.
Điều chỉnh chế độ ưu tiên
Về khâu tổ chức thi THPT quốc gia 2016, Bộ GD&ĐT vẫn tiếp tục tổ chức cụm thi tỉnh và cụm thi liên tỉnh như năm 2015 là vẫn duy trì 2 loại cụm thi, một do trường ĐH chủ trì và một do Sở GD&ĐT chủ trì. Các thí sinh ở các vùng giáp ranh giữa các cụm thi được linh hoạt lựa chọn cụm thi thuận tiện; các vùng đặc thù có nhiều khó khăn sẽ xem xét để đặt các điểm thi tạo thuận lợi cho thí sinh.
Học sinh tham gia kỳ thi vào ĐH, CĐ năm 2015.
Về hệ thống phần mềm xét tuyển và cách thức ra đề thi, Bộ GD&ĐT sẽ bổ sung, nâng cấp để hoàn thiện hệ thống phần mềm trên nguyên tắc tăng cường ứng dụng CNTT vào các khâu của kì thi, nhất là ở các khâu đăng ký dự thi và đăng ký xét tuyển, sẵn sàng đáp ứng cho kì thi THPTQG năm 2016 và những năm tiếp theo.
Đặc biệt, Bộ sẽ tăng thêm số lượng các cổng thông tin điện tử nhằm công bố kết quả thi để tạo thuận lợi cho thí sinh, khắc phục tình trạng nghẽn mạng như năm 2015. Đề thi tiếp tục được ra theo hướng đánh giá năng lực, có độ phân hóa tốt hơn để đánh giá khách quan năng lực thí sinh, đáp ứng cả 2 mục tiêu của kì thi là vừa thi tốt nghiệp, vừa xét tuyển vào ĐH, CĐ.
Về chế độ ưu tiên, Bộ GD&ĐT cũng sẽ điều chỉnh chế độ ưu tiên cho phù hợp với các quy định hiện hành và thực tiễn. Đáng chú ý, thí sinh thuộc đối tượng ưu tiên quy định tại điểm b, khoản 4, điều 7 là học sinh có hộ khẩu thường trú tại các xã khu vực I, II, III thuộc vùng dân tộc và miền núi; các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của Chương trình 135... sẽ được bãi bỏ do không còn phù hợp với điều kiện hiện nay. Ngoài ra, dự thảo cũng đưa ra 2 khung điểm ưu tiên với đối tượng và khu vực để thảo luận.
Trong đó, phương án 1: Mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa 2 nhóm đối tượng kế tiếp là 1,0 điểm; giữa hai khu vực liền kề là 0,5 điểm. Phương án 2: Mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa 2 nhóm đối tượng kế tiếp là 0,5 điểm; giữa hai khu vực liền kề là 0,25 điểm. Trong 2 phương án trên, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục đề nghị giữ nguyên (khoảng cách 1,0 và 0,5 điểm) vì nếu giảm theo phương án mới (0,5 và 0,25 điểm) sẽ khó khăn nguồn tuyển cho các trường thuộc vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ.
Việc tính khu vực (KV) tuyển sinh cũng được đưa ra quy định rõ ràng hơn là: KV2 gồm các thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh; các huyện ngoại thành của thành phố trực thuộc Trung ương (trừ các xã thuộc KV1). Việc điều chỉnh trên nhằm không gây hiểu nhầm khi một số địa phương cho rằng thị xã của thành phố trực thuộc Trung ương là KV2, còn thị xã trực thuộc tỉnh lại thuộc KV2-Nông thôn như đã từng xảy ra trong năm 2015 khiến nhiều thí sinh từ “đỗ” thành “trượt” do khai sai khu vực ưu tiên.
Mỗi đợt xét tuyển chỉ còn 7 ngày
Về công tác xét tuyển vào ĐH, CĐ, năm 2016, công tác tuyển sinh ĐH, CĐ vẫn dựa trên kết quả thi THPT quốc gia. Tuy nhiên, sẽ có một số điều chỉnh trên cơ sở rút kinh nghiệm công tác tuyển sinh năm 2015 theo hướng tăng quyền chủ động cho các nhà trường.
Dự kiến sau khi có kết quả thi, các trường ĐH, CĐ tự chủ tổ chức tuyển sinh. Bộ GDĐT quy định thời gian bắt đầu và thời gian báo cáo kết quả tuyển sinh; quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào; thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm.
Đồng thời, Bộ GD&ĐT cũng đưa ra dự thảo quy định các đợt xét tuyển trên cơ sở các mức điểm khác nhau của thí sinh theo thứ tự từ cao xuống thấp để giảm rủi ro cho thí sinh và giảm thí sinh ảo cho các trường, mỗi đợt dự kiến từ 5-7 ngày thay vì 2 tuần như năm 2015.
Các cơ sở đào tạo có thể quy định hình thức, điều kiện, thời gian đăng ký xét tuyển của thí sinh; các nhóm trường (đặc biệt là nhóm khoảng 30 trường ĐH có sức hút thí sinh mạnh mẽ nhất năm 2015) có thể tự nguyện phối hợp với nhau thực hiện tuyển sinh bằng phần mềm xét tuyển và cơ sở dữ liệu thí sinh đăng ký chung vào nhóm trường này để giảm ảo, tạo thuận lợi cho cả thí sinh và nhà trường.
Thí sinh căn cứ kết quả thi của mình và quy định của cơ sở đào tạo để đăng ký xét tuyển trực tuyến qua mạng, qua bưu điện, tại trường THPT của Sở GD&ĐT hoặc tại trường thay vì phải đến tận trường nộp hồ sơ trực tiếp. Các trường thực hiện phương án tuyển sinh riêng tiếp tục xây dựng đề án tự chủ tuyển sinh theo quy định của Quy chế tuyển sinh hiện hành.
Ngoài ra, trong việc lựa chọn tổ hợp môn xét tuyển ngoài việc yêu cầu duy trì các tổ hợp môn như năm 2015, với những trường sử dụng nhiều tổ hợp môn thi để xét tuyển một ngành phải công bố mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các tổ hợp hoặc quy định chỉ tiêu cho từng tổ hợp và bỏ quy định giữ 75% chỉ tiêu cho ngành, nhóm ngành truyền thống.
Trích nguồn: Báo CAND Online
Biên tập: Mai Loan, Trung tâm TTKH&TLGK